Nên mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Đặng Văn Yêm, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp TP.HCM), cho rằng hiện số người chưa thành niên lang thang, cơ nhỡ, bị xâm hại ngày một gia tăng, nên cần có chính sách bảo vệ kịp thời nhằm ổn định tâm lý, đồng thời cũng là thực hiện quyền của trẻ em. Với phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, do trình độ dân trí, pháp luật còn hạn chế nên thường là nạn nhân của tình trạng bạo hành trong gia đình... “Trợ giúp pháp lý cho những đối tượng này là hết sức cần thiết và khẩn cấp trong tình hình hiện nay” - ông Yêm nói.
Một quy định liên quan đến nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý khiến nhiều đại biểu không đồng tình là việc phải cung cấp giấy tờ xác nhận đúng đối tượng được quy định mới được cơ quan trợ giúp pháp lý tiếp nhận. Đại diện Hội Luật gia TP.HCM, ông Hồ Văn Xướng, cho biết thực tế khi người dân có việc gì bức xúc thì họ đến thẳng các tổ, trung tâm trợ giúp pháp lý để nhờ tư vấn, hỗ trợ về pháp luật ngay chứ khó mà phân loại có đúng đối tượng hay không? “Nếu luật quy định xuất trình thủ tục, giấy tờ... thì tôi bảo đảm người dân sẽ không đến với mình nữa đâu vì họ đã ngán các loại thủ tục hành chính quá rồi!”.
Hội trường thật sự “nóng” lên khi một đại biểu Quốc hội đặt vấn đề có cần thiết ban hành Luật Trợ giúp pháp lý? Nhiều đại diện của Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý là một biến tướng của định chế “luật sư công” trong dự thảo Luật Luật sư trước đây. Luật sư Lê Công Định, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nói: “Do định chế này gặp sự phản đối của đông đảo dư luận liên quan, đặc biệt giới luật sư nên đã bị loại bỏ khỏi bản dự thảo mới nhất của Luật Luật sư.
Trái ngược với các ý kiến trên, đại biểu các tổ, trung tâm trợ giúp pháp lý của các cơ quan ban ngành, đoàn thể đều khẳng định sự cần thiết của hoạt động trợ giúp pháp lý. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Tư pháp quận 3 – địa phương, nơi mỗi năm trợ giúp pháp lý hơn 1.000 vụ việc cho người dân, nhìn nhận đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý đã góp một phần rất quan trọng trong việc phổ cập kiến thức pháp luật cho người lao động nghèo. Tuy nhiên, đã đến lúc hoạt động này cần có một đạo luật, để tạo cơ sở thu hút, huy động các nguồn lực tham gia.
Nguồn: Người Lao động13/4/2006