Một nhà khoa học yêu tuồng
Nhưng may sao, GS-VS Nguyễn Khánh Toàn là người rất thích nghệ thuật tuồng, đó là cơ hội để chúng tôi có thể tiếp cận với con người khổng lồ này. Tôi nhớ trong những năm (1973, 1974), khi mà, chúng tôi mở các trại sáng tác Quang Trung tại nhà hát tuồng LK V (nay là nhà hát tuồng Đào Tấn), tôi được cử làm thư ký thường trực của trại. Tham gia trại là những cây bút có tên tuổi như Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký, Mịch Quang, Lưu Trọng Lư, Dũng Hiệp, Phan Xuân Hoàng…ngoài các chuyên gia lịch sử như Phan Huy Lê, Mạc Đường… trình bày về Tây Sơn-Nguyễn Huệ, chúng tôi còn mời cả GS-VS Nguyễn Khánh Toàn đến nói chuyện về đề tài này.
Ông nói rất hay, rất hấp dẫn, kích thích được cảm hứng sáng tạo của các nhà sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn. Thấy tôi ghi chép cẩn thận GS-VS Nguyễn Khánh Toàn tỏ lời khen: “cháu chịu khó ghi chép như vậy là tốt, nhưng không phải chỉ ghi lời của bác mà nên ghi đầy đủ cả những bài nói của các đồng chí khác nữa để làm tư liệu mà học tập”. Kết quả trại sáng tác Quang Trung đã có gần 10 vở lần lượt dựng trên sân khấu. Từ đó tôi trở thành người quen của GS-VS Nguyễn Khánh Toàn và ông bảo tôi thỉnh thoảng chủ nhật đến nhà ông (ở 43 Tăng Bạt Hổ-Hà Nội) chơi và nói chuyện tuồng cho vui.
Tôi mạnh dạn đến và thường kéo theo một vài bạn diễn viên như Đàm Liên, Kim Cúc, Hoà Bình…để cùng hát tuồng cho vui. Ông đặc biệt rất mến diễn viên Hoà Bình, lúc đó chừng 15, 16 tuổi, nhưng đóng vai Trần Quốc Toản rất hay.
Tôi nhớ hôm công diễn vở tuồng “Trưng nữ Vương” (tác giả Tống Phước Phổ-Lưu Trọng Lư, do tôi đạo diễn). Cũng như những vở tuồng lịch sử khác, chúng tôi mời GS-VS Nguyễn Khánh Toàn tới xem để cho ý kiến. Trong vở có lớp Trưng Trắc-Trưng Nhị đánh tướng giặc Sài Trung đại bại, hắn phải quỳ lạy Hai Bà xin tha tội chết, chi tiết này không có trong lịch sử, nên chúng tôi rất sợ sẽ bị GS-VS Nguyễn Khánh Toàn phê phán. Nhưng sau buổi diễn, khi chúng tôi hỏi về lớp Trưng Trắc đánh Sài Thung thì được vị giáo sư lịch sử hàng đầu giải thích: “Tuy là tuồng lịch sử, nhưng đã là nghệ thuật sân khấu thì được phép hư cấu, nhưng hư cấu phải hợp lý, phải đúng logíc tư tưởng của nó. Việc Tô Định đem đại binh sang xâm lược nước ta, ắt có những tướng giặc kiểu Sài Thung kéo quân đi càn và dĩ nhiên sẽ gặp sự chống cự của nghĩa quân Hai Bà Trưng. Do đó chi tiết hư cấu này có thể chấp nhận được. Cũng như chi tiết Trần Quốc Toản không được vua Trần cho vào dự hội nghị Bình Than để bàn việc đánh giặc nên tức quá mà bóp nát quả cam đang cầm trong tay (vở “Trần Quốc Toản ra quân”) cũng là hợp logíc, hợp lý, do đó khản giả mới tin, mới xúc động”.
Lòng yêu nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật tuồng của GS-VS Nguyễn Khánh Toàn còn thể hiện ở chỗ ông muốn giới thiệu môn nghệ thuật cổ điển đặc sắc này với bạn bè trên thế giới, cụ thể là trong những năm ông làm chủ nhiệm UB KHXH VN, khi tiếp các đoàn quốc tế, ông đều đề nghị GS Hoàng Trinh (thời đó làm trợ lý của GS-VS Nguyễn Khánh Toàn) mời chúng tôi đến trình bày có minh hoạ về nghệ thuật tuồng. Những buổi sinh hoạt nghệ thuật ấy, GS-VS Nguyễn Khánh Toàn đều dự và giải thích thêm cho các GS nước ngoài hiểu về tuồng Việt Nam.
Tìm hiểu kỹ, tôi mới biết, GS-VS Nguyễn Khánh Toàn quê ở Thừa Thiên Huế - Trung tâm nghệ thuật tuồng của cả nước vào cuối TK 19 đầu TK 20 ở đó hầu hết các trí thức thời bấy giờ đều được xem tuồng và thích tuống vì ngoài tuồng ra triều đình nhà Nguyễn và chính quyền địa phương không đầu tư cho những môn nghệ thuật khác cũng ở đất kinh kỳ, gần giống như ở Bình Định, ngoài hát bội (tuồng) Đào Tấn ra chỉ có Bài chòi (“em họ ngoại” của tuồng) ngoài ra không có nghệ thuật nào xâm nhập được vào miền đất võ này.
Đối với nghệ thuật tuồng truyền thống GS-VS Nguyễn Khánh Toàn luôn luôn thể hiện một quan điểm nhất quán là không cải tiến một cách tuỳ tiện, mà phải giữ bản sắc, giữ đặc trưng của nó, vì thế mà ông không thích xem những vở tuồng đề tài hiện đại mà trong đó chất tuồng mỏng hơn chất kịch.
Tôi nhớ có lần ông và Chủ tịch Trường Chinh xem vở Opera (Nga) Ep-ghê-nhi Ô- nhê – ghin tại nhà hát lớn, xem xong đồng chí Trường Chinh rất thích nhưng lại hỏi vui GS-VS Nguyễn Khánh Toàn: “vì sao Ep-ghi-ghi Ô nhe-ghin lại nói (hát) với Natasa-người yêu của mình là: “Mấy hôm rồi anh ốm liệt d…?”
GS-VS Nguyễn Khánh Toàn cũng trả lời trong giọng vui: “nếu họ hát theo opera tuồng Việt Nam thì ta sẽ nghe là “ốm liệt gường”… còn hát theo tây thì ta nghe như vậy đấy”.
Câu chuyện vui của nhà lãnh đạo yêu nghệ thuật và nhà bác học văn hoá và lịch sử yêu tuồng cũng cho ta thấy sự khác biệt về đặc trưng nghệ thuật giữa Đông-Tây như thế nào.
Tôi cứ ước mơ sao ở Việt Nam ta có nhiều nhà lãnh đạo, nhiều nhà trí thức lớn hiểu và quan tâm tới nghệ thuật dân tộc như GS-VS Nguyễn Khánh Toàn để cho nghệ thuật của cha ông, vốn quý tinh thần của nhân dân mãi mãi được tồn tại và thăng hoa.