Mở đường cho phát triển năng lượng tái tạo tại Nghệ An
Ngày 24/3/2021, tại thành phố Vinh, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp với Trung tâm Khuyến viên và Dịch vụ Nghề vườn Nghệ An tổ chức tọa đàm “Mở đường cho phát triển năng lượng tái tạo tại Nghệ An”.
Quangcảnh buổi Tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có: đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bà Ngụy Thị Khanh - Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, ông Hoàng Xuân Lương - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chủ tịch các hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan và các đại biểu đến từ tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa.
Với đặc thù khí hậu, nguồn gió và nắng nóng, Nghệ An là một trong những địa phương hội tụ đầy đủ yếu tố để hình thành vùng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP, ngày 31-8-2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023; đây được xem là bước đột phá trong phát triển NLTT, tạo nguồn dự trữ an ninh năng lượng quốc gia bền vững và có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và một số dạng năng lượng khác được chính phủ quy hoạch và xác định là một trong nguồn cung cấp năng lượng quốc gia. Tại Nghệ An theo tính toán từ kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng phát triển năng lượng tại Nghệ An rất lớn, khoảng 17.462MW: điện mặt trời áp mái: 1.903MW; điện mặt trời mặt đất: 11.469 MW; điện mặt trời trên mặt nước: 2.914 MW; điện gió trên bờ: 869MW, sinh khối ( gỗ, bã mía..): 210MW.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe và thảo luận các kiến nghị, đề xuất để Nghệ An phát triển năng lượng tái tạo như: Cập nhật thông tin liên quan tới Nghệ An trong Dự thảo Quy hoạch điện 8 về phát triển điện than và năng lượn tái tạo; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ về việc phát triển năng lượng xanh, thân thiện với môi trường; Phân tích của các chuyên gia về cơ hội và thách thức từ dự thảo này qua các góc nhìn: Tiếp cận nguồn tài chính; Phát triển kinh tế địa phương; Môi trường – Sức khỏe; Cuộc sống của người dân;Giải pháp thúc đẩy phát triển NLTT tại Nghệ An; Thảo luận mở về đề xuất của đại biểu đối với phát triển năng lượng ở Nghệ An.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá những thuận lợi và hạn chế trong khai thác năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Đa số các ý kiến đều đánh giá cao công tác chỉ đạo cũng như các giải pháp thiết thực mà tỉnh thực hiện trong thời gian qua góp phần cụ thể hóa mục tiêu sớm đưa Nghệ An thành trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước.
Quang Vinh