Một số nét về toán học Việt Nam hiện nay
Chưa bao giờ toán học có vai trò quan trọng như ngày nay.Sự phát triển của tất cả các ngành khoa học, kể cả khoa học cơ bản cũng như khoa học ứng dụng, và tất cả các ngành công nghiệp then chốt như dầu khí, viễn thông, hàng không... đều không thể thiếu toán học, và ngày càng gắn bó mật thiết hơn với toán học. Ngay sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), một lĩnh vực đang đưa lại những hiệu quả cực kỳ to lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng khởi nguồn và chủ yếu dựa trên toán học. Ngày nay, toán học không đơn thuần chỉ là công cụ như nó đã từng như vậy trong nhiều năm trước đây, mà đã thực sự trở thành một bộ phận không tách rời của những phát minh mới nhất, giá trị nhất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà phần lớn các giải Nobel về kinh tế từ những năm 70 của thế kỷ XX trở lại đây đều được trao cho các nhà nghiên cứu toán kinh tế hoặc các nhà toán học trong lĩnh vực này.
Việt Nam ngày nay được đánh giá là có một nền giáo dục và nghiên cứu toán học tương đối tốt... Xét trên bình diện quốc tế, thì đây là hiện tượng “quý hiếm”, vì nước ta vốn là một nước nghèo, chậm phát triển, trải qua chiến tranh kéo dài và không có truyền thống toán học lâu đời. Những ai đã từng chứng kiến thực trạng toán học Việt Nam những năm 60, khi đất nước mới ra khỏi cuộc chiến tranh chống Pháp, chắc sẽ thấy rõ sự phát triển và trưởng thành nhanh chóng của lĩnh vực này. Từ một tập thể với 10-15 cán bộ giảng dạy trong mỗi khoa toán của vài trường đại học thuở ấy như Sư phạm, Bách khoa, Tổng hợp, mà hầu hết chỉ mới tốt nghiệp đại học, chúng ta đã tiến dần lên có được hàng trăm nhà toán học, trong đó nhiều người được quốc tế tôn trọng và thừa nhận. Các nhà toán học này đã đào tạo nên hàng chục ngàn giáo viên giảng dạy toán, từ bậc phổ thông đến đại học trên khắp mọi miền đất nước. Ngay từ buổi đầu phát triển, những nhà toán học Việt Nam đã rất quan tâm đến việc đưa toán học phục vụ trực tiếp cho đời sống.
Tuy nhiên, nền toán học của ta vẫn còn rất thấp kém so với các nước phát triển. Trong khoảng 15-20 năm trở lại đây, tức là từ khi đất nước chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, khoa học cơ bản nói chung và toán học nói riêng gặp nhiều khó khăn, xuống cấp rõ rệt và có nguy cơ suy thoái nghiêm trọng. Đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu toán học ở các trường đại học và các viện giảm thiểu về số lượng, lão hoá về tuổi đời và năng lực. Một bộ phận lớn cán bộ trình độ cao có độ tuổi 50 trở lên. Số người giỏi, có triển vọng ở độ tuổi 30-40 rất hiếm.
Những điểm sáng hy vọng: trong số 41 nhà khoa học được công nhận chức danh Giáo sư năm 2005, Nhà toán học trẻ 34 tuổi Ngô Bảo Châu là một trường hợp đặc biệt. Anh được đặc cách phong chức danh Giáo sư, mà không cần qua Phó giáo sư và cũng không câu nệ một số tiêu chí trong quy trình xét duyệt thông thường. Đây có thể được coi là một sự đột phá đáng khích lệ trong cách đánh giá và khuyến khích tài năng khoa học. Vấn đề đáng suy nghĩ là ở chỗ chúng ta cần tạo ra một môi trường khoa học thuận lợi ở ngay trong nước để từ đó có được không chỉ một Ngô Bảo Châu, bởi chúng ta đã từng có hàng trăm học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic toán học quốc tế.
Nguồn: Tạp chí Hoạt động Khoahọc, 1/2006; vista 10/2/2006