Nên có sách lược khai thác tiềm năng đội ngũ trí thức
Mặt khác, đối với đại đa số những người được đào tạo để hoạt động trong lĩnh vực KH-CN cũng không được theo dõi đầu ra, sau khi được đào tạo, họ đến phục vụ, cống hiến tại đâu. Lâu nay, người ta mới chỉ chú ý đến “ đầu vào” và “ đầu ra” đối với các cơ sở đào tạo mà chưa ai quan tâm đến việc sử dụng có đúng chỗ những sản phẩm đào tạo hay không.
Đối với đội ngũ hoạt động KH-CN phải có việc giao cho họ, buộc họ phải vắt óc ra mà hoàn thành nhiệm vụ. Trong đội ngũ hoạt động KH-CN sẽ xuất hiện những người lao động bằng trí tuệ. Ở họ, sự thông tuệ kết hợp với sự thông minh, sáng tạo của bản thân, họ sẽ “nghĩ” ra các phương thức sản xuất mới, sẽ phát triển và sáng tạo ra các sản phẩm mới, các phương pháp tổ chức sản xuất kinh doanh, các phương pháp quản lý mới. Họ là những lao động bằng sự hiểu biết của mình cộng với sự sáng tạo mang tính phát triển. “ Một người lo bằng một kho người làm” (tục ngữ). Họ chính là người “lo” trong câu tục ngữ trên.
Hiện nay, lao động trí tuệ ở nước ta chưa trở thành khái niệm và vì thế, những người có tố chất là lao động trí tuệthường là “tự phát sáng tạo”. Thành phố Hồ Chí Minh mấy năm lại đây, có phong trào vườn ươm sáng tạo do Thành Đoàn tổ chức, song đối tượng tham gia vườn ươm phần lớn lại không phải là người trong guồng máy của thực tiễn sản xuất. Vì vậy, hiệu quả thúc đẩy sản xuất phát triển không cao; nó mang tính rèn luyện cho tuổi trẻ tập tành sáng tạo nhiều hơn là sáng tạo vì mục tiêu trực tiếp đóng góp cho phát triển kinh tế.
Cũng có một tình hình thực tế, có rất nhiều nhiệm vụ nghiên cứu phát triển được giao một cách cưỡng bức theo kiểu hành chính chủ nghĩa cho các cá nhân, đơn vị theo hệ thống quản lý nhà nước. Đó là cách làm dễ nhất, song những người được giao nhiệm vụ không phải bao giờ cũng có bản lĩnh của lao động trí tuệ đích thực trong lĩnh vực nhiệm vụ được giao. Kết quả là nhiệm vụ được hoàn thành, nhưng hiệu quả thấp, thậm chí, không đạt yêu cầu, kể cả thất bại và thảm hại.
Trong dự thảo các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội X có nêu nhiều khuyết điểm và yếu kém. Nguyên nhân chính dẫn tới những khuyết điểm, yếu kém này vì trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội IX, chúng ta chưa khai thác tốt yếu tố lao động trí tuệ.
Có thể nhận thức rằng, trong nghiên cứu phát triển, khai thác một cách tối ưu yếu tố lao động trí tuệ trong đội ngũ những người làm KH-CN là cách làm ăn căn cơ nhất. Điều đó sẽ đảm bảo các bước đi tránh được rủi ro, không đi chệch hướng, ít phải trả giá và đạt tính hiệu quả cao nhất.
Vấn đề đào tạo
Muốn khai thác được tiềm năng trí thức có hiệu quả cao, chúng ta phải đào tạo được nguồn nhân lực dồi dào tiềm năng. Ngành dạy làm nghềsẽ tạo ra đội ngũ những người làm KH-CN. Ngành dạy nghề bao gồm các loại trường kể từ trường nghề bậc sơ cấp đến trường nghề bậc đại học.
Dạy nghề là dạy kiến thức và kỹ năngcủa nghề. Những kiến thức và kỹ năng nghề giúp người ta hành nghề để kiếm sống. Vì vậy, các loại kiến thức và kỹ năng nghề phải được coi là hàng hoá. Do đó, các trường nghề đương nhiên là đa dạng hoá loại hình trường. Hoạt động của các trường tư phải chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Ai muốn có tay nghề để kiếm sống thì phải bỏ tiền ra “mua” nghề, khỏi phải xin xỏ, thi tuyển sinh. Việc học thành nghề chóng hay chầy, kết quả cao hay thấp là do bản thân người học quyết định, kể cả thời gian muốn kéo dài bao lâu cũng được. Bởi học nghề là vấn đề chỉ liên quan đến quyền lợi của bản thân người học nghề. Tất nhiên, nếu Nhà nước muốn có những người làm nghề phục vụ cho bộ máy quản lý của Nhà nước thì Nhà nước mở trường nghề công lập, có chế độ học phí riêng (thậm chí miễn phí), có khung thời gian riêng và người học phải thi tuyển vào.
Đối với các trường nghề tư thục, Nhà nước có thể khuyến tài bằng cách xét cấp học bổng đối với con nhà nghèo học giỏi và ưu tiên tuyển dụng. Còn đối với bản thân các trường, họ sẽ khuyến tài bằng cách cho học bổng hoặc giảm học phí.
Vậy là công - tư vẹn cả đôi đường. Cũng khỏi rắc rối và tốn kém cho toàn thể xã hội trong thủ tục tuyển sinh trong khu vực trường nghề như hiện nay.
Phải làm gì chống lãng phí trong đào tạo?
Thực tiễn cho thấy, có hàng chục ngàn người tốt nghiệp các trường đại học, nhưng không làm đúng nghề theo học và đành chấp nhận một hay nhiều loại “Bến dừng”. Bến dừng “bất đắc dĩ”. Đã đành, không phải đối với bất kỳ ai cũng gặp số phận rủi ro như vậy. Cũng có người lại vươn lên từ chính những cơ hội xem ra có vẻ trái khoáy đó. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Còn đa số vẫn phải làm những công việc trái ngành được đào tạo. Âu đó cũng là hiện tượng tồn tại của khách quan trong bất kỳ xã hội nào và đó là điều lãng phí rất lớn cho xã hội và cho cả cá nhân.
Thiết nghĩ, trong việc định hướng đào tạo nguồn nhân lực trong những năm qua, nếu có cách tổ chức, hướng tới việc đào tạo nguồn lực một cách chủ động trên bình diện vĩ mô thì chúng ta sẽ hạn chế được sự lãng phí này.
Trong thời gian của nhiệm kỳ tới, nên chăng phải xác định cho được chiến lược đào tạo nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội một cách có hiệu quả và bền vững.
Đưa sự phát triển xã hội hướng tới nền kinh tế tri thức:
Trong dự thảo văn kiện, chúng tôi cũng chưa thấy đề cập tới việc nền kinh tế nước ta phải hướng tới nền kinh tế tri thức. Nếu không có chiến lược phát triển xã hội để nhanh chóng tạo ra nền kinh tế tri thức ở nước ta ngay từ bây giờ thì khả năng tụt hậu không còn là nguy cơ mà sẽ mãi là một thực trạng. Việc tạo ra nền kinh tế tri thức để xã hội có thể phát triển nhanh phải dựa vào việc phát huy nội lực của đội ngũ lao động. Trong nền kinh tế tri thức, đội ngũ lao động được hình thành chủ yếu từ hai loại lao động: Lao động trí tuệ và lao động kỹ năng. Ngành đào tạo có nhiệm vụ mang tính thời đại phải tạo cho được hai loại hình lao động chủ công này trong xã hội và phải định hướng ngay từ bây giờ, nếu không sẽ muộn.
Nguồn: Khoa học phổ thông, số 3 (1177), 20/1/2006, tr 8