Nâng cao hoạt động khoa học công nghệ của Liên hiệp Hội
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau luôn đặt hoạt động tổ chức hội thảo khoa học là nhiệm vụ quan trọng. Đây cũng chính là hình thức tập hợp trí thức, các chuyên gia, những người giàu kinh nghiệm thực tiễn góp phần vào sự phát triển của tỉnh, cũng qua đây học hỏi nhau và tự hoàn thiện mình hơn.
ảnh st
Ông Dương Việt Thắng – Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, trong nhứng năm qua, Liên hiệp Hội đã tổ chức chủ trì nhiều hội thảo. Riêng về hội thảo, chúng tôi luôn chọn những chủ đề thiết thực, được xã hội quan tâm, các khuyến nghị hầu hết sát với nhu cầu bức xúc của đời sống và sản xuất.
Ông Thắng cũng cho biết thêm, tại các cuộc hội thảo đã thu hút trên 1.000 lượt đại biểu bao gồm giới khoa học, chuyên gia, người trực tiếp sản xuất, nhà quản lý và đại biểu khác tham gia. Có gần 300 bài tham luận, phần lớn các bài tham luận có chất lượng tốt, chỉ ra nhiều vấn đề mới có cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm trong đời sống sản xuất mà yêu cầu hội thảo đặt ra.
Tùy chủ đề hội thảo mà nội dung cụ thể có sự khác biệt, song các tham luận và ý kiến có sự tương đồng là: phân tích sâu thực trạng để thấy bản chất của hiện tượng, xác định mặt tốt, mặt hạn chế và nguyên nhân; từ đó đề xuất giải pháp khắc phục, phát triển và kiến nghị với các cấp và cơ quan có trách nhiệm những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ; trong đó có nhiều vấn đề thuộc cơ chế, chính sách. Hội thảo đã cung cấp lượng thông tin phong phú và rất nhiều thông tin mới theo hướng phục vụ giải quyết các bức xúc mà xã hội cần.
Những năm qua, Liên hiệp Hội đã đề xuất gần 100 giải pháp và trên 90 kiến nghị sát với từng chủ đề của hội thảo, điển hình như Hội thảo về “Thực trạng, giải pháp triển khai, ứng dụng các đề tài, dự án KH&CN vào sản xuất và đời sống ở tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 – 2018”. Sau khi phân tích sâu sắc thực trạng, hội thảo đã thống nhất:
Khuyến nghị các giải pháp trọng tâm sắp tới: chuyển biến hơn nữa về nhận thức tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật với đời sống và sản xuất; đẩy mạnh hơn nữa cơ chế đặt hàng; phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật; Trung tâm Khuyến nông giữ vai trò nòng cốt trong chuyển giao khoa học kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp; một số vấn đề về đổi mới cơ chế quản lý khoa học kỹ thuật, tăng cường vai trò Hội đồng tư vấn KH&CN; hợp tác với các Viện, Trường; tổ chức lại sản xuất và xây dựng chuỗi liên kết…
Kiến nghị với Bộ KH&CN, UBND tỉnh, các ngành các cấp: tạo điều kiện cho tỉnh tham gia các đề tài, dự án cấp Bộ và khu vực; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là cấp Bộ; Hội đồng tư vấn KH&CN chọn các đề tài dự án sát với cuộc sống; vận dụng cơ chế tài chính thông thoáng hơn; các ngành, các cấp đề xuất đề tài, dự án sát với nhu cầu thực hiện chiến lược phát triển của mình; phân công trách nhiệm giữa các bên và tăng cường sự hỗ trợ phối hợp với nhau; đánh giá khách quan các đề tài, dự án hiệu quả để có kế hoạch nhân rộng; nhân rộng các điển hình phải chủ động và quan tâm yếu tố xã hội hóa…
Ngoài ra, theo ông Thắng cho hay, trong những hội thảo về “Một số giải pháp nâng cao chất lượng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật; Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng”, hầu như các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, hạn chế đã qua và thống nhất như tăng cường tốt nhận thức của các cấp, các ngành xem sáng tạo là nguồn lực phát triển đất nước; đổi mới nội dung phát động để các tầng lớp trong xã hội hiểu sâu hơn và hưởng ứng tốt hơn; các ngành, các cấp liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong thực hiện Hội thi và Cuộc thi; động viên khen thưởng kịp thời các tác giả đoạt giải và tạo điều kiện ứng dụng các sáng kiến tốt vào cuộc sống; Ban Tổ chức các cấp biết thực hiện kết hợp giữa diện và điểm, luôn sát với diễn biến và có giải pháp phù hợp…
Hội thảo kiến nghị đến Liên hiệp Hội Việt Nam, UBND tỉnh, các ngành và địa phương: Ban Tổ chức Cuộc thi toàn quốc thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung một số quy định khuyến khích như cuộc thi của ngành giáo dục; Quỹ hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (VIFOTEC) hỗ trợ kinh phí cho các tác giả đoạt giải cao của Cuộc thi để nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo và tiến đến ứng dụng trong cuộc sống; tỉnh có cơ chế hỗ trợ ứng dụng vào cuộc sống các giải pháp đoạt giải cao có hiệu quả nhưng không trực tiếp sinh lợi (thường là các giải pháp thuộc nhóm xã hội); các ngành phối hợp với Liên hiệp Hội tốt hơn, nhất là vận động cán bộ, nhân viên trong ngành tham gia Hội thi, Cuộc thi; UBND và Ban Tổ chức Hội thi, Cuộc thi cấp huyện, thành phố có chương trình, kế hoạch cụ thể và xem đây là trách nhiệm của mình, ông Thắng chia sẻ.
Để tổ chức một hội thảo khoa học thành công, theo ông Thắng, thứ nhất cần phải sát với nhu cầu của xã hội, các vấn đề trong đời sống và sản xuất có nhiều vướng mắc cần giải pháp tháo gỡ, vì vậy được dư luận đồng tình và nhiều người cùng tích cực chia sẻ. Cũng có thể nói nhân tố này tạo những thuận lợi nhất định cho tổ chức hội thảo.
Thứ hai là tại Cà Mau, Liên hiệp Hội luôn được UBND tỉnh Cà Mau quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, tham dự và có ý kiến chỉ đạo, gợi ra nhiều vấn đề mới, có tính tổng quả và sâu sắc.
Thứ ba để tạo nên thành công của hội thảo khoa học còn do sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan; dù Thường trực Liên hiệp Hội là cơ quan chủ trì song với vai trò điều hành, nếu không có sự hỗ trợ của các ngành thì giống như sĩ quan “không quân” ra trận và cầm chắc thất bại. Phối hợp giữa các bên được xác định cụ thể nhiệm vụ của từng bên cố gắng hoàn thành và còn hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Thứ tư là phát huy những ưu điểm trên cần tăng thêm số lượng hội thảo, phù hợp yêu cầu bức xúc, đồng thời số lượng hợp lý giữa các lĩnh vực; đề xuất nhiều vấn đề mới có tính khoa học và tính khả thi hơn; đề xuất UBND tỉnh có cơ chế thiết thực hơn nữa để kết quả hội thảo đi vào đời sống và sản xuất nhanh và sâu.
Thứ năm là làm tốt vai trò chủ trì của Thường trực Liên hiệp Hội như trình UBND tỉnh xin chủ trương, thành lập Ban Tổ chức, xây dựng kế hoạch, chọn mời chuyên gia và đặt hàng tham luận, kiểm tra chất lượng bài, chọn mời đại biểu tham dự đúng với yêu cầu và nội dung của hội thảo, đôn đốc tiến độ công việc theo kế hoạch, thực hiện công tác tuyên truyền để kết quả hội thảo đi vào cuộc sống…
Bài: HT