Nghiên cứu và sử dụng nước ozone ở Việt Nam
Năm 1999, TS Nguyễn Hoài Châu sang Nga công tác và tình cờ phát hiện một loại dung dịch đang được sử dụng ở khắp nước Nga có quá nhiều tác dụng mà từ trước đến nay anh chưa từng biết. Anh tìm gặp “ông tổ” của dung dịch kỳ lạ này trong ngày cuối cùng trước khi về nước sau nhiều lần không hẹn được vì ông quá bận.
Đó là Viện sĩ Vitold Mikhailovich Bakhir, người tìm ra cách điều chế dung dịch điện hoạt hoá từ năm 1972 từ một hoá chất vô cơ cực kỳ phổ biến và gần như vô hại là muối ăn. Cuộc tiếp kiến, thay vì chỉ diễn ra trong 15 phút như dự định, kéo dài trên ba giờ. Ông V.M. Bakhir nhận lời giúp ông Châu đưa công nghệ này vào Việt Nam . (Sau này ông Bakhir hai lần sang Việt Nam để giúp các nhà khoa học của ta sớm nắm được công nghệ mới).
Về nước, ông Châu đề xuất với các cơ quan quản lý KH-CN cấp trên về dung dịch kỳ lạ kia. Lãnh đạo Bộ KH-CN giao cho Viện Khoa học Vật liệu (thuộc Viện KH-CN Việt Nam) xây dựng và thực hiện (trong các năm 2001-2002) nhiệm vụ hợp tác quốc tế mang tên “Nghiên cứu sản xuất dung dịch hoạt hoá bằng phương pháp điện hóa và các ứng dụng trong y tế, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường”, nằm trong khuôn khổ Nghị định thư Hợp tác KH-CN giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Lĩnh vực sử dụng nước ozone nhiều nhất là y tế, chăn nuôi, bảo quản và chế biến nông sản, xử lý nước. Đặc biệt trong lĩnh vực phòng dịch cho người và vật nuôi, tính đặc dụng của nước ozone từng được khai thác sử dụng trong những hoàn cảnh gay cấn nhất.
Nước Mỹ sau khi chi 3,8 triệu USD kiểm nghiệm tác dụng của dung dịch này đã quyết định trang bị cho quân đội phương tiện sản xuất nước ozone để chống các cuộc tấn công vi sinh và hoá học trong đó có “cuộc chiến khủng bố bằng vi khuẩn bệnh than” năm 2002. Thành phố Moscow dùng nước ozone phun vào ô-tô buýt và taxi công cộng để chống dịch SARS hè năm 2003.
Năm 2004, khi cúm gà bùng phát ở châu Á, người Nga phổ biến trên internet cách dùng nước ozone để khử trùng chuồng nuôi, trứng gà và thịt gà... Bản “Hướng dẫn sử dụng dung dịch điện hoạt hóa điều chế từ nước muối để khử trùng các đối tượng khác nhau trong ngành chăn nuôi” đã được Ban Y học Thú y Viện Hàn lâm Nông nghiệp Liên bang Nga và Hội đồng Y Dược thuộc Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga duyệt.
Trong phiên bản này, người ta chỉ ra cách dùng dung dịch trong những trường hợp cụ thể như khử trùng chuồng trại chăn nuôi, làm sạch phòng và thiết bị thường trực của xưởng giết mổ, cách rửa và khử trùng dụng cụ vận chuyển gà mới nở, rửa trứng nhiễm bẩn, rửa và khử trùng trứng ấp, vỏ trứng nhiễm vi khuẩn Salmonella, Coliform, hay rửa và khử trùng cho gia cầm nhiễm bẩn, bảo quản các phụ phẩm sau giết mổ, v.v...
Một nhà khoa học Lítva, công bố cuốn sách năm 1994 nhan đề Wonderful Water (Nước Kỳ diệu) trong đó liệt kê 75 nhóm bệnh của người có thể chữa khỏi nhờ dùng phối hợp hoặc chỉ dùng riêng với dung dịch điện hoạt hóa. Có thể kể một số bệnh như áp xe, tổn thương mắt, viêm da dị ứng, viêm họng, viêm amidan, xơ cứng động mạch chi dưới, tiểu đường, vàng da, viêm phế quản, dạ dày...
Dù nắm được công nghệ điều chế, nhưng các nhà khoa học Việt Namvẫn thận trọng đề nghị tiếp tục nghiên cứu ứng dụng dung dịch trong hoàn cảnh Việt Nam . Bên cạnh nhiệm vụ được nhà nước giao, Viện Khoa học vật liệu gấp rút kiểm nghiệm tác dụng của dung dịch điện hoạt hóa. Đó là các đề tài nghiên cứu khả năng sử dụng nước ozone thay thế các hoá chất sát trùng đang được sử dụng trong một số công đoạn nuôi tôm giống và chế biến thuỷ sản. Cả hai đề tài khởi động từ năm 2003.
Trước cơn bùng phát dịch cúm gia cầm, Viện lại cho xây dựng và thực hiện thêm đề tài mang tên “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng dung dịch điện hoạt hóa trong phòng chống bệnh và tăng hiệu quả chăn nuôi gia cầm” từ tháng 5-2004.
Ngoài ra một số bộ, ngành và nhiều tỉnh, thành cũng cho tiến hành thực hiện các đề tài hoặc dự án nghiên cứu ứng dụng nước ozone trong các bệnh viện, chăn nuôi gia cầm và lợn, nuôi tằm, nuôi tôm giống, bảo quản rau quả tươi, khử trùng nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Tiến, Viện trưởng Viện Pasteurs TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân mà Hồng Công, nơi bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 từ năm 1999, nay khống chế được và không để dịch bệnh tái bùng phát chính là việc tẩy trùng thường xuyên chuồng trại cũng như gia cầm.
Theo các nhà khoa học đưa “nước ozone” vào Việt Nam, nếu sử dụng nó trong việc phòng dịch, người chăn nuôi có thể hàng ngày phun vào khắp chuồng trại cũng như cho vật nuôi uống, không đợi đến khi bệnh dịch phát mới dùng. Tính vô hại đối với vật nuôi và môi trường cho phép người chăn nuôi thực hiện việc này hàng ngày.
Giá thành của dung dịch điện hoạt hóa quá rẻ (chi phí sản xuất thấp hơn các loại thuốc sát trùng khác hàng chục đến hàng trăm lần). “Một con gà thịt nuôi từ lúc mới nở đến khi đem bán người nuôi chỉ lãi khoảng 5-8 nghìn đồng”, một nhà khoa học ở Viện Chăn nuôi quốc gia nói, “Vì vậy chi phí từ 40.000- 150.000 đồng cho một lít thuốc sát trùng chăn nuôi thông dụng hiện nay để sử dụng hàng ngày là điều quá xa xỉ. Điều đó góp phần làm cho lợi nhuận của ngành chăn nuôi tiến tới số không”.
Nhà khoa học này thừa nhận một số trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia đã sử dụng dung dịch điện hoạt hóa trong việc bảo vệ giống gốc gia cầm từ đầu năm 2004 chống lại dịch cúm gà.
Nguồn: www.nhandan.com.vn ngày26-02-2005