Một môi trường không ô nhiễm -Trách nhiệm không của riêng ai
Việc thu gom, xử lý rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường luôn là mối bận tâm lớn của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong nhiều năm qua. Thực tế cho thấy rác thải trong sinh hoạt và từ các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều, đặc biệt là các đô thị lớn... Tuy nhiên, cho đến nay hình thức xử lý rác vẫn chỉ chôn lấp là chính. Không những vậy, tại nhiều tỉnh, thành, rác không được chôn lấp mà chỉ được đổ lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng khiến người dân hết sức bức xúc.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam hiện tổng lượng chất thải đô thị phát sinh trên toàn quốc khoảng 21.500 tấn/ngày. Dự báo, khối lượng này sẽ tăng thêm gấp 2 - 3 lần vào giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, tỷ lệ tăng cao nhất là tại 2 thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lượng rác thải phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó 80% là rác thải sinh hoạt, bao gồm: Rác thải từ các hộ dân, các chợ, từ các cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp, làng nghề …
Tại Hà Nội, theo thống kê của ngành môi trường thành phố, trung bình mỗi ngày một người dân có 0,5 kg rác thải sinh hoạt, với số dân hiện nay thì thành phố có tới 3,5 nghìn tấn rác. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành thì mới chỉ thu gom xử lý được gần 80% lượng rác thải. Còn hơn 20% lượng rác thải (vài trăm tấn) vẫn bị thải trực tiếp ra ngoài môi trường làm cho cống thoát nước bị tắc dẫn tới Hà Nội bị ngập lụt mỗi khi trời mưa, môi trường không khí bị ô nhiễm bởi bụi và mùi của rác thải.
Không chỉ ô nhiễm ở các đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn cũng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng nhanh; sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với nguồn tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ. Môi trường nước ở nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi khí thải, chất rắn do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải đồng bộ...
Một trong những làng nghề đang có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng được dư luận chú ý hiện nay là làng giấy Phong Khê, TP Bắc Ninh khiến dư luận bất bình. Đây cũng là khu vực đứng đầu cả tỉnh về ô nhiễm môi trường. Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Ninh, hàng chục hecta đất trồng lúa tại khu vực này sau một thời gian tiếp nhận nguồn nước thải chứa hóa chất được thải ra từ các cơ sở sản xuất, tái chế giấy đến nay hầu như không thể trồng được bất cứ loại cây nào…
TS. Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Rác thải và vấn đề ô nhiễm từ lâu đã trở thành mối nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cộng động nhưng nếu được xử lý, rác thải có thể trở thành một nguồn nguyên liệu tạo ra các sản phẩm phục vụ cho xã hội. Tuy nhiên, hầu như tất cả các đô thị lớn ở Việt Nam không khai thác được nguồn nguyên liệu này, mặc dù hàng năm ngân sách phải chi ra số tiền khổng lồ cho việc xử lý rác. Chỉ riêng tại TP.HCM và Hà Nội, mỗi ngày lượng rác thải lên đến con số 8.000 tấn và ngân sách dành cho việc xử lý ngốn hàng ngàn tỷ đồng.
Trên thực tế, thời gian qua cả nước đã có hàng trăm dự án xử lý rác với số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO). Thế nhưng, rất ít trong số đó thành công, phần lớn dự án chưa phát huy hiệu quả…
Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng: Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã được ban hành nhưng tình trạng gây ô nhiễm vẫn không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng. Đây được coi là một thách thức lớn đối với toàn xã hội và giải quyết vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm ý thức của cộng đồng, của mỗi người dân.
Bởi vậy, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm hiện nay, các chuyên gia môi trường cho rằng cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn và thành thị. Việc cấp bách hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại khu vực này, để qua đó xác định được các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm nhằm có các biện pháp khắc phục phù hợp và kịp thời.
Tại các đô thị, ngoài việc tiếp tục đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn, thành phố cần làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân gây phát thải để có biện pháp quản lý, xử lý rác thải và huy động nguồn lực phù hợp; nhân rộng xã hội hóa trong việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt; ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho khu vực ngoại thành, xem xét ban hành cơ chế cho địa phương huy động nguồn vốn cho công tác đầu tư, quản lý và thu gom rác thải; thực hiện phân loại rác từ đầu nguồn trên toàn địa bàn.
Đối với khu vực nông thôn, cần chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, bảo đảm tính khoa học cao. Ðối với các khu công nghiệp đóng trên địa bàn các vùng nông thôn hiện nay, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được cấp phép hoạt động; đồng thời bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường...