Một số giống lạc mới trong vụ thu đông
Giống lạc MD7:Có thời gian sinh trưởng vụ thu đông 90-100 ngày, vụ xuân 120-125 ngày, cứng cây, chống đổ tốt, tỷ lệ nhân 70-72%, khối lượng 100 hạt: 55-60g. Năng xuất 30-35 tạ/ha, đây là giống lạc có khả năng chống bệnh héo xanh vi khuẩn cao nhất. Thích ứng cho vùng đất cát pha, bạc màu vùng trung du Bắc bộ.
Giống lạc MD9:Có thời gian sinh trưởng vụ thu 95-105 ngày, vụ xuân 125-130 ngày. Thích hợp cho vùng thâm canh, kháng bệnh trên lá cao. Năng suất 40-45 tạ/ha. Tỷ lệ nhân 68-70%. Khối lượng 100 hạt: 60-62g. MD9 là giống thích ứng cho vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.
Giống lạc L12:Có thời gian sinh trưởng vụ đông 90-100 ngày, vụ xuân 120-125 ngày, sinh trưởng khoẻ, ra hoa tập trung, nhiễm bệnh trên lá trung bình, vỏ quả mỏng. Tỷ lệ nhân 75-77%, khối lượng 100 hạt: 55-60g, năng suất 45-50 tạ/ha. Thích ứng trên đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng.
Giống L14:Có thời gian sinh trưởng vụ thu đông 90-100 ngày, vụ xuân 120-125 ngày. Có khả năng kháng bệnh trên lá trung bình. Năng suất 45-50 tạ/ha, khối lượng 100 hạt: 60-65g, tỷ lệ nhân 72-75%. Thích ứng cho vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung.
Giống lạc L18:Có thời gian sinh trưởng vụ thu đông 95-105 ngày. Vụ xuân 125-130 ngày, cứng cây, tán gọn. Năng suất 55-70 tạ/ha khối lượng hạt 65-70g/100 hạt. Kháng bệnh trên lá và héo xanh vi khuẩn khá, tỷ lệ nhân 69-71%. Thích hợp cho vùng thâm canh cao.
Kỹ thuật trồng
Lượng giống cần cho 1 ha: 180-200kg lạc vỏ. Trước khi bóc nhân để trồng nên phơi 1-2 nắng nhẹ (30-32°C) để tăng sức nảy mầm cho hạt. Thử tỷ lệ nảy mầm đạt lớn hơn hoặc bằng 85% trở lên là đạt yêu cầu. Muốn đảm bảo mật độ và độ đồng đều của cây, sau khi bóc vỏ chọn hạt giống có kích cỡ đồng đều để gieo.
Làm đất:Chọn ruộng tưới tiêu chủ động, cày bừa nhỏ, tơi xốp và nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống. Trước khi gieo hạt, nếu đất khô phải tưới nước vào rãnh cho đủ ẩm rồi mới đem gieo hạt. Lượng phân bón cho một sào Bắc bộ (360m 2) như sau: Phân chuồng hoai mục: 250-300 kg: Đam Urê 3-4kg, supe lần Lâm Thao 20-25kg: kali clorua 5-6kg, vôi bột 18-20kg. Thời kỳ đầu vụ thu còn nhiều mưa có cường độ lớn, do vậy tốt nhất là áp dụng phương pháp trồng luống nhỏ dễ thoát nước. Lên luống cao 25-30cm, rộng 50cm trồng hai hàng dọc trên luống cách nhau 25 cm cách mép luống 12cm, tra 2 hạt/hốc cách nhau 10-12cm đảm bảo mật độ 40cây/m 2. Thiết kế luống theo hướng đông-tây. Trồng hai hàng dọc trên luống tận dụng được hiệu ứng “hàng rìa” – các cây lạc trên luống không che khuất và đều nhận được cùng một lượng ánh sáng, phân bón như nhau, do vậy sẽ cho năng suất cao đồng đều trên toàn ruộng. Theo kết quả nghiên cứu của viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam, trồng lạc theo phương pháp hai hàng dọc/luống sẽ có năng suất cao hơn các phương pháp trồng khác từ 15-20%.
Bón lót:Vôi bột bón 50% trước bừa ngả nếu trồng lạc có che phủ nilông thì bón lót 100% các loại phân vào rạch ở giữa luống. Dùng thuổng hoặc ống bơ cắt hình răng cưa chụp thủng nilông đường kính 7-8cm rồi tra hạt lạc sâu 3-4cm theo khoảng cách đã định (chú ý đầu vụ thu nhiệt độ ngoài trời còn cao nên phải chọc lỗ trước khi tra hạt để thoát nhiệt ra ngoài tránh làm thối ung hạt). Khi lạc nhú lên mặt đất dùng tay bới nhẹ đất xung quanh gốc để cho hai lá mầm ló ra khỏi mặt đất, tạo điều kiện cho cành cấp 1 phát triển sớm, cành mập. Biện pháp này theo tài liệu của Trung Quốc tăng năng suất 10-15% so với để hai lá mầm trong mặt đất.
Nếu trồng lạc không che phủ nilông: Bón lót 100% phân chuồng, phân lần + 50% đạm + 30% kali vào giữa rạch. Bón thúc đợt 1 khi cây lạc có 3-3 lá thật kết hợp nhặt cỏ, xới nhẹ, tưới 50% đạm. Bón thúc đợt 2: Khi lạc có 5-6 lá kết hợp xới sâu bón nốt lượng kali còn lại. Khi lạc tắt hoa bón nốt 50% lượng vôi vào gốc. Tưới nước vào hai thời kỳ quan trọng nếu lạc bị khô hạn là: Trước khi ra hoa (6-7 lá) và thời kỳ làm quả.
Phun thuốc trừ cỏáp dụng cả hai phương pháp trồng. Dùng thuốc Dual, Ronsta phun đều lên mặt luống ngay sau khi gieo hạt. Trường hợp đất khố tưới ẩm trước rồi phun thuốc sau. Dùng các loại phân bón qua lá: Orgamin. Hamute, Atonic, Bioted (602, 603)… Phun 2-3 lần cho lạc tăng năng suất 10-15%. Nếu lạc có hiện tượng lốp dùng P333 (Paclobutrazol), DPC (Dinocap) liều lượng như hướng dẫn trên bao bì, phun ức chế sinh trưởng thúc đẩy quá trình vận chuyển các chất vào củ.
Ngoài ra, để đạt năng suất cao còn phải phòng trừ tốt một số sâu, bệnh hại lạc như: Sâu róm, rầy, rệp, sâu xanh, bệnh đốm lá, héo xanh hại lạc.
Nguồn: Tạp chí: Khoa học-Ứng dụng (LHH Nghệ An) số 7-8/2005, trang 22