Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 30/12/2010 22:09 (GMT+7)

Như một lời tri ân

Tôi bảo vệ luận án tiến sĩ vào ngày 30.11.2002 với đề tài Đồ sứ Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa từ 1804 đến 1924 hiện tàng trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huếtại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là đề tài nghiên cứu mà tôi đã theo đuổi từ năm 1989 khi viết khóa luận tốt nghiệp đại học. Cũng nhờ bản khóa luận viết về đề tài này, tôi được Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp nhận vào làm việc, sau đó được bố trí về công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, nơi đang lưu giữ hơn 2.000 món đồ sứ ký kiểu này. “Sống” trong một cái “kho” đồ sứ ký kiểu đồ sộ như thế, tôi có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu về loại hình đồ sứ đặc biệt này. Và sau cùng, tôi quyết định tiếp tục “nâng cấp” đề tài tốt nghiệp đại học thành đề tài luận án tiến sĩ. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế bấy giờ đều ủng hộ tôi nghiên cứu đề tài này và còn giới thiệu công trình nghiên cứu của tôi với TOYOTA FOUNDATION để xin tài trợ nghiên cứu.

Vì thế, khi bảo vệ luận án thành công, tôi nghĩ mình đã trả được “món nợ” đèn sách sau gần 15 năm nghiên cứu và tin tưởng rằng những kết quả đạt được trong luận án sẽ giúp ích cho tôi và các đồng nghiệp ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế trong việc quản lý, kiểm kê và trưng bày đồ sứ ký kiểu, nhằm phát huy giá trị của nguồn hiện vật quý báu này.

Nhưng sự đời không như tôi nghĩ!

Chỉ sau khi tôi bảo vệ luận án 4 tháng, chẳng hiểu căn cứ vào đâu và vì lý do gì mà Hội đồng Bảo vệ Bí mật Nhà nước và các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế lại cho rằng luận án của tôi “đã làm lộ bí mật nhà nước”. Thế là, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gửi công văn yêu cầu Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm rõ việc này và báo cáo cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 11.4.2003, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gửi công văn yêu cầu tôi phải giải trình sự việc trong vòng 3 ngày. Bây giờ, khi viết những dòng này tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình trong những ngày đó: một nỗi sợ hãi bao trùm mọi tri giác và cảm giác; một sự uất hận đã xâm chiếm toàn bộ tâm can của tôi.

Ngay sau đó, tôi phải tự mình nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành để tìm cách chứng minh là mình không hề “làm lộ bí mật nhà nước” trong luận án tiến sĩ, và phải làm văn bản giải trình các cơ quan chức năng đã nghi oan cho mình. Văn bản giải trình được tôi gửi đến các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng có liên quan đến vụ việc. Nhưng không một ai và không một cơ quan nào phản hồi cho tôi. Tôi đã phải chịu đựng 8 tháng “sống trong sợ hãi” mà không có một lần được hỏi han, một lời giải thích.

Giữa lúc gay go như thế, tôi bỗng nhận được thư của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị tôi nộp một bản sao luận án tiến sĩ để Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật xem xét và chấm giải. Trong đời mình, tôi đã nhiều lần nếm trải cảm giác chờ đợi, nhưng chưa khi nào cái cảm giác ấy lại khắc khoải, tràn đầy hy vọng lẫn âu lo như lần chờ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật công bố kết quả Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm ấy.

Cuối cùng, điều tôi mong chờ nhất đã đến. Luận án của tôi đoạt giải Nhì, là giải cao nhất trong lần trao giải năm 2003. Với tôi, số tiền thưởng tuy lớn thật, song không quan trọng bằng việc giải thưởng này đã chính thức minh oan cho tôi. Trở về từ Hà Nội, tôi không “khoe” với bạn bè tấm bằng tiến sĩ mà tôi nhận từ Đại học Quốc gia Hà Nội trước khi nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật một ngày. Tôi chỉ “khoe” với họ tờ giấy chứng nhận giải thưởng có chữ ký của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và của Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.

Và, một trong những người mà tôi “khoe” giấy chứng nhận này là ông Trưởng phòng PA 25 (Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế), cơ quan đang “thụ lý” vụ này. Xem xong tờ giấy chứng nhận quý báu của tôi, ông bảo: “Chúc mừng chú có tấm phao cứu sinh. Mọi việc coi như khép lại nơi đây”. Tôi thấy nhẹ nhõm trong người, nhưng vẫn cố vớt vát một câu: “Vậy không có văn bản chính thức nào kết luận là tôi không làm lộ bí mật nhà nước hay sao?”. Ông cười bảo: “Chú nhiều chuyện quá, đã bảo cho qua là cho qua, bươi ra làm chi cho rách việc”.

Thế đấy! Đó là câu chuyện thật của tôi. Tháng 11 này, Giải thưởng Sử học Phạm Thật Duật tròn 10 năm tuổi, 49 giải thưởng đã được trao. Những người tổ chức giải thưởng này hẳn rất tự hào với những gì họ đã đóng góp cho giới sử học nước nhà. Nhưng có lẽ họ không nghĩ rằng, có một giải thưởng mà họ trao cách đây 6 năm chính là chiếc phao cứu sinh cho sinh mệnh chính trị của một con người. Bài viết ngắn này chính là lời tri ân của người ấy đối với những người đã tổ chức giải thưởng danh giá này.

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

VUSTA tham dự Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới
Diễn đàn Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới được tổ chức từ ngày 26-31/01/2025 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Oman. Đại diện VUSTA có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh tham dự.
VUSTA làm việc với tổ chức Korea CEO Summit
Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 2025 – Tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh đã có buổi làm việc với ông Park Bong Kyu, Tổng giám đốc của tổ chức Korea CEO Summit. Hai bên đã chia sẻ thông tin và trao đổi về khả năng hợp tác để tổ chức Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp Hội tụ 2025 (CICON 2025).
Vĩnh Phúc: Sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh
Sáng ngày 07/02/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc (LHH) tổ chức Hội nghị thông qua đề án sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh. Phó Chủ tịch phụ trách LHH Đỗ Trung Hiếu và Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nguyễn Đạm đồng chủ trì hội nghị.
Tạp chí Việt Nam Hội nhập mở chuyên mục tuyên truyền về ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG
VNHN Ngay từ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025), thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương và cụ thể hóa từ Nghị quyết của Cấp ủy Viện chủ quản và Tạp chí Việt Nam Hội nhập – Ban Biên tập tạp chí Việt Nam Hội nhập đã chính thức xây dựng chuyên mục Tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.