Người giúp vùng đất “chết” thành vựa lúa lớn nhất Việt Nam
Giới nghiên cứu khoa học, môi trường và địa chất vẫn còn hào hứng khi nói về hiệu quả ngoài sức tưởng tượng của công trình “Nghiên cứu Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 1980 – 1987” do PGS.TS Hồ Văn Chín- Viện Địa lý và Tài nguyên TP HCM thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các cộng sự thực hiện. Hiệu quả thực tiễn của công trình ấy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Công trình do PGS.TS Hồ Văn Chín làm chủ biên đã đưa Đồng Tháp Mười từ chỗ bị coi là mảnh đất “chết” đã “hồi sinh”, thay da đổi thịt và đang trở thành vựa lúa lớn nhất Việt Nam.
Sau năm 1975, cả nước thoát khỏi chiến tranh, đất nước thống nhất, công cuộc phục hóa và khai hoang Đồng Tháp Mười sớm được các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang hoạch định kế hoạch phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề thiếu lương thực.
Trong 6 vùng kinh tế được phân chia lúc bấy giờ, Đồng Tháp Mười được xếp vào loại khó khai thác nhất. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như đất thì nhiễm phèn nặng, mùa lũ nước bị ngập sâu và ngập lâu, nhưng mùa khô lại thiếu nước ngọt.
Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ có gần 53% diện tích tự nhiên vẫn còn hoang hóa. Việc đi lại trong vùng chủ yếu bằng đường thủy, nhưng mùa khô thường lội bộ, băng đồng. Y tế, giáo dục còn yếu kém. Dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, đời sống dân cư còn rất cơ cực, nhiều hộ dân còn thiếu đói.
Lúc bấy giờ, kinh tế của đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước cho rằng, khai thác vùng Đồng Tháp Mười sẽ chẳng có lợi gì, đặc biệt là trong trồng lúa.
Tuy nhiên, năm 1982, từ các kết quả thực nghiệm cụ thể, khảo sát thực tế, tập thể nhóm nghiên do PGS.TS Hồ Văn Chín dẫn đầu đã xác định được các vùng tự nhiên thích hợp cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi và các đối tượng khai thác tự nhiên khác của vùng đất phèn nằm giữa 2 huyện Tam Nông và Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Công trình “Nghiên cứu điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 1980 – 1987” do PGS.TS Hồ Văn Chín và cộng sự nghiên cứu đã được Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 bằng khen của Chính phủ, danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc. Mới đây nhất, công trình đã nhận được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2013. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, PGS.TS Hồ Văn Chín và các cộng sự nhận được Giải thưởng này trong lĩnh vực Khoa học ứng dụng. |
Thế nhưng, để khắc phục những hạn chế của vùng đất bị nhiễm phèn nặng trở thành nơi người dân có thể sinh sống và trồng trọt được là cả một thách thức thách thức lớn đối với PGS.TS Hồ Văn Chín và các cộng sự.
Được sự quan tâm, ủng hộ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhiều giáo sư, nhà khoa học khác, công trình nghiên cứu của PGS.TS Hồ Văn Chín và các cộng sự đã có những đóng góp thiết thực trong quá trình khai thác kinh tế-xã hội vùng Đồng Tháp Mười của Chính phủ giai đoạn 1985-1995.
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá có hệ thống, toàn diện và có định hướng các tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên, tập thể nhóm nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu, phát hiện, đánh giá đúng đắn tiềm năng cũng như tác động của môi trường sinh thái đối với con người để có cách thức giải quyết.
Những phương án cải tạo, khai thác địa chất, thỗ dưỡng, thực vật và nguồn nước khu vực Đồng Tháp Mười đã được đưa ra và thử nghiệm. Kết quả là trong 3 năm (1988 - 1990) thực hiện chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, diện tích lúa 2 vụ Đông Xuân - Hè Thu thay thế lúa mùa nổi, lúa 1 vụ tăng nhanh.
Thắng lợi của công trình là xây dựng được cơ sở khoa học chỉ được chỗ nào sản xuất lúa năng suất cao, giúp người dân từ bỏ tập quán sản xuất cũ chuyển sang sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu và hiện nay là Thu Đông. Cho nên từ diện tích cho năng suất 1-2 tấn/ha thì bây giờ năng suất có thể lên đến 10-12 tấn/ha.
Sau nhiều năm vất vả khai phá, Đồng Tháp Mười giờ đây đã trở thành vựa lúa quan trọng của cả nước (Ảnh: Internet)
Đồng Tháp Mười cũng là một vùng đất ngập nước đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 500.000 tấn lương thực, hiện nay đã là hơn 3 triệu tấn. Các cây trồng khác như: Cây ăn trái, mía, khóm từ chỗ không thể trồng được thì đến nay đã rất phát triển.
Thành công lớn, nổi bật nhất của quá trình khai thác Đồng Tháp Mười là làm biến đổi hoàn toàn một vùng có hệ sinh thái tự nhiên hoang dã, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật yếu kém thành một vùng có hệ sinh thái nông nghiệp phát triển với năng suất cao, dân cư đông đúc và đời sống đã được cải thiện, cơ sở hạ tầng, xã hội và kỹ thuật phát triển.
Nhận xét về những thành quả đem lại của công trình nghiên cứu vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có một nhận xét: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy các nhà khoa học đã may được một cái áo lành lặn, không phải áo cà sa manh mún”. Câu nói đó đã để lại ấn tượng sâu đậm, khó quên và là nguồn động viên đối với tập thể nhóm nghiên cứu để tiếp tục tục cống hiến nhiều hơn nữa cho nghiên cứu khoa học.
Tính đến nay, công trình nghiên cứu đã được 25 năm nhưng vẫn còn những giá trị áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, với việc biến đổi khí hậu, vùng đất, nước và lũ lụt diễn ra thường xuyên… luôn là những thách thức lớn đối với người dân Đồng Tháp Mười. Vì vậy, PGS.TS Hồ Văn Chín và các đồng nghiệp luôn trăn trở để khu vực này giữ nguyên được đồ phì nhiêu của đất và mong muốn khôi phục vùng đất trồng tràm.
PGS.TS Hồ Văn Chín tâm sự, chừng nào còn sức khỏe, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về những diễn biến tự nhiên, đất đai, nước lũ và nguồn nước mặn để biến những thách thức của thiên nhiên thành lợi thế cho phát triển vùng Đồng Tháp Mười, đưa cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng phát triển./.