Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 26/08/2005 14:52 (GMT+7)

Một bác sĩ nghiên cứu thành công ba đề tài khoa học

Năm 1988, chàng sinh viên y khoa tốt nghiệp ra trường, về giảng dạy tại Trường trung học Y tế Bến Tre. Ðó là bác sĩ Nguyễn Thành Tâm (con của liệt sĩ Nguyễn Văn Nguy, hy sinh năm 1968, nguyên Bí thư Chi bộ đầu tiên ở Mỹ Hóa và Bình Phú), đang công tác tại Sở Y tế Bến Tre với chức vụ Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y.

Vào một ngày tháng 5-1990, trong lúc dẫn y sinh đến thực tập tại Khoa Ngoại của Bệnh viện Nguyễn Ðình Chiểu, anh đã chứng kiến nhiều sự đau đớn của người bệnh bí tiểu phải mang ống thông tiểu bằng sắt đặt vào bọng đái, cho nên không thể xoay trở được.

Thấy anh có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, một y sinh thực tập gợi ý: "Thầy hãy nghiên cứu ra cái gì đó để đặt thông tiểu cho họ, đi thầy". Bác sĩ Thành Tâm gật đầu: "Ý em như ý thầy".

Vào thời điểm này, những người bệnh bị u xơ tuyến tiền liệt đều có biến chứng bí tiểu và nhập viện rất nhiều, nếu đặt ống thông tiểu bằng cao-su không được thì có hai biện pháp để tháo lưu nước tiểu trong cấp cứu là: mổ cấp cứu hoặc đặt ống thông bằng sắt. Cả hai biện pháp này đều làm tổn thương nhiều cho người bệnh. Từ đó, bác sĩ Thành Tâm luôn day dứt trong suy nghĩ, buộc anh phải nghiên cứu tìm ra biện pháp nào đó để thông tiểu cho người bệnh một cách hoàn hảo.

Bác sĩ Tâm quyết định sắp xếp chương trình giảng dạy ở trường kết thúc sớm hơn một tháng rưỡi và "hy sinh" ba tháng hè để "khăn gói" lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu học tập.

Với lòng say mê nghề nghiệp và yêu thương bệnh nhân, sau ba tháng hè, bác sĩ Thành Tâm đã nghiên cứu và chế tạo ra que thông tiểu bằng hợp kim đồng và chì có độ mềm, đàn hồi rất lý tưởng. Que này được luồn vào trong của ống thông bằng cao-su đưa vào bàng quang, khi có nước tiểu ra rồi thì rút que làm nòng ra. Ðộ cong của que tương xứng độ cong của niệu đạo, đầu của que được bọc chì để tăng tiết diện tiếp xúc của que với đầu ống thông tiểu, tránh khi dùng lực làm thủng niệu đạo.

Que thông tiểu này đã được thực nghiệm và ứng dụng tại Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, đặc biệt bác sĩ Trần Ngọc Sinh - Trưởng khoa, yêu cầu anh tặng hai que cho khoa để thông tiểu người bệnh và chính dụng cụ này đã giúp ích cho nhiều bác sĩ điều trị về niệu đạo ở  Bệnh viện Chợ Rẫy thời đó.

Bác sĩ Thành Tâm nhớ lại thành công đầu tiên này và phấn khởi cho biết: "Tôi rất vui và lấy làm hạnh phúc vì mình đã có những que thông tiểu điều trị cho  người bệnh tỉnh nhà. Thời ấy, hai năm liền (1991-1992) tôi trở lại TP Hồ Chí Minh để học chuyên khoa Niệu, mới biết các đồng nghiệp đánh giá cao que thông tiểu này, từ đó đến nay họ vẫn đang sử dụng ở các bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân, Ða khoa Tiền Giang, trường ĐH Y khoa Tây Nguyên. Tính đến thời điểm này, tôi đã nghiên cứu điều trị thành công ở các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh và Bến Tre hơn 100 người bệnh.

Ðến năm 1997, khi việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về đường tiết niệu ngày càng có hiệu quả và tăng uy tín trong nhân dân, thì ngày càng nhiều bệnh nhi  bại não được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị những rối loạn đường tiểu (hơn 70%).

Nhìn các cháu thật đáng thương, bác sĩ Tâm vừa điều trị cho các cháu vừa nghĩ ra một ý tưởng mới là nghiên cứu đề tài "Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng". Ðề tài này được tỉnh đồng ý và cho làm thử ở năm xã điểm tại huyện Mỏ Cày. Kết quả đề tài được nghiệm thu vào năm 1997, ít tốn kinh phí và thời gian, dễ quản lý, hệ thống chuyển giao kỹ thuật tập luyện từ các kỹ thuật viên đến người khuyết tật gọn nhẹ và đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, UBND tỉnh chấp thuận cho nhân rộng mô hình, thành lập Ban chỉ đạo tỉnh để áp dụng kết quả nghiên cứu của đề tài. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 132 xã, phường triển khai chương trình này, số người khuyết tật đã hội nhập xã hội được 752, có tiến bộ 2.151 người và hơn 1.000 người bệnh khuyết tật được đưa đi phẫu thuật ở tuyến trên.

Nếu hai đề tài trên xuất  phát từ tấm lòng mong muốn sao cho người bệnh giảm đi những đau đớn, thì đề tài tán sỏi ngoài cơ thể cũng do bác sĩ Tâm thực hiện, đã được UBND tỉnh phê chuẩn kết quả nghiệm thu xuất sắc vào tháng 11-2004, chủ yếu xuất phát từ cơ sở lý luận khoa học.

Bác sĩ Tâm cho biết: Anh theo học lớp cao học niệu - khóa 7 (Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) với luận văn phải bảo vệ là "Tán sỏi ngoài cơ thể". Qua thời gian học tập nghiên cứu, anh nhận thấy nhiều tác giả trong và ngoài nước đánh giá mức độ cản quang của sỏi mà dựa vào xương là không khoa học, vì xương dễ thay đổi theo tuổi tác, giới tính.

Việc đánh giá mức độ cản quang đúng là rất quan trọng, quyết định sự thành bại của việc tán sỏi ngoài cơ thể: nếu đánh giá thấp hơn sẽ sử dụng những thông số kỹ thuật thấp hơn, sỏi sẽ không vỡ và ngược lại nếu đánh giá cao hơn khi sỏi vỡ rồi ta tiếp tục dùng sóng chấn động đánh sỏi nữa sẽ bị dập thận chảy máu dẫn đến tử vong. Theo cách tán sỏi từ bên ngoài cơ thể mà anh đã thử nghiệm với 24 ca, kết quả tán 1 lần tan hết sỏi được 20 ca và tán 2 lần mới tan hết sỏi là 4 ca, không có trường hợp thất bại và gây tai biến. Từ đó, đề tài nghiên cứu của anh đã chế tạo thành công thước chuẩn đo mức độ cản quang của sỏi, và dự định đặt tên cho nó là Opacimetry. Với thước chuẩn này, từ nay việc đánh giá mức độ cản quang của sỏi sẽ có độ tin cậy cao, không phụ thuộc vào mức độ cản quang của cột sống.

Nguồn: nhandan.com.vn  20/8/2005

Xem Thêm

Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Vĩnh Long: 42 mô hình, sản phẩm đoạt giải Cuộc thi lần thứ 13
Sáng ngày 14/9/2024, tại hội trường Tỉnh ủy Vĩnh Long, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long (Liên hiệp hội tỉnh) phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ Tổng kết trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Long lần thứ 13,năm học 2023-2024 và phát động Cuộc thi lần thứ 14, năm học 2024-2025.
An Giang: Tuyên truyền, triển khai Cuộc thi và Hội thi trong địa bàn của tỉnh
Trong thời gian từ 02/8 -13/9, Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tuyên truyền và phổ biến thông tin về Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên - Nhi đồng năm 2024 (Cuộc thi) và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật 2024-2025 (Hội thi) tại 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Thủ tướng chia sẻ về '6 điểm tựa Việt Nam'
Phát biểu tại chương trình "Điểm tựa Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng trao Biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu tới các trí thức cao tuổi
Sáng ngày 11/9, TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VUSTA đã tới thăm và trao Biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024 tới một số các trí thức KH&CN tiêu biểu năm 20024 vì lý do sức khỏe đã không tham dự được Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024 diễn ra vào ngày 28/8/2024.