Nếu người lớn nước ta có chút óc... tưởng tượng
-Nếu bây giờ người lớn ở nước ta có một tí đầu óc tưởng tượng thì họ sẽ hình dung trẻ con có học cái sách của họ không.
Nhà báo Việt Lâm:Theo các vị khách mời thì cuộc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện này phải bắt đầu từ việc đổi mới tư duy về giáo dục, nói cách khác là tìm ra một triết lý giáo dục phù hợp cho Việt Nam. Nhưng bất kỳ một thay đổi chính sách nào cũng phải bắt đầu từ việc đánh giá thực trạng, từ đó mới phân định được có cần thiết phải đổi mới hay không, rồi tìm giải pháp ra làm sao. Theo các ông chúng ta đã có một tổng kết nào về thực trạng giáo dục Việt Nam một cách thực sự nghiêm túc hay chưa?
GS Chu Hảo: Tôi nhớ năm 1997, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mở một hội nghị mời 9-10 người với tư cách cá nhân, trong đó có tôi, GS Hoàng Tụy và GS Phan Đình Diệu để đối thoại với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Bộ Khoa học Công nghệ.
Hồi đó anh Nguyễn Minh Hiển làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Rất nhiều người trong chúng tôi đã khẳng định phải làm cải cách giáo dục bởi vì giáo dục đã bộc lộ nhiều biểu hiện bất cập. Lúc bấy giờ, chúng tôi đã nhấn mạnh phải có cuộc đánh giá toàn diện, và rất khách quan nền giáo dục của mình ở 4 vấn đề.
Một là, đánh giá xem hệ thống giáo dục quốc dân đã hợp lý hay chưa? Giáo dục phổ thông nên là 12 năm hay 10 năm. Phổ thông cơ sở nên học mấy năm? Hệ thống trường công trường tư thế nào?
Hai là đánh giá nội dung chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy.
Ba là đánh giá cơ sở vật chất, đặc biệt là chi tiêu cho giáo dục. Hàng năm Nhà nước dành 20% hay bao nhiêu phần trăm chi ngân sách cho giáo dục? Tiền đấy Bộ quản lý thực sự là bao nhiêu? Nếu như không đánh giá thật rõ ràng, rành mạch việc chi tiêu cho giáo dục là lỗi lớn đối với dân, những người đóng thuế.
Cuối cùng, phải rà soát toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật, từ luật cho đến các văn bản liên quan đến luật.
Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ một cuộc đánh giá đồng bộ và toàn diện như vậy, giống như một cuộc điều tra dân số. Rồi trên cơ sở đó lập ra một ủy ban cải cách giáo dục bao gồm các chuyên gia, chứ không phải ủy ban của các cấp hành chính như bây giờ đang làm. Ủy ban này sẽ xác định hệ thống giáo dục quốc dân 10 năm hay 12 , phân ngành, phân luồng từ lúc nào, thế rồi chương trình giảng dạy có gì. Từ đó mới biết là viết sách giáo khoa ra làm sao, v.v... tức là nội dung rồi đến phương pháp, v.v...
Quy trình chuẩn nó là như vậy nhưng dường như cho đến giờ chúng ta vẫn chưa có một cuộc tổng kết nào như vậy. Tuy nhiên, tôi tin rằng muộn vẫn còn hơn không.
Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi sợ rằng bây giờ cứ ngồi đợi một cuộc tổng kết như vậy thì không biết đến bao giờ. Thay vì ngồi chờ, chúng tôi chủ trương cái gì làm được thì làm luôn. Một việc quan trọng nhất nhóm Cánh Buồm phải làm ngay là soạn lại sách giáo khoa tiểu học các môn Khoa học xã hội và Nhân văn với định hướng tổ chức lại cách dạy học giúp các em biết TỰ HỌC. Năng lực tự học như một món quà duy nhất nhà giáo dục hai tay dâng tặng trẻ em để các em mang hành trang đó đi suốt cuộc đời.
Nhà giáo Phạm Toàn
Hôm nọ, trong báo cáo của nhóm chúng tôi trình bày lên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, tôi có nói rằng tôi không vận động hành lang điều gì cả, tôi không kiến nghị gì cả mà tôi tin là cuộc sống thực sẽ giải quyết. Cuộc sống thực nó mạnh lắm. Chỉ có điều là thế này, chờ cuộc sống thì nó lâu, và nhiều khi nó lỡ nhịp.
Thế thì những người hiểu biết, tức là những người trí thức phải có nhiệm vụ tổ chức cho cuộc sống thực ấy, giúp nó như là đỡ đẻ. Cuộc đau đẻ nào cũng đau, nhưng mà có cách tổ chức cho người ta đẻ không đau. Chứ còn cứ để tự nhiên thì cuộc sống thực nó cũng giải quyết được.
Thế cho nên tôi không bao giờ ngồi chờ một cuộc tổng kết cả. Nếu ngồi chờ thì tôi không dám làm bộ sách giáo khoa này.
TS Giáp Văn Dương: Tôi đồng ý với ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn. Lý tưởng nhất là một cuộc đổi mới từ trên xuống dưới, bắt đầu từ triết lý giáo dục. Nhưng trong trường hợp chuyện đó chưa xảy ra thì phải trông chờ vào vận động nhỏ của những nhóm trong xã hội như thế này thì mới có hy vọng có sự thay đổi. Mặc dù sự thay đổi từ dưới lên sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng bao giờ cũng bền vững hơn, vì đó là nhu cầu thật của cuộc sống, chứ không phải là một áp đặt quan liêu, hành chính từ trên xuống.
Tổ chức năng lực tự học cho trẻ em ngay từ lớp Một
Nhà báo Việt Lâm: Tôi muốn bàn sâu vào vấn đề anh Giáp Văn Dương vừa đề cập vì đó cũng là mối quan tâm lớn của các bậc phụ huynh. Trong khi chờ đợi một công cuộc cải cách giáo dục căn bản và toàn diện thì các ông bố bà mẹ, và những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục phải làm gì?
GS Chu Hảo: Mặc dù tôi vẫn bảo lưu quan điểm cái huyệt của giáo dục vẫn là thay đổi tư duy nhưng trong khi chưa bấm được vào đó thì chúng ta có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn như công việc của nhóm Cánh Buồm hay Giapschool, hay nhóm Đối thoại Giáo dục của anh Ngô Bảo Châu.
Đấy cũng là lý do mà ngay từ đầu tôi luôn nghĩ có thể làm được gì hỗ trợ cho công việc của nhóm Cánh Buồm thì tôi sẽ làm hết mình. Khi NXB Tri thức xuất bản bộ sách giáo khoa của Cánh Buồm, Bộ Giáo dục còn nói tôi làm sai, múa nhầm sân. Tôi có nói lại với họ rằng sách của nhóm Cánh Buồm chưa phải là SGK được nhà nước cho dùng phổ thông nhưng có thể coi là tham khảo. NXB Tri thức không xuất bản sách giáo khoa nhưng được xuất bản sách tham khảo. Thế sao tôi từng xuất bản sách tham khảo cho đại học mà lại không được xuất bản sách cho tiểu học của nhà giáo Phạm Toàn. Sau khi phản hồi như vậy thì bên Bộ không nói gì nữa và tôi cứ tiếp tục công việc này.
Nhà giáo Phạm Toàn: Để cho một nền Giáo dục vận hành, cần nhiều yếu tố. Nhưng nhà sư phạm không nhất thiết phải đụng tay vào tất cả các yếu tố.
Cái "huyệt" nhà sư phạm phải bấm vào là tổ chức việc học của con em thông qua tổ chức một nền Giáo dục ở đó trẻ em tự học - tự giáo dục và dĩ nhiên, trong đó thay cho kiểm tra cho điểm sẽ có yếu tố tự đánh giá.
Làm gì để trẻ em ngay từ lớp Một đã tự học? Bí quyết sư phạm nằm ở chỗ tìm ra những thao tác làm việc của những người tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, và hoạt động xã hội để tổ chức cho trẻ em làm lạinhững thao tác chắt lọc mà những người đi trước ưu tú đã từng làm.
Xin lấy mấy thí dụ để minh họa:
- Thay cho lối học ê a đánh vần và đọc ngắc ngứ, trẻ em lớp Một sẽ chủ động học những thao tác nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt từng được tiến hành bởi các nhà ngôn ngữ học kể từ thế hệ Alexandre de Rhodes - ba thao tác đó là phát âm - phân tích âm - tự ghi (và tự đọc).
- Thay cho lối nghe bình giảng văn chương, và sao chép những bài văn mẫu, trẻ em ngay từ lớp Một đã học những thao tác nghệ thuật tưởng tượng - liên tưởng - sắp xếp (bố cục) để chính các em tự làm ra cái Đẹp nghệ thuật vừa tầm cỡ các em.
- Cũng trong cuộc tự học đó, trẻ em sẽ không nghe giảng và nhắc lại những răn dạy về đạo đức - các em sẽ được tổ chức một lối sống theo tinh thần đồng thuận như lối sống của những nhà đạo đức, những nhà hoạt động xã hội tiêu biểu.
Hoạt động học thực ra chỉ quay xung quanh trục gồm ba đỉnh ấy, và tư duy của người học cũng sinh ra từ đó: tư duy khoa học, tư duy nghệ thuật, tư duy đạo lý và không cần dạy thêm, học thêm một "tư duy" nào khác nữa cũng đủ để thành những con người tự do - trách nhiệm - tâm hồn phong phú.
Nhà báo Việt Lâm:Nhà giáo Phạm Toàn chọn làm sách giáo khoa cho học sinh tiểu học nhằm tổ chức năng lực tự học cho các em ngay từ lớp Một. Còn Giapschool thì chọn triết lý giáo dục nào?
TS Giáp Văn Dương: Xuất phát từ quan sát của tôi rằng triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ, cho nên tôi mới đặt triết lý cho Giapschool là: con người tự do là đích đến của giáo dục. Phải là con người tự do, đó là mục tiêu mặc định của giáo dục.
TS Giáp Văn Dương
Cũng do quan niệm con người tự do là đích đến của giáo dục, nên tôi hướng người học đến việc trở thành con người tự do thông qua việc tự học, tự khai sáng, tự chịu trách nhiệm với đời sống của mình.
Nhà báo Việt Lâm:Hiện tại giáo dục trực tuyến mở theo hình thức MOOC (Massive Open Online Courses) đang được xem là trào lưu giáo dục tiên tiến nhất, với sự tham gia của hàng loạt các trường đại học hàng đầu trên thế giới như Harvard, MIT, Yale, Standford,... Mặc dù vẫn đang có nhiều tranh cãi nhưng MOOC thể hiện một tinh thần nhân văn của giáo dục, tức là giáo dục dành cho tất cả mọi người. Bất cứ ai có những khát khao đối với tri thức chỉ cần kết nối Internet là có thể được tiếp cận với bài giảng của những giáo sư nổi tiếng và hoàn toàn miễn phí . Ở Việt Nam thì Giapschool là dự án giáo dục trực tuyến mở đầu tiên nhưng tôi thấy chỉ một thời gian ngắn đã có tới trên 10 nghìn học viên theo học các khoá học online của Giapschool, chứng tỏ tiềm năng rất lớn của mô hình này. Cho đến nay Giapschool đã nhận được những phản hồi gì từ các nhà quản lý giáo dục chưa?
TS Giáp Văn Dương: Hiện giờ Giapschool không nhận được bất cứ hỗ trợ nào, dưới bất cứ hình thức gì từ Bộ Giáo dục cũng như các cơ quan giáo dục.
Nhà báo Việt Lâm:Sở dĩ tôi đặt ra câu hỏi như trên bởi vì tôi e rằng nếu các nhà quản lý giáo dục không ủng hộ các hoạt động giáo dục dân sự phát triển như nhóm Cánh Buồm hay Giapschool thì những thành công của các nhóm này sẽ rất khó được nhân rộng.
Nhà giáo Phạm Toàn: Như tôi đã từng nói với Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội rằng tôi không vận động hành lang một điều gì cả. Chúng tôi chỉ mong muốn trong điều kiện của Việt Nam thì chí ít nên khuyến khích sự nảy nở của từng nhóm cá nhân. Nhưng thực ra môi trường còn nhiều rào cản lắm. Chẳng hạn từ chỗ trong luật quy định "một chương trình, một bộ sách" cho đến hiện nay đã cởi mở hơn rất nhiều khi cho phép "một chương trình, nhiều bộ sách". Thế nhưng bây giờ người ta lại thêm vào cái đuôi "Bộ Giáo dục đồng ý thì mới được". Như thế tức là mọi chuyện quay về như cũ. Nếu đã chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, chấp nhận kinh tế thị trường thì phải chấp nhận để cho các nhóm được triển khai và để các trường tự mua sách.
Bố mẹ định hướng cho con thế nào?
Nhà báo Việt Lâm:Trong khi những vận động của các nhóm giáo dục chưa nhận được sự khuyến khích, ủng hộ thoả đáng từ các nhà quản lý giáo dục thì liệu sự tham gia của các bậc phụ huynh có thể tạo ra thay đổi nào không. Cụ thể là các ông bố bà mẹ có thể giúp định hướng việc học cho con mình hay không? Đây là câu hỏi mà nhiều độc giả rất quan tâm.
TS Giáp Văn Dương: Tất nhiên là có. Ví dụ như khi tôi xây dựng Giapschool thì cũng chú trọng phát triển những khóa nhằm bù đắp những thiếu hụt trong nhà trường. Chẳng hạn như khóa về kỹ năng sống, hay kỹ năng mềm hay tôi đang xây dựng khóa gọi là critical thinking, tức là tư duy phê phán. Bởi vì tôi nói chuyện với một nhóm sinh viên xuất sắc thì thấy các em không có kiểu tư duy đó, không phân biệt được đúng sai tốt xấu.
Những thứ đó trong nhà trường không dạy thì những nhóm trong xã hội như chỗ tôi hay chỗ nhà giáo Phạm Toàn hoàn toàn có thể bù đắp. Nếu như phụ huynh có ý thức tìm kiếm những nguồn đó cho con em mình học thì chắc chắn là sẽ bù đắp được.
GS Chu Hảo: Tín hiệu đáng mừng là có những nhóm trong xã hội đã tự mình tìm ra những con đường để đóng góp, bù đắp lại cho nền giáo dục bất cập của chúng ta Nhưng tiếc là những nhóm như vậy không nhiều và các bậc phụ huynh tiếp cận được với các sáng kiến này chủ yếu là ở các thành phố lớn.
Cho nên cái chúng ta bi quan là về đại trà nền giáo dục của chúng ta còn tồn tại quá nhiều bất cập. Thế cho nên dù khó khăn đến đâu cũng vẫn phải làm thế nào đấy để có thể có được sự đồng thuận nhất định về triết lý giáo dục của đất nước này.
Nhà báo Việt Lâm: Để kết thúc bàn tròn này, tôi xin gửi tới các vị khách mời một câu hỏi của độc giả Thanh Nga: Rõ ràng là khả năng cải cách giáo dục của chính phủ nhằm cải thiện cơ hội giáo dục cho người dân sẽ quyết định đáng kể cách thức người dân cảm nhận về chính phủ của mình. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục thật tâm muốn cải cách nhưng vẫn còn lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu. Theo các vị ngay từ bây giờ có thể bắt đầu cuộc cải cách từ đâu?
TS Giáp Văn Dương: Khi thực hiện cuộc cải cách như thế thì điểm bắt đầu là Bộ Giáo dục hay những người quản lý cao nhất trong Bộ Giáo dục và thậm chí là ở trên nữa là phải biết rằng mình thật sự muốn gì, mình thực sự muốn thay đổi hay không và hình dung được đích đến.
Cụ thể ở đây là con người mà Bộ Giáo dục này muốn đào tạo, hệ thống giáo dục này muốn đào tạo là con người gì, những phẩm tính cơ bản như thế nào. Phải hình dung rất rõ, phải biết mình thực sự muốn gì thì khi đó sẽ khởi động một quá trình tìm hiểu về nó, tham khảo các mô hình, tham khảo chương trình khung của các nước, rồi thảo luận sâu rộng trong giới chuyên gia, rồi thiết kế, rồi mới thực thi, rồi mới truyền thông nội bộ, truyền thông ra xã hội để đạt được sự đồng thuận.
Cả quy trình đấy chỉ có thể khởi động được khi họ phải xác định rõ là họ thật sự muốn gì. Bản thân chúng tôi, những người quan tâm đến giáo dục cũng không biết được thực sự là Bộ Giáo dục muốn gì, trong cuộc cải cách này. Chỉ làm một cuộc cải cách thi cử hai kỳ rồi lại gộp lại một, rồi lại dãn ra, 3 chung rồi lại không 3 chung; hay là cái gì khác, chuyện đó phải làm rất rõ ngay ở bước đầu tiên.
Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi thì có một nguyện vọng tôi muốn những cuộc hội thảo bàn tròn trao đổi để làm thế nào giáo dục cho người lớn ở nước ta một đầu óc tưởng tượng. Nếu bây giờ người lớn ở nước ta có một tí đầu óc tưởng tượng thì họ sẽ hình dung trẻ con có học cái sách của họ không. Họ sẽ tưởng tượng ra là giáo viên có chịu đựng nổi cái lối cung cách chỉ huy của họ không và người ta có một chút đầu óc tưởng tượng thì người ta sẽ nghĩ là hình như phải hợp tác rộng rãi hơn nữa để có cái gì đó tốt đẹp.
Nhà báo Việt Lâm:Xin cảm ơn các vị khách mời. Xin cảm ơn quý độc giả đã theo dõi cuộc bàn tròn này.