Nhà khoa học chế máy làm bánh hỏi, giúp dân bớt nhọc nhằn
Ý tưởng từ chiếc quai giày
Kể về ý tưởng làm chiếc máy này, ông Hòa cho biết: Sau một lần về huyện Diên Khánh, Khánh Hòa, ông thấy những người làm bánh hỏi truyền thống quá vất vả. Để đè bột chảy xuống khuôn phải có người thật khỏe nhấn đòn bẩy. Người thợ làm bánh thì phải vừa đón bánh trong khuôn chảy ra, vừa dùng ngón tay cắt bánh, sau đó gấp thành dấu hỏi, rồi mang vào nồi nước nóng để hấp hơi. Các công đoạn này mất nhiều thời gian và công sức mà bánh không được đẹp và đều.
Yêu món bánh hỏi của quê hương, nhưng thấy người làm bánh cực nhọc quá, trong đầu ông luôn lởn vởn ý nghĩ phải làm sao để bà con giảm bớt nhọc nhằn? Nghĩ là làm, ông Hòa bắt đầu đi mua những máy móc cũ về mày mò nghiên cứu, chế tạo.
Bước đầu ông nghiên cứu hệ thống thủy lực nén bột trong khuôn để làm ra bánh hỏi. Sau đó, ông nghiên cứu tiếp cái máy đòn bắt, cắt và gấp bánh từ khuôn chảy xuống để thay luôn thợ. Ông tâm sự, khó nhất là tính toán để máy quay vòng tròn cắt rồi và dừng chờ thay vỉ và gấp bánh cho đều, đẹp. Chế tạo máy thay cho sức lao động thì dễ, nhưng chế ra máy thay cho tính năng khéo léo của con người mới khó.
Chiếc máy đầu tiên ra đời sau 2 năm nghiên cứu nhưng thất bại vì bánh xếp không ngay ngắn như ý muốn. Sau đó ý tưởng từ miếng nhám dép cao su đã giúp ông làm nên thành công cho chiếc máy ngày hôm nay.
Muốn chuyển giao công nghệ
Hệ thống sản xuất bánh hỏi của ông Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Hiện nay, ông đã lắp đặt được cho một số hộ dân làm bánh hỏi ở Diên Khánh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống do ông sản xuất, lắp đặt gồm một dãy băng chuyền dài chừng 10m. Toàn hệ thống chỉ cần một nhân công ngồi làm nhiệm vụ đưa các vỉ trống vào vị trí để hứng bánh được nén từ 6 píttông thủy lực bên trên, được “ngón tay máy” cắt thành những đoạn đều nhau và bẻ ngoặt thành những cái bánh mang hình dấu hỏi. Khi vỉ đầy bánh, máy tự động dừng nén. Hiện nay, năng suất bánh có thể đạt 1 tấn/ngày.
Sau 7 năm nghiên cứu, ông Hòa mới hoàn thiện hệ thống sản xuất bánh hỏi. Đến nay, ông mới đủ sức chế tạo và lắp đặt hai hệ thống sản xuất bánh hỏi cho hai hộ dân ở huyện Diên Khánh. Hiện rất nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh đặt ông làm nhưng ông không đủ sức.
Ông tâm sự: “Tôi chỉ lo một ngày nào đó sức khỏe không cho phép tiếp tục nghiên cứu, sản xuất mà không chuyển giao được công nghệ thì rất uổng phí. Tôi muốn chuyển giao công nghệ để họ làm đại trà giúp hạ giá thành và phục vụ đủ nhu cầu của người dân”.