Nhân bản thành công lợn mang gen người
Theo TS Park Kwang-Wook, trưởng nhóm nghiên cứu, những con lợn nhân bản này đã được chuyển gen để mang gen HLA-G của người. Gien HLA-G sẽ giúp cơ quan nội tạng của lợn có cơ hội được chấp nhận cao hơn nếu được ghép cho người.
Nhóm nghiên cứu đã nhân bản lợn bằng cách lấy tế bào từ một con lợn lùn (loại lợn này được sử dụng để tạo cơ quan cấy ghép). Tiếp đến, họ tiêm gen HLA-G vào tế bào rồi cấy tế bào vào tử cung của một con lợn cái. Kết quả là 5 con lợn chào đời bằng phương pháp mổ đẻ song chỉ có một con sống sót.
Đào thải miễn dịch là một trở ngại lớn trong cấy ghép nội tạng cho người. Hệ miễn dịch của người tấn công các cơ quan được cấy ghép bởi nó coi những cơ quan này là kẻ xâm nhập. Thường thì tiến trình đó được khống chế bằng cách cho bệnh nhân uống thuốc chống thải ghép. Theo nhóm nghiên cứu, các tế bào từ con lợn nhân bản nói trên sẽ làm giảm 60-70% sức mạnh tiêu diệt cơ quan cấy ghép của các kháng thể người.
Con lợn đầu tiên mang gen HLA-G trên thế giới là sản phẩm của sự hợp tác giữa Công ty MGenbio và Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc gia Hàn Quốc. Nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm 3-5 gen miễn dịch nữa thì mới có thể làm cho cơ quan của lợn thực sự phù hợp với người.
Nguồn: vnn.vn 14/7/2005