Người tạo chế phẩm nâng cao chất lượng tôm nuôi
Quả vậy: nếu bổ sung sinh khối Rhodotorula glutilis: 2.5% vào thức ăn nuôi tôm thì sẽ làm tăng trọng 7.54% và tăng hàm lượng carotenoide trong vỏ tôm.
Mê khoa học từ nhỏ
Sinh năm 1982, tại vùng quê miền trung Bình Định, ngay từ lúc nhỏ Nguyễn Thị Ánh Tuyết thường có những sáng kiến ngộ nghĩnh đem áp dụng cho những trò chơi của tuổi thơ mình. Những năm học cấp 2 Tuyết đã giành được danh hiệu Nhà sáng tạo trẻ của báo Mực Tím - Khăn Quàng Đỏ.
Để thực hiện ước mơ được nghiên cứu khoa học và đem ứng dụng vào thực tế, ngay sau khi tốt nghiệp PTTH, Tuyết đã chọn thi vào Khoa Hóa - Thực phẩm. Bởi vốn gốc nhà nông, gắn liền với cuộc sống nông thôn nên Tuyết nghĩ nếu học được những cái mới về hóa thực phẩm đem áp dụng ở quê hương thì sẽ giúp ích được nhiều lắm. Năm 2000, Tuyết bắt đầu bước sang một lĩnh vực nghiên cứu mới, đó là nghiên cứu các chế phẩm vi sinh và ứng dụng chúng vào thực tế.
Trong những năm đầu đại học Tuyết đã thực hiện những nghiên cứu nho nhỏ về hóa thực phẩm. Đến năm thứ ba thì Tuyết đã thực hiện công trình nghiên cứu lớn về sản xuất tinh sạch, một chế phẩm vi sinh để ứng dụng vào sản xuất nước mắm. Trong quá trình thực hiện, Tuyết được biết đến một chế phẩm khác, đó là chất carotenoide. Việc sử dụng các nguồn thực phẩm có carotenoide không chỉ làm tăng giá trị cảm quan cho sản phẩm thực phẩm mà còn có giá trị dinh dưỡng (tăng khả năng thị lực).
Ngoài ra, ở những động vật giáp xác như tôm, cua, ghẹ, carotenoide đóng vai trò như chất tạo ra mầu sắc cho các loại vỏ của động vật giáp xác. Chính mầu của vỏ động vật giáp xác quyết định giá trị cảm quan của loài động vật đó.
Qua tìm hiểu Tuyết được biết: Carotenoide là những chất mầu tự nhiên không độc, tạo ra mầu vàng, cam và đỏ cho nhiều loại thực phẩm. Chúng hiện được phân bố rộng rãi trong các loại cây, các loại động vật và vi sinh vật. Số lượng carotenoide tìm thấy trong tự nhiên hiện lên đến 600 loại với những mầu sắc khác nhau.
Tuy nhiên ở Việt Nam , việc nghiên cứu khai thác carotenoide từ vi sinh vật chưa được quan tâm đúng mức mà chỉ được khai thác từ thực vật là chủ yếu. Việc khai thác carotenoide từ thực vật có nhiều hạn chế về thời gian nuôi trồng thực vật, về kỹ thuật khai thác carotenoide và hàm lượng thu được từ thực vật không cao.
Trong thời gian gần đây, nhiều nhà khoa học tiến hành các nghiên cứu cho thấy có rất nhiều loài nấm men có khả năng tổng hợp carotenoide. Các nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài cho thấy việc nuôi cấy nấm men để thu nhận carotenoide có rất nhiều triển vọng.
Nghiên cứu từ "gà" ra... tôm
Từ những thực tế đã ghi nhận đức sau khi hoàn thành đề tài về nước mắm, Tuyết đã chuyển sang nghiên cứu theo hướng mới này bằng đề tài khoa học là: "Sản xuất chế phẩm vi sinh vật Rhodotorula glutilisgiàu carotenoide bổ sung vào thức ăn cho tôm để nâng cao chất lượng tôm". Đề tài được bắt tay từ tháng 6-2003 với sự hướng dẫn của TS Nguyễn Đức Lượng - Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học của trường.
Thực ra lúc khởi đầu kế hoạch, Tuyết dự tính sẽ hoàn thành một đề tài nghiên cứu về carotenoide để áp dụng trong việc tạo lòng đỏ cho trứng gà. Tuyết đã xin gia đình dành sân thượng để xây một chuồng gà lớn và mua gà về nuôi để chờ... đẻ trứng nhằm thực hiện thí nghiệm. Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện đề tài được một thời gian thì xảy ra nạn dịch cúm gà, thành thử bao dự tính đành "đổ sông, đổ biển"? Thế là Tuyết đành chuyển sang một hướng nghiên cứu mới là bổ sung carotenoide vào thức ăn cho tôm để nâng cao chất lượng tôm.
Thực hiện đề tài "chuyên"... sinh này đối với một "tay ngang" như Tuyết quả là khó khăn. Do là sinh viên nên cô phải vừa học, vừa làm. Nhiều hôm phải thức suốt trong phòng thí nghiệm để tiến hành nghiên cứu. Sau sáu tháng khảo sát thực tế các trại nuôi tôm kết hợp nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, Tuyết đã rút ra được những kết luận cơ bản là: Nếu bổ sung sinh khối Rhodotorula glutilis: 2.5% vào thức ăn nuôi tôm sẽ làm tăng trọng 7.54% và tăng hàm lượng carotenoide trong vỏ tôm.
Đề tài của Tuyết thành công đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho ngành chăn nuôi của nước ta. Đây cũng chính là luận văn tốt nghiệp đạt được kết quả xuất sắc đồng thời giúp giành được giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka lần 6, được chọn tham gia giải thưởng sáng tạo khoa học thanh niên toàn quốc năm nay.
Sau khi đề tài thành công, Tuyết cho biết đang chuẩn bị lao vào một kế hoạch khác, đó là theo học chương trình cao học về chuyên ngành thực phẩm và bảo vệ môi trường tại Đức. Tuyết tâm sự: lâu nay các quy trình sản xuất thực phẩm của mình thường xuất xưởng xong mới lo công việc bảo vệ, còn nay Tuyết, hy vọng sau khi học xong sẽ thực hiện theo một quy trình ngược lại, đó là sẽ lo việc bảo vệ an toàn cho thực phẩm trước khi cho ra đời thực phẩm ấy...
Nguồn: nhandan.com.vn 6/9/2005