Nhận thức của con người khi chết lâm sàng
Năm 2011, ông A, 57 tuổi, được đưa vào bệnh viện Southampton sau khi ngã quỵ tại làm việc. Trong khi các bác sĩ luồn ống thông để chuẩn bị phẫu thuật, tim ông ngừng đập, não không còn phản ứng. Và ông qua đời.
Mặc dù vậy, khi hồi phục, A vẫn nhớ những gì đã xảy ra và kể lại những gì ông "nhìn thấy" trong vòng ba phút - khoảng thời gian mà khi nhân viên y tế dùng máy sốc điện tim để cứu ông. A kể ông nghe thấy yêu cầu "gây sốc cho bệnh nhân" vang lên hai lần. Ông nhìn thấy một phụ nữ lạ mặt đang vẫy tay từ phía sau căn phòng, ở vị trí gần với trần nhà, rồi ông đi về phía người này và để lại thân xác ở phía sau.
"Tôi cảm giác rằng bà ấy biết tôi. Tôi cảm nhận rằng tôi có thể tin tưởng bà ấy và có lý do khiến người đó xuất hiện nhưng tôi không biết đólà gì. Chỉ một giây sau, tôi cũng đã lơ lửng trên trần nhà, nhìn xuống xác mình, y tá và một người hói đầu khác", ông kể lại.
Hồ sơ bệnh viện ghi nhận bác sĩ đã yêu cầu sử dụng AED cho bệnh nhân hai lần. Mô tả của A về người trong căn phòng, những người mà ông chưa từng nhìn thấy trước khi mất ý thức, và hành động của họ đều chính xác. Ông kể lại những gì đã xảy ra trong ba phút bất tỉnh, dù theo những gì chúng ta được biết cho đến nay về sinh học, thì điều này không thể xảy ra.
Trong nhiều năm qua, những trường hợp "trở về từ cõi chết" đã kể lại ký ức của chính họ. Bác sĩ bác bỏ bằng chứng về ảo giác, trong khi giới chuyên gia ngần ngại đi sâu nghiên cứu chủ yếu vì chúng được coi là ngoài tầm với của nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, một nhà khoa học tên là Sam Parnia, giám đốc trung tâm nghiên cứu hồi sức tại Đại học Y Stony Brook, New York, cùng đồng nghiệp từ Anh và Mỹ muốn xóa bỏ những nhận định về việc con người có hay không có trải nghiệm vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Trong 4 năm, họ phân tích hơn 2.000 trường hợp tim ngừng đập và được cho là đã chết. Các bác sĩ đã hồi tỉnh 16% trong số những bệnh nhân này và lựa chọn 101 người để phỏng vấn. "Mục đích của chúng tôi, trước hết là tìm hiểu về trải nghiệm tinh thần và nhận thức của họ về cái chết. Đối với người tuyên bố nghe thấy và nhìn thấy gì đó ở thời điểm chết, chúng tôi có thể xác định liệu họ có thực sự nhận thức được hay không", Parnia nói.
7 hình ảnh phổ biến khi cận tử
A không phải bệnh nhân duy nhất nhớ về trải nghiệm suýt chết của chính mình. Gần 50% người tham gia khảo sát đều nhớ về thứ gì đó, nhưng những gì họ trải qua dường như không liên quan đến thời điểm chết. Thay vào đó, họ nhìn thấy những cảnh tượng như mơ hay ảo ảnh. Parnia cùng đồng nghiệp phân loại chúng thành 7 nhóm: nỗi sợ hãi, nhìn thấy động vật hoặc thực vật, ánh sáng, cảnh bạo lực và khủng bố, hiện tượng deja-vu, nhìn thấy gia đình hay các sự kiện xảy ra sau khih khi tim ngừng đập (như trường hợp ông A).
Trải nghiệm tinh thần có mức độ khác nhau, có người luôn cảm giác sợ hãi hay thấy mình bị trừng phạt. "Tôi phải đi qua một buổi lễ và ở đó tôi bị đốt cháy. Có 4 người khác đi cùng tôi, và người nào nói dối sẽ phải chết", một bệnh nhân nhớ lại. Trong khi đó, có người kể rằng mình bị kéo qua một vùng nước sâu.
Nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm có thể là một trong những điều mà con người có thể cảm nhận khi rơi vào trạng thái cận tử. Ảnh: Thinkstock |
Theo Parnia, con người có trải nghiệm nhất định vào thời điểm họ chết, nhưng cách mỗi người thể hiện hay diễn giải điều đó tùy thuộc vào tiểu sử bản thân hoặc niềm tin của từng người. Người từ Ấn Độ có thể "trở về từ cái chết" và nói rằng nhìn thấy thần Krishna, trong khi người ở Mỹ cảm nhận điều tương tự và nói rằng đó là Chúa.
Cho đến nay, nhóm nghiên cứu chưa phát hiện khả năng dự báo ở những người có thể nhớ lại điều gì đó, hay lời giải thích rằng tại sao có người sợ hãi trong khi người khác cảm thấy phấn khích. Parnia cho rằng người có trạng thái cận tử có thể nhiều hơn so với con số mà nghiên cứu phản ánh.
Đối với con người, ký ức có thể gần như bị xóa sạch sau khi tim ngừng đập. Tuy nhiên, ngay cả khi người ta không nhớ lại một cách rõ ràng, trạng thái cận tử vẫn ảnh hưởng đến một mức độ nào đó về tiềm thức. Điều này có thể lý giải cho những phản ứng khác nhau ở bệnh nhân sau khi họ hồi phục, như không còn sợ hãi cái chết, hoặc bắt đầu có biểu hiện rối loạn căng thẳng sau sang chấn.