Nhận biết viêm loét dạ dày – tá tràng qua cơn đau
Khoa học&Đời sống số 70 ra ngày 2/9/2005 đã viết chi tiết về bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng và cách xử trí. Tuy vậy, triệu chứng đau trong căn bệnh này rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng đau trong một số căn bệnh khác. Làm sao để phân biệt, đâu là đau trong viêm loét dạ dày-tá tràng?
Bệnh viêm, loét dạ dày-tá tràng là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Bệnh lây theo đường phân-miệng. Bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau nên người ta dùng cụm từ “hội chứng dạ dày”. Tùy theo tính chất của bệnh mà có các tên gọi khác nhau: Viêm dạ dày, viêm tá tràng, viêm dạ dày-tá tràng, loét dạ dày-tá tràng, loét môn vị; loét bờ cong nhỏ…
Đau trong viêm loét dạ dày-tá tràng có đặc điểm: đau vùng trên rốn (thượng vị). Tùy theo bệnh tích mà có các tính chất đau của riêng từng loại bệnh. Có thể đau dữ dội, ăn vào đau nhiều hơn lúc đói (trong viêm dạ dày cấp); cũng có thể lúc đói đau nhiều hơn lúc vừa ăn xong; đau về đêm, gần sáng; những lúc thay đổi thời tiết (nhất là có cơn áp thấp nhiệt đới), bệnh nhân đau rõ rệt hơn (trong loét dạ dày-tá tràng). Người bệnh thường đau ở 1/3 đường nối rốn và mũi ức hơi lệch sang phải. Triệu chứng kèm theo đau là đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, trướng bụng, trung tiện nhiều lần.
Trường hợp loét tá tràng lâu ngày gây xơ chai, chít hẹp môn vị gần như thường xuyên gây nên ứ đọng dịch vị. Do đó bệnh nhân thường chán ăn, ăn không tiêu, có khi ăn xong rất khó chịu và phải móc họng cho nôn hết thức ăn mới thấy dễ chịu hẳn.
Cần phân biệt đau trong viêm loét dạ dày- tá tràng với các chứng đau bụng khác.
Đau bụng vùng thượng vị
- Chứng chậm tiêu:Bệnh nhân thấy đầy hơi, khó chịu, không có cơn đau rõ rệt, xuất hiện cảm giác chán ăn vì ăn không tiêu. Nếu ợ hơi được hoặc trung tiện được thì người bệnh sẽ thấy dễ chịu. Bệnh này thường gặp trong sa dạ dày. Lúc này nếu làm nội soi thì sẽ không thấy viêm loét dạ dày- tá tràng (có thể thỉnh thoảng thấy niêm mạc dạ dày xung huyết).
- Chứng rối loạn nhu động dạ dày- ruột:Bệnh nhân đau bụng không rõ vị trí, thường ở trên rốn. Ăn chậm tiêu, trướng bụng, buồn nôn, có khi nôn mửa. Phân có khi lỏng không thành khuôn, có khi táo bón. Nội soi dạ dày không thấy tổn thương viêm loét dạ dày-tá tràng.
- Bệnh trào ngược thực quản:Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy nóng rát vùng thượng vị, đôi khi ợ ra dịch vị rất chua, khó chịu hoặc có cả thức ăn kèm theo.
- Viêm gan mạn tính:Bệnh nhân đau ở vùng thượng vị, lệch sang phải khá rõ (nhất là viêm thùy trái gan mạn tính). Đau không thành chu kỳ, không liên quan đến bữa ăn. Thường thì bệnh nhân có tiền sử viêm gan (sốt, vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm, phân bạc màu…và xét nghiệm đã cung cấp các chỉ số về viêm gan)
- Viêm tụy cấp hoặc mạn tính:Bệnh viêm tụy cấp, cơn đau dữ dội xảy ra sau bữa ăn thịnh soạn, đau ở vùng thượng vị. Trong bệnh viêm tụy mạn tính, đau không xuất hiện thường xuyên, không xảy ra ồ ạt, dữ dội như viêm tụy cấp.
- Viêm hành tá tràng do giun móc:Đây là bệnh thường gặp ở vùng trồng rau xanh có phân người. Bệnh nhân có các cơn đau âm ỉ ở vùng thượng vị không liên quan đến bữa ăn, đi ngoài thường có phân màu đen. Bệnh này rất dễ chuẩn đoán nhầm với bệnh nhân dạ dày, tá tràng.
Để có chẩn đoán chính xác bệnh, khi có cơn đau, bệnh nhân nên làm một số xét nghiêm sau:
- Để xác định có bị viêm loét dạ dày –tá tràng hay không, bác sĩ thưởng chỉ định bệnh nhân chụp X.quang có chuẩn bị và có chất cản quang. Đây là một can thiệp dịch vụ có tính chất kinh điển, có giá trị nhất định. Tuy nhiên, ở các tuyến cơ sở vì chưa có các điều kiện thực hiện các dịch vụ cao hơn, hiện đại hơn nên có thể dùng kỹ thuật chụp phim và đọc phim để phát hiện viêm loét dạ dày-tá tràng.
- Nội soi dạ dày và các xét nghiệm kèm theo sau nội soi: Nhuộm soi kính hiển vi quang học để xác định hình thể, tính chất bắt màu Gram của vi khuẩn HP từ mảnh sinh thiết dạ dày. Nuôi cấy xác định sự có mặt của vi khuẩn Helicobacterpylori (HP). Đây là loài vi khuẩn mà đến nay thế giới đã công nhận là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày-tá tràng. Xác định men ureaza do vi khuẩn HP sinh ra bằng nhiều kỹ thuật khác nhau tùy theo điều kiện của từng cơ sở y tế. Nếu có điều kiện, người ta không cần nuôi cấy vi khuẩn mà tiến hành kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang hoặc tốt nhất là tiến hành kỹ thuật sinh học phân tử PCR (Polymerase Chain Reation) từ mảnh sinh thiết dạ dày-tá tràng.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 71(1789)