Người phụ nữ phát hiện enzim làm thuốc trị tim
1. Câu chuyện đem dioxin về Viện xảy ra cách đây đã hai chục năm nhưng mỗi khi nhắc lại, mọi người trong Viện vẫn chưa hết kinh ngạc. Đó là khi bà tham gia Chương trình điều tra chất độc dioxin do Bộ Y tế chủ trì.
Hồi ấy, nước ta không thể trang bị được máy đo hóa học đo nồng độ dioxin gây hại cho con người, cây trồng do quá đắt tiền. Chính bà đã đề xuất muốn xác định, chỉ có cách tiêm dioxin vào trứng gà. Thế là người phụ nữ nhỏ nhắn, hiền hậu ấy đã dám mang chất độc dioxin, vốn được cất giữ trong điều kiện đặc biệt, về phòng thí nghiệm của Viện.
Cơ quan thực hiện Chương trình không phản đối bởi biết đó là cách làm duy nhất nhưng ai cũng lo rủi ro, nguy hiểm đến với bà và kinh ngạc hơn khi bà công bố kết quả thí nghiệm, "chỉ với 10-9g dioxin, phôi trứng gà đã bị đứt mạch máu, không thể nở thành gà con, vài con nở ra thì mù mắt, què chân".
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dao sinh năm 1945 quê ở Thanh Hóa, tốt nghiệp khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội và khoa Hóa, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó bà làm việc ở Trung tâm Sinh ly hóa sinh người và động vật Viện Khoa học Việt Nam(nay là Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam ). Năm 1993, làm trưởng phòng Enzim học. Năm 1998, làm Viện phó Viện Công nghệ sinh học. Bà đã có trên 40 đề tài các cấp, hai bằng độc quyền sáng chế, Giải thưởng khoa học trẻ do Đoàn Thanh niên tự do Đức tặng. |
2. Trong căn phòng làm việc chừng 20 mét vuông chật cứng sách vở tài liệu, bà dành một góc đặt trang trọng tủ thuốc nguồn gốc thiên nhiên, niềm tự hào của phòng Enzim học. Đây là thuốc Tiên Dung chiết tách từ động vật biển như hải long, cầu gai, có tác dụng chống lão hóa cho nữ giới. Đây là thuốc tribelus, uphaton điều chế từ cây tật lê mọc hoang ở Bình Thuận, thuốc này đã xuất sang Nhật Bản, Canadavà Australia ...
Cuối cùng bà chỉ lọ thuốc naturenz có khoảng 100 viên nén. Đó chính là một trong những sản phẩm ứng dụng của đề tài Nghiên cứu các giải pháp công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm y sinh học đặc thù để bảo vệ sức khoẻ nhân dân từ nguồn tài nguyên sinh vật Việt Nam .Đây là đề tài mới nhất do bà làm chủ nhiệm, cũng là nghiên cứu bà tâm đắc nhất.
Naturenz có tác dụng tăng cường tiêu hóa, chống độc và mất ngủ, được điều chế từ các enzim (là một loại protein) chiết tách từ củ cải trắng, quả và lá đu đủ, quả và lá mướp đắng, quả lêkima, tỏi. Nghiên cứu thành công năm 1998, naturenz đã được Ủy ban Chất độc da cam 10-80 thử nghiệm trên bệnh nhân bị ngứa, nhiễm độc trên da do chất dioxin.
Ông Nguyễn Văn Khoa ở thị trấn Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội là bộ đội chống Mỹ đã nhiễm chất độc này ở rừng Trường Sơn. May mắn sinh con lành lặn nhưng hằng năm cứ đến đầu mùa hè, khắp người ông mẩn ngứa, mụn nổi đầy. Cả con và cháu ông đều mắc bệnh. Được thử nghiệm dùng thuốc naturenz khoảng tám tháng mỗi năm, bệnh đã thuyên giảm đáng kể. Thật không thể ngờ, dioxin nguy hiểm vậy mà có thuốc làm dịu di chứng của nó.
3. Cách đây hơn chục năm, khi làm trưởng phòng Enzim học, rồi Viện phó Viện Công nghệ sinh học, hai điều bà trăn trở là cán bộ trong nước chưa có điều kiện cập nhật thông tin, chưa tiếp xúc nhiều với các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm, thiết bị nghiên cứu còn nghèo nàn. Cả phòng enzim học khi ấy chỉ có vài chiếc máy làm lạnh, kính hiển vi... do Liên Xô (cũ), Ba Lan tài trợ từ những năm 60, 70. Giờ đây, phòng thí nghiệm về enzim của Viện được đánh giá là hiện đại trong khu vực Đông - Nam Á đã có những chiếc máy nhân gien, máy lắc, máy đọc ADN đời mới bên cạnh những dụng cụ kẹp, gắp, máy ly tâm, bình ổn nhiệt... mà bà "xin" được từ các Viện nghiên cứu ở Đức mỗi lần sang dự hội thảo.
Cũng chính trong những chuyến đi ấy, bà lại tìm cơ hội liên hệ đưa cán bộ của Viện sang học hỏi, tham quan. Giờ đã nghỉ hưu, bà vẫn làm việc ở cương vị Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện, đang viết sách nghiên cứu về enzim khử độc trong cơ thể, tiếp tục tham gia Chương trình phát hiện những đột biến gien của trẻ sơ sinh, và vẫn là người thầy tin cậy cho các thế hệ học trò.
Nguồn: nhandan.com.vn 21/10/2005