Nghệ An: Phản biện Dự án Cống kiểm soát mặn và cải tạo môi trường vùng hạ lưu sông Hoàng Mai
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp các ngành, các cấp, các nhà khoa học, để đảm bảo tốt tiến độ và chất lượng cho dự án.
Dự án Cống kiểm soát mặn và cải tạo môi trường trên sông Hoàng Mai đã được Chính phủ và Bộ NN& PTNT cho phép lập dự án đầu tư và vận động nguồn vốn từ Chính phủ Hàn Quốc (Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc). Dự án có tính cấp thiết cần phải được đầu tư nhanh chóng vì nguồn nước tại vùng hạ lưu sông Hoàng Mai đang ngày càng cạn kiệt, tình trạng bị nhiễm mặn gây khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Công trình Cống kiểm soát mặn và cải tạo môi trường vùng hạ lưu sông Hoàng Mai (Cống ngăn mặn giữ ngọt Hoàng Mai), ngăn sông Hoàng Mai đoạn chảy qua địa phận phường Mai Hùng và phường Quỳnh Dị của thị xã Hoàng Mai; tại vị trí cách ngã ba sông Hoàng Mai và sông Mai Giang (sông Mơ) khoảng 1,7km về phía thượng lưu, cách cầu Hoàng Mai trên quốc lộ 1A khoảng 2,85km về phía hạ lưu (Phương án đề nghị chọn của tư vấn thiết kế).
Công trình này có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trong vùng dự án; Cấp nước cho đô thị Hoàng Mai, các khu công nghiệp và 400 ha nuôi trồng thủy sản, với tổng lượng 9,5 triệu m 3/năm từ nguồn nước ngọt hóa; Không làm xấu đi tình hình tiêu thoát nước vùng hạ lưu sông Hoàng Mai; Cải tạo môi trường vùng hạ lưu sông Hoàng Mai, kết hợp với giao thông nội bộ trong vùng (giao thông thủy, bộ nội vùng)
Nhằm tối ưu hóa dự án, Trung tâm ứng dụng KHKT&CN Thủy lợi - Hội thủy lợi Nghệ An là đơn vị được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ phản biện dự án này về nhiệm vụ công trình, quy mô công trình, kỹ thuật công trình và nhận xét đánh giá tính hiệu quả của công trình. Việc phản biện sẽ giải quyết được các ý kiến vẫn còn thắc mắc xung quanh các vấn đề như: sử dụng nguồn nước nào, được bao nhiêu, biện pháp công trình gì, đặt ở đâu, quy mô và công nghệ có phù hợp, để đảm bảo nhiệm vụ công trình cần phải làm gì v.v
Tại hội thảo này, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến về các vấn đề kỹ thuật trong quá trình thực hiện dự án như vấn đề xả lũ; quy mô công trình đã phù hợp với điều kiện thực tế hay chưa; các giải pháp phù hợp để thi công an toàn... Đây sẽ là những ý kiến góp ý quan trọng để đơn vị được giao nhiệm vụ phản biện dự án tiếp thu, chuẩn bị để có sự phản biện tốt nhất.