Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 13/08/2013 22:09 (GMT+7)

Một số giai thoại về Cao Bá Quát

1. Hay là thày Lý…?

Tương truyền viên lý trưởng ở địa phương thường hay tham nhũng, bớt xén quỹ công. Nhân việc làng cho đắp đôi voi ở trước cửa đình, Cao Bá Quát khi đó còn là một chú bé đã viết mấy câu thơ lên lưng voi:

Khen ai rõ khéo đắp đôi voi

Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi

Còn một cái kia sao chẳng thấy

Hay là thày Lý bớt đi rồi?

2. Cá đớp cá, người trói người

Tương truyền khi Vua Minh Mạng ra tuần du Bắc Hà, Ngài có ra ngoạn cảnh Hồ Tây. Cao Bá Quát lúc đó còn nhỏ đã nhảy xuống hồ tắm mà không chịu lánh xa theo lệnh của binh lính. Bị giải đến trước vua, Cậu bé Quát khai mình là học trò nhà quê ra Hà Nội vừa lúc nóng nực nên xuống hồ tắm. Nhân nhìn thấy con cá lớn đuổi bắt đàn cá bé dưới nước, Vua bèn ra một vế đối, hẹn nếu đối được sẽ tha đánh đòn. Vắp đối của Vua là:

Nước trong leo lẻo, cá đớp cá

Cậu bé Quát ứng khẩu đối lại rất nhanh:

Trời nắng chang chang, người trói người

3. Bốn bồ chữ

Tương truyền Cao Bá Quát thường nói: “ Chữ trong thiên hạ nhất vào 4 bồ; Mình Quát chiếm 2 bồ. Anh của Quát là Bá Đạt và bạn của Quát là Văn Siêu chung nhau 1 bồ. Bồ còn lại chia cho khắp kẻ sĩ”. Kể cũng quá cao ngạo!

4. Con thuyền Nghệ An

Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) và Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897), con trai thứ 10 và 11 của Vua Minh Mang là hai nhà thơ tên tuổi. Hai Ông lập ra Mặc Vân Thi xã (còn gọi là Tùng Vân thi xã), giao kết với nhiều thi nhân không kể địa vị, tuổi tác. Tương truyền ban đầu đọc thơ của một số vị trong Thi xã này, Cao Bá Quát đã hạ hai câu:

Ngán thay cái mũi vô duyên

Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An

Ai cũng biết Nghệ An nổi tiếng về nghề nước mắm, con thuyền Nghệ An chở nước mắm nên khá nặng mùi. Tuy vậy Miên Thẩm và Miên Trinh vẫn không chấp nhặt và dần dà mời Cao Bá Quát tham gia vào Thi xã.

Người đời còn truyền tụng hai câu thơ (nhiều nhà nghiên cứu cho là của Vua Tự Đức):

Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán

Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường

(Văn như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì không có thời Tiền Hán/ Thơ được như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì mất cả đời Thịnh Đường).

5. Chữa câu đối của Vua Tự Đức

Tương truyền Vua Tự Đức sáng tác đôi câu đối sau đây:

Tử năng thừa phụ nghiệp

Thần khả báo quân ân

(con có thể nối nghiệp cha/ Bày tôi có thể báo đáp ơn vua).

Ngài rất đắc ý, cho treo ở Điện Cần Chánh. Bá quan đều trầm trồ khen đôi câu đối trên rất súc tích, riêng Cao Bá Quát cho là không chỉnh. Vua Tự Đức giận lắm bèn triệu vào hạch hỏi. Ông tâu rằng viết như vậy là đảo lộn cương thường, đặt con trên cha, đặt bày tôi trên vua; hơn nữa cặp con-cha đứng trước cặp bày tôi-vua lại càng trái ngược. Khi được nhà vua cho phép chữa, Ông vẫn dùng 10 chữ này, chỉ đảo lại trật tự các từ và được Vua Tự Đức chấp nhận:

Quân ân, thần khả báo

Phụ nghiệp, tử năng thừa

6. “Đọc nối” thơ của Nhà Vua

Tương truyền một hôm, sau khi tan chầu, Vua Tự Đức lưu bá quan lại và đọc hai câu thơ vừa Hán vừa Nôm mà Ngài vừa nghĩ ra đêm trước:

Viên trung, oanh ngữ khề khàchuyển

Dã ngoại đào hoa lấm tấmkhai

(Trong vườn, chim oanh hót khề khà/ Ngoài nội, hoa đào nở lắm tấm)

Bá quan đều thán phục vì quả thật hai câu thơ trên của Tự Đức rất độc đáo. Riêng Cao Bá Quát trầm ngâm tâu Vua là dường như hai câu này nằm trong một bài thơ Ông đã đọc được ở đâu đó. Vua Tự Đức rất bực vì chính Ngài đã sáng tác hai câu thơ trên nên nhà Vua bắt Ông phải đọc kỳ được bài thơ nếu không sẽ bị phạt. Sau khi suy nghĩ một hồi với lý do cần nhớ lại vì đọc đã quá lâu, Ông cất giọng:

Bảo mã Tây phươnghuếch hoác lai

Huênh hoangnhân tự thác đề hồi

Viên trung, oanh ngữ khề khàchuyển

Dã ngoại đào hoa lấm tấmkhai

Xuân nhật bất văn sương lộp bộp

Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài.

Khù khờthi tứ đa nhân thức

Khệnh khạngtương lai vấn tú tài.

Thực ra Ông đã sáng tác thêm 6 câu thơ nữa, mỗi câu cũng xen 2 chữ thuần Nôm vào như của Nhà vua, tạo thành một bài thơ hoàn chỉnh. Nhà Vua cũng phải tấm tắc khen tài thơ Cao Bá Quát sau khi bắt Ông thú nhận đã “bịa” thêm 6 câu trên chứ chẳng có sách nào chép bài thơ đó cả.

Thâm ý của 2 câu cuối là “lớm khéo” Nhà vua: Khù khờ vì tứ thơ đó nhiều người đã biết, lại còn khệnh khạng mang đi hỏi người tài. Chắc hẳn những cuộc bình thơ của Nhà Vua – Thi sĩ Tự Đức cũng cho phép “vượt khuôn phép” một chút chứ không khắt khe ghép tội “khi quân” như trong những buổi thiết triều chính thống!

7. Bị xiềng xích và bị chém đầu (?!)

Như đã nói ở trên, Cao Bá Quát chết ở trận tiền nhưng do vừa phục vừa sợ Ông nên người đời cứ thêu dệt giai thoại Ông bị bắt, bị tra tấn và đánh đập rồi bị xử chém. Người ta truyền tụng trong ngục tối, Ông đã đọc hai câu:

Một chiếc cùm lim, chân có đế

Ba vòng xích sắt, bước thì vương.

(với ý nghĩa Ông đặt “đế vương” thấp dưới chân mình).

Khi ra pháp trường, người ta truyền tụng Ông còn ngâm hai câu:

Ba hồi trống giục, mồ cha kiếp

Một nhát gươm đưa, bỏ mẹ đời.

Thật là kỳ lạ!

Sau này lấy cảm hứng từ những giai thoại trên, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết truyện ngắn "Chữ người tử tù" ( trong tập "Vang bóng một thời") với nhân vật chính là Huấn Cao, người tù chờ ra pháp trường đã tặng chữ cho viên giám ngục.

8. Bị "gán" là tác giả đôi câu đối Trung Quốc

Xưa nay, người đời thường truyền tụng Cao Bá Quát là tác giả đôi câu đối:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

(Mười năm giao kết tìm gươm cổ/ Một đời chỉ cúi lạy hoa mai). Bút tích đôi câu đối này cũng được cho là thủ bút của Ông vì được viết rất đẹp. Thực ra tác giả là một viên quan Trung Quốc. năm Mậu Thìn (1868), đoàn sứ bộ của ta sang Trung Quốc do Chánh sứ là Hoàng giáp Lê Tuấn, Phó sứ là Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, Phó sứ thứ hai là Cử nhân Hoàng Tịnh Bắc. Tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đã làm ba đôi câu đối tặng cho ba vị Chánh phó sứ của ta. Nguyễn Tư Giản (1823-1890) được tặng đôi câu đối trên. Sự việc này được ghi trong chính sử cũng như tư liệu riêng của Nguyễn Tư Giản và xảy ra sau khi Cao Bá Quát mất tới 13 năm!


Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.