Nhỏ mà đẹp
Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (ACCD) là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam được đăng ký thành lập vào năm 2006 tại Liên hiệp các tổ chức KH&CN Việt Nam. ACCD hoạt động trong các mảng cải thiện không gian công cộng, phát triển nông nghiệp hữu cơ, và thúc đẩy phong trào Sống xanh trong các cộng đồng dân cư. Các sáng lập viên của ACCD là các nhà hoạt động xã hội quan tâm đến chất lượng sống trong đô thị và mong muốn tạo sự thay đổi từ các phong trào của cộng đồng dân cư.
Từ nhóm đến Câu lạc bộ
Từ tháng 1/2009, ACCD bắt đầu thực hiện dự án Nâng cao năng lực các cộng đồng dân cư tại bốn phường ở Hà Nội 1 được bắt đầu từ những nhóm Sống xanh sinh hoạt tại các cụm dân cư. Mỗi nhóm có từ 8 đến 10 thành viên, gặp gỡ thường xuyên để trao đổi và giúp nhau tiết kiệm điện, gas, nước, tái sử dụng rác thải và chăm sóc sức khỏe. Các nhóm sau đó tập hợp nhau lại và thành lập CLB Sống xanh của phường, nơi khởi xướng các sáng kiến nhỏ tại địa phương như nâng cấp nhà văn hóa, sử dụng các khu đất trống làm vườn rau, cải thiện sân chơi cho trẻ em, lát gạch sân tập thể dục của người già, thu gom rác tái chế để bán lấy tiền quỹ… Những bài học rút ra được ghi chép lại và chuyển tới chính quyền và doanh nghiệp ở địa phương cũng như các tổ chức khác để vận động sự hỗ trợ của họ 2.
Sau 5 năm hoạt động, tính đến đầu năm 2014 trên địa bàn Hà Nội đã có bảy CLB Sống xanh. Phong trào Sống xanh cũng đã lan tỏa đến Huế, Đà Nẵng, Hội An và TP. Hồ Chí Minh với hơn 10 nghìn hộ gia đình tham gia. Cách thức hoạt động của các nhóm Sống xanh rất linh hoạt, các thành viên gặp nhau vào thời gian rảnh rỗi, tại nhà văn hóa khu dân cư hay tại nhà chính các thành viên. Trong mỗi cuộc họp, cả nhóm cùng tìm hiểu cách thức Sống xanh từ các tài liệu hướng dẫn và lập danh sách những hành động cụ thể cho gia đình mình. Đến kỳ họp sau, cả nhóm cùng tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm, và thảo luận các hành động mới. Các hướng dẫn viên cộng đồng sẽ theo dõi kết quả và công bố cho các thành viên những con số cụ thể như lượng điện, nước và gas đã tiết kiệm được, lượng rác thải hữu cơ đã được ủ, lượng túi ni-lông đã giảm được, lượng các sản phẩm sạch được tiêu thụ… Nhiều hành động không chỉ dừng lại ở từng hộ gia đình mà cần được thực hiện ở cấp độ cộng đồng, và các thành viên nhận ra nhu cầu hợp tác (cùng đóng góp tiền bạc và công sức để thực hiện), thậm chí huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài. Khi đó, ACCD có thể hỗ trợ một số vốn nhỏ mang tính đối ứng. Khác với các phong trào có chỉ đạo từ trên xuống, các hoạt động Sống xanh xuất phát từ nhu cầu và sáng kiến của cộng đồng. Có những nơi chính quyền địa phương ủng hộ các hoạt động của CLB Sống xanh một cách tích cực và phối hợp nguồn lực. Có những nơi chính quyền địa phương không vào cuộc, thậm chí gây khó khăn cho hoạt động của các thành viên CLB. Tuy nhiên các thành viên Sống xanh thường linh hoạt tìm cách thực hiện được mong muốn của mình.
Nguyên tắc hợp tác
Tùy vào địa bàn khác nhau mà ACCD chọn làm việc với đối tác khác nhau. Có nơi đối tác là Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, có nơi là đại diện khu dân cư. Quan hệ đối tác này rất quan trọng, làm cơ sở cho việc chính thức hóa các hoạt động của CLB Sống xanh trong cộng đồng. Các CLB được sử dụng cơ sở vật chất của phường là địa điểm hội họp hoặc thực hiện hoạt động, và trong một số trường hợp đã huy động được tiền từ nguồn ngân sách địa phương. Khi làm việc với đối tác ở địa phương, ACCD áp dụng quy trình gồm bốn bước.
- Bước 1: Áp dụng mô hình Sống xanh ngay tại tổ chức. Ở bước này, đối tác sẽ thực hiện thử chương trình ngay tại nơi làm việc. Ví dụ Hội Phụ nữ phường sẽ áp dụng các hoạt động Sống xanh ngay tại công sở, như tiết kiệm điện, nước, giấy và mực in; phân loại rác thải tại nơi làm việc; giảm thiểu sử dụng văn phòng phẩm... Bước này rất quan trọng, vì ACCD có thể đánh giá được năng lực và cam kết của đối tác.
- Bước 2: Đánh giá nhu cầu cộng đồng: ACCD cùng đối tác đánh giá nhu cầu cộng đồng. Tùy từng nơi, người dân quan tâm nhiều đến vấn đề rác thải, không gian công cộng ở khu dân cư, chất lượng nước sinh hoạt, hay ô nhiễm môi trường…
- Bước 3: Áp dụng mô hình tại cộng đồng. Sau khi xác định nhu cầu và mối quan tâm chính của cộng đồng, ACCD hỗ trợ đối tác cải biến mô hình cho phù hợp với nhu cầu của người dân. Ví dụ, nếu người dân quan tâm đến vấn đề rác thải thì các buổi sinh hoạt của các nhóm Sống xanh sẽ ưu tiên cho chủ đề này. ACCD cung cấp cho đối tác các tài liệu, tư liệu phục vụ cho các buổi sinh hoạt, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ của đối tác địa phương.
- Bước 4: Triển khai rộng tại cộng đồng. Trong giai đoạn này, khi các nhóm Sống xanh đầu tiên ra đời và cộng đồng hưởng ứng, ACCD sẽ đào tạo các hướng dẫn viên tại cộng đồng để hỗ trợ các nhóm. Ngoài ra, ACCD hỗ trợ đối tác các kỹ năng vận động nguồn lực từ người dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp địa phương, và các quỹ tài trợ.
Kinh nghiệm xây dựng các mạng lưới bền vững
Dự án nâng cao năng lực cộng đồng dân cư cho thấy, ngay trong những bối cảnh khó khăn như ở Hà Nội thì người dân vẫn có thể tập hợp để cùng nhau hành động và một tổ chức nhỏ như ACCD vẫn có thể tạo ra sự thay đổi khi hợp tác với các bên khác. Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong hộ gia đình, sau đó là những thay đổi ở khu dân cư, và cuối cùng là kết nối những sáng kiến nhỏ để tác động đến chính sách. Một tổ chức nhỏ làm việc tại cộng đồng có thế mạnh là bám sát thực tiễn, thu thập thông tin, sát cánh cùng người dân để hành động.
Khi làm việc tại các cộng đồng dân cư, yếu tố quan trọng nhất là xây dựng lòng tin của người dân, chính quyền địa phương và các bên liên quan khác. ACCD đã trở thành người đồng hành với người dân, chia sẻ các kinh nghiệm về Sống xanh, hướng dẫn và giúp họ huy động nguồn lực cho các sáng kiến của cộng đồng. Trong con mắt của chính quyền địa phương, tuy là tổ chức nhỏ nhưng ACCD có khả năng huy động vốn từ các nguồn khác nhau và mang lại hiệu quả thiết thực. Quá trình xây dựng niềm tin này đã nới rộng không gian chính trị cho các nhóm tự quản của người dân để hoạt động vì lợi ích chung.
Yếu tố quyết định khi xây dựng một phong trào xã hội là phải bắt đầu từ những hành vi tích cực của mỗi cá nhân. Nếu chỉ tác động đến cấp chính quyền để thay đổi chính sách thì vẫn là sự áp đặt từ trên xuống. Quá trình nâng cao năng lực của cộng đồng thường lâu dài và phức tạp hơn nhưng cũng bền vững hơn. Ví dụ có những tổ chức đã thành công trong việc thay đổi chính sách của thành phố đối với việc phân loại rác thải, tuy nhiên cộng đồng vẫn chưa hình thành thói quen này, và vì vậy chính sách không áp dụng được vào thực tiễn. Thuật ngữ chuyên môn gọi là mô hình hướng vào chủ thể hành động: thay vì chú trọng đến các yếu tố bên ngoài tác động đến cá nhân, thì trọng tâm ở đây là làm thế nào để mỗi cá nhân có thể tác động đến hoàn cảnh bên ngoài 3. Mỗi thay đổi nhỏ đều tạo ra trong mỗi người sự tự tin để dẫn đến đến những hành động tiếp theo, ở quy mô lớn hơn.
Cách tiếp cận này không có nghĩa là bỏ qua các cải thiện về cơ sở hạ tầng. Người dân có thói quen phân loại rác thải, thì thành phố cần xây dựng các cơ sở xử lý và tái chế rác. Tuy nhiên những đầu tư về hạ tầng đòi hỏi ngân sách lớn và quyết định ở cấp cao. ACCD chọn chiến lược tập trung vào những hành động nhỏ cấp địa phương, để người dân trực tiếp nhận ra những thay đổi và có niềm tin để tiếp tục hành động.
Hoạt động của ACCD có tính đến kinh nghiệm vận động quần chúng của các tổ chức đoàn thể. Khi bắt đầu làm việc tại một cộng đồng dân cư mới, ACCD đã phối hợp với các đoàn thể địa phương, tuy nhiên ACCD chỉ đưa ra các hướng dẫn chung và tạo điều kiện để các nhóm khác nhau thiết kế các hoạt động đa dạng, phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện của mình. Phần lớn người dân trong các cộng đồng dân cư đã từng tham gia phong trào do các tổ chức đoàn thể thực hiện. Điều này vừa có lợi vừa là thách thức. Điều có lợi là người dân không còn xa lạ với các hành động tập thể như làm vệ sinh khu dân cư, góp tiền ủng hộ các phong trào địa phương… Tuy nhiên kinh nghiệm tham gia vào các phong trào này làm người dân trở nên hoài nghi hơn, và đặc biệt khi nghe đến nhóm Sống xanh họ nghĩ ngay đến các phong trào công thức, dập khuôn và mang nặng tính tuyên truyền mà ít tính thực tiễn. Tuy nhiên khi đã tham gia vào sáng kiến nhỏ ở khu dân cư, với nguyên tắc tự nguyện và làm từ việc nhỏ đến việc lớn, người dân nhận ra rằng các hoạt động này thật sự đem lại hiệu quả đối với các hộ gia đình và cộng đồng.
Nếu xây dựng niềm tin là yếu tố quan trọng nhất khi làm việc ở cấp cộng đồng thì xây dựng mạng lưới là yếu tố quan trọng nhất để nhân rộng tác động. Mạng lưới Sống xanh bao gồm các nhóm và các CLB ở cộng đồng thuộc nhiều thành phố khác nhau, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, và cá nhân đến từ các ngành chuyên môn khác nhau. Sự đa dạng về thành phần của mạng lưới tạo cơ hội cho sự hợp tác và trao đổi kinh nghiệm. Tại Huế và TP Hồ Chí Minh, ACCD phối hợp với các tổ chức phi chính phủ. Tại Hội An và Đà Nẵng đối tác chính của mạng lưới Sống xanh là Hội Phụ nữ. Tại Hà Nội, đối tác bao gồm cả các cơ quan trung ương và các nhóm sinh viên tình nguyện. Các đối tác khác nhau có các cách thức khác nhau để lan tỏa phong trào, và ACCD hỗ trợ họ về chuyên môn và tài liệu. Kinh nghiệm hoạt động của ACCD cho thấy trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể tìm ra cơ hội để cùng cộng đồng hành động, thay vì thụ động chờ đợi Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và thay đổi chính sách.
Trong mạng lưới Sống xanh, ngoài các nhóm và tổ chức cộng đồng còn có nhiều nhà chuyên môn về quy hoạch, quản lý đô thị và môi trường, các cá nhân có uy tín thường xuất hiện trên các diễn đàn xã hội, và các cá nhân có mối liên hệ với chính quyền và giới truyền thông. Mặc dù trọng tâm của phong trào Sống xanh là các hành động nhỏ trong từng hộ gia đình và từng khu dân cư, nhưng sự hợp tác với giới chuyên môn cũng có nhiều tác động tích cực. Mạng lưới tuy có liên kết lỏng lẻo, nhưng các thành viên có thể đóng góp các thế mạnh và các mối quan hệ có lợi cho phong trào. Mạng lưới không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ với một vài cá nhân quyền lực, mà ngược lại đã xây dựng được nhiều mối quan hệ ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn khác nhau. Đây là nền tảng để mạng lưới hoạt động bền vững 4.
Truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về Sống xanh. Việc báo đài đưa tin giúp chương trình được chính quyền địa phương tin tưởng hơn và giúp cho quá trình lan tỏa đến các địa phương mới dễ dàng hơn.
Mô hình hoạt động cấp cộng đồng và liên kết mạng lưới của ACCD sẽ được mở rộng nhanh chóng nếu có sự hỗ trợ của chính quyền. Tuy nhiên việc mở rộng nhanh chóng cũng chứa đựng nhiều thách thức. Nhiều dự án triệu đô với nguồn nhân lực là các chuyên gia cao cấp và đại diện từ các cơ quan nhà nước vẫn thất bại vì thiếu quá trình nâng cao năng lực và kết nối cộng đồng. Có những yếu tố tưởng chừng không quan trọng, như mối quan hệ giữa các cá nhân chủ chốt ở cộng đồng, lại quyết định sự thành bại của dự án. Một đối tác đã chia sẻ: “Chúng tôi có thể hoạt động dù không có kinh phí và không có hỗ trợ từ bên ngoài. Nhưng nếu mâu thuẫn và mất đoàn kết giữa các thành viên thì không thể làm được việc gì”.
Kinh nghiệm của ACCD cho thấy luôn luôn tồn tại các cơ hội và không gian cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực xã hội cũng như môi trường. Thay vì chờ đợi sự thay đổi từ phía Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ có thể và cần phải nới rộng các không gian hoạt động cho chính mình. Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nơi nào trên thế giới, các thách thức về môi trường và xã hội sẽ ngày càng lớn. Tùy chúng ta chọn cách hành động, hoặc là thụ động hoặc là chủ động hợp tác với các bên và thử nghiệm các giải pháp từ nhỏ đến lớn.
Đọc thêm:
* Xã hội dân sự: Trọng tâm là hành động
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=7654
* Những người mở đường hợp tác
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=7659
----
* Giám đốc Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị
1 Bốn phường ở Hà Nội bao gồm phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Giáp Bát (quận Hoàng Mai), Hạ Đình và Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Chương trình Sống xanh ở Việt Nam được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của tổ chức Global Action Plan International - một mạng lưới quốc tế hoạt động vì môi trường và có trụ sở tại Thụy Điển. ACCD đã nhận được tiền tài trợ từ Cơ quan Viện trợ Ireland (Irish Aid) để thực hiện dự án tại Hà Nội.
2 Nội dung của bài báo được trích dẫn từ bài “Phong cách sống bền vững ở các thành phố của Việt Nam” của Đặng Hương Giang và Andrew Wells-Dang (2014) xuất bản trong cuốn “Xây dựng những cộng đồng bền vững: nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn: Sách hướng dẫn dành cho khu vực Đông Nam Á” do Lianda Brennan và cộng sự biên tập, NXB ĐH Tilde ấn hành.
3 B. Fay, Tư tưởng đương đại trong khoa học xã hội: cách tiếp cận đa văn hóa. (1996). Cambridge, MA: Blackwell, trang 242.
4 Đặng Hương Giang, “Hành động cộng đồng dân cư Hà Nội nhằm bảo vệ môi trường”, tham luận đọc tại hội thảo Vietnam Update tháng 11/2011 tại Đại học Quốc gia Úc.