Máy vi tính đâu phải bom nguyên tử
Der Spiegel (DS):Bill Gates, ngài tưởng tượng điều gì khi nghĩ đến khái niệm kênh thông tin?
B. GATES:Tôi thấy hiện lên trước mắt cảnh tượng những máy vi tính sẽ thay đổi cuộc sống của nhân loại như thế nào: giới buôn bán, nền giáo dục và việc giải trí của chúng ta trong 20 năm tới sẽ ra sao.
DS:Xin hãy bắt đầu bằng giới buôn bán trong 20 năm tới.
B. GATES:Những phương tiện điện tử sẽ cho phép các thị trường đạt hiệu quả lớn hơn bởi chúng thúc đẩy sự cạnh tranh, điều hoà cung và cầu tốt hơn. Hôm nay, người ta đã nhìn thấy điều đó trong thị trường tài chính thế giới. Trong tương lai, người ta sẽ buôn bán bằng điện tử nhiều hơn là với đồng tiền thực. Khoảng cách địa lý cũng sẽ thôi đóng vai trò quan trọng trong cả những thị trường khác?
DS:Ví dụ?
B.GATES:Các hãng sản xuất có thể tìm và mua nguyên vật liệu trong phạm vi toàn cầu. Ví dụ, ông là một nhà quản lý đang muốn sản xuất một mặt hàng và cần một chuyên viên đặc biệt nào đó. Song trong nước ông, chuyên viên ngành này đang thiếu hoặc tại thời điểm đó, ông không thể nào mời được. Trong tương lai, ông sẽ dò tìm trên thị trường toàn cầu và định hướng dựa vào các đường dẫn điện tử để tìm thấy điều mình cần, có thể tại châu Á chẳng hạn. Khả năng này làm hãng của ông năng động hơn, có thể vận dụng tốt hơn những cơ hội đang mở ra. Hay chúng ta hãy nhìn vào ngành tiếp thị: với các phương tiện điện tử các hãng sản xuất trong tương lai có thể ghi nhận được những phản ứng của khách hàng, phán xét của họ về từng mặt hàng cụ thể một cách nhanh chóng và dễ dàng. Mặt khác các hãng cũng gần gũi hơn với những người cung cấp của mình. Tất cả điều đó sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất làm việc hiệu quả hơn. Ngoài ra trong tương lai, chúng sẽ trở nên gọn gàng hơn, làm việc mạnh mẽ hơn trong các mạng lưới.
DS:Theo phỏng đoán của ông, hiệu quả của nền kinh tế sẽ được tăng lên bao nhiêu phần trăm?
B. GATES:Người ta thật khó định lượng, sự phát triển của các ngành sản xuất. Tôi không thể đưa ra một con số nào, nhưng chắc chắn, bước tiến bộ sẽ thật đáng kể. Ngoài ra, không chỉ các cơ sở sản xuất cùng hệ thống cung ứng hàng trở nên hiệu quả hơn mà chất lượng của sản phẩm cũng sẽ được nâng cao. Tạp chí của các ông sẽ mang tính thời sự và xe hơi sẽ trở nên an toàn hơn… Người sử dụng sẽ là người được hưởng kết quả lớn nhất từ những kỹ nghệ mới này.
DS:Song, không phải chính kênh thông tin cùng các máy tính đã lấy đi việc làm của nhiều người hay sao?
B. GATES:Xã hội chúng ta còn biết bao nhiêu nhu cầu chưa được thoả mãn: ví dụ trong trường học, các lớp có lẽ chỉ nên đông bằng… một nửa hiện nay! Được thế, trẻ em học được nhiều và tốt hơn. Còn biết bao nhiêu việc cần làm cho các thầy cô giáo…
DS:Nhưng chính máy vi tính, multimedia cùng truyền hình interactive (nơi người xem có thể tham gia trực tiếp vào chương trình) đang ngày càng làm cho nhiều thầy giáo trở nên thất nghiệp.
B. GATES:Không, các thầy giáo phải có cách giảng dạy khác trong thời đại của kênh thông tin. Tất nhiên xã hội vẫn cần tới họ: con em chúng ta đâu muốn ngồi nhà một mình và ngốn ngấu tri thức nhờ màn hình? Chúng cần có bạn bè, đoàn nhóm, chúng cần hơi ấm con người và luôn cần các thầy cô giáo.
DS:Vậy là ông không nghĩ rằng kênh thông tin sẽ làm nạn thất nghiệp gia tăng?
B. GATES:Không, cũng như tôi không cho rằng chiếc máy cày ra đời làm gia tăng nạn thất nghiệp. Nạn thất nghiệp phát xuất khi nhân lực lao động không được điều hoà với các nhu cầu chưa được thoả mãn của xã hội. Song đó đâu phải là số phận. Dĩ nhiên, kỹ thuật sẽ tiến nhanh hơn. Kỹ thuật tiến càng nhanh thì càng khó biến đổi những kỹ năng lao động của con người cho phù hợp với bước tiến này để tránh nạn thất nghiệp. Song nhìn về lâu dài, sự tiến bộ của kỹ thuật không sản sinh ra nạn thất nghiệp. Vẫn còn tồn tại quá nhiều những nhu cầu chưa được thoả mãn, tức là rất nhiều công ăn việc làm.
DS:Liệu sự chuyển mình của kỹ thuật có làm thay đổi cuộc sống riêng tư của con người như đã từng thay đổi trong các văn phòng và nhà máy?
B. GATES:Không. Bao giờ các hãng sản xuất cũng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhanh hơn cả. Cuộc sống riêng tư của con người đi rẩt chậm đằng sau.
DS:Kỹ nghệ máy tính mang lại cho nhân loại nhiều công cụ mới, nhiều khả năng mới. Ông có nói rằng chúng ta không nhất thiết phải làm những gì chúng ta có thể làm. Không phải chính lịch sử nhân loại đã dạy rằng những khả năng mới sẽ quyến rũ con người lao tới những hành động điên khùng mới.
B. GATES:Dĩ nhiên, công nghệ có thể bị lợi dụng vào những mục đích tăm tối. Công nghệ đặt toàn bộ một xã hội dân chủ trước sự lựa chọn: người này sẽ quyết định thế này và người khác sẽ chọn quyết định khác. Đó chính là điểm tốt của một nền dân chủ:
DS:Có thật chúng ta được chọn lựa không? Hay chính chúng ta đang bị trói chặt vào máy vi tính?
B. GATES:Thôi nào, máy vi tính có phải bom nguyên tử đâu! Nó là một công cụ truyền đạt thông tin. Khi người ta sáng chế ra chiếc máy cày, có lẽ nói đó là điều không tốt. Sự việc cũng đã xảy ra với sách, điện thoại, xe hơi, truyền hình và với hầu hết những công nghệ mới. Đã luôn như thế và cũng sẽ mãi như vậy. Song, thế hệ sau luôn coi các công nghệ mới đó là một sự dĩ nhiên. Hẳn rồi: ông có thể đi xe hơi quá nhanh, song có phải vì thế mà chúng ta không nên dùng xe hơi nữa?
DS:Ông muốn nói rằng, nhân loại sẽ cư sử đúng đắn và có trách nhiệm với các công nghệ mới?
B. GATES:Tôi chỉ khẳng định rằng xã hội cần phải tự quyết định điều gì là xấu, là tốt và sẽ tìm lấy một tốc độ thích hợp với mình. Các nhóm người khác nhau sẽ có những quyết định khác nhau.
DS:Hôm nay thôi, nhiều người đã cảm thấy bất lực và không kiểm tra nổi công nghệ máy vi tính.
B. GATES:Chúng ta có thể kiểm tra nổi thuốc súng không? Hay mìn? Nhân loại đâu có biểu quyết về việc nên dùng điện thoại hay không? Đã bao giờ chúng ta kiểm tra vấn đề này được đâu. Ông thử nói xem.
DS:Đang đứng bên ngưỡng cửa thế kỷ XXI, phải chăng nhân loại đã đủ tự do và thông minh để hiểu biết được rằng nền công nghệ máy tính sẽ giải quyết được vấn đề gì, sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề gì hoặc sản sinh ra những vấn đề gì mới. Tất cả có xứng đáng với đồng tiền người ta phải bỏ ra hay không?
B. GATES:Về điểm cuối cùng, đã có một câu trả lời thật rõ ràng, tên nó là nền kinh tế thị trường. Cơ chế này luôn cho ta biết thật chính xác: liệu kết quả thu được có đáng với phí tổn đã bỏ ra hay không? Những câu hỏi khác, cần phải được trả lời bằng con đường chính trị.
DS:Ông đã nói gì với các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia?
B. GATES:Thật ra, chúng ta chưa đạt tới thời điểm xuất phát của con đường tiến vào thời đại thông tin, tức là chưa ai có thể tiến trước hoặc bị bỏ rơi. Song ở các nước có nền công nghiệp phát triển vẫn tồn tại nỗi lo sợ: liệu người ta đã có một cơ sơ hạ tầng đúng đắn, một hệ thống giáo dục đúng đắn và một tinh thần tiến thủ tương thích để đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc chạy đua này? Công nghệ máy vi tính ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của một quốc gia mạnh đến nỗi không ai có thể tuyên bố đứng ngoài cuộc. trừ trường hợp anh ta sẵn lòng để cho mức sống của đất nước mình bị hạ xuống.
DS:Có nghĩa là chúng ta phải vào cuộc, nếu không muốn bị bỏ rơi trong cuộc cạnh tranh quốc tế và không muốn từ bỏ sự no ấm. Nhưng liệu chúng ta có giống hệt những con người sẽ sống trong 100 năm tới, máy vi tính sẽ ảnh hưởng đến nhân cách ra sao? Ảnh hưởng của nó đến lối suy nghĩ, phong cách thể hiện, những khả năng cuối cùng lối ứng xử trong xã hội của chúng ta?
B. GATES:Các nhà nặn tượng hay các nhạc sĩ của chúng ta hôm nay có còn tốt như trước đây 300 năm không?
DS:Câu hỏi này nhằm chủ yếu vào đám đông quần chúng.
B. GATES:Không, tôi nói rằng được giáo dục tốt hơn. Tính tò mò của tuổi niên thiếu sẽ không bị bóp nghẹt như trong nền giáo dục hiện thời. Đám trẻ trong tương lai sẽ được học hành với một vận tốc thích hợp của riêng chúng, sẽ được học những gì chúng thích. Tôi thành thật ghen tị với thế hệ tương lai. Mặc dù tôi đã lớn lên trong một hoàn cảnh thuận lợi, được học tại những trường học thượng đẳng; song lũ trẻ của 20 năm tới sẽ có cơ hội được đào tạo tốt hơn nhiều.
DS:Liệu trẻ em sẽ có những khả năng xã hội tốt hơn không, hay chúng phát triển như một thế hệ những người máy khủng khiếp?
B. GATES:Không đâu, thế giới sẽ trở nên nhỏ bé. Không chỉ trẻ em mới có khả năng giao thiệp dễ dàng hơn. Hãy thử nghĩ tới một người đàn ông già nua đang ở trong nhà dưỡng lão. Hôm nay, ông ta không có cơ hội gặp gỡ những người trẻ tuổi. Trong thời đại thông tin tương lai, ông ta có thể gặp gỡ và truyền thụ toàn bộ những kinh nghiệm sống của mình cho thế hệ sau - những kinh nghiệm sống đang bị mất đi trong hiện tại.
DS:Song, một quan hệ nhờ vào kênh thông tin không thể so sánh với một cuộc gặp gỡ thực sự ở ngoài đời.
B. GATES:Người ta cũng đã nói như vậy về sách vở: ta đọc một điều gì đó, song ta không tự tay làm và không tự bản thân trải qua kinh nghiệm đó. Chưa bao giờ trải qua cuộc chiến tranh thế giới, song tôi đã đọc về nó và thấy thế là quá đủ. Không đâu, ông hãy thử đi hỏi những phụ huynh có con em sống xa đô thị xem: liệu họ có sẵn sàng cho chúng nói chuyện với nhau bằng điện thoại truyền hình hay không?
DS:Không ai chối cãi điều đó. Nhưng ông hãy biết tới những người cả đêm ngồi cưỡi sóng trên mạng internet, thay vì đi ra khỏi cửa và gặp gỡ những con người bằng xương bằng thịt.
B. GATES:Điều đó có nghĩa là gì? Thế trước đây những người đó đã làm gì? Ông có tin là họ sẽ đi vào một thư viện không? Chắc chắn, họ chỉ ngồi lì trước máy truyền hình mà thôi!
DS:Nhìn như vậy, quả là người ta phải coi việc sục sạo trong các dịch vụ nối mạng là một bước tiến mới. Ông đã có lý.
B. GATES:Ông có biết không, hoặc là ông tin vào cái tốt trong con người, hoặc là không. Một số thì cho rằng bản chất con người là vô trách nhiệm: con người sử dụng quyền tự do và tri thức của họ vào những mục đích tăm tối. Số khác thì tin rằng con người sử dụng quyền tự do của họ một cách rất có trách nhiệm. Tôi thuộc vào loại người thứ hai nên thực ra, chúng ta đâu có gì khác nhau? Đơn vị quan trọng nhất trong xã hội ngoài gia đình chính là nhà trường: nhà trường có một nhiệm vụ tối quan trọng trong việc chuẩn bị cho nhân loại bước vào thời đại thông tin.
DS:Song bản thân trường học đâu đã được chuẩn bị: thiếu những thầy cô giáo giỏi, giáo trình và trang bị máy tính tương thích.
B. GATES:Đó quả là một vấn đề, song nó sẽ được giải quyết. Câu hỏi chỉ là: bao giờ? Tôi chắc rằng trong 20 năm tới, vấn đề này sẽ không tồn tại nữa. Chúng tôi đang làm việc để góp phần giải quyết chính vấn đề ấy.
DS:Ông cùng Công ty Microsoft dĩ nhiên là rất quan tâm đến vấn đề này rồi. Chắc không có ai sẽ thu lợi nhiều như thế từ thời đại thông tin, phải không?
B. GATES:Về Microsoft, người ta có thể có hai ý kiến. Thứ nhất: chúng tôi đang ở trong một vị trí thật tốt, chẳng có bất lợi gì có thẻ xảy ra với chúng tôi. Thứ hai: chúng tôi đang ở trong một ngành kỹ thuật cao, nếu chúng tôi tự mãn ngủ yên trên những vòng nguyệt quế, bỏ lỡ một điều gì đó - mạng Internet, nhận dạng ngôn ngữ hay trí tuệ nhân tạo chẳng hạn – chúng tôi có thể phá sản trong vòng 5 năm tới. Ý kiến thứ hai đúng. Một người bạn tốt của tôi, nhà đầu tư nổi danh Warren Buffett, luôn nói: người ta chỉ nên đầu tư vào những cơ sở có khả năng tồn tại, ngay cả khi nó được một anh ngốc chỉ đạo, bởi vì một ngày nào đó, nó sẽ bị một anh ngốc cầm đầu. Vậy nên anh ấy đầu tư vào CocaCola hoặc là Disney. Tương lai của chúng thật chắc chắn. Còn tương lai của chúng tôi ư? Chúng tôi đang ở trong một ngành kỹ thuật cao. Chúng tôi phải hết sức chú ý, vì với thời đại thông tin, không một hãng nào có được độc quyền.
Nguồn: T/c Môi trường và sức khoẻ, số 14, 10 – 2005, tr 3 - 6