Một cuốn “cẩm nang” về biến đổi khí hậu
Tác giả công trình là hai nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực này thuộc VACNE: GS.TSKH Trương Quang Học - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thuỷ văn, Uỷ viên Ban chấp hành VACNE. Có thể nói đây là một cuốn “cẩm nang” vì các tác giả đã giới thiệu một cách khái quát và hệ thống các kiến thức và thông tin cơ bản nhất về biến đổi khí hậu (BĐKH) trong phạm vi toàn cầu và ở ngay trên vùng trời, vùng biển và dải đất hình chữ S của đất nước ta.
Nhằm vào đối tượng độc giả là những nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp và quần chúng rộng rãi, các tác giả đã cố gắng biên soạn cuốn sách chính xác về mặt khoa học đi đôi với tính thiết thực, dễ phổ cập. Các thuật ngữ, khái niệm được giải thích cặn kẽ ngay ở những trang đầu sách. Bố cục sách đi từ khái quát về BĐKH toàn cầu đến BĐKH ở Việt Nam ; và cuối cùng là “Bạn có thể làm gì để góp phần ngăn ngừa BĐKH?”.
Tuy là một cuốn sách phổ biến khoa học, nhưng các số liệu, bảng biểu công bố trong sách được rút ra từ các kết quả nghiên cứu, khảo sát thống kê trong nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ, của ngành khí tượng thuỷ văn và các ngành khoa học nông – sinh y liên quan đến BĐKH, vì vậy có thể dùng làm tài liệu tra cứu, tham khảo rất bổ ích.
Những dự báo về BĐKH sẽ làm “giật mình” bất kể những ai đang sống trên dải đất hình chữ S này. Chẳng hạn: “Việt Nam , theo dự bảo, là một trong những số ít nước (5 quốc gia) sẽ phải chịu hậu quả nặng nề nhất của BĐKH…”.
“… Nếu nhiệt độ tăng 2 độ C, mực nước biển sẽ dâng 1m, có thể làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số (khoảng 17 triệu người)…”
“… Riêng đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nếu mực nước biển dâng như dự báo thì vào năm 2030 sẽ khiến khoảng 40% diện tích đất có nguy cơ bị nhiễm mặn nặng… Nếu mực nước biển dâng 1m, mà không có các hoạt động ứng phó, phần lớn diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập suốt thời gian dài trong năm,… 90% đường bộ của ĐBSCL sẽ bị ngập vĩnh viễn…” (tr 135 – 136).
Tuy nhiên các tác giả không rơi vào bi quan, thụ động mà đã chủ động nêu lên các giải pháp ứng phó của nước ta đối với BĐKH. Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 1992 và Nghị định thư Kyoto (KP) năm 1998. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối tham gia thực hiện UNFCCC và đã ban hành các Chỉ thị, Quyết định, Nghị quyết chỉ đạo các Bộ ngành các địa phương triển khai thực hiện các cam kết này.
Gần đây, các bộ, ngành và Liên hiệp hội Việt Nam , trong đó có các hội KHKT và các đơn vị 81, đã tổ chức các hội nghị khoa học, nhiều lớp tập huấn, nhiều hội thảo về chủ đề BĐKH.
Thiết nghĩ, cuốn sách nhỏ này sẽ là một cuốn “cẩm nang” thiết thực cho các hoạt động nêu trên, và cho tất cả những ai có ý thức, trách nhiệm đóng góp trí tuệ, sức lực của mình vào sự nghiệp ứng phó và phòng tránh nguy cơ BĐKH.