Người "giữ nhịp" trái tim
Kia rồi, anh Hùng đang ra đấy - người bạn là bệnh nhân vừa được bác sĩ Hùng phẫu thuật cách đây vài tháng chợt nói khẽ như reo lên khi thấy anh bước trong cổng Bệnh viện Việt Đức ra. Tôi ngồi quán cà phê bên đường, cố dõi đôi mắt với hình dung để tìm một vị bác sĩ đạo mạo, chải chuốt, kính trắng... nhưng chẳng thấy đâu. Cho đến lúc người đàn ông cao lớn, mặc quần vải thô, dép xăng đan, vẻ mặt hơi lành lạnh bước tới trước mặt chào hỏi và bắt tay, tôi mới biết đó chính là bác sĩ Hùng mà mình cần tìm. Có lẽ vì thế mà vợ và người thân nhà bác Đào Duy Quát (Phó ban Tuyên Giáo Trung ương) trong cái lần bác phải mổ cấp cứu cũng ngớ hết cả người vì chuyện đó. Nguyên là cách đây vài năm, hôm đó anh Hùng đang nghỉ trông thợ sửa nhà thì có điện thoại tới mổ gấp. Anh cứ "bệ nguyên" cả bộ đồ đang mặc, quần bò cũ bám đầy vữa xồng xộc vào khoa hỏi mà còn chưa kịp nghĩ tới thay đồ: Bệnh nhân Quát mổ cấp cứu nằm đâu nhỉ? Sau ca phẫu thuật, mọi người vào thăm cũng vẫn còn đôi chút ngạc nhiên khi biết cái anh "thợ xây" lại là người đã giúp bác Quát qua cơn hiểm nghèo.
Sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình có cha làm bác sĩ xương khớp Bệnh viện Xanh Pôn, ngay từ nhỏ, việc "chơi", ngắm nghía những mô hình khung xương đã trở nên quen thuộc với cậu bé Hùng và dần trở thành đam mê, dẫn tới quyết định thi vào đại học y để được làm người "cứu người" sau này. Vị bác sĩ 42 tuổi luôn tự nhận mình là gặp nhiều may mắn để có được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, có ai biết anh đã phải nỗ lực thế nào để đứng trong số 10 người được học tiếp nội trú sau tốt nghiệp trong khóa học 700 sinh viên y ngày ấy. Sau đó anh được thầy Tôn Thất Bách đưa về Bệnh viện Việt Đức và được giáo sư Đặng Hanh Đệ chỉ dẫn từ bước nhập môn. Chỉ khi đã chứng tỏ được sự say mê và khả năng của mình, anh mới được cử sang Pháp học nâng cao tại một số trường đại học ở Lyon, Toulouse ... Thầy Bách, thầy Đệ là những người đã không tiếc công sức truyền dạy cho học trò từ đường kim mũi chỉ cho đến tấm lòng nhân ái bao dung bệnh nhân như thể ruột thịt của mình. Với người nước ngoài, anh lại học được ở họ tính chuyên nghiệp và khả năng làm việc tuyệt vời. Cứ nghĩ tới hình ảnh vị bác sĩ nước ngoài mổ tim mà động tác thanh thoát, nhanh nhẹn cứ như đang thêu thùa đan lát mà anh Hùng lại nóng ran cả chân tay, chỉ mong muốn đạt được trình độ kỹ thuật như vậy. Tiếp thu những nguồn học vấn từ các bậc thầy lớn như vậy nên sự đam mê nghề nghiệp và quyết tâm trong vị bác sĩ trẻ ngày càng lớn. Cứ ca nào khó, nặng là bác sĩ Hùng xung phong. Dù cho gần 5 năm trời đầu tiên trước khi được hưởng biên chế bệnh viện, anh "ăn cơm nhà đi vác tù và", chẳng có lương, thậm chí còn bỏ tiền mua áo blu trắng cho ra dáng, thì điều đó cũng không mấy ảnh hưởng tới sự bền bỉ, khao khát đạt tới thành công trong nghề của chàng bác sĩ trẻ với lý luận thật đơn giản: "Cứ nhìn thầy mà học, thầy Bách còn phải xách cặp lồng cơm toàn màu nâu của lạc và rau huống chi là mình".
Có lẽ bởi vậy mà nhiều bệnh viện khác hợp tác với nước ngoài, sẵn sàng trả lương anh tính ra tới vài chục triệu một tháng, nhưng bác sĩ Hùng vẫn ngày ngày bước qua cánh cổng Bệnh viện Việt Đức trên phố Quán Sứ, thực hiện hàng chục ca mổ hằng tháng và lĩnh mức lương trung bình đều đều "không phân biệt công tội" dù gánh nặng gia đình là không nhỏ. Anh chẳng giấu giếm: "Tiền thì ai chẳng thích, mỗi lần lời mời mới đưa ra là một lần hơi xao động day dứt. Nhưng cứ nghĩ đây là nơi đã quá gắn bó với mình từ khi còn học xâu kim cắt chỉ, cùng những người thầy đã cống hiến quên thân, tôi lại từ chối".
Món quà vô giá
Trong quan niệm của bác sĩ Hùng, có hai nghề mà sai lầm là khó có thể sửa chữa, đó là lái xe và bác sĩ. Gần hai mươi năm công tác, thực hiện không biết bao nhiêu ca phẫu thuật tim đem lại sự sống cho bệnh nhân, nhưng vẫn còn đó nhiều việc được chứng kiến khiến anh không ít lần khóc thầm. Vẫn còn nhiều người tử vong trong khi chờ mổ hoặc không có điều kiện để mổ. Chi phí một ca ít nhất vài triệu đồng, với người có tiền thì hàng trăm triệu cũng nhỏ, người nghèo thì có khi hỏi giá xong lại ngậm ngùi một câu: "Thôi để em đưa mẹ về". Phải nghe câu nói ngắn ngủi đó, là mỗi lần bác sĩ Hùng lén giấu đi những giọt nước mắt. Vì vậy, đã bắt tay vào phẫu thuật là anh đều cố gắng hết mình. Anh tâm sự: chỉ cần tiết kiệm một đoạn chỉ khâu là một tháng một bác sĩ đã làm dôi ra nhiều triệu đồng, chưa kể còn biết bao chi phí khác, hoặc lấy van tim người chết thay thế van nhân tạo vừa tốt vừa tiết kiệm, vấn đề là làm sao có cơ chế để những quyền lợi đó đến được với người nghèo.
Bởi bệnh nhân nghèo thiếu thốn và thiệt thòi nhiều, nên họ chính là những người mà bác sĩ Hùng chú ý hơn. Một lần đi ngang khu bệnh nhân, thấy một bệnh nhi 3 tuổi cứ với một con búp bê của bé giường bên cạnh nhưng bị gạt tay không cho chạm vào. Anh liền ra ngoài bỏ tiền túi 160.000 đồng mua búp bê về tặng cho đứa nhỏ. Giờ nó đã 6 tuổi, nó về nhà đan một cái chiếu nho nhỏ bằng quyển vở với dòng chữ "con tặng bố Hùng" gửi cho anh. Bác sĩ Hùng chẳng bao giờ quên được ánh mắt của đứa bé nhìn thấy con búp bê khi đó cũng như cái chiếu không bao giờ dùng để nằm kia.
Lần khác, có một bệnh nhân nữ 25 tuổi quê Hưng Yên bị lao và hẹp đường thở, gần một năm trời phải cách ly con mới 17 tháng tuổi. Hai vợ chồng lê la khắp các bệnh viện, chị ta không nói mà chỉ nhờ nhắn với bác sĩ Hùng rằng, hãy cứu em để em được nhìn mặt con một lần. Khi phẫu thuật khỏi bệnh, chồng chị quần áo xộc xệch đến gặp bác sĩ, rút ra một chiếc phong bì đã cũ mèm nhàu nát vì để dành trong người đã nhiều tháng. Anh Hùng nhất định không nhận thì bị ép nhận, anh đành cầm lấy rồi quay ra nói với chị vợ: "Đây là tiền anh nhà cho bác sĩ, bác sĩ nhận nhưng tặng lại cho cháu cùng con, cháu cũng không được từ chối nhé". Vậy là nữ bệnh nhân mếu máo nhận lại chiếc phong bì tiền nhàu nát.
Nhiều bệnh nhân nặng được vị bác sĩ cứu chữa khi trở lại với cuộc sống khỏe mạnh đều có chung một tâm sự rằng, nếu có món quà quý giá nhường nào mà họ đang sở hữu, họ cũng sẽ chẳng đắn đo gì mà không tặng nó cho anh. Nhưng chẳng ai biết rằng, với bác sĩ Hùng, chính niềm vui, nụ cười và tình yêu cuộc sống của mỗi người bệnh được anh chạy chữa, sẽ luôn là món quà vô giá mà anh muốn thấy.
Nguồn: suckhoedoisong.vn (10/03/08)