Nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trong ngành y tế
GS.TS Lê Gia Vinh – Phó Chủ tịch, Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, việc chuyển giao các dịch vụ công cho các tổ chức xã hội trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường làm việc, tăng cường chức năng quản lý nhà nước, nâng cao tính khách quan, độc lập và hiệu quả của các tổ chức xã hội, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các dịch vụ công.
GS.TS Lê Gia Vinh – Phó Chủ tịch, Tổng hội Y học Việt Nam (ảnh internet)
Những năm gần đây, trong sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, trong đó có Tổng hội Y học Việt Nam được khẳng định và ngày càng thể hiện rõ nét, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ với vusta.vn, GS.TS Lê Gia Vinh – Phó Chủ tịch, Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, hiện nay các dịch vụ công của ngành y tế có tính đặc thù như tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, tích cực hoặc tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý và thậm chí đến tính mạng của người dân; Do nhà nước tổ chức, quản lý và không vì mục đích lợi nhuận; Kết quả: Chỉ số sức khỏe tăng, hạn chế dịch bệnh, tuổi thọ trung bình tăng, niềm tin và sự hài lòng của người dân với ngành y tế tăng…
Tuy nhiên, theo GS Vinh thì việc triển khai thực hiện dịch vụ công còn nhiều vướng mắc, một số bộ phần người dân chưa hài lòng như vấn còn tình trạng chậm ban hành các phác đồ, hướng dẫn điều trị…, Chậm cấp hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề; Chậm giải quyết các vướng mắc về bảo hiểm, y tế; Kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…; Kiểm tra việc thực hiện pháp luật tại các cơ sở y tế…
Khi PV hỏi: Việc chuyển giao dịch vụ công là cần thiết, theo GS cần có những giải pháp gì để tiến hành? Trả lời PV, GS Vinh cho biết, trước tiên, nên trao đổi, thảo luận với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là với Bộ Y tế để thống nhất về chủ trương phối hợp, cách làm, bước đi, không gây xáo động, dẫm chân nhau. Thứ hai, nghiên cứu làm rõ những nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công nào có thể chuyển giao cho tổ chức xã hội để “giải phóng” biên chế, xác định tiêu chí lựa chọn các dịch vụ công, thủ tục hành chính có thể chuyển giao cho tổ chức xã hội, ví dụ: Những thủ tục, dịch vụ cần phải huy động trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia, các thầy đã nghỉ hưu: Xây dựng phác đồ, hướng dẫn điều trị, biên soạn sách giáo khoa, từ điển bách khoa y học… sau đó chuyển Bộ Y tế thẩm định và ban hành; Những dịch vụ cần phải có một tổ chức độc lập trung gian thực hiện để đảm bảo tính khách quan, minh bạch: thẩm định năng lực hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo liên tục; Đánh giá việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế; Đánh giá chất lượng bệnh viện; Giám sát việc thực hiện pháp luật tại các cơ sở y tế; Phòng chống tác hại của thuốc lá. Thứ ba là việc chuyển giao các dịch vụ công cần có kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết hàng năm, báo cáo và rút kinh nghiệm. Thứ bốn là hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế quản lý và tổ chức cung ứng phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại hình dịch vụ công, trong đó tính đến đặc thù đối với những dịch vụ là trách nhiệm của Nhà nước. Việc chuyển giao các dịch vụ công cho các tổ chức xã hội cần phải được Nhà nước giao trách nhiệm, cụ thể là các cơ quan quản lý nhà nước ủy quyền được là theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ướng 6, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Dịch vụ công trực tuyến (ảnh internet)
Ngoài ra, Chính phủ tạo điều kiện để các Hội nghề nghiệp tham gia thực hiện các dịch vụ công, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, xu hướng chung của thế giới hiện nay là nhà nước chỉ trực tiếp thực hiện những dịch vụ công nào mà xã hội không thể làm được hoặc không muốn làm. Trong điều kiện Việt Nam, Nhà nước vừa đẩy mạnh xã hội hóa các loại dịch vụ công về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời phân cấp mạnh cho các cấp chính quyền địa phương trực tiếp quản lý và thực hiện các loại dịch vụ công liên quan trực tiếp đến đời sống công dân, cộng đồng. Chính phủ, các Bộ chỉ trực tiếp thực hiện cung cấp những loại dịch vụ quan trọng, đòi hỏi chất lượng và trình độ cao. Các dịch vụ công mà xã hội có thể đảm nhận được, Nhà nước thực hiện chuyển giao, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tư nhân thực hiện trong sự định hướng và hỗ trợ của Nhà nước. Các dịch vụ công nào sau một thời gian, xã hội có thể hoàn toàn đảm nhiệm được và người dân có thể chấp nhận được với giá cả thị trường thì chuyển thành các dịch vụ thông thường.
Xây dựng cơ chế chính sách chung, thống nhất, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách cho mỗi loại dịch vụ công: Được gọi chung là dịch vụ công, nhưng nó gồm nhiều loại và trong mỗi loại lại có nhiều hình thức dịch vụ cụ thể mang những tính chất riêng. Tham gia vào cung ứng các dịch vụ đó trong điều kiện xã hội hiện đại, gồm nhiều chủ thể khác nhau: nhà nước, thị trường, các tổ chức xã hội, các cá nhân... Ngay trong khu vực nhà nước cũng gồm nhiều chủ thể khác nhau: cơ quan hành chính, tổ chức đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước. Việc cung ứng dịch vụ của các chủ thể nhằm những mục đích khác nhau. Chính vì vậy, Nhà nước phải xây dựng một hệ thống cơ chế chính sách đối với việc cung ứng dịch vụ công làm căn cứ pháp lý để tổ chức, chỉ đạo thống nhất. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để các tổ chức xã hội và công dân có thể lựa chọn và tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ công một cách hiệu quả.
Mặt khác, việc xây dựng, hoàn chỉnh chính sách về dịch vụ công còn là để đảm bảo sản phẩm hàng hóa dịch vụ công đến tận tay người được hưởng thụ, khắc phục sự thất thoát từ những tổ chức thực hiện dịch vụ.
Trong một số lĩnh vực, cần nghiên cứu cơ chế cấp ngân sách dịch vụ thẳng cho đối tượng được hưởng dịch vụ, bỏ cơ chế cấp qua tổ chức thực hiện. Trong lĩnh vực giáo dục, đối với những nơi, những đối tượng còn bao cấp, có thể nghiên cứu thay việc cấp kinh phí đào tạo cho các trường bằng việc cấp cho học sinh để họ tự tìm học ở trường họ muốn, hoặc trong lĩnh vực y tế cũng có thể áp dụng hình thức tương tự trong việc cấp kinh phí về bảo hiểm y tế đối với các đối tượng chính sách. Những lĩnh vực khác như việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo Luật Trợ giúp pháp lý cần được thực hiện linh hoạt hơn, bên cạnh cách thức hiện hành cần bổ sung thêm cách thanh toán qua ngân hàng chuyển cho đương sự để đương sự tự lựa chọn tổ chức, cá nhân phù hợp.