Mỹ giới thiệu thiết bị xét nghiệm nhanh cúm gia cầm
Thiết bị xét nghiệm này là phát minh của các nhà khoa học thuộc ĐH Colorado (Hoa Kỳ), hiện vẫn còn đang phải chờ sự phê chuẩn, nhưng các nhà khoa học hy vọng sẽ phát triển nó thành một thiết bị giúp xét nghiệm cúm ngay tại hiện trường ở các vùng nông thôn.
Bà Kathy Rowlen, một giáo sư sinh hóa và là một thành viên tham gia nghiên cứu nói: "Tiêu chuẩn phân tích các chủng cúm hiện nay thường phải mất khoảng từ ba đến bốn ngày. Khoảng thời gian sẽ là quá dài nếu chủng virus cúm biến đổi để có thể lây từ người sang người".
Hiện đã có một số loại xét nghiệm nhanh virus cúm, nhưng chúng chỉ có thể cho biết là bệnh nhân có bị nhiễm virus cúm hay không mà không phân biệt được sự khác nhau giữa các chủng virus cúm. Virus cúm liên tục thay đổi và cùng một lúc có thể có đến vài chủng virus khác nhau cùng phát tán.
Mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng từ 250.000 đến 500.000 người bị chết vì bệnh cúm, nhưng các chuyên gia y tế lo ngại rằng một đại dịch cúm gia cầm bùng nổ sẽ có thể làm chết hàng triệu người.
Mối đe dọa chính hiện nay là chủng virus cúm gia cầm H5N1 lây lan giữa các loài gia cầm ở một số khu vực tại châu Á và châu Âu. Cho đến nay, nó đã lây nhiễm vào 123 người và giết chết một nửa trong số này. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là nó có thể biến đổi thành một dạng mới có thể lây lan dễ dàng từ người sang người.
Phòng thí nghiệm của bà Rowlen đã tìm cách giúp các nhà khoa học theo dõi các chủng virus cúm đang lây lan. Nhưng việc chẩn đoán nhanh đã trở nên cấp thiết khi các mối lo ngại về một đại dịch cúm H5N1 đang ngày một gia tăng.
Các mẫu bệnh từ những bệnh nhân bị nghi nhiễm cúm H5N1 thường được gửi tới các phòng thí nghiệm lớn để xác nhận, nhưng cũng phải mất tới vài ngày. Các bác sĩ muốn biết được kết quả sớm hơn để họ có thể nhanh chóng điều trị các bệnh nhân bằng các liều thuốc chống virus trong vòng 48 giờ để giảm thiểu sức tàn phá của virus. Các quan chức y tế cũng cần biết kết quả nhanh chóng để họ có thể lần tìm những người đã có thể bị lây nhiễm virus từ bệnh nhân.
Bà Rowlen nói: "Công nghệ mới này sẽ giúp giám sát tốt hơn bệnh cúm trên toàn cầu nhờ các phòng thí nghiệm nhận diện nhanh các chủng virus nguy hiểm, từ đó các quan chức y tế sẽ có thể ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh và thậm chí là cả các đại dịch".
Thiết bị mới này có thể xét nghiệm bất kỳ chủng virus cúm nào, đã được Trung tâm Ngăn chặn và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ thẩm định và đã đạt được độ chính xác tới 90% trong việc nhận diện virus cúm H5N1.
Hiện tại, việc sử dụng thiết bị này còn tương đối khó khăn. Bà Rowlen cho biết, các nhà khoa học phải lấy mẫu bệnh phẩm và xử lý nó theo một phương pháp tương đối phức tạp. Tuy nhiên, nhóm của bà đang tìm cách để quá trình này trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.
Bà nói: "Chúng tôi sẽ làm cho thiết bị này trở nên đơn giản và gọn nhẹ đủ để có thể mang nó tới các khu vực nông thôn tại các nước như Congo, Campuchia hay Indonesia , nơi còn thiếu thốn các phòng thí nghiệm"
Nguồn: nhandan.com.vn 8/11/2005