Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 14/12/2009 16:47 (GMT+7)

Ngô Bảo Châu, “bom tấn” và “trống đồng” trong toán học

LTS: Sự kiện công trình toán học của GS Ngô Bảo Châu được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong số mười khám phá khoa học nổi bật trên thế giới năm 2009 khiến báo chí trong nước mấy ngày gần đây lại một lần nữa phải nói về ông như "hiện tượng của toán học Việt Nam".

Dù tới tháng 9/2010, Đại hội Toán học Thế giới mới được tổ chức tại Ấn Độ, nhiều người đang hi vọng, Ngô Bảo Châu sẽ vinh danh Việt Nam bằng Huy chương Fields danh giá.

Nhân dịp này,chúng tôiđăng bài viết với những tư liệu chính xác và riêng về Ngô Bảo Châu của tác giả Hàm Châu, người vốn thân thiết và am hiểu nhà toán học nổi tiếng này.

Khoa học là "nghề gia truyền"

Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, năm Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh cho máy bay chiến lược B-52 ném bom trải thảm Hà Nội, khi cha anh tòng quân, chuẩn bị lên đường vào tuyến lửa Quảng Trị.

Anh là con một, lớn lên trong gia đình trí thức: cha là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học cơ học Ngô Huy Cẩn, làm việc tại Viện Cơ học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; mẹ là Phó Giáo sư, Tiến sĩ dược học Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương. Có thể nói, “nghề gia truyền” của gia đình anh là “nghề khoa học”.

“Hữu thư chân phú quý” (có sách mới thật là giàu sang), của cải dồi dào trong gia đình anh không phải là “tờ xanh, cây vàng”, mà là sách vở, là lòng khát khao hiểu biết được “di truyền” qua nhiều thế hệ. Tổ tiên anh thuộc dòng họ “thi thư”, có người từng giữ chức Đông các Đại học sĩ chuyên giảng “sách thánh hiền” cho Thái tử triều Nguyễn.

Ngay từ những năm trung học cơ sở, Bảo Châu đã được học tại các lớp chuyên toán của thành phố Hà Nội đặt tại Trường Trưng Vương. Thầy Tôn Thân, thầy giáo toán cho Châu là người dạy giỏi nổi tiếng ở Thủ đô, cháu ngoại nhà học giả Phạm Quỳnh (Chủ bút tạp chí Nam Phong hồi đầu thế kỷ 20). Cô giáo dạy văn là cô Trịnh Bích Ba, con gái yêu của nhà học giả Trịnh Đình Rư, cử nhân Nho học, đã để ấn tượng sâu đậm trong lòng Châu ngay từ lứa tuổi thiếu niên giàu cảm xúc.

Lên bậc trung học phổ thông, Châu thi đỗ vào Khối Phổ thông chuyên toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khối THPT chuyên Toán - Tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Suốt mấy thập niên, Đơn vị Anh hùng Lao động này đã hội tụ được nhiều nhà giáo dạy toán nổi tiếng như Phan Đức Chính, Nguyễn Văn Mậu, Lê Đình Thịnh, Phạm Văn Điều, Phạm Tấn Dương, Nguyễn Xuân My, Đỗ Thanh Sơn, Nguyễn Vũ Lương, Phạm Văn Hùng, Phạm Quang Đức, Phan Cung Đức, Phạm Đăng Long, Nguyễn Thành Văn, cũng như những cô giáo, thầy giáo dạy giỏi các môn khác như các cô Đặng Thanh Hoa, Nguyễn Thị Tính, các thầy Lê Đình Vinh, Dương Hoàng Giang, Lê Văn Việt, Nguyễn Cảnh Hòe...

Lão Tử, nhà tư tưởng lỗi lạc của phương Đông cổ đại, đã viết: “Thiên lý chi hành thuỷ ư túc hạ” (Chuyến đi nghìn dặm là do bước chân đầu tiên). Ngô Bảo Châu đặt những bước chân đầu tiên vững chắc, đúng hướng, không “xa chính đạo, sẩy chân, lạc lối”.

Do được đào tạo trong “trường chuyên, lớp chọn” với chất lượng cao, cho nên mùa hè năm 1988, khi mới 16 tuổi, đang học lớp 11, Châu đã lọt vào đội tuyển học sinh giỏi toán nước ta đi thi Olympic Toán quốc tế (International Mathematical Olympiad/ IMO) tại Canberra, thủ đô Australia. Là một trong mấy thí sinh ít tuổi nhất kỳ thi, thế mà Châu vươn tới đỉnh cao nhất: giành huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Châu quả có năng khiếu toán vượt trội.

Mùa hè năm sau, 1989, Châu lại lọt vào đội tuyển quốc gia đi dự IMO tại Braunschweig (Brunswick trong tiếng Anh). Và, một lần nữa, Châu giành huy chương vàng.

Trở về Hà Nội, Châu vinh dự được bác Đỗ Mười, lúc đó giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mời lên Phủ Chủ tịch hỏi chuyện.

Vươn tới đỉnh cao giữa Paris hoa lệ

Học xong trung học, Châu theo một lớp tiếng Hungary, sửa soạn sang Budapest học lên đại học. Nào ngờ bên Đông Âu xảy ra “cách mạng nhung”! Chính quyền mới không cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam nữa...

Nhà toán học Ngô Bảo Châu (phải) nhận bằng giáo sư kiêm chức tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nhà toán học Ngô Bảo Châu (phải) nhận bằng giáo sư kiêm chức tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Được Giáo sư Nguyễn Văn Đạo giới thiệu, Giáo sư Paul Germain, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, liền đề nghị Chính phủ nước này đặc cách cấp học bổng cho Châu vào Đại học Paris 6.

Đối với một sinh viên Pháp hay Việt Nam vào loại giỏi, được vào Đại học Paris 6 là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng Châu thì không! Anh luôn vươn tới đỉnh cao. Hai năm sau, anh thi vào hệ sau đại học của École Normale Supérieure de Paris, đại học danh tiếng nhất nước Pháp mà ta quen dịch là Đại học Sư phạm Paris, nơi từng đào tạo nhiều nhà bác học Pháp lừng danh, và cũng là nơi mà một số người Việt Nam ưu tú thế hệ trước như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Trần Thanh Vân... đã từng theo học. Do rất nổi tiếng trên thế giới, tên trường này thường vẫn giữ nguyên dạng chữ Pháp trong các văn bản tiếng nước ngoài. Châu đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển năm ấy.

Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 25 tuổi, rồi luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) năm 31 tuổi.

Người cha giáo sư và cô con gái nhỏ

Là một người “hiến thân” cho toán học, nhưng anh không phải là một cỗ rô-bốt chỉ biết tính toán suốt ngày đêm, mà trái lại, là một con người - như bạn bè anh nhận thấy - có tâm hồn tinh tế, trầm tư, giàu mỹ cảm, biết yêu những vũ khúc polonaise, mazurka mang âm hưởng đồng quê êm dịu của Chopin hay những khúc rhapsony (cuồng tưởng) đầy bão dông sấm sét của Liszt; biết say thơ Hàn Mặc Tử siêu thoát hay thơ Quang Dũng hào hoa; biết mải mê đọc ngấu nghiến mấy cuốn tiểu thuyết mới in như "Phế đô" (The Abandoned Capital), "Quỷ thành" của nhà văn Trung Quốc đương đại Giả Bình Ao - cây bút có biệt tài soi tỏ cõi tâm linh “tội lỗi” của những nhân vật nam và nữ thời nay như Trang Chi Điệp, Đường Uyển Nhi, Liễu Nguyệt... ở thành Tây An, chốn đế đô thời cực thịnh Hán – Đường, nhưng về sau bị “phế bỏ”!

Và chiều chiều người cha trẻ tuổi ấy thường âu yếm dắt tay cô con gái nhỏ thảnh thơi dạo bước men theo những ngọn đồi thoai thoải dốc, nở đầy hoa thuỷ tiên dại màu vàng sáng, hoa lệ xuân đỏ tươi hay hoa đậu kim vàng thắm ở vùng Palaiseau, Gif-sur-Yvette, ngoại thành Paris, vừa đi vừa bày cho con cách gọi tên các loài hoa ấy bằng hai thứ tiếng Việt, Pháp.

Đầu năm 2004, khi chưa đầy 32 tuổi, anh được hai trường đại học lớn ở Paris (Paris 6 và Paris 11) mời làm giáo sư. Anh nhận lời Đại học Paris 11 vì muốn sống gần ba người đồng nghiệp có nhiều “duyên nợ”: Gérard Laumon, Laurent Lafforgue và Ngô Đắc Tuấn. G. Laumon là người thầy đã hướng dẫn L. Lafforgue và Ngô Bảo Châu viết luận án tiến sĩ.

Cả hai nhà toán học Pháp ấy đều đã sang thăm Việt Nam và đã sống nhiều ngày trong ngôi nhà của cha mẹ anh lúc bấy giờ ở khu Mai Động, Hà Nội. Còn Ngô Đắc Tuấn, thì vốn cũng là “dân chuyên toán Tổng hợp” như Châu, và cũng như Châu, Tuấn hai lần giành huy chương vàng IMO (năm 1995, rồi 1996) tại Canada và Ấn Độ, sau đó, theo học Đại học Bách khoa Paris (École Polytechnique de Paris), đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp. Tuấn được Châu giới thiệu làm nghiên cứu sinh với L. Lafforgue, bạn thân của Châu và là nhà toán học được tặng Huy chương Fields (Fields Medal), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

Tháng 12/2009, tạp chí Time (Mỹ), một tạp chí có uy tín quốc tế, đã xếp công trình toán học Bổ đề cơ bản của GS Ngô Bảo Châu thứ 7 trong số 10 khám phá khoa học nổi bật trên thế giới năm 2009. Công trình ấy được công bố năm 2007, sau đó, được giới toán học thế giới kiểm tra, phản biện, rồi công nhận vào năm 2009.

Tạp chí Time đặt công trình của nhà toán học Việt Nam bên cạnh những khám phá khoa học lớn như: tìm thấy người Ardi, tổ tiên cổ nhất của loài người sống cách đây 4,4 triệu năm; lập bản đồ chi tiết về bộ gen người; phát hiện nước trên Mặt trăng; Máy gia tốc lớn hadron ở Geneva (Thuỵ Sĩ) tạo năng lượng kỷ luc; thực hiện thành công viễn tải lượng tử...

Sinh năm 1972 tại Hà Nội dưới mưa bom trải thảm, học tập trong những năm khó khăn sau chiến tranh, mặc dù vậy, Ngô Bảo Châu liên tiếp đoạt hai huy chương vàng Olympic Toán Quốc tế. 32 tuổi, anh trở thành giáo sư Đại học Paris-Nam và, sau đó, được công nhận là giáo sư kiêm chức tại Viện Toán học Hà Nội, vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam.

Anh liên tiếp được tặng nhiều giải thưởng toán học quốc tế như Giải thưởng Nghiên cứu Clay ở Mỹ (2004), Giải thưởng Oberwolfach ở Đức (2007), Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp (2008)...

Viện Nghiên cứu cấp cao Princetonmời anh sang Mỹ làm việc dài hạn.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.