Nam sinh miền núi đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật
Nam sinh lớp 11 này đã chế tạo máy rửa tay tự động, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật và một số thiết bị năng lượng mặt trời khác.
Em Trần Hữu Phúc là học sinh lớp 11E, Trường THPT Tương Dương 1, huyện miền núi Tương Dương. Từ nhỏ, Phúc có niềm đam mê sáng tạo khoa học rất lớn, em có thể ngồi tỉ mẩn hàng giờ chỉ để đục đẽo, cắt gọt... những vật dụng mà em tận dụng từ những đồ cũ trong nhà.
Ảnh st
“Đến năm lớp 10 em mới bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu chế tạo các sản phẩm qua sách và internet. Sản phẩm đầu tiên em chế tạo là robot quét rác", Phúc tâm sự. Niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật của Phúc được thầy Mai Đình Thịnh - giáo viên Trường THPT Tương Dương 1 chắp cánh thêm. Nhiều lúc thầy và trò cùng làm, cùng học, cùng nghiên cứu. Qua sự chỉ bảo hướng dẫn của thầy, niềm yêu thích khoa học của Phúc lại càng được nâng lên gấp bội. Không chỉ vậy, thầy Thịnh còn hỗ trợ kinh phí cho Phúc mua linh kiện để phục vụ cho việc chế tạo.
Em Phúc chia sẻ: “Từ nhỏ em đã có niềm đam mê với Robot và một số linh kiện, điện tử, lắp ghép. Lên lớp 10 em được sự hướng dẫn của thầy Mai Đình Thịnh để chế tạo ra những con Robot và khi lên lớp 11 em nghiên cứu, chế tạo ra cánh tay Robot dùng cho người khuyết tật và những nhà khoa học làm việc trong môi trường nguy hiểm. Em ước mơ sẽ trở thành một lập trình viên sáng tạo ra nhiều loại Robot để giúp đỡ cho mọi người”.
Ông Trần Hữu Cầu, bố của em Trần Hữu Phúc cho biết: "Từ lúc còn học tiểu học Phúc đã thích tìm tòi khám phá rồi. Hễ ai cho hay bố mẹ mua đồ chơi cho Phúc, thì cháu chỉ chơi nhiều lắm là một ngày, sau đó mở tung ra rồi lắp lại như cũ. Đôi khi từ một chiếc xe ô tô điều khiển nó lại mày mò lắp ghép ra thành chiếc tàu thủy, hay chiếc ô tô thì lắp ghép thành chiếc máy múc... Tuy gia đình còn khó khăn nhưng cháu nó đam mê nên gia đình cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho cháu theo đuổi ước mơ của mình".
Là học sinh ở một trường vùng cao như Tương Dương - Phúc cũng cảm nhận được sự khó khăn của nhà trường, trong việc mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động dạy và học, nhất là trong dịp cao điểm cả nước chung tay phòng chống đại dịch Covid-19.
Ảnh st
Đồng hành cùng nhà trường trong dịp phòng chống dịch Covid-19, với mong muốn được góp sức nhỏ của mình, Phúc đã quyết định thực hiện dự án sáng chế “máy rửa tay dung dịch sát khuẩn tự động” bằng cảm ứng.
Khi có được ý tưởng, không kể đêm hôm, trưa nắng.... Phúc lọ mọ đóng dán, cắt ghép từ những phế liệu được lựa nhặt về. Dự án của em đã hoàn thành trong niềm vui không chỉ bản thân mà cả bạn bè, thầy cô. Với kích thước nhỏ, gọn, thân thiện, máy rửa tay dung dịch tự động của Phúc đã hạn chế được sự tiếp xúc vật dụng nơi công cộng.
Chỉ cần đưa tay, hệ thống cảm biến tự động sẽ đẩy dung dịch ra khỏi ống vòi, người dùng chỉ việc hứng và xoa dung dịch đều là đã sát khuẩn sạch sẽ.
Thầy Hồ Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 1 nhận xét: “Là trường vùng núi cao, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập cũng như nghiên cứu khoa học còn rất khó khăn. Nhưng đã có những học sinh rất đam mê và nỗ lực cố gắng trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu khoa học, nhà trường, BGH cũng như tất cả cán bộ nhân viên luôn động viên khích lệ, truyền lửa cho các em học sinh.
Trong Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Nghệ An được tổ chức vừa qua, em Trần Hữu Phúc giành giải Nhất với sản phẩm “Cánh tay Robot”.
Thầy giáo Mai Đình Thịnh - giáo viên dạy môn Vật lý của em Phúc tự hào: “Tôi cảm thấy rất vui khi sản phẩm "Cánh tay Robot" đạt giải Nhất. Tuy sản phẩm chưa thực sự hoàn thiện như ý tưởng của em Phúc nhưng đó là kết quả của sau bao ngày nỗ lực cố gắng mày mò nghiên cứu, chế tạo với một niềm đam mê mãnh liệt của Phúc.
PV