Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 11/10/2023 16:28 (GMT+7)

Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước

Qua 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước 2012 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai.

tm-img-alt

Tài nguyên nước cần được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững

Để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn, việc nghiên cứu sửa đổi và ban hành mới là rất cần thiết. Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhằm tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học cho dự thảo này.

Chia sẻ với vusta.vn, ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Vẻ cho rằng, tại Khoản 5, Điều 35: Phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước “Nước thải xả vào nguồn nước phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải, phù hợp với chức năng nguồn nước và sức chịu tải của môi trường nước tiếp nhận”. Do đó, ông Nguyễn Văn Vẻ đề nghị ghi rõ và phân loại các nguồn thải để làm căn cứ xác định các nguồn xả thải làm cơ sở xây dựng chính sách quản lý và phù hợp với Khoản 3, Điều 37 gồm: Nước thải khu công công nghiệp, khu chế xuất; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; làng nghề; khu đô thị; đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện (căn cứ quy mô dân số)...

Bên cạnh đó, tại Điều 6: Sửa đổi khoản 2, Điều 7 của Dự thảo Luật về truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước, ông Nguyễn Văn Vẻ kiến nghị sửa thành: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; giám sát, phản biện xã hội việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra”.

Lý giải về kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Vẻ cho rằng, hiện một số tổ chức có chức năng liên quan đến tài nguyên nước nhưng chưa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay các tổ chức chính trị - xã hội có địa vị pháp lý độc lập, không chịu sự lãnh đạo của Mặt trân và chỉ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. Trên cơ sở các quy định của Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 70 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật (14 Nghị định, 21 Quyết định của Thủ tướng và 35 Thông tư). Các địa phương đã ban hành 445 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Tài nguyên nước và các Nghị định. Một số văn bản đã ban hành trở thành công cụ pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 07/15 quy hoạch về tài nguyên nước, gồm: quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tổng hợp của 5 lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê san, Srepok, Hồng - Thái Bình, Cửu Long.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Danh mục lưu vực sông liên tỉnh, danh mục lưu vực sông nội tỉnh, danh mục nguồn nước liên tỉnh, danh mục nguồn nước liên quốc gia; công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với 642 hồ chứa, đập dâng, Có 6/63 tỉnh, thành đã ban hành danh mục dòng chảy tối thiểu trên sông suối nội tỉnh theo thẩm quyền; 43/63 tỉnh, thành đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; 26/63 tỉnh, thành đã ban hành Quyết định công bố danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; 47/63 tỉnh, thành phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm điều hòa, phân bổ nguồn nước cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra.

Hệ thống quan trắc giám sát tự động, trực tuyến phục vụ ra quyết định và quản lý ở Trung ương và địa phương đã xây dựng và đang được hoàn thiện nhằm tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Việc thực thi quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã và đang triển khai rất hiệu quả (đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành gần 1.500 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 12.000 tỷ đồng. Ở địa phương, các tỉnh đã phê duyệt tổng số tiền cấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước gần 600 tỷ đồng). Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Tài nguyên nước 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Một số quy định còn có sự giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất; chưa tách bạch rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước cùng với một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước. Điều này dẫn đến thực tế chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp trong triển khai giữa các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước 2012 chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước. Chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ, định giá giá trị của tài nguyên nước, dẫn đến tình trạng sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước và triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bám sát vào 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

Hiện nay, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều. Theo đó, Dự thảo bổ sung: Các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia xuyên suốt; Các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm; Quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; Làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước; Bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương; Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số...

Đặc biệt, Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật.

Ngoài ra, còn một số nội dung được chỉnh sửa, bổ sung mới như: hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước (Điều 10); bảo vệ nước dưới đất (Điều 33); bổ sung nhân tạo nước dưới đất (Điều 43); các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép (Điều 47); phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo (Điều 63); phương án xử lý đối với các công trình khai thác sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước (Điều 36); Bỏ quy định về điều kiện của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).