Những ấn phẩm đầu tiên về nữ quyền ở Việt Nam
Trong giai đoạn này phụ nữ được nhìn nhận như một bộ phận của chính thể nhà nước, ít nhất là trên lý thuyết. Những đề xuất chắc chắn đã được đề ra để mở rộng các cơ hội về giáo dục đối với phụ nữ. Trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, tồn tại một thời gian ngắn nhưng có ảnh hưởng sâu rộng, phụ nữ được động viên tham gia các bài thuyết giảng rộng rãi cho công chúng về lịch sử, văn hoá, và chính trị - vào thời điểm đó là một đổi mới cấp tiến. Các cuộc tập hợp ngoài trời lớn hơn và ít mang tính bác học hơn được tổ chức, bao gồm cả các buổi diễn kịch nhắc nhớ lại truyền thuyết xung quanh Hai Bà Trưng anh hùng (1). Hai phụ nữ, những người con gái có học của một gia đình trí thức, đã được cho phép có một vinh dự chưa từng có là tham gia giảng dậy chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại trường học (2). Dù sao thì đàn ông giữ tất cả các chức vụ lãnh đạo ở trường, và cũng là những người đàn ông đã bị Pháp bắt bỏ tù khi xảy ra đàn áp không thể tránh khỏi.
Phan Bội Châu (1867-1940), người dường như quan tâm nhiều về vị trí của phụ nữ hơn hầu hết những người đàn ông cùng thời với ông đã viết một vở tuồng thú vị về Hai Bà Trưng (3). Các nhân vật chính là các nguyên mẫu mang tính thực dân và chống thực dân trong trang phục của thế kỷ đầu sau Công nguyên. Gần như chắc chắn rằng mục đích chính của Phan Bội Châu là tập trung vào vai trò của phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân đang tới. Ông dựng nên một hoàn cảnh mà ở đó hành động của phụ nữ bắt nguồn từ những nguyên tắc yêu nước giống như những nguyên tắc đã thúc đẩy cha, chồng, anh em trai của họ nhiều hơn là từ sự tôn trọng những quan niệm Nho giáo về sự phục tùng và trách nhiệm của phụ nữ. Đặc biệt, trong khi hầu hết các nhà văn bước vào thế kỷ XX tiếp tục nhấn mạnh đến ước mong chung thuỷ của Trưng Trắc trả thù cho chồng mình, người đã bị tên thái thú người Hán giết, Phan Bội Châu miêu tả điều này chỉ là phương tiện thúc đẩy lòng yêu nước vốn có sẵn trong bà và mong muốn đánh đuổi giặc ngoại xâm của bà. Trong khi người em gái của Trưng Trắc là Trưng Nhị vốn được mô tả như là người tham gia vào cuộc đấu tranh đó vì trách nhiệm của người em, Phan Bội Châu đặt động cơ này là thứ yếu, sau trách nhiệm đối với chủ nghĩa yêu nước (4).
Mặt khác, Phan Bội Châu vẫn sử dụng các nhân vật nam với tính cách nguyên mẫu để làm cho Hai Bà Trưng thêm phần “đời thực” hơn đối với khán giả của mình. Trưng Trắc khóc lóc vô cùng đau khổ khi xác chồng được đưa về nhà. Trong những tình huống khó khăn sau đó bà thường mất bình tĩnh, em gái bà đã phải động viên tinh thần chị: “Thôi không được làm thường tình nhi nữ, phải kíp ra thu xếp việc binh cơ” (5). Mười lăm năm sau khi Phan Bội Châu viết những dòng này, Trần Hữu Độ, một người có xu hướng chính trị tương tự, vẫn sử dụng phép ẩn dụ về phụ nữ để diễn đạt một số thái độ xấu nhất của con người đáng bị đấu tranh, ví dụ như thụ động, yếu đuối về thể xác và tinh thần, hưởng thụ khoái lạc, và đầu óc hẹp hòi (6). Trong thần điện các anh hùng phương Tây rộng lớn của Trần Hữu Độ, chỉ có một phụ nữ là Jeanne d’Arc, trong khi giữa các vĩ nhân lịch sử Việt Nam chỉ có Hai Bà Trưng được đặt ngang hàng với đàn ông. Điều tốt nhất có thể nói về Trần Hữu Độ trong vấn đề này là ông đã không tấn công những cố gắng không dứt khoát của phụ nữ Việt Nam để khẳng định bản thân họ, và vào cuối những năm 1930, ông đã loại bỏ hoàn toàn những khuôn mẫu mang tính tâm lý khỏi các tác phẩm của mình.
Người Pháp sau khi đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu năm 1908 và sau đó bắt giam hoặc mặt khác làm vô hiệu hoá phần lớn trí thức Việt Nam có xu hướng chống thực dân, đã dần dần khuyến khích hơn các lựa chọn khác nhau, dễ chịu hơn về mặt chính trị. Quan trọng hơn cả, từ một quan điểm mang tính tư tưởng là tạp chí Nam Phongra hàng tháng, bảy hay tám năm sau khi nó được ra mắt ở Hà Nội vào tháng 7 năm 1917. Chủ bút, Phạm Quỳnh (1892-1945), cảm thấy ông rất xứng đáng để nhận xét về hầu như tất cả mọi mặt của sự tồn tại của con người, bao gồm cả vai trò của phụ nữ trong các xã hội khác nhau của phương Đông và phương Tây, cũ và mới. Vào năm 1917, trong bài viết với nhan đề Sự giáo dục đànbà con gái, Phạm Quỳnh đã phác hoạ ra một khái niệm cải cách rất thận trọng mà trong vòng một thập kỷ tiếp theo đã có được sự ủng hộ của người Việt Nam trong tầng lớp trung và thượng lưu ở cả hai giới trước khi bị công kích mạnh mẽ và mất uy tín rộng rãi (7).
Xem ra, tác nhân kích thích cho bài viết của Phạm Quỳnh là sự quan tâm của ông rằng quan điểm “nam nữ bình quyền” mới lạ đã bắt đầu nhỏ giọt vào Việt Nam cùng với thời điểm các chuẩn mực đạo đức cũ đang trong tình trạng sút giảm. Ông nói rằng “Nếu phụ nữ thực sự mong muốn tự chủ và tự vệ, họ cần có một chế độ giáo dục cẩn thận, nếu không sẽ rơi nhanh chóng vào bùn đen và bị cướp đoạt”. Mặt khác, ông lên án những người Việt Nam có “thái độ thời trung cổ”, những người cho rằng giải pháp duy nhất là giữ cho phụ nữ bị mù chữ và thiếu hiểu biết. ông tranh luận rằng cái nhìn thiển cận như vậy sẽ chỉ dẫn đến sự nản lòng trong tương lai; bên cạnh đó, điều đó là phi thực tế về lâu dài. Và thế là Phạm Quỳnh, được sự ủng hộ của chính quyền thực dân Pháp, đề ra một chính sách cải cách từ từ mang tính cực đoan trong vấn đề các cơ hội hiện đại cho phụ nữ Việt Nam.
Điểm chính trong quan điểm của Phạm Quỳnh là sự khác biệt về chương trình giáo dục của phụ nữ dựa vào tầng lớp xã hội. Một mặt ông dành hơn nửa bài viết của mình cho một kế hoạch cẩn thận về giáo dục phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu, và mặt khác là giáo dục dành cho phụ nữ trung lưu. Không hề có một điểm nào nhắc tới giáo dục dành cho phụ nữ thuộc tầng lớp thấp hơn, vì ông cho rằng họ không phù hợp hay bởi vì ông biết rằng gia đình họ sẽ ít khi có thể cho họ thảnh thơi từ công việc đồng ánh và nội trợ. Đối với tầng lớp trung lưu, ông đề nghị mở một trường tư thục đặc biệt cho phụ nữ với một phần các lớp học theo tiêu chuẩn chung dành cho những người trẻ tuổi, và phần thứ hai của các bài giảng và tranh luận dành cho các thiếu nữ và phụ nữ tiến bộ hơn. Phần lớn của bài giảng sẽ bằng tiếng Việt và nhấn mạnh vào văn học với chữ Quốc ngữ, bắt đầu với Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, LụcVân Tiênvà các tác phẩm khác “phù hợp với bản chất của phụ nữ”. Một số học sinh thông minh hơn có thể học một ít chữ Hán, hay thậm chí có thể học một số văn học Pháp. Ông nói bằng một giọng buồn bã rằng dù sao thì các thiếu nữ cũng chỉ có một thời gian nhất định trong cuộc đời họ để học hành, và sau đó sẽ là thời điểm cho hôn nhân, một cuộc sống mới hoàn toàn.
Đối với phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu, Phạm Quỳnh cho rằng cần phải tìm ra những hiệu quả mang tính “thực tế” hơn. Với ông điều này có nghĩa là chú ý đặc biệt vào đức tính đầu tiên trong đạo đức truyền thống của phụ nữ là “công”, hay lao động, trong phân biệt với dung, ngôn và hạnh. “Lao động” cón nghĩa là các lớp dạy may vá, dệt vải, và thêu thùa, cộng với toán đại số để đạt được những điều được cho là mối bận tâm của tầng lớp trung lưu trong việc mua bán và quản lý một cách hiệu quả các sổ sách kế toán. Ngược lại, con gái thuộc tầng lớp thượng lưu được cho phép học về khoa học tự nhiên, vệ sinh, địa lý, và lịch sử - chỉ để tham gia vào các cuộc giao tiếp xã giao lịch sự khi đã trưởng thành. Và trong khi tầng lớp thượng lưu có thể học tiếng Hán hay văn học Pháp, con gái thuộc tầng lớp trung lưu chỉ có một vốn tiếng Pháp ít ỏi đủ để cho phép họ tham gia trực tiếp vào các mối quan hệ buôn bán với người Pháp.
Những năm sau đó, Phạm Quỳnh đã viết hoặc dịch những bài viết khác phù hợp với các vấn đề của phụ nữ. Sự bào chữa nổi tiếng của ông cho cô gái bán hoa Thuý Kiều đã dựa phần lớn vào chủ nghĩa lãng mạn phương Tây, nghệ thuật trữ tình và văn hoá của sự tuyệt vọng, đúng là một sự rời bỏ khỏi tranh luận đã định hướng chính sách của ông về những đạo đức đúng đắn và những thực hành mang tính xã hội trong giáo dục phụ nữ (8). Lý tưởng hoá những cảm thông mang tính cá nhân và đời sống tình cảm khác biệt một cách khó tin của Thuý Kiều, Phạm Quỳnh dường như không thấy điều gì bất thường trong việc quay lại và lên án những tranh luận đương thời về “tự do và bình đẳng”, cụ thể là ước muốn của một số phụ nữ được làm những việc khác thay vì làm sao để một gia đình được trong ấm ngoài êm (9). Tới mức độ là ông sẵn lòng trao cho phụ nữ bất cứ vai trò tri thức hay chính trị hiện đại nào, đó chỉ như là những bà chủ của phòng khách – sau khi họ đã giúp chồng gây dựng sự nghiệp, có con cái, và bảo trợ những quỹ từ thiện được ưa chuộng (10).
Giữa những người đã viết cho Nam Phong như một tập thể, sự khác biệt trong quan điểm về vấn đề liên quan dến phụ nữ thậm chí là rõ ràng hơn. Ví dụ, khi Hoàng Ngọc Phách, một sinh viên sư phạm mà sau đó đã sớm thành danh như một nhà tiểu thuyết người Việt hàng đầu, đã lên án Truyện Kiều và các tiểu thuyết lãng mạn mới hơn vì đã ngầm xói mòn hiệu quả các quan điểm đạo đức. Nho giáo đối với phụ nữ đã tồn tại trong một thời gian dài, làm cho họ thêm dễ bị tổn thương hơn trước. Ông đã ngay lập tức bị chỉ trích bởi một số những độc giả nữ thuộc tầng lớp thượng lưu. Về cơ bản, họ nói với ông rằng phụ nữ không cần những người bảo trợ là nam giới quyết định những gì họ nên hay không nên trải nghiệm. Họ cho rằng nhận xét vô cùng kẻ cả, mang tiêu chuẩn áp đặt về mặt giới tính của Hoàng Ngọc Phách – ít nhất là như được dùng trong văn học – là không hợp thời (11).
Trong khi đó, Nguyễn Bá Học, một trí thức có tiếng, tiếp tục bảo vệ một cách không nao núng hôn nhân do sắp đặt và công khai chỉ trích Phạm Quỳnh về việc đề nghị giáo dục hiện đại cho một thiểu số phụ nữ Việt Nam trong khi, như ông nói, cả nước còn đang kém phát triển, thậm chí ngay cả nam giới có học cũng còn khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, “Khi đàn bà càng có thể được học cao hơn, họ càng tiêu tốn hơn, những ham muốn nhục dục của họ càng bị kích động, họ càng trở nên cùng cực”. Nguyễn Bá Học kết luận rằng phụ nữ sẽ mất mọi nhận thức về phải trái nếu họ hành động như đàn ông (12). Cũng vào khoảng thời gian đó, một quan chức là Thân Trọng Huề đã tranh luận rằng những rao giảng Nho giáo cổ điển về việc phụ nữ phải ở trong nhà chưa bao giờ được thực hành một cách cẩn thận ở Việt Nam, và tất nhiên bây giờ không nên được phục hồi. Ông chỉ ra rằng, từ rất lâu đã là bình thường cho phụ nữ Việt Nam làm việc trên đồng ruộng, làm đồ thủ công mỹ nghệ, và đem bán các hàng hoá dư thừa. Thân Trọng Huề khẳng định “Việc gì đàn ông làm được, phụ nữ đều làm được”, và điều này cần được ghi nhớ khi đưa ra các chính sách của chính phủ hay tổ chức các nhóm công dân (13).
Sau đó, Nam Phong đã đưa ra một lập trường hỗn hợp vừa phải, về cơ bản là kết hợp những châm ngôn cũ mang tinh thần nữ giới “phương Đông” đặc biệt với những phê phán mang tính đặc trưng phương Tây về sự giải phóng phụ nữ. Do đó, một mặt xuất hiện một bản dịch được lý tưởng hoá và lãng mạn hoá gồm mười ba phần và chú giải về một số phụ nữ Trung Quốc thời xưa (14). Những nhà biên tập thậm chí còn ngoái lại cả hai thiên niên kỷ để làm sống dậy và phiên dịch một tập hợp các lời răn dạy cho nữ giới của triều đại nhà Hán (15). Mặt khác, tác phẩm của các nhà văn phương Tây không mấy tiếng tăm như Henri Marion, Gina Lombroso, và Félix Pécaunt đã được nhập vào và dịch ra để chứng minh rằng nhiều người trong “thế giới văn minh” cũng tiếp tục gìn giữ một sự tồn tại của phụ nữ với gia đình là trung tâm và để phản đối tự do hôn nhân, bình đẳng giới và trường học chung cho cả nam và nữ (16). Có lẽ hai xu hướng văn hoá này được kết hợp với nhau một cách khéo léo trong Nhật ký sợ vợ, một bản dịch gồm năm phần được xuất bản theo kỳ, mà trên thực tế là một nhát cắt tranh biếm hoạ về phụ nữ thành thị hiện đại trong xã hội Trung Hoa đương thời (17).
Nhận lệnh của quan Toàn quyền, vào năm 1918 Phạm Quỳnh du hành phương nam đến xứ Nam kỳ và cố gắng khơi dậy sự quan tâm của một số các gia đình trí thức trong quan hệ gần hơn với người Pháp. Ông đặc biệt chú ý đến gia đình Nguyễn Đình Chiểu, tác giả của Lục Vân Tiên, và 30 năm sau cái chết của ông, vẫn là một biểu tượng của sự chống đối mang tính phương Nam bướng bỉnh về việc “đồng hoá” với sự cai trị thực dân trực tiếp. Một vài con cháu của ông đã dứt khoát từ chối, nhưng Sương Nguyệt Ánh (1864-1921), con gái thứ năm của Nguyễn Đình Chiểu và được biết đến một cách độc lập vì các bài thơ chữ Hán và chữ Nôm của mình, đã đồng ý tham gia. Kết quả là tuần san đầu tiên của Việt Nam đặc biệt nhằm vào nữ giới mang tên Nữ giới chungđã được xuất bản tại Sài Gòn vào ngày thứ 6 hàng tuần bằng chữ Quốc ngữ và do Henri Blaquière, chủ nhiệm của Le courrier Saigonnais điều khiển về mặt tài chính (18).
Trong số đầu tiên của Nữ giới chungra ngày 2 tháng 2 năm 1918, Sương Nguyệt Ánh đã cảm ơn quan Toàn quyền vì sự quan tâm của ông, nói lên sự sẵn sàng hợp tác của bà trong chương trình cải cách giáo dục của ông, đặc biệt là mở rộng việc dạy chữ Quốc ngữ, và hứa sẽ tránh các câu hỏi “mang tính chính trị”. Bà nói, điều được tập trung nhấn mạnh trong tuần san của bà sẽ là để gìn giữ các chuẩn mực đạo đức, hướng dẫn các công việc lao động hàng ngày, khuyến khích thương mại và sản xuất đồ thủ công, và nói chung là để “mở rộng giao tiếp giữa mọi người” (19). Có thể Sương Nguyệt Ánh đã hy vọng rằng Nữ giới chungsẽ trở thành tạp chí của phụ nữ toàn quốc. Các bài thơ của bà thường khơi dậy những hình ảnh về sự đoàn kết giữa người Việt Nam ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam (20). Dù sao thì vào năm 1918 số phụ nữ thông thạo chữ Quốc ngữ vẫn còn khá ít, và sự cẩn thận nghiêm ngặt của người chủ bút về các vấn đề mang tính chính trị xem ra đã đẩy xa hơn nữa việc giảm số lượng độc giả. Làm cho sự việc tệ hơn nữa là một số người đặt mua ấn phẩm nhưng đã không thanh toán tiền mua. Vào cuối năm 1918, sau gần một năm xuất bản, tuần san này đã ngừng hoạt động.
Sương Nguyệt Ánh vẫn là người gìn giữ các giá trị truyền thống trong hầu hết mọi mặt. Thật vậy, sự thực là khi chồng chết sớm bà đã thề sẽ không bao giờ tái giá, gìn giữ hình ảnh người phụ nữ goá cho tất cả mọi người thấy, rõ ràng là một mặt khác trong lời kêu gọi của bà (21). Việc vai trò của người mẹ, người vợ, người con gái trong gia đình Việt Nam luôn được nhấn mạnh trong các bài viết của bà đã mang một thông điệp đặc biệt của thẩm quyền. Không chỉ có một nhà văn đã so sánh bà với hình ảnh được lý tưởng hoá của Kiều Nguyệt Nga trong tác phẩm cổ điển Lục Vân Tiêncủa cha bà (23). Dù sao thì việc một người phụ nữ nắm quyền chủ bút của một tờ tuần san, dù trong thời gian ngắn, đã cung cấp một sự thúc đẩy chắc chắn cho những mệnh phụ thuộc tầng lớp thượng lưu khác mạo hiểm vượt khỏi gia đình.
Mười lăm năm sau, Phan Văn Hùm, một trí thức Trotskyst, vẫn cố lý giải cho bản thân và cho các độc giả của ông làm sao mà một người phụ nữ thiên về truyền thống lại có thể thôi thúc nhiều hành động không truyền thống đến như vậy. Câu trả lời của ông, tuy không thoả đáng nhưng không phải là không có ý nghĩa mang tính văn hoá, là Sương Nguyệt Ánh mặc dù rất nghiêm khắc với bản thân lại có phần dễ dàng hơn đối với người khác. Đặc biệt, trong khi không cho rằng sự ức chế tình dục như vấn đề của cá nhân mình, bà vẫn tế nhị với vấn đề này ở những nơi khác, và không bao giờ đòi hỏi rằng tất cả phụ nữ góa chồng đều phải từ chối tái giá (23). Ở một mức độ rằng điều này là sự thật, những người theo truyền thống nam giới cảm thấy một mối đe doạ, và họ bắt đầu xuất bản những phản bác thậm chí là trước khi Nữ giới chungđóng cửa.
Chú thích:
* Trích dịch từ: David Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 ( Truyền thống Việt Nam trước thử thách), Berkeley & Los Angeles: University of California Press, 1981.
1. Trần Huy Liệu, biên tập, Lịch sử thủ đô Hà Nội(Hà Nội, 1960), tr.151-152.
2. Trần Huy Liệu, CMCD-3 (Hà Nội, 1958), tr.31
3. Phan Bội Châu, Tuồng Trưng nữ vương; Truyện Phạm Hồng Thái(Hà Nội, 1967), tr.15-106. Được viết ở Xiêm vào năm 1911, vở tuồng xem ra đã được đưa lến vào Việt Nam với một số các bản chép tay khác nhau sau năm 1913; các bản truyền miệng sau đó đã làm ra những dị bản khác.
4. Phan Bội Châu không phải là người đầu tiên dựng nên hình ảnh của Hai Bà Trưng như thế này. Những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vào cuối thể kỷ thứ XVIII cũng đã làm như vậy. Alexander B. Woodside, Vietnam and the Chinese Model(Cambridge, Mass: Harvard University Press, 1971), tr46
5. Phan Bội Châu, Tuồng Trưng Nữ vương, tr.83.
6. Trong số 13 tác phẩm hiện có của Trần Hữu Độ tôi đếm được không ít hơn 10 bình luận xấu trong tham chiếu về phụ nữ.
7. Phạm Quỳnh, “Sự giáo dục đàn bà con gái”, NP số 4 (tháng 10,1917), tr.207-17; được in lại trong Phạm Quỳnh, TCVT (Sài Gòn, 1962) tr17-35.
8. Phạm Quỳnh, “Truyện Kiều”, NP số 30 (tháng 12, 1919), tr.480-500 (cũng có thể tìm trong TCVT 3, tr.79-131).
9. Phạm Quỳnh, “Đạo đức luận”, NP số 21 (tháng 3, 1919), tr.186-91; cũng xem trong TCVT 2, tr.233-44.
10. Như trên, “Địa vị người đàn bà trong xã hội nước ta”, NP số 82 (tháng 4, 1924), tr.269-84. Phạm Quỳnh có ấn tượng sâu sắc, hay có thể nói là đã kinh ngạc, trước một bà chủ phòng khách mà ông được mời đến ở Paris vào năm 1922. Xem NP số 92 (tháng 12, 1924), tr.477-78.
11. Hoàng Ngọc Phách, “Văn chương với nữ giới”, NP số 41 (tháng 11, 1920), tr.379-83; được lần lượt trả lời bởi cô Nguyễn Đông Khang và bà Đạm Phương trên Nam Phongsố 42 (tháng 12, 1920) và Nam Phongsố 43 (tháng 1, 1921).
12. Nguyễn Bá Học, “Bàn về nghĩa tự do kết hôn”, NP số 27 (tháng 9,1919), tr.231-35. Nguyễn Bá Học, “Thư trả lời ông Chủ bút Nam Phong”, NP số 40 (tháng 10, 1920), tr.322-324.
13. Thân Trọng Huề, “Con đường tiến bộ của nước ta”, NP số 8 (tháng 1,1918), tr.64.
14. Tùng Văn (Nguyễn Đôn Phúc), “Đàn bà phương Đông”, NP số 101 (tháng 12, 1925), sau đó là trên NP số 123 (tháng 11, 1927). Một bản in lại của vào năm 1931 gồm năm tập nhỏ, bao gồm một lời giới thiệu phủ nhận quan điểm đương thời rằng phụ nữ phải được “bình đẳng” và gia nhập vào xã hội. Cũng xem thêm những sáng tác mang tính thơ ca trên NP số 57 (tháng 3, 1922) và NP số 83 (tháng 4, 1924).
15. Bản dịch của Đông Châu, “ Lời răn đàn bà con gái”, NP số 130 (tháng 6, 1928), tr.568-76. Các bản dịch thơ của Chu Hy về “ giáo dục gia đình” cũng có bản chất tương tự trên NP số 7 (tháng 1, 1918).
16. Xem các bản dịch và chú giải trên NP số 49 (tháng 7, 1921, số 99 (tháng 9, 1925), và số 149 (tháng 4, 1930).
17. Lạc Khố, “ Nhật ký sợ vợ”, NP số 124 đến 128 (tháng 12, 1927 đến tháng 4, 1928). Tôi đã không thể tìm hiểu được ai là tác giả nguyên bản tiếng Hán.
18. Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến 1930(Sài Gòn, 1973), tr.100-102.
19. Nữ giới chung, số 1(2/2/1918). Mỗi số có 18 trang (trong đó 8 trang dành cho quảng cáo) và có giá 0,40 đồng Đông Dương, một giá cao khó mua nổi đối với hầu hết mọi người, ngoài trừ một số độc giả tiềm năng.
20. Ví dụ như bài thơ được gửi đến Nam Phongnhư một lời chúc mừng nhân kỷ niệm một năm tuổi, được in lại trên NP số 14 (tháng 8,1918), tr.111-112.
21. Nam Xuân Thọ, Sương Nguyệt Ánh(Sài Gòn, 1957), tr.13, 22-23, 27-28.
22. Sđd, tr.28. Để làm tồi tệ hơn bi kịch cá nhân của Sương Nguyệt Ánh, con gái bà đã chết khi sinh nở và bà lãnh trách nhiệm nuôi dạy đứa cháu gái của mình.
23. Phan Văn Hùm, “Sương Nguyệt Ánh và Đạo tam tòng”, PNTV số 243 (24/5/1934), tr.13-14.