Một số nhận xét về xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng Sông Hồng
Qua 4 năm (2011-2014) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, Trung ương và địa phương, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân,tại vùng đồng bằng sông Hồng, Chương trình đã đạt đựợc nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Cụ thể, sau 4 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt các kết quả cơ bản sau:
(1)- Nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân được nâng cao, tạo thành phong trào sâu rộng, đều khắp trên cả nước mà từ trước đến nay chưa phong trào nào có được. Hầu hết các tỉnh trước đây chưa quan tâm đúng mức hoặc chưa có xã đạt chuẩn, đều đã tổ chức Hội nghị đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Từ đó, tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, bức xúc trên địa bàn và có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện Chương trình. Nhờ đó, tốc độ đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các xã tăng lên rõ rệt.
(2)- Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân được các địa phương quan tâm xây dựng, nâng cấp; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới;
(3)- Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã phát triển theo hướng tốt, đã có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu , nhiều mô hình sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp hiệu quả, tạo việc làm cho người dân nông thôn. Các hoạt động này đã góp phần làm cho thu nhập của dân cư nông thôn tăng nhanh hơn trước, đặc biệt ở các xã đạt chuẩn.Hiện nay, thu nhập của người dân nông thôn đạt bình quân 22,1 triệu đồng/người/năm, tăng 1,98 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn 10,1%, giảm bình quân 2%/năm (2008-2014).
Một số đề xuất
Về nhận thức: Cần phải coi xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài đồng hành cùng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.Nếu chúng ta chưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nông nghiệp thì nước ta cũng khó có thể trở thành một nước công nghiệp thực sự.
Về quy hoạch: Công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Xây dựng quy hoạch phải đồng bộ, từ trên xuống dưới, phải đặc biệt chú ý xây dựng quy hoạch vùng trước khi xây dựng quy hoạch xã. Quy hoạch xã phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện.Cần chú ý sự đồng bộ trong các quy hoạch sau:
- Quy hoạch hạ tầng nông thôn như quy hoạch mạng giao thông; quy hoạch mạng cấp thoát nước; quy hoạch mạng điện lực;quy hoạch khu dân cư nông thôn...Trong quy hoạch hạ tầng nông thôn cần chú ý phát triển hạ tầng xanh, gắn kết quy hoạch hạ tầng với môi trường sinh thái, sử dụng vật liệu tiết kiệm, khai thác tốt các yếu tố tự nhiên kết hợp với ứng dụng các công nghệ tiên tiến.
- Quy hoạch mạng trường học, trường dạy nghề và các trung tâm đào tạo ngắn hạn;
- Quy hoạch mạng lưới y tế địa phương;
- Quy hoạch mạng cấp nước sạch nông thôn;
- Quy hoạch mạng thu gom, phân loại và xử lý rác thải;
- Quy hoạch thủy lợi nội đồng;
- Quy hoạch kinh tế vùng. Đối với địa phương có làng nghề thì phải có giải pháp tách khu vực ở và khu vực sản xuất.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, nên rà soát lại các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy mỗi xã không nhất thiết phải có 1 trường học, 1 trạm cấp nước sạch, 1 khu xử lý rác, 1 trạm xá y tế...Mạng lưới giao thông,mạng lưới thủy lợi, mạng lưới cung cấp điện phải liên thông, thống nhất trong toàn vùng để đảm bảo đầu tư tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất.Tóm lại, cần tiến hành quy hoạch và xây dựng hạ tầng nông thôn theo nguyên tắc: Quy hoạch đồng bộ từ trên xuống, xây dựng từ xã lên.
Về văn hóa: Vùng đồng bằng sông Hồng có thể coi là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Làng quê vùng đồng bằng sông Hồng gắn với rất nhiều các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể hình thành nên những nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam. Nhưng,thực tiễn cho thấy quá trình xây dựng nông thôn mới bao giờ cũng đi đôi với quá trình đô thị hóa. Nếu không chú ý bảo tồn, gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa bao đời của từng địa phương thì quá trình đô thị hóa sẽ biến mối quan hệ xóm làng “sớm lửa, tối đèn có nhau” thành lối sống “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Những thói hư, tật xấu sẽ về cùng với văn minh, hiện đại của đô thị thay thế cho “đất lề, quê thói”, thay thế hương ước từ bao đời để lại. Những mái nhà bê tông, cốt thép sẽ thay thế các mái nhà tranh đơn sơ với hàng tre xanh bao quanh, thay thế cây đa, giếng nước, sân đình ...những hình ảnh đặc trưng cho nông thôn Bắc Bộ, nông thôn vùng châu thổ sông Hồng.Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí về văn hóa là tiêu chí số 6 về nhà văn hóa thôn và tiêu chí số 16 về làng văn hóa.Thật đáng buồn là từ xa xưa mỗi làng ở Bắc bộ nói chung cũng như ở vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng đều có một cái đình. Đó chính là “nhà văn hóa” của làng Việt cổ. Thế mà nay, trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì đây lại là tiêu chí đạt thấp nhất: 17,9%.Một câu hỏi đặt ra :các đình cổ đi đâu ?Có nên bảo tồn và cải tạo nó không hay bỏ đi như một phế tích? Về tiêu chí 16 có nhà nghiên cứu cho rằng không chú ý đến trách nhiệm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của địa phương.Nếu vậy, các làn điệu chèo Thái Bình, Chầu văn Nam định. Câu ca quan họ Bắc Ninh, nghệ thuật múa rối nước...sẽ dần biến mất trong nền văn hóa hiện đại của Việt Nam.Vì vậy, ngoài các quy định chung, cần có quy định trách nhiệm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể riêng của từng vùng.
Ứng dung khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Về Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo
- Về khoa học và công nghệ : Đảng và Nhà nước coi việc hỗ trợ cho nông dân và nông thôn thông qua các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Ngày 5/12/2012 Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 27/QĐTTg, phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.Tuy nhiên Chương trình mới tập trung vào nghiên cứu cơ sở lý luận và các chính sách, các giải pháp xây dựng nông thôn mới, trong đó có các mô hình ứng dụng đồng bộ, tổng hợp tiến bộ kỹ thuật nông ,lâm . thủy sản trong xây dựng nông thôn mới.Mặt khác, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được coi là một chỉ tiêu bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới.Những sáng kiến của nông dân, của doanh nghiệp vẫn chưa được coi trọng, chưa có cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể.Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị cần bổ xung việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ trong việc hình thành đồng bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nôngnghiệp thành một chỉ tiêu bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chính phủ cũng cần nghiên cứu để sớm ban hành cơ chế hỗ trợ các sáng kiến của nông dân, của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian qua, trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường ta chỉ chú ý đến khâu sản xuất: chọn giống tốt, năng xuất cao mà quên mất khâu quyết định là thị trường. Khi tìm được thị trường, ta cần tìm hiểu nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó huy động các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, các doanh nghiệp đầu tư, tìm các giải pháp sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và phân phối hợp lý để đáp ứng nhu cầu thị trường. Phải phấn đấu theo nguyên tắc bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có.Nhà nước cần hỗ trợ cho người nông dân khâu này. Chúng ta cần phân tích sâu sắc bài học “ vải thiều” của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương để rút ra những bài học bổ ích cho việc hỗ trợ nông dân mở thị trường và tạo thương hiệu cho nông sản.
Xây dựng xã hội học tập
Về giáo dục và đào tạo : Tại Hội thảo quốc tế do Trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực tổ chức ngày 6/11/2014 tại Hà Nội, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhận xét rằng: cho đến nay, trong phát triển giáo dục nước ta không có một tư duy mang tính định hướng cụ thể trong phát triển giáo dục nông thôn, vì vậy, nhất thiết phải có tư duy mới về vấn đề này, đó là tư duy trong đó giáo dục khu vực nông thôn phải có một định hướng cụ thể về mục tiêu, sứ mệnh là đóng góp thiết thực vào sự phát triển và thịnh vượng ở nông thôn.Chia sẻ với những nhận xét của TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nhóm nghiên cứu cho rằng giáo dục ở vùng nông thôn vẫn cần bảo đảm sự thống nhất chung trong hệ thống giáo dục của cả nước nhưng đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần phải gắn với thực tiễn của địa phương và cần có sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước.Vì vậy , chúng tôi đề nghị cần rà soát, chỉnh sửa Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTgngày 27/11/2009 cho khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn hơn.
Về Môi trường
Theo báo cáo tổng quan môi trường nông thôn năm 2014 do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) công bố thì Đồng bằng sông Hồng xảy ra nhiều vấn đề ô nhiễm nước mặt nhất do có sự tập trung của nhiều làng nghề, khu công nghiệp xen giữa các cụm dân cư. Trong môi trường nước dưới đất cũng đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm vi sinh, kim loại nặng ở điểm có khu công nghiệp, làng nghề do chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào đặc tính địa chất vùng chứa, sự thẩm thấu, rò rỉ nước bề mặt.
Dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình
Thêm vào đó, rác thải sinh hoạt, chất thải do chăn nuôi, phế phẩm nông nghiệp,lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều. Chính vì vậy, những năm gần đây, vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn đang là mối quan tâm không chỉ của người dân nông thôn mà của toàn xã hội.Mặc dù vậy, đây là vấn đề khó và không có một giải pháp chung để giải quyết vấn đề này. Sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (2011-2014), chỉ có 27% số xã trên toàn quốc đạt được tiêu chí số 17 về Môi trường.
Từ thực tế nghiên cứu ứng dụng xây dựng mô hình xử lý rác thải cho xã Thụy An, Thái Thụy, Thái Bình nhóm nghiên cứu có một số đề xuất như sau:
- Mỗi địa phương có đặc điểm rác thải khác nhau đòi hỏi các phương pháp xử lý khác nhau, Không có một giải pháp công nghệ chung cho tất cả các loại rác thải,phế thải. Xử lý rác tập trung hay xử lý phân tán tại từng gia đình, áp dụng công nghệ nào là do đặc điểm của loại rác thải và sự phân bố rác thải ở từng địa phương quyết định.Với đặc điểm làng xã vùng đồng bằng sông Hồng như hiện nay, chúng tôi cho rằng xử lysracs phân tán ngay từng hộ gia đình hiệu quả hơn là xử lý rác tập trung.
- Cần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Nên xây dựng thói quen phân loại rác tại nhà, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vỏ chai,lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định để xử lý.
- Cần tách biệt với khoảng cách an toàn giữa khu dân cư và khu sản xuất của làng nghề, các trại chăn nuôi lớn. Nhà nước cần hỗ trợ để xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung trong các khu sản xuất của làng nghề.
Về hậu nông thôn mới
Chương trình xây dựng nông thôn mới cho đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt đã góp phần hình thành hệ thống hạ tầng thiết yếu, tạo nên một bộ mặt mới cho nông thôn. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, đây không thể coi là một phong trào mà là một chủ trương chiến lược mang tính lâu dài. Vì vậy,cần có một sách lược dài hơi sau khi chương trình xây dựng nông thôn mới kết thúc (2020). Theo chúng tôi, sách lược này nhằm vào 3 mục tiêu sau:
(1)- Nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân nông thôn;
(2)- Phát triển hạ tầng xanh;bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc;
(3)- Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát triển các sản phẩm đặc trưng (đặc sản), thế mạnh của từng vùng, miền.