Một thông điệp về ý chí biển cả của dân tộc Việt
Mở rộng không gian kinh tế biển để thực thi quyền là chủ các vùng biển
Nằm trải dài ven bờ Tây Biền Đông theo hướng á kinh tuyến, phần lãnh thổ đất liền nước ta có lợi thế “mặt tiền” hướng biển, hướng ra “ngã ba đường” của thế giới và biển đã thực sự gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của các dân tộc Việt từ bao đời. Thế đứng tự nhiên - lịch sử như vậy đã tạo cho nước ta một vị thế địa chính trị và địa kinh tế cực kỳ quan trọng trong hình thể chiến lược phát triển toàn cầu và khu cực. Biển và hải đảo là không gian sinh tồn và phát triển của các dân tộc Việt, tạo ra thế và lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế và đảm bảo chủ quyền đất nước. Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi nương tựa của hàng chục triệu người dân đất Việt, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là phần Tổ quốc thiêng liêng, không tách rời của đất nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế…
Quá trình toàn cầu hóa càng được đẩy mạnh, Đông Á càng bùng nổ phát triển thì vị thế đó của Việt Nam càng được củng cố và nâng cao. Vì vậy, tiến ra biển là xu thế tất yếu của dân tộc ta để tìm kiếm và bảo đảm các nhu cầu về nguyên liệu, năng lượng, thực phẩm… cho tương lai. Đó là một hướng đi đúng, một cách nhìn xa, trông rộng và trong bối cảnh hiện nay rất cần một quyết tâm chính trị, tính nhất quán về chủ trương và một kỷ cương về hành động của toàn hệ thống chính trị, của cả dân tộc để biến lợi thế của biển thành lợi ích của đất nước. Dựa vào lợi thế về biển và hải đảo, các thế hệ người Việt và các triều đại nhà nước Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật biển năm 1982). Từ sau khi nhà nước giành độc lập và đất nước thống nhất về một dải, Đảng và nhà nước ta đã liên tục ban hành các chính sách, chiến lược kinh tế mở và tạo đột phá thành công cho nền kinh tế đất nước, bao gồm kinh tế biển.
Phần lục địa nước ta không có nơi nào cách xa biển trên 500km, nên yếu tố biển có thể phát huy ảnh hưởng đến mọi miền đất nước. Dải ven biển nước ta không chỉ tạo ra lợi thế “Mặt tiền hướng biển” để mở cửa thông thương với thế giới bên ngoài như nói trên, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với các vùng lãnh thổ sâu trong đất liền, có thể kết nối biển với vùng lãnh thổ Tây Nam Trung Quốc, Lào, Đông bắc Thái Lan và Campuchia thông qua hệ thống cảng biển, đường sắt và đường bộ. Năng lực nội sinh và nhu cầu nội vùng của dải ven biển nước ta cũng rất đáng kể. Tập trung các vùng tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái quan trọng bậc nhất; tập trung khoảng trên 50% dân số cả nước (tính cho các tỉnh ven biển) và khoảng 30% dân số cả nước (tính cho các huyện ven biển); khoảng 50% các đô thị lớn và trên 200 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế ven biển lớn đã, đang và sẽ được đầu tư phát triển mạnh, trong đó có 3 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Một dải đất hẹp và bờ biển dài như vậy vừa có lợi thế trong phát triển vừa có giá trị chiến lược về mặt phòng thủ đất nước khi xảy ra chiến tranh. Để phát huy thế mạnh và hạn chế điểm yếu, việc tổ chức lại lãnh thổ ven biển, tập trung vào đa dạng hóa và kết nối các loại hình phát triển theo vùng tự nhiên - sinh thái ven biển khác nhau là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Phát triển vùng ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển vùng trung du - miền núi, đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài. Điều này tạo ra tiền đề cho việc hoạch định một chiến lược biển tầm cỡ gắn với một nền quốc phòng, an ninh trên biển vững chắc, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển trong bối cảnh tranh chấp còn kéo dài ở biển đông.
Rõ ràng, các vấn đề biển của nước ta sẽ vừa chứa đựng yếu tố quốc gia, vừa chứa đựng yếu tố quốc tế. Cho nên, chính sách biển nước ta một mặt phải có tác động điểu chỉnh hành vi phát triển của các ngành kinh tế biển, tạo ra một trật tự pháp lý ổn định trên biển Việt Nam với sự góp sức của người dân, mặt khác phải có khả năng hội nhập quốc tế, phù hợp với tinh thần của Công pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật biển năm 1982. Trong phát triển chú trọng cả yếu tố truyền thống và hiện đại, chú trọng phát triển các nghề biển xa và chuẩn bị từng bước điều kiện để vươn ra đại dương. Trong bối cảnh thế giới tiến ra biển và đại dương ở thế kỷ 21 với các chiến lược biển quốc gia đầy kỳ vọng, và trong xu thế thế giới đang “lấy đại dương nuôi đất liền” thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí quan trọng của nó đối với chiến lược phát triển đất nước như vậy là một cách nhìn mới và đầy đủ về “chân dung kinh tế” đất nước. Biển phải trở thành yếu tố trọng yếu và không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân và trong việc lựa chọn con đường đi tới của dân tộc ta.
Ý chí biển cả của dân tộc Việt
Nhận thức rõ vị trí chiến lược của biển, hải đảo đối với kinh tế và an ninh quốc phòng, Đảng ta đã sớm có những chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán trong việc thể hiện ý thực và ý chí biển cả của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ý thức và ý chí biển cả đã được hội tụ trong câu nói bất hủ của bác Hồ: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” khi Người về thăm làng cá Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) vào dịp cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1959.
Để đảm bảo tính liên tục và với tư cách kế thừa quyền sở hữu các vùng biển và quần đảo từ các chính quyền trước, sau ngày thông nhất đất nước (2/7/1976), Nhà nước CHXHCN Việt Nam khẳng định một lần nữa trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến các vấn đề này. Chính phủ ta ra Tuyên bố ngày 12/11/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam và trong các văn bản này đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: Lịch sử, pháp lý và thực tiễn quốc tế.
Tiếp sau Hiến pháp nước ta năm 1980, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi (điều 1) khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển. Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5 ngày 23/6/1994 phê chuẩn Công ước Luật biển 1982 đã nêu: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp quẩn đảo Hoàng Sa và Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, căn cứ vào những nguyên tắc và những tiểu chuẩn của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982”.
Bài học lịch sử cho thấy: Sức mạnh của bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia nói chung và biển, đảo nói riêng là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của cả hệ thống chính trị. Trong điều kiện mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa giao lưu quốc tế, vấn đề bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo không thể chỉ là công việc của những người/cơ quan chuyên trách, mà là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong và ngoài nước, của toàn dân tộc Việt Nam. Vì mọi biến động nơi biển, đảo đều tác động, tùy theo mức độ khác nhau đến những người trực tiếp sống, làm việc trên biển, hải đảo và ở sâu trong nội địa. Vì thế, khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh vô địch, lâu bền, vững chắc, bảo đảm cho sự ổn định các vùng biển đảo của tổ quốc. Nhân dân, đặc biệt ngư dân là tai mắt, là lực lược bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo quốc gia, họ có mặt ở mọi nơi, trên những địa bàn xung yếu nhất ở các vùng biển của tổ quốc; có mặt mọi lúc và được xem là lực lượng thường xuyên, tại chỗ, bảo vệ an ninh biên giới biển quốc gia hiểu quả nhất.
Dựa vào dân là bài học muôn thuở của mọi công việc không chỉ là bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo quốc gia. Muốn vậy, phải kiên trì và có biện pháp sáng tạo trong tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; không ngừng phát triển kinh tế văn hóa, xã hội bền vững vùng dân cư nơi biên giới biển, hải đảo. Huy động, phát huy được nguồn sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Đặc biệt coi trọng xây dựng tiềm lực kinh tế, củng cố, nâng cao đời sống nhân dân nơi biển, đảo. Xây dựng vùng biển và hải đảo hòa bình, phồn vinh, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thế trận toàn dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia; tạo ra thế và lực mới để từng địa phương, từng cộng đồng, từng cơ quan tích cực huy động sức mạnh tổng hợp tại chỗ để chủ động, tự giải quyết mọi tình huống khi xảy ra thiên tai và nhân tai trên địa bàn. Việc bố trí lại dân cư, điều chuyển dân cư biển, đảo cần phải gắn với việc chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện để người dân yên tâm làm ăn và sinh sống lâu dài trên các vùng biển và hải đảo của nước ta, có biện pháp chống di dân tự do gây mất ổn định ở các vùng biển, đảo.
Hiểu được vai trò của biển đối với tương lai dân tộc, đối với cuộc sống trước mắt và lâu dài của nhân dân và vai trò của nhân dân, đặc biệt ngư dân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, câu nói: “Biển bạc là của ta do nhân dân ta làm chủ” của Bác Hồ không chỉ là lời căn dặn ân cần mà đó chính là “thông điệp dân tộc” thể hiện ý chí biển cả của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Biển mãi mãi thiêng liêng với dân tộc Việt và câu nói đó của Người cũng mãi mãi sẽ là một mệnh lệnh hành động trong trái tim của người dân Việt Nam. Nhân dịp triển khai tiếp tục đợt học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, đề nghị Bộ TN&MT có ý kiến trình Thủ tướng cho phép sử dụng câu nói trên của Bác như là “Khẩu hiệu hành động chiến lược, thể hiện ý chí biển cả của dân tộc ta” trong công tác tuyên truyền ở các địa phương ven biển, trước hết đặt ở những vị trí trang trọng thuộc đảo Cát Bà và Tuần Châu - nơi Người về thăm bà con ngư dân năm 1959 và nói câu bất hủ trên.