Ngành cấp thoát nước đô thị đối mặt với những thách thức lớn
Thực trạng cấp thoát nước đô thị
Cấp nước đô thị
Trải qua hơn một thập kỷ thực hiện Định hướng phát triển cấp nước đô thị (QĐ 63/1998/QĐ-TTg), hệ thống cấp nước đô thị Việt Nam không ngừng phát triển. Trong phạm vi cả nước đã có 68 công ty cấp nước với công suất thiết kế đã đạt 5,5 triệu m 3/ngày/đêm. Công suất khai thác xấp xỉ 4,7 triệu m 3/ngày/đêm. Tất cả các thành phố, thị xã thuộc tỉnh đều đã thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước; có khoảng 300/727 thị trấn, huyện lỵ có hệ thống cấp nước tập trung với quy mô từ 500-5.000 m 3/ngày. Trên 190 khu công nghiệp tập trung được đáp ứng đủ yêu cầu nước sản xuất và phục vụ sinh hoạt. Các hệ thống cấp nước được đầu tư nói trên bằng nhiều nguồn khác nhau như: Hỗ trợ phát triển của Chính phủ các nước (ODA), ngân sách nhà nước, vay tín dụng trong nước, vốn các thành phần kinh tế khác…Tính từ năm 1998 đến nay, tổng mức đầu tư cho cấp nước đô thị khoảng 19.000 tỷ đồng (tương đương với khoảng 1,2 tỷ đô la, khoảng 100 triệu USD mỗi năm).
Thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải
Các hệ thống thoát nước tại Việt Nam hầu hết là các hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải. Phần lớn đầu tư được dành cho các hệ thống mạng lưới cống thoát nước, ít quan tâm đến các nhà máy xử lý nước thải; và đầu tư mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn, thành phố tỉnh lỵ; các hệ thống thoát nước và trạm xử lý nước thải hầu như chưa có ở các thị trấn, đô thị loại 3, loại 4. Hiện nay, mới chỉ có một số ít các trạm xử lý nước thải bệnh viện, công nghiệp và các đô thị lớn do nguồn ODA tài trợ đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, nên các nguồn tiếp nhận nước thải và nước mưa ở các thành phố đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Những thách thức đối với ngành cấp, thoát nước
Đối với cấp nước đô thị
Hệ thống cấp nước có vai trò quan trọng đối với đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của đô thị. Mặc dù kết quả hoạt động của các công ty cấp nước Việt Nam được xem là khả quan so với các nước đang phát triển khác, nhưng vẫn chưa phát huy hết công suất thiết kế, tỷ lệ thất thoát, thất thu còn cao. Vì vậy, cần phải nỗ lực cải thiện hiệu suất hoạt động cũng như sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả.
Mô hình quản lý và chính sách hiện hành còn là thách thức đặt ra cho lĩnh vực cấp nước đô thị. Những mô hình quản lý và chính sách hiện hành liên quan đến vấn đề giá nước, quyền sở hữu, những phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, tính tự chủ và trách nhiệm của các công ty cấp nước… Cần phải thay đổi theo hướng cập nhật nhằm khuyến khích các công ty cung cấp dịch vụ hoạt động và hiệu quả hơn.
Dịch vụ cấp nước đô thị Việt Nam chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với hiệu quả và chất lượng dịch vụ không đồng đều giữa các khu vực. Hầu hết các công ty đều không được tự chủ về nguồn vốn, giá nước do UBND tỉnh đặt ra không đảm bảo được sự bền vững về tài chính cho các doanh nghiệp. Có một thực tế là vốn đầu tư cho lĩnh vực này chủ yếu là vốn ODA mà thiếu đi nguồn huy động từ thị trường trong nước. Hiện nay, đã có những tín hiệu cho thấy có thể huy động được vốn từ nhiều nguồn khác nhau và sáng kiến BOT của Tp. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Bên cạnh đó, vấn đề quyền sở hữu tài sản của các công ty cấp nước vẫn chưa rõ ràng sẽ trở ngại đáng kể khi cổ phần hóa các công ty.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với các công ty cấp nước, khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm là yêu cầu tiên quyết cho sự phát triển. Với hướng đi đó, các công ty cấp nước có thể chuyển đổi thành công ty TNHH mà chính quyền đô thị là cổ đông duy nhất. Điều này làm tăng tính bền vững và mang lại cơ hội cổ phần hóa cho các công ty trong tương lai.
Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, để việc thực hiện các văn bản quy phạm ngành đạt hiệu quả, cần có một cơ quan giám sát ở cấp quốc gia, nhằm xem xét lại những phương án được đề xuất, tránh tình trạng xung đột lợi ích khi các UBND tỉnh vừa ban hành giá nước vừa là chủ sở hữu các công ty cấp nước.
Xu hướng đầu tư cho lĩnh vực cấp nước là chuyển dần từ nguồn vốn ODA sang các nguồn tài chính hỗn hợp tiến tới dựa hoàn toàn vào nguồn tài chính trong nước. Với tư cách là đơn vị bảo lãnh vay ngân hàng cho các công ty cấp nước, UBND tỉnh sẽ đóng vai trò trung gian giúp hỗ trợ hiệu quả hơn về mặt chi phí và nâng cao hiệu quả của dịch vụ, đồng thời, việc phát hành trái phiếu của các công ty cấp nước còn là một kênh huy động vốn khác nhưng để nắm bắt tốt hơn các cơ hội ấy, các công ty cấp nước cần được hoàn thiện hơn thông qua quy định kế toán tài chính, qua kiểm toán, benchmarking và sự phát triển hệ thống định giá.
Đối với thoát nước đô thị
Dịch vụ thoát nước và vệ sinh môi trường tiếp tục là vấn đề nóng bỏng và cực kỳ bức xúc trong phát triển kinh tế-xã hội nước ta. Nó đang đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ và toàn ngành nước. Hệ thống thoát nước thải, nước mưa chỉ có hơn 10 thành phố lớn và các trung tâm tỉnh lỵ, nhưng được xây dựng khá lâu, đường ống cống rãnh đã xuống cấp; kênh mương sông suối nội đô và các hồ điều hòa đã và đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước đã quá tải, tình trạng ngập úng cục bộ sau những trận mưa lớn thường xuyên xảy ra ở các đô thị. Do hệ thống thoát nước hầu hết ở các đô thị chung cho cả thoát nước thải và nước mưa, vì vậy việc thu gom nước thải để xử lý hầu như chưa làm được. Từ thực trạng trên, vấn đề đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi thải vào hệ thống chung tiếp tục là thách thức, là đòi hỏi của toàn xã hội.
Thể chế về tài chính của các công ty thoát nước hoặc công ty môi trường đô thị không mạnh bằng các công ty cấp nước. Đây chính là một thách thức lớn về năng lực trong việc giải quyết những vấn đề của vệ sinh đô thị. Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đã đưa ra khuyến cáo là nên tập trung vào vấn đề vệ sinh đô thị. Do kinh nghiệm của Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế, nên cần có sự hiểu biết toàn diện hơn như cần có sự sắp xếp về thể chế lĩnh vực cấp nước là độc lập hay kết hợp, thu hồi chi phí thông qua giá dịch vụ, cung cấp tài chính thông qua việc sử dụng ODA, kết hợp các khoản vay và tài trợ, các cách tiếp cận kỹ thuật thích hợp và tiêu chuẩn hóa dịch vụ, nâng cao năng lực ngành. Đối với lĩnh vực vệ sinh đô thị, việc thiết lập cơ chế hạch toán lỗ lãi để cung cấp các dịch vụ định hướng tới khách hàng và dựa trên doanh thu là cần thiết và có thể thuê khối tư nhân thực hiện một số công việc lựa chọn. Việc hợp nhất hoạt động thu gom và xử lý nước thải với hoạt động của các công ty cấp nước có thể hỗ trợ cho hoạt động quản lý và vận hành nhưng đối với các thành phố lớn thì việc tách riêng các công ty cấp nước và thoát nước sẽ thích hợp hơn.
Biện pháp cần thiết
Cần có các nguồn cung cấp nước đô thị ổn định và bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Theo Báo cáo của Hội đồng Tài nguyên nước quốc gia thì Việt Nam hiện nay không còn được coi là giàu có về tài nguyên nước. Dòng chảy vào mùa mưa trên các lưu vực sông quá cao gây tác động mạnh đến dòng chảy trong mùa khô theo lưu lượng dòng chảy, Việt Nam có mức nước trung bình là 9.856 m 3/người/năm, nhưng con số này lại rất khác nhau ở các lưu vực sông. Nếu theo tiêu chuẩn quốc tế, mức nước 1.700 m 3/người/năm thì nơi đó coi là bị khan hiếm nước không thường xuyên như ở các lưu vực sông Mã, sông Côn, các sông ở duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, lưu vực sông Đồng Nai; trong 8 tháng mùa khô có 6 lưu vực được đánh giá là thiếu nước thường xuyên, đó là: Lưu vực sông Sê San, Vũ Gia-Thu Bồn, sông Gianh, sông Mã. Khảo sát việc khai thác nước mặt vào mùa khô cho thấy 4 lưu vực sông đã tới ranh giới thiếu nước nghiêm trọng: Sông Mã khai thác tới 80% lưu lượng dòng chảy; nhóm sông Đông Nam Bộ khai thác 75% lưu lượng dòng chảy; sông Hương và sông Đồng Nai khai thác trên 40% lưu lượng dòng chảy.
Tổng trữ lượng nước ngầm của Việt Nam không lớn (khoảng 63 tỷ m 3) nhưng ở nhiều vùng khai thác quá mức, vượt quá khả năng tái nạp, một số nơi đã bị cạn kiệt, vì vậy mực nước ngầm đã bị hạ thấp, gây sụt đất… Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng này.
Nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt nguồn tài nguyên nước đang là thách thức lớn đối với Việt Nam , nhất là bối cảnh của kịch bản biến đổi khí hậu. Để bảo đảm nguồn cung cấp nước thô bền vững cho các nhu cầu cấp nước, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể quản lý nguồn tài nguyên nước quốc gia (IWRM). Riêng đối với ngành cấp nước đô thị đã đến thời điểm phải có những hệ thống cấp nước liên tỉnh, liên vùng dựa trên sự sẵn sàng của những nguồn nước bền vững.
Cần đổi mới thể chế ngành cấp thoát nước
Tại Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg và Nghị định 109/2007/NĐ-CP, các công ty cấp nước và thoát nước chuyển thành công ty cổ phần hoặc công ty TNHH nhà nước một thành viên, Chính phủ cũng chủ trương để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh cấp thoát nước-vệ sinh môi trường. Thực hiện chủ trương này, hầu hết các công ty trong ngành nước đã chuyển thành công ty TNHH nhà nước một thành viên, một số công ty đã cổ phần hóa. Việc chuyển đổi này được coi là bước đi đúng đắn nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực cấp thoát nước.
Cần có nguồn cung cấp tài chính ổn định và bền vững cho ngành cấp thoát nước
Để bù đắp vào những thiếu hụt của nguồn tài chính công, đáp ứng những yêu cầu đầu tư trong ngành cấp thoát nước trong thời gian tới do đô thị hóa và đối phó với biến đổi khí hậu, khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong và ngoài nước là một hướng đi đúng đắn. Hiện nay, một số thành phần kinh tế khác và khối tư nhân đã tham gia đầu tư và kinh doanh nước sạch như Tổng công ty Xuất nhập khẩu-Xây dựng (VINACONEX) đã đầu tư kinh doanh nhà máy nước Sông Đà (công suất 600.000 m 3/ngày, đợt I: 300.000 m 3/ngày đã hoàn thành và cấp cho Hà Nội từ tháng 8/2008), đầu tư kinh doanh nhà máy nước Dung Quất (35.000 m 3/ngày); Công ty cổ phần tư nhân đầu tư nhà máy nước Kênh Đông (300.000 m 3/ngày) thuộc thành phố Hồ Chí Minh; hoặc tư nhân tham gia hợp đồng quản lý vận hành một số nhà máy nước thị trấn Minh Đức (Hải Phòng)./.