Ngọt hoá nước biển - dự án táo bạo của Australia
"Ngọt hoá nước biển đã được xem như một giải pháp tạo nước sạch cho vùng hạn hán", Uỷ ban nước Sydney thông báo tuần trước, nơi chủ tịch Bob Carr giới thiệu kế hoạch về nhà máy trị giá 1,5 tỷ đôla Mỹ, công suất 500 triệu lít mỗi ngày.
Giống như một máy hút bụi khổng lồ, nhà máy sẽ hút hàng trăm triệu lít nước biển và đưa qua quá trình thẩm thấu ngược, biến nước mặn thành nước ngọt uống được. Theo phương pháp này, nước được ép qua một màng, cho phép nước sạch đi qua nhưng các phân tử muối, virus và vi khuẩn thì bị chặn lại.
Các nhà máy lọc nước biển đã có mặt ở Mỹ và Trung Đông. Tại Australia, những tổ hợp quy mô nhỏ cũng đang hoạt động trên các khu du lịch đảo và trên các tàu hải quân trong 20 năm qua. "Đó không phải là công nghệ mới, mà chính quy mô lần này và vị trí trên đảo Kurnell mới gây sự chú ý".
Nhà máy lọc nước cần một nguồn điện rất lớn. Dự kiến sẽ tiêu tốn 906 gigawatt giờ điện mỗi năm. Chính phủ Australia có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện chạy bằng gas để cấp năng lượng cho công trình này.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng đề xuất về nhà máy khử nước biển trên bán đảo Kurnell sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn so với phần giải quyết được. Trước hết, đó là giá thành nước ngọt sau lọc quá cao. Ngoài ra khi hút lượng nước tương đương 1.100 bể bơi Olympic mỗi ngày vào nhà máy, rất nhiều phù du và cá sẽ bị hút theo. Mặt khác, nhà máy sẽ thải ra một lượng khoảng 600 bể bơi nước muối đậm đặc ra biển. Nếu không phân tán hợp lý, nó có thể tạo thành một lớp nước nghèo oxy, đậm đặc và giàu muối, lắng xuống đáy biển và giết chết các sinh vật.
Nguồn: vnexpress.net 20/7/2005