Những công trình khoa học đi liền với phát triển nông nghiệp-nông thôn
Nhắc tới Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là nhắc tới một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên đặt nền móng cho ngành nông nghiệp nước nhà. Ông cũng là người nổi tiếng bởi khả năng làm việc không biết mệt mỏi, là tác giả của 30 đầu sách cùng 300 công trình nghiên cứu khoa học. Và công trình “Cơ sở khoa học của sự phát triển nông nghiệp và nông thôn lưu vực sông Hồng” của ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005. Công trình này bao gồm: Thâm canh năng suất lúa; Đa dạng hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; Phát triển kinh tế hộ nông dân, kinh tế thị trường và thể chế nông thôn.
Nỗ lực cho việc nghiên cứu thâm canh, tăng năng suất lúa
Những ngày tháng đầu tiên ông bắt tay vào nghiên cứu công trình này là thời kỳ miền Bắc mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, kinh tế nghèo nàn và nông nghiệp lạc hậu. Thời gian này nông dân vẫn sử dụng những bộ giống lúa truyền thống cao cây dài ngày và hễ cứ bón phân nhiều là lốp, đổ cây không thâm canh được, năng suất rất thấp chỉ 10-12 tạ/ha. Thế là ông quyết tâm nghiên cứu sinh lý của hiện tượng lốp đổ để tìm biện pháp khắc phục, xây dựng quy trình kỹ thuật tăng năng suất các giống lúa cao cây. Ông cũng là người đầu tiên đề xuất biện pháp bón phân cho mạ và phương pháp biến lân thành đạm qua việc bón lân cho bèo hoa dâu và điền thanh. Sau thành công của công trình nghiên cứu bệnh vàng lụi phá hoại lúa và dập tắt được bệnh này, ông đã tạo được 2 giống lúa chịu bệnh vàng lụi là I1 và A10.
Một trong những phương châm trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học của ông là phải đi thực tế, lặn lội cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con nông dân. Cũng chính nhờ những ngày tháng “ba cùng” ấy ông đã nghiên cứu, tìm ra quy luật và tổng kết đúc rút thành công trình “Cơ sở sinh lý của ruộng lúa năng suất cao”. Ông đã áp dụng các phương pháp sinh lý để chọn ra 5 giống lúa NN 75-10, CN2, V14, V15, CR 203 là các giống lúa thấp cây năng suất cao đầu tiên của nước ta, chịu đựng các điều kiện sinh thái khó khăn và chịu sâu bệnh. Các giống này đã được phổ biến rộng rãi và đóng góp vào việc tăng năng suất cây trồng của nước ta, mở đầu cho những hướng chọn giống mới.
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp - thành công từ vụ đông 1971
Năm 1967, ông bắt đầu nghiên cứu hệ thống cây trồng hợp lý sử dụng tốt nhất nguồn lợi tự nhiên, lao động. Trong ký ức của G.S Đào Thế Tuấn luôn đọng mãi một trận lụt muộn hiếm có trong lịch sử, đó là vụ vỡ đê Mai Lâm tháng 10/ 1972 khiến 40 vạn ha lúa mùa bị hỏng. Trước nguy cơ hầu hết nông dân các tỉnh miền Bắc sẽ bị đói vì thiếu lương thực, ông đã mạnh dạn đề xuất phải làm vụ đông, trồng các loại ngô, khoai, đậu tương, mỳ thay thế lúa mùa. Trước đó Gs. Bùi Huy Đáp và Gs. Dương Hồng Hiên đã đưa ra nghiên cứu làm vụ đông nhưng lúc đó dư luận không ủng hộ và cho rằng mùa đông lạnh thế cây trồng không sống được. Nhưng ông lại thấy đây là một ý tưởng thực tế và ra sức chứng minh, thuyết phục bằng những luận cứ khoa học như thời gian, nhiệt độ, lượng ánh sáng vụ đông hoàn toàn có thể đáp ứng chu kỳ sinh trưởng cho một số cây trồng như ngô, khoai lang, lúa mỳ, đậu tương... Sau trận lụt ở miền Bắc ngày ấy vụ đông mà ông đề xuất đã được chọn như một giải pháp tối ưu. Một diện tích rộng lớn được sử dụng cho 1000 tấn ngô giống, 1000 tấn mỳ giống của Ấn Độ cùng nhiều giống rau màu nội địa để phục vụ cho việc sản xuất vụ đông. Ông đã đi sâu nghiên cứu quy luật khí hậu mùa đông ở nước ta, và đề xuất việc chia cây vụ đông ra 2 nhóm: nhóm cây ưa nóng gieo sớm và cây chịu lạnh gieo muộn, nhờ vậy có thể mở rộng diện tích vụ đông, đưa vụ đông lên thành vụ chính. Thời gian này ông cùng cộng sự tạo ra các giống ngô, đậu tương ngắn ngày đầu tiên ở nước ta trồng được trong vụ đông như S2, ngô số 6, đậu tương AK02, AK03, xác định kỹ thuật làm ngô bầu và kỹ thuật trồng đậu tương không làm đất, giúp phát triển ngô và đậu tương đông.
Và những quan điểm đổi mới trong nông nghiệp
Hơn 40 năm làm công tác nghiên cứu giống lúa và hoa màu, Gs. Đào Thế Tuấn đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam . Với cương vị Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, ông thường xuyên đi về nông thôn để tìm hiểu và đề xuất quan điểm của thời đổi mới trong nông nghiệp. Ông phát hiện ra cái mắc của phát triển nông nghiệp không phải là kỹ thuật mà là kinh tế xã hội. Qua thực tế tại các vùng nông thôn, đặc biệt tình hình phát triển nông nghiệp và chính sách phát triển nông nghiệp của Trung Quốc, từ khoán hộ của Trung Quốc cùng thực tế Việt Nam, ông đã tham gia xây dựng Nghị quyết 10 công nhận khoán hộ nông dân trong phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Từ năm 1988, ông bắt tay vào nghiên cứu đề tài kinh tế hộ nông dân, kinh tế thị trường và thể chế nông dân. Trong đó ông đề xuất cách phân kiểu hộ nông dân theo mục tiêu sản xuất, nghiên cứu vấn đề tổ chức nông dân và HTX kiểu mới, đề xuất các chính sách thúc đẩy việc hợp tác hóa kiểu mới. Công trình nghiên cứu về kinh tế hộ nông dân là một công trình nghiên cứu lý luận đầu tiên thực hiện ở Việt Nam , giúp hiểu người nông dân là khách hàng của khoa học và công nghệ nông nghiệp.
Công trình “Cơ sở khoa học của sự phát triển nông nghiệp và nông thôn lưu vực sông Hồng” trong đó những nghiên cứu về sinh lý cây lúa và hệ thống canh tác để thâm canh lúa nước đã góp phần vào việc giải quyết vấn đề lương thực của nước ta đưa nước ta thành một nước xuất khẩu gạo. Công trình về hệ thống nông nghiệp đặt cơ sở khoa học cho việc phát triển nông thôn, tổ chức vốn cho nông dân, mở ra hướng nghiên cứu mới cho Khoa học xã hội của nước ta.
Nhìn lại 60 năm ngành nông nghiệp nước nhà, ông vui vẻ nói: “60 năm trước, năm 1945 là nạn đói khủng khiếp làm 2 triệu người chết đói, nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới. Năm 1988 nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã xác định đúng vị trí của kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp. Đó là chính sách đúng và đem lại kết quả bất ngờ nêu trên”.
Nguồn: Báo Khoa học và phát triển, số 38 (343)