Nguyên tố Chromium
Chromium là một kim loại chuyển tiếp cứng, sáng bóng, có ánh bạc và kháng oxy hóa. Tên gọi của nó có xuất xứ tiếng Hi Lạp là chroma, nghĩa là màu sắc. Đã có thời sắc tố vàng chrome (chì chromate) là màu được ưa chuộng trên bảng màu của giới họa sĩ do cường độ mạnh của nó, và nó cũng được dùng để sơn màu vàng sáng của xe bus đưa đón học sinh ở Mĩ, vì màu sắc ấy giúp học sinh dễ nhìn thấy xe bus hơn trong cảnh nhá nhem lúc sáng sớm. Rồi nó được thay thế bởi màu vàng và cam cadmium khi người ta nhận thấy màu vàng chrome có chứa một kim loại nặng, có độc tố.
Chromium được khám phá vào năm 1797 bởi nhà hóa học người Pháp Nicolas Louis Vauquelin, nhà khoa học còn khám phá beryllium. Vauquelin vinh dự được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Paris vào năm 1791, lúc mới 28 tuổi. Ông rời Paris một thời gian để tránh khủng bố của Cách mạng Pháp, và khi trở lại ông trở thành thanh tra khai mỏ và giáo sư tại trường khai mỏ quốc gia. Ông bị cuốn hút bởi một khoáng chất màu đỏ sáng tìm thấy ở Siberia vào năm 1766 (lúc ấy gọi là crocoite), ông trích lấy một mẩu và pha dung dịch của nó. Trước tiên, ông làm kết tủa chì và sau đó ông tách được chromium từ cái còn lại. Nguyên tố mới có thể tạo ra nhiều màu sắc lộng lẫy trong dung dịch, vì thế mà Vauquelin chọn cho nó tên gọi chromium. Ông còn tìm thấy ngọc lục bảo hình thành bởi một lượng nhỏ xíu chromium ở corundum, dạng khoáng chất của nhôm oxide.
Quặng chính của chromium là chromite và các địa điểm khai khoáng chủ yếu bao gồm Nam Phi, Zimbabwe và Phần Lan, cùng với các trầm tích được khai thác ở Mĩ, Nga và Greenland. Chromium là nguyên tố dồi dào thứ 21 trong lớp vỏ Trái đất.
Chromium là nguyên tố vi lượng thiết yếu đối với cơ thể người và được cho là ảnh hưởng đến chức năng hormone insulin trong cơ thể và giải phóng năng lượng từ máu. Liều lượng khuyên dùng cho một người trưởng thành khỏe mạnh là từ 25 đến 35 microgram mỗi ngày và các nguồn thực phẩm tốt bao gồm thịt, hàu, ngũ cốc, đậu lăng, trứng và quả cật. Cơ quan có nhiều chromium nhất trong cơ thể là nhau thai. Giới động vật cũng cần chromium. Nếu bị thiếu chromium, thì hàm lượng cholesterol của chúng giảm và chúng bị đái tháo đường.
Chromium là nguyên tố kim loại cứng. Nhiều hợp chất chromium lộng lẫy màu sắc và quặng crocoite, còn gọi là chì đỏ Siberia, được dùng làm sắc tố đỏ trong tranh sơn dầu.
Chromate có thể hết sức độc đối với con người và việc tiếp xúc với một số hợp chất chromium có thể dẫn tới tổn thương da. Hồi đầu thế kỉ 19, công nhân ở Scotland xử lí các hợp chất chromim bắt đầu bị ung nhọt làm lở da thịt và gây ngứa khủng khiếp. Chứng lở loét này được gọi là ung nhọt do chrome. Những người làm việc trong các ngành công nghiệp mạ chrome, nhuộm và thuộc da chrome cũng dễ bị mắc chứng loét da do chrome.
Ngày nay, phần lớn chromium được pha hợp kim với sắt và nickel để làm thép không rỉ – một số loại thép này chứa tới 25% chromium. Chromium còn được dùng làm một lớp mạ mỏng để tạo ra bề mặt sáng bóng, cứng, chống ăn mòn. Mạ chromium trở nên cực kì phổ biến trong các bộ hãm xung trên xe hơi hồi thập niên 1950 và 1960, mang lại không ít nét quyến rũ cho chiếc Pontiacs, Chevys, Cadillac và nhiều nhãn hiệu khác.