Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 10/07/2012 21:26 (GMT+7)

Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa


“An ninh” không chỉ được hiểu là hiện trạng khách quan mà còn đề cập như một trạng thái tâm lý “cảm giác an toàn” (asense of security). Với cách tiếp cận như vậy, an ninh bao gồm hai mặt chủ quan và khách quan: Mặt khách quan chỉ hiện trạng bên ngoài, mặt chủ quan thể hiện trạng thái bên trong của sự vật, hiện tượng. Vì vậy, có thể nhận xét, an ninh về khách quan là không có sự uy hiếp và về chủ quan không có sự lo sợ. Khái niệm an ninh không đứng độc lập mà nó luôn đi kèm với một lĩnh vực hoặc chủ thể nhất định. Ở góc độ chủ thể có an ninh con người, an ninh doanh nghiệp, an ninh cộng đồng, an ninh quốc gia; ở góc độ lĩnh vực có an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, an ninh môi trường; ở góc độ tính chất có an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống v.v...

1. An ninh con người, an ninh quốc gia

1.1 An ninh con người

Những ý tưởng về an ninh con người là những quan tâm về sự an toàn cho con người bắt đầu từ những năm 1960 cùng với việc thành lập Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cũng như sự xuất hiện của nhận thức về mối quan hệ giữa an ninh và phát triển từ những năm 1960, 1970 và 1980. Từ đầu những năm 1960, các nhà kinh tế học bắt đầu bàn về an ninh và các mô hình phát triển kinh tế. Giữa những năm 1970, các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã phác thảo và xây dựng một mô hình trật tự thế giới mới ổn định hơn và nó là khởi nguồn cho sự quan tâm đến an toàn của cá nhân con người.

Ý tưởng liên quan đến an ninh con người thể hiện trong các báo cáo của những ủy ban độc lập đa quốc gia gồm những nhà lãnh đạo, giới trí thức và các nhà khoa học. Bắt đầu từ những năm 1970, nhóm “Câu lạc bộ Rome” đã đưa ra hàng loạt các báo cáo về “Những vấn đề của thế giới” dựa trên ý tưởng cho rằng đang tồn tại rất nhiều vấn đề phức tạp đe dọa tất cả mọi người ở mọi quốc gia, đó là: nghèo đói, vấn đề môi trường, đô thị hóa không kiểm soát được; xu hướng quay lưng lại với truyền thống của giới trẻ; lạm phát; khủng hoảng kinh tế và tiền tệ,... theo đó mỗi người trên thế giới này phải đối mặt và chịu nhiều sức ép, nhiều vấn đề ở nhiều mức độ tác động khác nhau. Những vấn đề mặt trái và những mối quan tâm khác cần được hiểu trong bối cảnh rộng lớn và đang vận động theo xu thế toàn cầu tác động đến mỗi cá nhân con người, đặc biệt là “tốc độ công nghiệp hóa, sự lan rộng dân số, nạn đói lan rộng, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể phục hồi và sự xuống cấp của môi trường xung quanh”. Những liên kết và tác động qua lại cho chúng ta thấy rằng, sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu có những giới hạn của nó và vì vậy rất có thể xã hội loài người sẽ phải đối mặt với một trận “Đại hồng thủy” trong tương lai. Tuy nhiên, người ta vẫn tin rằng một trạng thái cân bằng toàn cầu sẽ được tạo ra để đảm bảo đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho mỗi người và mỗi cá nhân đều có thể có những cơ hội bình đẳng để phát huy khả năng của mình. Như vậy, những ý tưởng về an ninh con người và cơ hội của mỗi người trong cuộc sống sẽ có những cách thức chuyển đổi nhất định tạo ra sự phát triển toàn cầu, qua đó đảm bảo được an ninh toàn cầu và tạo ra cơ hội cho các cá nhân trong cuộc sống.

Trong những năm 80 của thế kỷ XX, vấn đề an ninh con người càng được khẳng định thông qua báo cáo của Ủy ban độc lập về những vấn đề phát triển và Ủy ban độc lập về giải trừ quân bị và các vấn đề an ninh. Ủy ban về những vấn đề phát triển do Willy Brant làm chủ tịch xuất bản báo cáo “Bắc - Nam” (North - South report). Trong báo cáo này ông viết: “Báo cáo của chúng tôi dựa trên những lợi ích chung và cơ bản nhất; đó là những gì nhân loại cần để tồn tại và không đặt ra những câu hỏi về chiến tranh và hòa bình mà là về vấn đề cả thế giới sẽ làm gì để vượt qua đói nghèo và những khoảng cách trong điều kiện sống giữa người giàu và người nghèo”. Như vậy, báo cáo đã khẳng định vấn đề cốt lõi là vượt qua những thách thức toàn cầu nhằm mang lại những kết quả hữu ích và có ý nghĩa cho các quốc gia và các khu vực, nhưng trước tiên và trên hết là cho nhân loại trên toàn thế giới.

Ủy ban về giải trừ quân bị và các vấn đề an ninh do Olof Palme làm chủ tịch và cũng là tác giả của báo cáo nổi tiếng về “an ninh chung” (common security) cũng quan tâm những ý tưởng khác nhau về hòa bình và an ninh. Báo cáo này mặc dù tập trung vào những vấn đề quân sự và an ninh quốc gia nhưng cũng thừa nhận vấn đề an ninh của thế giới thứ ba đang bị đe dọa bởi nghèo đói và bất bình đẳng về kinh tế. Báo cáo của Olof Palme còn cho rằng, với “an ninh chung, con người phải được sống trong hòa bình và những giá trị chân thực, con người phải đủ ăn, có việc làm và sống trong một thế giới không có bần hàn và nghèo đói”.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, trên thế giới xuất hiện nhiều nguy cơ mất an ninh mới, yêu cầu phải có được những ý tưởng và sáng kiến mới để giải quyết những vấn đề an ninh ngày càng tăng. Năm 1991, sáng kiến Stockholm về một nền quản trị và an ninh toàn cầu đưa ra lời kêu gọi vì “một trách nhiệm chung trong những năm 1990”. Kêu gọi này có phần trùng với quan điểm của Albert Einstein năm 1945 khi ông cho rằng: “Chúng ta ở một mức độ nào đấy, có thể nói con người là văn minh khi và chỉ khi việc tạo ra và duy trì một điều kiện sống tươm tất cho con người được mọi người và tất cả mọi quốc gia trên thế giới thừa nhận như một nghĩa vụ chung”. Lời kêu gọi này đề cập đến những thách thức an ninh hơn là sự thù địch về những vấn đề quân sự, chiến tranh, bàn về một “khái niệm an ninh rộng hơn bao gồm cả việc đối mặt với những hiểm họa là hệ quả của sự phát triển, hủy hoại môi trường, tăng trưởng và chuyển dịch dân số, và sự chậm tiến trong các vấn đề dân chủ”. Năm 1994, báo cáo của Ủy ban về quản trị toàn cầu có tên “Láng giềng toàn cầu của chúng ta” (Our Global Neighborhood) đã nhắc lại sáng kiến Stockholm về an ninh: “Khái niệm an ninh toàn cầu cần phải được mở rộng từ trọng tâm là an ninh quốc gia để bao hàm cả an ninh cho con người (security of people) và an ninh của cả trái đất”.

Đó là ý tưởng ban đầu về an ninh con người, và khái niệm an ninh con người thật sự xuất hiện vào đầu những năm 1990 trong Báo cáo phát triển con người năm 1994 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (United Nations Development Program - UNDP) mà tác giả là Mahbub ul Haq - nhà kinh tế học và là người đưa ra chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc (the human development index - HDI). Nỗ lực phát triển con người đặt trọng tâm của tư tưởng về phát triển và những chính sách liên quan là sự bảo vệ cho cá nhân con người chứ không đơn thuần là sự phát triển kinh tế vĩ mô. Báo cáo phát triển con người năm 1994 xác định an ninh con người là sự an toàn của con người trước những đe dọa triền miên và sự bảo vệ con người trước những biến động bất thường tổn hại đến cuộc sống thường ngày. Nội hàm của khái niệm an ninh con người theo Báo cáo phát triển con người năm 1994 bao gồm 7 thành tố: kinh tế (bảo đảm việc làm và thu nhập), lương thực (không bị thiếu ăn), sức khỏe (không bị đe dọa bởi dịch bệnh), môi trường (không bị ô nhiễm về không khí, nguồn nước), an toàn cá nhân (không bị đe dọa bắt bớ, giam cầm), an ninh cộng đồng (duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc) và môi trường chính trị (bảo đảm quyền tự do cơ bản của con người về dân sự, chính trị). An ninh con người có các đặc điểm: 1) Xác định con người là trung tâm, 2) An ninh con người có tính phổ biến, 3) Có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các yếu tố cấu thành và 4) Thể hiện tính chủ động, tích cực của các chủ thể.

1.2. An ninh quốc gia

An ninh quốc gia là “ sự yên ổn, bền vững về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và biên giới, lãnh thổ của một quốc gia”. Định nghĩa trên đã bao quát được các lĩnh vực cấu thành của an ninh quốc gia trên cả phương diện đối nội và đối ngoại. Điều đó cho thấy, quốc gia chỉ có thể tồn tại và phát triển khi an ninh quốc gia được bảo đảm. Tuy nhiên, định nghĩa trên chỉ phù hợp trong bối cảnh quan hệ quốc tế trong thời kỳ chiến tranh lạnh với khái niệm an ninh truyền thống. An ninh truyền thống lấy Nhà nước làm đơn vị (an ninh quốc gia) và chủ yếu đề cập những quan hệ chính trị, tương quan sức mạnh quân sự giữa các quốc gia. Các lợi ích đều phải đặt dưới lợi ích quốc gia. An ninh truyền thống là để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, thể chế và giá trị của đất nước, trong đó cốt lõi là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ bên ngoài bằng tấn công quân sự. Do đó, quốc gia là chủ thể duy nhất đảm bảo sự sống còn của mình thông qua việc tăng cường quyền lực quốc gia bằng sức mạnh quân sự và khả năng phòng thủ.

An ninh phi truyền thống xem xét các vấn đề vượt ra ngoài các quan hệ chính trị và quân sự thông thường giữa các quốc gia. Đối với an ninh phi truyền thống, mối quan tâm không chỉ là quốc gia mà còn là cá nhân và cộng đồng. Theo quan niệm này, nền an ninh của một dân tộc không chỉ bị đe dọa bởi các yếu tố chính trị hay quân sự truyền thống mà còn chịu sức ép của các yếu tố kinh tế, xã hội, sắc tộc, tôn giáo hay thiên tai, dịch bệnh. Hơn nữa, nền an ninh quốc gia không chỉ gói gọn trong khái niệm toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm chủ quyền hay độc lập chính trị mà đã bao hàm cả vấn đề đảm bảo ổn định hệ thống kinh tế và giữ gìn các giá trị căn bản của dân tộc.

An ninh con người phản ánh bước phát triển mới trong môi trường an ninh truyền thống. An ninh truyền thống quan tâm đến việc bảo vệ lãnh thổ, lợi ích quốc gia hay những giá trị cốt lõi của Nhà nước. Ngày nay, an ninh đồng nghĩa với việc bảo vệ cho người dân tránh được những mối đe dọa của bệnh tật, thất nghiệp, xung đột xã hội cũng như những nguy cơ do biến động của môi trường. Vì vậy, an ninh cần phải thay đổi theo hai hướng cơ bản: 1) Từ đảm bảo an ninh lãnh thổ sang chú trọng hơn đến an ninh con người; 2) Từ an ninh bằng vũ trang sang an ninh thông qua phát triển bền vững. Trên phương diện đối nội, con người là mục tiêu và động lực của quá trình phát triển, trong chính sách đối ngoại con người phải là đối tượng tham chiếu thay vì chỉ tập trung vào các vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Như vậy, dù trong chính sách đối nội hay đối ngoại và với bản thân mỗi quốc gia hoặc cộng đồng quốc tế thì vấn đề con người hay an ninh con người luôn đóng vai trò quan trọng như sự tồn tại hòa bình của mỗi quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

2. Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia

An ninh quốc gia là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia từ trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, sự xuất hiện của khái niệm an ninh con người cũng đưa tới nhiều quan điểm khác nhau. Z.Z.Biktimirova cho rằng: “an ninh con người được xác định rộng hơn an ninh quốc gia. An ninh quốc gia là một trong những hình thức đảm bảo an ninh xã hội (cộng đồng) - một trong những phương diện chủ yếu của an ninh con người”. Ngược lại, khi nghiên cứu vấn đề an ninh trong bối cảnh phát triển bền vững, A.I.Romanovich lại cho rằng: để đảm bảo cho an ninh cá nhân, xã hội và Nhà nước trong mô hình phát triển bền vững, quan trọng là đảm bảo an ninh cho cả hệ thống rộng lớn hơn, tức là cho toàn bộ cộng đồng thế giới, toàn bộ hệ thống “tự nhiên - xã hội”. Việc đảm bảo an ninh trong mô hình phát triển bền vững phải tuân thủ nguyên tắc hệ thống. Theo nguyên tắc này, việc đảm bảo an ninh cho một hệ thống lớn phải được ưu tiên hơn việc đảm bảo an ninh cho cả hệ thống theo thứ tự: Toàn cầu, khu vực, quốc gia, cộng đồng, cá nhân. Như vậy, theo quan điểm đảm bảo an ninh trong mô hình phát triển bền vững thì phải coi trọng an ninh quốc gia hơn an ninh con người.

Các học giả ở các nước tư bản phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Thụy Điển,... khi nói đến an ninh con người thì luôn nhấn mạnh an ninh của con người cá thể và quan tâm đến quyền lợi của cá nhân. Học giả người Mỹ, Robert Johanssen cho rằng, trong khi nhấn mạnh an ninh quốc gia nhưng lại không thể bảo đảm điều kiện sinh tồn của nhân dân trong nước thì khái niệm an ninh quốc gia không có ý nghĩa gì. Ngược lại, phần lớn các học giả ở các nước đang phát triển lại cho rằng, khi đề cập đến an ninh con người cần đưa nó vào phạm trù an ninh quốc gia và chỉ khi an ninh quốc gia được bảo đảm; chỉ khi quốc gia ổn định, phát triển nhanh và bền vững thì mới có điều kiện đảm bảo cho mọi cá nhân trong xã hội có được đời sống vật chất, văn hóa tốt. Theo chúng tôi, sự xuất hiện và tồn tại của khái niệm an ninh con người không phủ nhận đi vai trò của an ninh quốc gia mà ngược lại đó là sự bổ sung cho an ninh quốc gia, bởi vì an ninh con người là điểm nối giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống thể hiện thông qua mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia:

Thứ nhất,khái niệm an ninh con người trong Báo cáo phát triển của Liên hợp quốc năm 1994 cũng như các quan niệm về an ninh con người đều có đối tượng tham chiếu là con người. Nói như vậy cũng không có nghĩa là tuyệt đối hóa con người cụ thể (cá nhân) hoặc con người trừu tượng (cộng đồng), do đó con người được đề cập ở đây bao gồm cá nhân, cộng đồng, dân tộc cũng như toàn bộ dân cư hiện diện trên lãnh thổ một quốc gia. Con người là đối tượng tham chiếu, chủ thể của an ninh con người nhưng không thể phủ nhận vai trò của Nhà nước cũng như các quan niệm truyền thống về an ninh quốc gia. Bảo đảm an ninh con người không thể thay thế việc bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia; bảo vệ cuộc sống và tài sản của nhân dân vẫn thuộc về trách nhiệm của quốc gia. Vì vậy, có thể nhìn nhận rằng, an ninh quốc gia chính là điều kiện tiên quyết bảo đảm an ninh nói chung cũng như sự sống và nhân phẩm của mỗi người. An ninh con người không thể đặt ra ngoài khuôn khổ của chủ quyền quốc gia với tư cách là một thuộc tính chính trị - pháp lý gắn liền với sự tồn tại, phát triển của quốc gia cũng như tư cách chủ thể Luật Quốc tế của quốc gia. Với Việt Nam, mối quan hệ này được thể hiện rất rõ trong quan điểm phát triển mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, theo đó con người vừa là mục tiêu vừa là chủ thể của quá trình phát triển. Như vậy, an ninh con người vừa được nhìn nhận ở phương diện đối nội, nhưng đồng thời cũng được nhìn nhận là một yếu tố trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia và đó cũng chính là thuộc tính của chủ quyền quốc gia. Điều này càng làm rõ hơn mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia khi cho rằng, an ninh quốc gia là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh cho con người và ngược lại an ninh con người là sự bổ sung và cách nhìn mới về an ninh quốc gia.

Thứ hai,khái niệm an ninh con người được xem xét trên bình diện rộng và như vậy nó hàm chứa một loạt các nguy cơ tiềm tàng đe dọa tới an ninh. Theo Báo cáo phát triển nhân lực của UNDP, các nguy cơ bao gồm: Thất nghiệp, ma túy, tội phạm, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền và những lo ngại truyền thống như chiến tranh. Những nguy cơ đó không chỉ đe dọa tới cuộc sống an lành của con người mà nó còn đe dọa tới sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, khái niệm an ninh con người không làm mất đi tính chính xác của cách tiếp cận an ninh truyền thống mà còn bảo đảm được tính bao quát của cách tiếp cận mới đối với những vấn đề an ninh mang tính phi quân sự. An ninh con người cho phép xây dựng những ưu tiên trong chính sách mang tính đồng bộ và tổng thể. Xét ở góc độ cấu trúc an ninh toàn cầu, sự ổn định và trật tự của hệ thống quan hệ quốc tế lấy quốc gia làm trung tâm ngày càng bị đe dọa và chịu tác động tiêu cực từ tình trạng nghèo khổ và suy thoái môi trường, khan hiếm nguồn lực và hạn chế trong quản lý, điều hành quốc gia. Xét ở góc độ cá nhân, bên cạnh các nguy cơ nghèo đói, bệnh tật thì sự an ninh và cuộc sống của mỗi người dân ngày càng bị đe dọa bởi tình trạng xung đột và bất ổn định bên trong mỗi quốc gia do chênh lệch về trình độ và nguồn lực phát triển. Do đó, an ninh con người đòi hỏi mỗi quốc gia cần phải nỗ lực để tăng cường an ninh, trước hết là cho chính quốc gia trên cơ sở phát triển kinh tế, tăng cường đồng thuận xã hội, ổn định chính trị và có những giải pháp hữu hiệu trong chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế để giảm thiểu tác động của những nguy cơ cũng như mặt trái của quá trình toàn cầu hóa.

Thứ ba,an ninh con người phản ánh sự tùy thuộc lẫn nhau. Một mối đe dọa đối với an ninh con người ở một nơi trên thế giới có liên quan đến con người ở khắp mọi nơi. Nguy cơ đối với an ninh con người hiện nay như đói khát, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, xung đột sắc tộc và phân hóa xã hội không còn là những vấn đề riêng biệt của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần phải có sự hợp tác để đối phó với các nguy cơ nói trên. Tính phức tạp của môi trường sống của con người và các nhân tố tác động đến an ninh con người có mối quan hệ qua lại và bổ sung cho nhau. An ninh con người đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu của con người phải được đáp ứng, nhưng đồng thời an ninh con người cũng khẳng định vai trò của nền hòa bình thế giới mà ở đó có sự phát triển kinh tế bền vững, các quyền và tự do cơ bản của con người được tôn trọng, công bằng xã hội được bảo đảm. Bởi vậy, an ninh con người phản ánh nhu cầu cũng như vai trò của hợp tác quốc tế giữa các quốc gia. Hợp tác quốc tế là điều tất yếu gắn liền với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, nhưng những nguy cơ đe dọa tới an ninh con người lại thúc đẩy hơn nữa cho quá trình hợp tác quốc tế, bởi vì những nguy cơ đó đơn phương quốc gia hoặc một nhóm quốc gia không thể giải quyết. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng như tôn chỉ cho hoạt động của Liên hợp quốc: Tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thứ tư,an ninh con người và xác định rõ những nguy cơ đe dọa tới an ninh con người tạo ra tính chủ động, tích cực. An ninh con người sẽ không được bảo đảm khi con người không thể phát triển do không có mức sống đàng hoàng và khi xã hội không ổn định; khó có thể có được nguồn lực để ngăn chặn dịch bệnh hoặc giải quyết hậu quả của thiên tai; xem nhẹ yếu tố môi trường đồng thời quốc gia phải gánh chịu hậu quả về kinh tế, xã hội cũng như sức khỏe của người dân... Do đó, nỗ lực trên tinh thần chủ động của mỗi quốc gia chính là điều kiện để mỗi quốc gia đảm bảo an ninh quốc gia nói chung và an ninh con người tại chính quốc gia nói riêng.

Tóm lại: Ngày nay, an ninh con người hiện hữu trong thực tiễn đời sống của mỗi quốc gia và cũng là khái niệm được sử dụng trong quan hệ quốc tế. Sẽ là phiến diện nếu cho rằng, sự xuất hiện của khái niệm an ninh con người sẽ phủ nhận vai trò của an ninh quốc gia bởi sự xem nhẹ yếu tố chủ quyền. Mặc dù quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào nhau nhiều hơn nhưng mỗi quốc gia vẫn là những chủ thể độc lập của Luật Quốc tế với sự hiện diện của chủ quyền quốc gia. Vì vậy, nhìn nhận đúng về an ninh con người, các nguy cơ đe dọa cũng như mối quan hệ giữa an ninh con người với an ninh quốc gia sẽ đem tới cái nhìn toàn diện hơn đối với những thách thức cho sự phát triển của mỗi quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa, như phát biểu của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15 ở Sydney (Australia): “An ninh con người là vấn đề mang tính sống còn, gắn liền với sự ổn định và thịnh vượng của mọi quốc gia và nền kinh tế”. An ninh con người sẽ là sự bổ sung tích cực cho an ninh quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền cũng như không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Điều này sẽ luôn đúng như khẳng định của Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế cũng như quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, và nhất là tình trạng biến đổi khí hậu; sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền; chủ động, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam” [1] ./.

ThS. Chu Mạnh Hùng - Nhà nước và Pháp luật, số 10/2011, 78-84



[1]Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 237.

Xem Thêm

Đề xuất giải pháp triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL
Ngày 18/4, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bạc Liêu (Liên hiệp hội) và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh tổ chức Hội thảo: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” - Những vấn đề đặt ra.
Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
Tại hội thảo “Một số ý kiến của trí thức khoa học công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV” diễn ra sáng 9/4, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW...
Xây dựng ngành năng lượng bền vững cần sự tham gia tích cực của đội ngũ trí thức và nhà khoa học
Để có thể xây dựng và phát triển ngành năng lượng và điện lực Việt Nam theo hướng bền vững, xanh, TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh cần phải có sự tham gia tích cực của đội ngũ khoa học và trí thức trong công tác tư vấn và phản biện...
Cần sớm hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện
Việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kỹ thuật điện - Hệ thống lưới điện là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn, đồng bộ, hiệu quả cho hệ thống điện trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và phát triển hạ tầng lưới điện hiện đại.

Tin mới

Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.