Nhiều bất cập trong quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh
Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo “Chia sẻ kết quả giáp sát thực hiện Nghị quyết 30/NQ/TƯ và Nghị quyết 112/2015/QH13 về quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh” ngày 16/10 tại Hà Nội do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) tổ chức.
Theo ý kiến của đại biểu Triệu Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (VPQH), qua giám sát thực tế tại một số địa phương, Hội đồng Dân tộc nhận thấy việc chấp hành quy định của pháp luật về thủ tục giao đất, thu hồi đất ở phần lớn các địa phương chưa nghiêm . Nhiều diện tích trên thực tế các nông lâm trường đã giao về cho địa phương nhưng tỉnh vẫn chưa có quyết định thu hồi hoặc nhiều diện tích đã thu hồi nhưng địa phương vẫn chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng quỹ đất được các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp và các tổ chức chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh cho địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý.
Công tác tuyền truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai chưa được thực hiện thường xuyên và đồng đều ở các khu vực; nhiều nơi còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, vùng có đồng bào DTTS sinh sống, đây chính là địa bàn có nhiều công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng...
Công tác quản lý nhà nước về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường ở các địa phương còn bất cập, việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai thực hiện chưa đầy đủ. Cụ thể như chưa thực hiện nghiêm trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; xác định giá trị quyền sử dụng đất; kéo dài thời gian thực hiện từ giao đất sang thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất.
Việc chuyển đổi từ hình thức giao đất không thu tiền sang hình thức thuê đất, việc Ủy ban nhân dân một số địa phương chậm triển khai là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho các công ty nông, lâm nghiệp buông lỏng quản lý đất đai; cố tình giữa lại đất đai mặc dù nguồn lực lao động hiện tại hạn chế; để đất đai bị xâm lấn, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết trái pháp luật; giao khoán, phát canh thu tô...
Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) Triệu Văn Bình phát biểu
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất các giải pháp khắc phục tình trạng trên, để nâng cao hiệu quả của các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, phải tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp về quản lý, sử dụng đất đai nói chung và đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh nói riêng do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.
Hoàn thành dứt điểm các mục tiêu rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu sử dụng đất, quản lý rừng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đo đạc, cắm mốc giới trên thực địa, lập bản đồ, hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao đất, cho thuê đất, thu đủ tiền thuê đất của các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2019.
Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp, giải thể đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; cơ chế giao khoán sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập từ rừng để bảo đảm ổn định cuộc sống theo tinh thần Nghị quyết 112 của Quốc hội.
Kiên quyết giải thể, cho phá sản đối các công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không quản lý được đất đai, giao khoán trắng, hoặc giao khoán đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, không thực hiện được các nghĩa vụ về tài chính doanh nghiệp, tài chính đất đai... Thu hồi diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng. Bố trí ngân sách cho việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã trả về cho địa phương...
Đối với các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nhất là đối với vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa bàn có nhiều công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng .
Nghiêm túc thực hiện quy định dành tối thiểu 10% tiền thu được từ đất đai để thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai, đo đạc bản đồ, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Quang cảnh hội thảo
Ngoài ra, các đại biểu đều cho rằng, phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ về quản lý đất đai theo quy định của pháp luật như cập nhật hồ sơ địa chính; ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất đối với diện tích đất các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng đã giao về cho địa phương nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về tài chính đất đai.
Khẩn trương thực hiện đề án giao đất, giao rừng đối với phần diện tích các nông, lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Tích hợp diện tích đất của các nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương vào tổng diện tích đất của địa phương trong quy hoạch tổng thể sử dụng đất.
Sớm phê duyệt phương án sử dụng đất của các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các nông, lâm trường thuộc các Bộ, ngành trung ương quản lý.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn sai mục đích đang còn tồn đọng trong các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.
Đối với các công ty nông, lâm nghiệp, chú trọng đổi mới phương án sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty. Thực hiện rà soát lại nhu cầu sử dụng đất theo thực tế của các công ty; qua đó, đề nghị các công ty nông, lâm nghiệp trả đất về cho địa phương giao cho người dân quản lý đối với diện tích sử dụng kém hiệu quả, hoặc không có khả năng quản lý.
Đối với các diện tích có kế hoạch trả về địa phương nhưng chưa bàn giao được do vướng mắc về tài sản trên đất: các công ty tạm thời quản lý các diện tích này đến hết chu kỳ kinh doanh. Sau khi khai thác, xử lý xong tài sản trên đất thì tiến hành bàn giao ngay cho chính quyền địa phương. Không để xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đối với các diện tích đất này./.