Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 11/02/2006 16:26 (GMT+7)

Những đánh giá về Lê Văn Duyệt

Trong bản tham luận này, để tiện cho việc trình bày, chúng tôi tạm phân chia việc đánh giá Lê Văn Duyệt qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn từ 1813 đến 1884.

- Giai đoạn từ 1885 đến 1954.

- Giai đoạn từ 1954 đến nay.

I. Các tác giả từ 1813 đến 1884 nhận định về Lê Văn Duyệt

Bộ sách đầu tiên ghi chép tương đối kỹ về tiểu sử, hành trạng, sự nghiệp của Lê Văn Duyệt là bộ chính sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục(ở hai kỳ: Gia Long (1802 – 1819); và Minh Mạng (1820 – 1840) (4).

Đọc bộ sử triều Nguyễn này, chúng ta có thể nhận thức được công lao của Lê Văn Duyệt đối với vùng đất phía Nam trên nhiều phương diện: từ việc trấn giữ bờ cõi phía Nam Tổ quốc đến việc tổ chức đào kênh Vĩnh Tế, khuyến khích dân chúng khẩn hoang, mở rộng đất canh tác nông nghiệp; từ việc khéo dùng người hiền tài đến chính sách đối với Ky Tô giáo hợp lòng dân; từ việc đối xử với các tội phám biết ăn năn, hối cải đến chính sách đối ngoại vừa khôn khéo, mềm dẻo vừa cương quyết… Bộ Đại Nam thực lụcnày được coi như bộ sử “Mẹ”, sau này các bộ khoa học sử khác của triều Nguyễn hoặc các tập chuyên khảo về Lê Văn Duyệt của tác giả cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều phải căn cứ vào đó.

Các tác giả đều khẳng định dưới đời vua Gia Long, Lê Văn Duyệt rất được tin cẩn, tin yêu, đồng thời Lê Văn Duyệt cũng rất kính trọng vua Gia Long. Mâu thuẫn giữa ông với triều đình Huế, có chăng khi vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820.

Mặc dù có những mâu thuẫn nhất định giữa hai người nhưng khi cử Lê Văn Duyệt vào chức Tổng trấn Gia Định thành, vua Minh Mạng đã trao cho ông quyền hành rất rộng lớn. Sách Đại Nam thực lụccho biết: “Tháng 5 năm Canh Thìn (1820) lấy Chưởng quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành (thay Nguyễn Văn Nhân – NMT). Phàm truất thăng quan lại, hưởng lợi, trừ hại, tất cả việc thành (bao gồm 5 trấn: Phiên An – Biên Hoà - Định Tường – Vĩnh Thanh – Hà Tiên – NMT) và việc biên cương đều cho tuỳ tiện mà làm. Duyệt bệ từ, Vua cho rằng ký thác công việc biên khốn khó tìm được người, hai ba lần vỗ về yên ủi” (5).

Ngoài bộ Đại Nam thực lục, còn nhiều bộ quốc sử hoặc tư sử khác được viết dưới thời Nguyễn đều có chép về hành trạng của Lê Văn Duyệt mà phần lớn khẳng định công lao của ông đối với triều Nguyễn. Chúng tôi xin dẫn ra đây một số bộ tiêu biểu: Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Minh Mệnh chính yếudo Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn: Khâm định Đại Nam hội điển sư lệdo Nội Các thời Tự Dức biên soạn; Gia Định thành thông chícủa Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825): Quốc sử di biêncủa Phan Túc Trực (1808 – 1852); Quốc triều chánh biên toát yếucủa Cao Xuân Dục (1842 – 1923) và Bản triều bạn nghịchliệt truyện của Kiều Oánh Mậu (1854 – 1912). Do giới hạn của một tham luận khoa học, chúng tôi không thể trình bày tất cả những đánh giá, những nhận định về Lê Văn Duyệt trong các bộ sử nêu trên. Chúng tôi chỉ xin trình bày tóm tắt những ý kiến của sử thần triều Nguyễn thế kỷ XIX về Lê Văn Duyệt trong hai bộ Đại Nam nhất thống chíĐại Nam liệt truyện. Vì theo chúng tôi hai bộ sách này ghi chép những ý kiến đánh giá chính thức về Lê Văn Duyệt của sử gia triều Nguyễn.

Sách Đại Nam nhất thống chílà bộ địa lý học - lịch sử được biên soạn dưới triều Nguyễn vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ở mục “nhân vật” tỉnh Quảng Ngãi, các tác giả chọn Lê Văn Duyệt là một trong những người cần ghi lại công tích và biểu dương sự nghiệp. Đại Nam nhất thống chínhận định về Lê Văn Duyệt như sau: “… Duyệt là người thâm trầm, dữ tợn, chiến đấu giỏi. Vũ công của Duyệt đứng hàng đầu, sau được phong tước Quận công… Sau đó, làm Tổng trấn Gia Định thành, dẹp loạn người Cao Miên là Tăng Kế, sau trông nom đào sông Vĩnh Tế, công việc xong xuôi được ban thưởng hậu…”. (6)

Nhưng chép kỹ lưỡng và tập trung hơn cả về hành trạng của Lê Văn Duyệt là bộ Đại Nam liệt truyện. Khác với Đại Nam thực lúc chép theo thể biên niên, các sự kiện bị cắt rời ra theo từng năm, do đó thiếu sự liền mạch, thể tài kỷ truyện của Đại Nam liệt truyệncho phép chép rõ hơn về hành trạng và việc đánh giá Lê Văn Duyệt của sử thần triều Nguyễn.

Sách Đại Nam liệt truyệnghi lại nhiều nhận định, đánh giá Lê Văn Duyệt của sử thần triều Nguyễn, khiến cho chúng ta có được một cái nhìn khá toàn diện về ông. Sử thần triều Nguyễn nhận xét: “Duyệt là huân cựu đại thần, được dự nhận lời vua Gia Long – NMT) dặn lại, triều đình dựa làm trọng. Nhưng tính táo nóng, suất lược, lúc chầu vua (Minh Mạng – NMT) nói năng nhiều không theo lễ độ” (7).

Đồ án trang trí rồng trên cột lăng

Đồ án trang trí rồng trên cột lăng

Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) mùa đông nhân gặp đại khánh tiết Thuận Thiên Cao hoàng hậu, tức bà họ Trần mẹ đẻ vua Minh Mạng thánh thọ 60 tuổi. Lê Văn Duyệt được về kinh chúc thọ. Sách Đại Nam liệt truyệtcho biết sự biệt đãi của vua Minh Mạng đối với ông. “Duyệt lai kinh chúc hỗ, vua đãi hậu hơn, lúc thoái chầu vua đưa mắt tiễn. Thường nói với TrầnVăn Năng, Tổng Phước Lương rằng: người ta nói Lê Văn Duyệt xuất tích cương lệ, nay trẫm xem ra thì Duyệt trung thuận, nghĩa thờ vua vẫn giữ được, những tính bình nhật cương lệ, đều rửa sạch hết,không ngờ tuổi già lại hay tu tỉnh như thế… Rồi cho Duyệt về thành. Dụ rằng: “Gia Định là trọng trấn Phương Nam, không nên vắng lâu. Ngươi ngày thường vẫn được người Xiêm sợ, nay lại giữ một mặt ấycó thể hùng dũng như hổ báo ở núi. Cũng là thâm ý chế phục người ta vậy”. Duyệt trước sau hai lần làm Tổng trấn, uy danh rất thịnh, người Xiêm sợ. Mỗi khi sứ bộ đi lại tất hỏi: “Lê công mạnh khoẻkhông?” được người ta sợ phục như thế. Duyệt hành quân nghiêm chỉnh và đãi văn viên thường hay khoan dung. Thấy người có tài biện như Nguyễn Hữu Nghi tất suy cử lên, tin không ngờ” (8).

Vào đêm 18 – 5 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Lê Văn Khôi khởi binh tiến vào thành Phiên An giết Bố chánh Bạch Xuân Nguyên, Tổng đốc Nguyễn Văn Quế rồi giữ thành chống lại triều Nguyễn. Sau sự kiện này, vua Minh Mạng từ chỗ căm ghét Lê Văn Khôi đã ghét lây cả Lê Văn Duyệt. Đại Nam liệt truyệnchép: “… Vua mỗi khi coi chầu cùng quần thần bàn việc binh, bèn truy trách tội ấp ủ bọn giặc nuôi thành hoạ thai của Lê Văn Duyệt” (9).

Dụ của Minh Mạng đề ngày 2 – 6 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) cũng ghi rõ: “Nay theo tập tâu của Viện Đô Sát vạch tội cố Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt sinh thời đã nuôi dưỡng che chở bọn phỉ, gây mầm loạn và xin truy thu quan chức, vạch rõ tội danh của Lê Văn Duyệt. Lời tâu rất đúng…” (10).

Sau đó các viên quan phụ trách Nội các là Hà Tông Quyền, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Quýnh cũng dâng sớ tâu rằng: “Duyệt ấp ủ loài giặc gây nên sự biến, nó bao chứa mầm hoạ, không phải là một ngày, nay tìm ra những điều từ trước bày vào chương sớ có hình tích bộ nghịch 6 điều… Vua nghe cho, đến lúc đình thần nghị án dâng lên, chỉ ra những lời nói việc làm bộ nghịch đáng làm tội xử trảm 7 điều… Nay sai Tổng đốc Gia Định đến chỗ mả đắp, san ra làm đất bằng, lại dựng bia đá lên trên, viết khắc to 8 chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” để tỏ tộ danh, khi đã chết và rõ phép nước vào đời sau, cho những đứa quyền gian vạn năm răn sợ” (11).

Nỗi oan khuất này Lê Văn Duyệt phải 13 năm sau mới được cởi bỏ. Vào tháng 3 năm Tự Đức thứ 1 (1848) Đông Các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn dâng sớ lên vua Tự Đức xin sửa oan cho ông. Sách Đại Nam liệt truyệncho biết: “Tờ sớ này vào đến nơi vua cảm lời nói ấy, sai bộ Binh tra hỏi cháu chắt, cho cháu Duyệt là Điển làm chư quân cai đội. Có chiếu rửa sạch tội trước cho Duyệt. Lại truy phục nguyên hàm Thống chế cho Lê Văn Phong (em trai Lê Văn Duyệt – NMT). Con Lê Văn Yêm là Diễn, Minh, còn Lề Văn Tề là Dũng, Hợp đều được bổ dùng” (12).

II. Nhận định của các tác giả từ 1885 đến 1854

Trong tiểu mục này, trước hết chúng tôi quan tâm tới một số tác giả người Pháp sống đồng thời hoặc sau Lê Văn Duyệt một thời gian ngắn như J.B. Chaigneau.

J.B. Chaigneau, người đã từng sống trong triều đình nhà Nguyễn cho đến những năm cuối đầu đời Minh Mạng, chắc chắn đã từng trực tiếp gặp gỡ Lê Văn Duyệt. Trong tác phẩm Souvenirs de Hué(Ký ức Huế) của mình, Chaigneau nhận xét: “Trong số những đại thần thân với người Pháp, chỉ có Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành là dám đương đầu với Minh Mạng và những người thân cận của nhà vua. Lê Văn Duyệt chỉ trích Minh Mạng một cách công khai về việc Minh Mạng đã chà đạp lên đường lối chính trị khôn ngoan và đáng tôn kính của vua cha (tức Gia Long –NMT) và đã đối xử quá bội bạc với những người từng đem lại ngôi báu cho dòng họ mình. Duyệt là người có nghị lực khác thường, có những năng lực đặc biệt của một ông tướng và một nhà chính trị. Mọi người đều gờm sợ Duyệt, nhưng Duyệt lại được dân chúng mến phục do tính thẳng thắn… (13).

Ngoài Chaigneau, còn có những người Pháp sống ở Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XIX, khi mà những hình ảnh về Tổng trấn Lê Văn Duyệt chưa bị phai mờ trong ký ức người dân Nam kỳ như Silvestre chẳng hạn. Silvestre là tác giả cuốn sách L’Empire d’Annam et le peuple annamite(Vương quốc An Nam và dân tộc An Nam) xuất bản tại Paris năm 1899 và bài La Révolte de Khôi(Cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi) đăng trên tập san Revue Indochinesố 7 và 8 in tại Hà Nội năm 1915.

Theo Silvestre thì Lê Văn Duyệt có đủ sức để lật đổ Minh Mạng và thay vào đó một ông vua Nguyễn khác, nhưng Lê Văn Duyệt không hành động như vậy.

Các nhà nghiên cứu viếng mộ Lăng Lê Văn Duyệt

Các nhà nghiên cứu viếng mộ Lăng Lê Văn Duyệt

Và cũng theo Silvestre, trong những năm cuối đời của mình, Lê Văn Duyệt chỉ thừa hành những chỉ dụ của Minh Mạng mà ông thấy có lý và bác bỏ những chỉ dụ mà ông không tán thành, như những chỉdụ sát hại giáo dân và thừa sai. Theo cách giải thích của Silvestre: Lê Văn Duyệt là người có bất bình lớn đối với chính sách cấm đạo của Minh Mạng, nhưng đó là sự bất bình của một người trung thực,không hề gợn ý đồ tranh quyền, thoán đoạn đen tối. Silvestre muốn ghi lại cho hậu thế một Lê Văn Duyệt trong sáng, một người bạn thuỷ chung của nước Pháp, một ân nhân của các viên thừa sai. Dường nhưSilvestre muốn khẳng định rằng: Cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi nổ ra chưa đầy một năm sau khi Lê Văn Duyệt chết hoàn toàn không phải là sự kế tục một mưu đồ lật đổ của Duyệt…

Marcel Gaultier chỉ trong vòng 3 năm đã xuất bản hai tập sách về hai ông vua đầu triều Nguyễn. Đó là cuốn Gia Longxuất bản tại Sài Gòn năm 1933 và cuốn Minh Mạngxuất bản tại Paris năm 1835. Cả hai cuốn sách trên đều có nhiều trang đề cập đến Lê Văn Duyệt. Đặc biệt trong cuốn sách Minh Mạng, M. Gaultier có cả một tiểu mục phân tích về cái chết của Lê Văn Duyệt.

M. Gaultier trong cuốn sách này, thường gọi Lê Văn Duyệt là “Vice Roi” (Phó Vương), mặc dù không chính xác, nhưng qua đó cho ta thấy quyền hành của Lê Văn Duyệt lớn tới mức nào. Là một tác giả Pháp, M. Gaultier chú ý nhiều đến thái độ của Lê Văn Duyệt với Ky Tô giáo. Ông viết: “Khi Lê Văn Duyệt còn sống thì Minh Mạng chấp nhận đường lối của vị Phó Vương, bởi vì đường lối ấy duy trì được sự yên bình trong đất nước, nhưng nhà vua cũng không thể chịu đựng được mà không thấy cay đắng trước sự phát triển của những cộng đồng Thiên chúa giáo mà Lê Văn Duyệt đã khôn khéo dựa vào để cai trị. Minh Mạng chỉ mong khi cơ hội cho phép sẽ lập tức “An Nam hoá” hoàn toàn dân chúng ở Nam kỳ” (14).

Gaultier muốn giải thích rằng Lê Văn Duyệt đã dựa vào một cơ sở khá vứng chắc và rất đáng lo ngại đối với Minh Mạng, đó là cơ sở giáo dân mà chủ yếu là những dòng họ lớn có máu mặt theo Ky Tô giáo.

Vào những thập niên 20, 30 của thế kỷ XX một số tác giả người Việt cho xuất bản một vài cuốn sách về Lê Văn Duyệt. Đó là các cuốn của các tác giả dưới đây:

- Lê Văn Duyệtcủa Lê Văn Phát, Sài Gòn – 1924.

- Lê Văn Duyệtcủa Cao Hải Đễ, Sài Gòn – 1924.

- Việt Nam trung hưng công thần Lê Văn Duyệtcủa Đặng Thúc Liêng, Sài Gòn – 1934.

- Gia Định Tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt- của Ngô Tất Tố, Hà Nội – 1937.

Trong số sách trên, trừ cuốn sách của Ngô Tất Tố khá dày dặn 144 trang khổ vừa còn lại, các cuốn sách khác chỉ viết từ 20 đến 30 trang khảo cứu sơ lược, không có đóng góp gì mới.

Cuốn sách của Ngô Tất Tố được biên soạn trên cơ sở tư liệu rút ra từ Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện. Đáng chú ý là nhận xét dưới đây về Lê Văn Duyệt của Ngô Tất Tố: “Duyệt coi quân nghiêm ngặt, người nào hơi trái quân lệnh tức thì trị tội không hề khoan dung. Vậy mà đối với binh sĩ rất có ân tình, những kẻ đau ốm, bị thương, Duyệt săn sóc cẩn thận. Nhất là những ai chẳng may chết trận, Duyệt rất kính trọng và thương sót.

Tính Duyệt ưa hát bội mà ở Gia Định trước kia chưa có… Khi làm Tổng trấn, Duyệt mới lập ra một gánh hát bội riêng của mình để thỉnh thoảng hát chơi… Nam Kỳ có nghề hát bội là tự bấy giờ” (15).

Ngoài những công trình vừa nêu trên, trong giai đoạn này còn có khá nhiều luận văn khoa học của tác giả người Việt viết bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt đăng trên các tập san, xung quanh cuộc đời Lê Văn Duyệt như:

- La Vie anecdotique de Lê Văn Duyệt(Những giai thoại về cuộc đời Lê Văn Duyệt) của Lê Văn Phát trên tờ Revue Indochine Illustré No 61 – 1932.

- La Recontre(cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Ánh và Lê Văn Duyệt) của V. Nam trên tờ La Tribune Républicaine, No. 56 – 1937.

- Tả quân Lê Văn Duyệtcủa Nhật Nham (Trịnh Như Tấu) trên tờ Tri Tân số 28 – 1941.

- Tả quân Lê Văn Duyệt phải chăng là người Bắc kỳ?của Tiên Đàm (Nguyễn Tường Phượng) trên tờ Tri Tân số 32 – 1942.

- Tả quân Lê Văn Duyệt và Nguyễn Công Trứcủa Vân Thạch trên tờ Tri Tân số 32 – 1942.

- Le Maréchal de Gauche Lê Văn Duyệt(Tả quân Lê Văn Duyệt) của Huỳnh Văn Chinh trên tờ Indochine Illustré No. 95 – 1942…

Trong những luận văn trên, tác giả bằng nhiều cách tiếp cận, nhiều cách đặt vấn đề nhưng đều nhất trí đánh giá Lê Văn Duyệt là một tướng tài của Nguyễn Ánh Gia Long, một người có nhân cách được đông đảo dân chúng và người ngoại quốc như Pháp, Xiêm, Chân Lạp… kính trọng.

III. Nhận định của các tác giả từ năm 1954 đến nay

Giai đoạn này đánh dấu sự thay đổi ý kiến, sự khác nhau trong việc đánh giá hành trạng Lê Văn Duyệt. Có tác giả đứng trên lập trường thân Pháp, ủng hộ việc truyền đạo Ky Tô mà nhìn nhận Lê Văn Duyệt có tác giả đứng trên lập trường dân tộc thuần tuý để đánh giá Lê Văn Duyệt, lại có tác giả dựa hẳn vào lập trường vô sản chống phong kiến nhà Nguyễn để bình xét Lê Văn Duyệt. Dưới đây chúng tôi xin trình bày một vài tác giả tiêu biểu:

Trong tác phẩm Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước 1858, Trần Văn Giàu cho rằng: ý đồ chính trị của Lê Văn Duyệt và phe cánh là muốn thực hiện chủ trương “địa phương phân quyền”, chống lại chế độ trung ương tập quyền khe khắt của Minh Mạng, muốn tách Nam kỳ ra khỏi triều đình Phú Xuân (16).

Trần Văn Giàu cho rằng việc xâm chiếm Chân Lạp là xuất phát từ ý đồ của Lê Văn Duyệt. Ông viết: “Như vậy Lê Văn Duyệt quan niệm rằng muốn bảo vệ Gia Định thì phải đóng quân trên đất Chân Lạp, phải đặt bảo hộ ở Chân Lạp. Nguy cơ chính ở tư tưởng quân phiệt và xâm lăng ấy. Vua Gia Long cho rằng ý kiến của Duyệt là rất phải…” (17).

Ngay việc Lê Văn Duyệt tổ chức đào kênh Vĩnh Tế, cũng được Trần Văn Giàu nhìn nhận nghiêng về ý đố quân sự của triều Nguyễn đối với Chân Lạp, Trần Văn Giàu nhận định: “Việc đào kênh Vĩnh Tế là một trong những bước của Minh Mạng toan phát triển thế lực ở miền Tây Nam. Duyệt động viên 39.000 người Việt, 16.000 người Chân Lạp để đào kinh đó.

Dân tình thán oán, việc đào kênh đình đi, làm lại mấy lượt mới xong” (18).

Từ năm 1954 đến năm 1975, có một số bộ sử Việt Nam được xuất bản như các bộ dưới đây:

- Lịch sử Việt Nam(từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX) của Đào Duy Anh, Hà Nội – 1956.

- Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam(tập 3) của Phan Huy Lê – Chu Thiên – Vương Hoàng Tuyên, Hà Nội – 1960.

- Việt sử tân biêncủa Phạm Văn Sơn, Sài Gòn – 1961 và có thể kể thêm cuốn:

- Kinh tế xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễncủa Nguyễn Thế Anh – Sài Gòn – 1968.

Các bộ sách trên đều có chép về Lê Văn Duyệt, ý kiến đánh giá về Lê Văn Duyệt đều căn cứ vào các bộ sử cũ viết dưới triều Nguyễn, chủ yếu ghi nhận công lao sự nghiệp của ông.

Các tác giả Nguyễn Phan Quang - Đặng Huy Vận – Chu Thiên trong bài: Tìm hiểu một điểm liên quan đến nguyên nhân cuộc bạo động Lê Văn Khôi: Vấn đề Lê Văn Duyệt (19)và Nguyễn Phan Quang trong tác phẩm Cuộc đời binh Lê Văn Khôi ở Gia Định(1833 – 1835) đã coi quan hệ cha con nuôi giữa Lê Văn Duyệt và Lê Văn Khôi là một trong những nguyên nhân nổ ra cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi. Trong cuốn sách của mình, Nguyễn Phan Quang khẳng định: “Cuộc khởi binh Lê Văn Khôi không những có liên quan chặt chẽ về nhiều mặt trực tiếp và sâu xa đến nhân vật Lê Văn Duyệt mà hơn thế nữa: Lê Văn Khôi đã nổi dậy với danh nghĩa là người kế tục ý đồ của Lê Văn Duyệt trước kia” (20).

Ở đây tác giả muốn nói tới ý đồ muốn tách Nam kỳ ra khỏi tầm kiểm soát của triều đình Huế của Lê Văn Duyệt trước đây.

Từ năm 1975 đến nay, có không ít tập sách, bài báo hoặc viết riêng về Lê Văn Duyệt hoặc có nhiều trang, nhiều dòng chép về Lê Văn Duyệt như:

- Một vài nhận định về Lê Văn Duyệtcủa Nguyễn Đổng Chi trên tờ Sài Gòn Giải phóng số ngày 6 – 2 – 1977.

- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Namcủa Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế - Hà Nội – 1991.

- Địa chỉ văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh- Tập I, Lịch sửcủa một nhóm tác giả do Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng … chủ biên – Thành phố Hồ Chí Minh – 1987.

- Lịch sử khẩn hoang miền Namcủa Sơn Nam, Thành phố Hồ Chí Minh 1997.

- Bến Nghé Xưa của Sơn Nam, Thành phố Hồ Chí Minh 1997.

- Lê Văn Duyệt - Từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông- của Hoàng Lại Giang, Hà Nội 1999.

Ở đây chúng tôi xin trình bày kỹ về hai tác giả Nguyễn Đổng Chi và Hoàng Lại Giang, vì đó là hai tác giả có quan điểm trái ngược nhau về Lê Văn Duyệt.

Trong luận văn Một số nhận định về Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đổng Chi đặt vấn đề như sau: “Cho đến gần đây thì ngôi đền và ngôi mộ lộng lẫy của Lê Văn Duyệt ở Bà Chiểu vẫn có đông người đến lễ bái nhất (thời điểm tác giả nói trong bài là mùa xuân năm 1977 – NMT). Thử hỏi con người ấy như thế nào mà được bao nhiêu người không tiếc thì giờ, công, của, cầu, cúng luôn canh. Đã đến lúc tưởng nên đứng trên lập trường của Tổ quốc, của dân tộc, của nhân dân thử đánh giá lại Lê Văn Duyệt”.

Sau đó Nguyễn Đổng Chi vạch ra 5 điểm hạn chế của Lê Văn Duyệt là:

1. Theo lực lượng phản động

2. Đàn áp các cuộc khởi nghĩa

3. Tư cách kém, tính cách tàn bạo

4. Âm mưu với mục đích cá nhân

5. Thân Pháp

Cuối bài, Nguyễn Đổng Chi nhận xét rất nghiêm khắc về Lê Văn Duyệt như sau: “Chừng ấy cũng đủ tố cáo tính chất tối phản động của Lê Văn Duyệt, còn phản động hơn cả bọn vua phản động nhà Nguyễn. Có thể nói những tên thực dân da trắng trên bước đường đi tìm thuộc địa hẳn xoa tay thích thú khi gặp những mẫu người như Duyệt”.

Tháng 8 – 1999, tác giả Hoàng Lai Giang cho ra đời bộ tiểu thuyết lịch sử Lê Văn Duyệt từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông, do Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm viết Lời giới thiệu. Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, song tác giả Hoàng Lai Giang luôn trình bày các sự kiện liên quan tới Lê Văn Duyệt bám sát với các bộ sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lụcĐại Nam liệt truyện.

Chất hư cấu trong bộ tiểu thuyết lịch sử không làm méo đi hình ảnh thực của Lê Văn Duyệt. Đây là một trong vài bộ tiểu thuyết lịch sử rất thành công, khắc hoạ nhân vật lịch sử khá sống động, chân thực của nước ta mấy năm gần đây. Tác giả Hoàng Lại Giang có những cái nhìn mới về Lê Văn Duyệt so với các tác phẩm trước kia viết về ông. Đúng như Giáo sư Đinh Xuân Lâm viết Trong Lời giới thiệu:“Đặc biệt đối với Lê Văn Duyệt, tác giả Hoàng Lại Giang đã chú ý khai thác một số điểm trước đây chưa được chú ý tới đúng mức như các chính sách mở cửa giao thương với bên ngoài, tự do tín ngưỡng, ngoại giao kết hợp biện pháp răn đe cứng rắn với cách xử lý mềm dẻo, trên tinh thần hoà hiếu giữa các dân tộc, đặc biệt là lòng dân hướng về Lê Văn Duyệt” (21).

Chúng ta có thể thấy được chủ ý của tác giả Hoàng Lại Giang ngay trong cái “Titre” của cuốn sách: Lê Văn Duyệt từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông”. Hoàng Lại Giang muốn minh oan cho Lê Văn Duyệt. Tác giả viết: “Không bao giờ gặp kẻ khó mà Lê Văn Duyệt không giúp, không bao giờ gặp bất công mà Lê Văn Duyệt không bảo vệ. Đối với Lê Văn Duyệt huân cựu đại thần và người dân xiêu tán các nơi tới khẩn hoang lập nghiệp đều được tôn trọng như nhau: Đối với Lê Văn Duyệt đám dân bị ức hiếp đói khổ làm giặc, theo man, theo phỉ… biết hối cải đều được ông bao dung, tha thứ.

Lê Văn Duyệt quả ngang ngược. Nhưng trong cái ngang ngược của ông vẫn có điều gì đó đáng kính trọng. Suy cho cùng Lê Văn Duyệt chỉ ngang ngược, quyết liệt với đám nịnh thần, đám quan văn đặt ra những luật lệ, lễ nhạc tâng bốc nhà vua quá đáng. Là vị khai quốc công thần, Lê Văn Duyệt không dễ chịu những áp lực của bọn này. Ông luôn coi thường bọn chúng. Thậm chí có khi ông còn cứng rắn cả với nhà vua nữa. Cái việc ông chặt đầu Huỳnh Công Lý, cha đẻ thứ phi mà Minh Mạng yêu nhất, rồi muối bỏ tráp gửi ra triều đình quả là ngang ngược. Nhưng chưa có một đại thần nào dám kêu oan cho Công Lý” (22). Dường như để khẳng định giá trị văn hoá, giá trị tinh thần của khu Lăng mộ Lê Văn Duyệt trả lời cho điều thắc mắc nêu trên của Nguyễn Đổng Chi, tác giả Hoàng Lại Giang đã khép lại thiên lịch sử về Tả quân Lê Văn Duyệt bằng những nhận định dưới đây: “Nhiều năm đã trôi qua, “Lăng Ông” vẫn sừng sững trên quả đồi hình lưng qui ấy. Ngày hội, ngày lễ, ngày tết, hơn bất kỳ nơi nào ở miền Nam này, “Lăng Ông” là nơi hội tụ đông người đến viếng, đến cầu nguyện cho những oan hồn được thanh thoát, xin “Ông” phù hộ cho họ tránh được mọi tai hoạ và cầu được hưởng phúc lành cho đời đời con cháu” (23).

Qua những điều trình bày trên đây về Lê Văn Duyệt, theo chúng tôi, có thể ghi nhận một số điểm khả thủ của ông đối với dân tộc vào đầu thế kỷ XIX:

1. Trấn giữ vùng biên cương phía Nam:

Kể từ năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh đặt đơn vị hành chính Gia Định, chính thức xác lập vùng đất này vào bản đồ địa lý hành chính nước ta, đến thời Lê Văn Duyệt mới khoảng trên 100 năm.

Vùng đất Sài Gòn – Gia Định bấy giờ còn nhiều hoang hoá, cây cối um tùm, tựu trung là mảnh đất chưa được khai phá thuần thục, Lê Văn Duyệt chính là người góp công rất lớn chiêu mộ dân chúng gắng công thay chua, rửa mặn, tạo nên những cánh đồng phì nhiêu, thôn ấp trù mật, dân số đông đúc.

Vùng đất biên cương phía Nam Tổ quốc này, thời đó luôn luôn chịu sự dòm ngó của quân Xiêm. Thực tế, vào năm 1834, quân Xiêm đã đưa mấy chục vạn quân tiến sang xâm lược Việt Nam, triều Nguyễn phải vất vả lắm mới đẩy lùi được giặc Xiêm. Do vậy, khi ở cương vị Tổng trấn Gia Định thành, Lê Văn Duyệt góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vùng đất phía Nam này.

2. Tổ chức đào kênh Vĩnh Tế:

Đồng bằng sông Cửu Long từ xưa đã là miền đất trù phú, nhưng hàng năm thường xuyên có lũ về, đe doạ tới đời sống dân chúng và tình hình canh tác nông nghiệp nơi đây. Để từng bước cải tạo đồng ruộng và tiêu úng, Lê Văn Duyệt đã đề xuất và tổ chức đào kênh Vĩnh Tế. Lê Văn Duyệt không những huy động nhân công người Việt mà ông còn huy động cả nhân công người Campuchia. Có thể nói kênh đào Vĩnh Tế là kết quả của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, đồng tâm hiệp lực chống lại thiên nhiên, cải tạo điều kiện sống, điều kiện sản xuất cho nhân dân 2 nước ven biên giới Việt – Miên.

3. Có tài cai trị và khéo dùng người:

Lê Văn Duyệt là một nhân vật có tài kinh bang tế thế hiếm có của triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX. Chính sách cai trị của ông thể hiện rất rõ là: Trừng trị rất nặng bọn tham quan, ô lại và vỗ về, chăm lo tới đời sống dân chúng, binh sĩ. Theo lệnh của triều đình nhà Nguyễn, Lê Văn Duyệt buộc phải đem quân đàn áp một vài cuộc nổi dậy ở miền tây Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hoá… sông ông chủ trương dụ hàng là chính chứ không thẳng tay đàn áp. Số người về hàng phần nhiều được chính ông thu nạp, sử dụng. Những nhân tài như Trịnh Hoài Đức, Trương Tấn Bửu… khi làm phó giúp dập ông đều được ông tôn trọng, biệt đãi… Lê Văn Duyệt tỏ ra là người khéo dùng người, đã dùng thì tin tưởng giao trọng trách, không nghi kỵ…

4. Vì sao nhân dân Nam bộ thờ phụng Lê Văn Duyệt:

Từ khi Lê Văn Duyệt mất tới nay đã gần 2 thế kỷ, thời gian đó đủ để nhân dân thẩm xét và đánh giá về hành trạng, tài năng, đức độ và những đóng góp cho dân tộc của Lê Văn Duyệt. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Họ bình xét ai, đều giữ một mực công tâm, khách quan chứ không do một sự thúc ép nào.

Đâu cứ có “Lăng to, mộ đẹp”, thì nhân dân thờ phụng cả? Ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, bên gò Đống Đa nổi tiếng, còn cả một khu lăng mộ Hoàng Cao Khải, từ gần trăm năm nay, hương khói lạnh tanh, nào ai cúng bái? Trên mặt quả đồi nhỏ ven biển tỉnh Quảng Ngãi, mộ Nguyễn Thân còn đó, cỏ úa dãi dầu, gạch đá trơ trọi dưới mưa nắng, dường như người dân nơi đây đã “quên” từ lâu viên quan “bán nước cầu vinh này”.

Lê Hoan, vừa được Pháp cho cai chức Tổng đốc Định Yên (Nam Định – Hưng Yên), đã bị người dân mai mỉa:

Tổng đốc tỉnh Đông hỏi đứa nào?

Thôi thôi lại một lũ Hoàng Cao…

Lê Văn Duyệt được nhân dân Sài Gòn, nhân dân Nam bộ thờ phụng, đó chính là sự đánh giá công bằng về một con người dám làm nhièu việc trái ngược với triều đình Huế, mang lại nhiều điều tốt lành cho họ.

Theo chúng tôi, chỉ điểm qua một vài điều khả thủ trên đây của Lê Văn Duyệt, lẽ nào lại nói ông hành động không vì quyền lợi của dân tộc, không theo chiều phát triển đi lên của lịch sử?!

Cần phải trả lại cho Lê Văn Duyệt những gì mà một nhân vật lịch sử tầm cỡ như ông được hưởng, được ghi nhận.

_____________

1. Sách Đại Nam nhất thống chíđược biên soạn vào cuối thế kỷ XIX xếp ông thuộc vào số những nhân vật của tỉnh Quảng Ngãi.

2. Đại Nam liệt truyện - NXB Thuận Hoá, Huế - 1993 Tập II. Tr. 373.

3. Ẩn cung hình tứcbộ phận sinh dục quá nhỏ và hình như con tằm không thể sinh con được.

4. Xem Đại Nam thực lục chính biên - NXB Khoa học xã hội, các tập từ III đến XI.

5. Đại Nam thực lục - NXB Khoa học - H. 1963, Tập 5, tr. 96, 97.

6. Đại Nam nhất thống chí - Sđd - Tập 2, tr. 444, 445.

7. Đại Nam liệt truyện - Sđd - tập 2, tr. 396.

8. Đại Nam liệt truyện - Sđd - Tập 2, tr. 398.

9. Đại Nam liệt truyện - Sđd - Tập 2, tr. 402.

10. Minh Mạng - Ngư chế văn (Dụ văn)Trung tâm KHXH và NVQG - Viện nghiên cứu Hán Nôm II, 1999, tr. 404.

11 . Đại Nam liệt truyệnSđd - Tập 2, tr. 407, 408.

12. Đại Nam liệt truyệnSđd - Tập 2, tr 413, 414.

13. Michel Đức Chaigneau: Souvenirs de HuéParis - 1867.

14. Marcel Gaultier: Minh Mạng - NXB La rose - Paris - 1935, tr. 109.

15. Ngô Tất Tố: Gia Định Tổng trấn Tả quân Lê Văn DuyệtNhà in Mai Lĩnh xuất bản, H, 1937, trang 141, 142.

16. Tham khảo: Trần Văn Giàu: Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước năm 1858.

17. Trần Văn Giàu - Sđd - tr. 102.

18. Trần Văn Giàu - Sđd - tr. 107.

19. Xem Nguyễn Phan Quang - Đặng Huy Viện - Chu Thiên: Tìm hiểu một điểm liên quan đến nguyên nhân cuộc bạo động Lê Văn Khôi: Vấn đề Lê Văn Duyệt - Nghiên cứu lịch sử số 105 tháng 12 - 1967.

20. Nguyễn Phan Quang: Cuộc khởi binh Lê Văn Khôi ở Gia Định(1833 - 1835) - NXB TP Hồ Chí Minh - 1991. tr. 53.

21. Hoàng Lại Giang - Lê Văn Duyệt từ nấm mồ oan nghiệt đến Lăng Ông– NXB Văn hoá - Thông tin II - 1999.

22. Hoàng Lại Giang - Sđd - trang 248, 249.

23. Hoàng Lại Giang - Sđd - tr. 315.

Nguồn: Xưa và Nay, số 78B tháng 8/2000

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.