Marie Curie - nữ bác học nổi tiếng Thế giới
Marie Curie sinh ngày 7 tháng 11 năm 1867 ở một thị trấn nhỏ gần thủ đô Varsovie nước Ba Lan, là cô con gái út của vợ chồng giáo sư khoa học Wladislaw Sklodowski (lúc đó bà được đặt tên là Marya Sklodowski). Sinh gia trong một gia đình trí thức nhưng tuổi thơ của bà sớm gặp nhiều nỗi gian truân. Bà mẹ mắc chứng bệnh nan y ho lao, vì vậy tuy yêu thương các con, bà Sklowdowski không bao giờ dám ôm hôn chúng. Do thiếu tình thương của mẹ, cô bé Marya thường quấn quít bên người chị cả là Zosia để nghe các câu chuyện cổ tích. Ngoài ra, Marya còn ưa thích đứng ngắm cái tủ đựng các dụng cụ khoa học của cha trong đó có bày nhiều thứ: nào các ống nghiệm, phong vũ biểu, cân tiểu li, những cục đá địa chất… Năm Marya lên 10 tuổi, người chị thân yêu và cũng là người bạn tâm sự duy nhất, chị Zosia, đã bị thiệt mạng vì mắc phải một bệnh truyền nhiễm do các bạn cùng lớp mang tới: bệnh chấy rận. Rồi ít lâu sau, bà mẹ sau nhiều năm bị vi trùng lao phổi tàn phá, đã từ giã cõi đời, để lại cho người chồng gánh nặng nuôi dạy 4 đứa con thơ: một trai Joseph và 3 gái Hela, Bronia và Marya, tất cả trong tuổi đi học.
Đặc biệt, cô bé Marya nổi tiếng học giỏi từ thuở nhỏ. Luôn luôn kém các bạn từ 2 tới 3 tuổi nhưng với môn học nào cô cũng đứng đầu lớp: Từ các môn học chính như toán học, lịch sử, văn chương đến những môn phụ như tiếng Pháp, tiếng Đức và cả Thánh Kinh nữa.
Năm 1883, lúc đó Marya 16 tuổi, đã học xong ban trung học và tốt nghiệp ra với lời khen thưởng của hội đồng giám khảo. Sau khi tốt nghiệp trung học, trong khi các anh chị đi du học thì ở Ba Lan, Marya xin làm nghề dạy học ở một vùng quê hẻo lánh. Cho mãi đến năm 1891, Marya mới rời quê hương sang Pháp du học. Khi sống tại Pháp, muốn cho tên mình dễ đọc, Marya đã "phiên âm" tên mình sang tiếng Pháp thành Marie: Marie Sklodowski. Marie không theo học Y khoa, Nha khoa hay Dược khoa là những môn học ưa thích của phụ nữ thời đó, mà bà lại chọn môn Khoa học thuần tuý.
Cuộc sống của một du học sinh thật là vất vả, nhưng Marie vẫn quyết tâm theo đuổi con đường học tập bằng tất cả ý chí và nghị lực của mình. Sau ba năm học tập, nàng đã đỗ đầu trong kỳ thi ra trường và được cấp văn bằng Cử Nhân Khoa Học năm 1893 và năm sau, đậu thứ nhì trong kỳ thi lấy văn bằng Cử Nhân Toán. Học xong, Marie đã định quay về nước để phục vụ Tổ Quốc nhưng do sự hiểu biết hoàn toàn thuộc về phạm vi lý thuyết, nguyện vọng của bà là muốn giúp đỡ đồng bào bằng những công trình thực tế hơn.
Năm 1893, Marie xin được học bổng Alexandrowitch để học về ngành luyện sắt và thép. Bà được giới thiệu với một vị Giáo sư trẻ tuổi, đang khảo cứu về hiện tượng từ tính của các chất gang thép: Giáo sư Pierre Curie. Pierre Curie sinh ngày 19/4/1859 tại Paris , là con thứ hai của Bác sỹ Eugène Curie. Năm 16 tuổi, Pierre đã đậu bằng trung học và năm 18 tuổi lại đậu Cử nhân Khoa học, rồi được chấp nhận làm Giảng Nghiệm Viên tại Trường Đại Học Paris vào năm 1878. Khi tốt nghiệp đại học ra, ông Pierre Curie đã cùng với người anh là Jacques vùi đầu vào các công cuộc thí nghiệm: Họ nghiên cứu tính áp điện (piezoelectricity) của các tinh thể, đặc biệt là của tinh thể thạch anh (quartz). Năm 1895, Pierre Curie đậu bằng Tiến sỹ Khoa học.
Trong thời gian nghiên cứu về hiện tượng điện từ của các chất gang thép, Pierre Curie đã gặp Marie Sklodowski đến học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi mới gặp nàng Cử nhân Khoa học và Toán học của trường Đại Học Sorbonne, Pierre đã thấy có cảm tình và kính trọng người thiếu nữ tài ba này. Lúc đó Pierre đã 35 tuổi, ông vẫn sống độc thân vì còn mải mê nghiên cứu. Sau vài lần gặp mặt và thảo luận với Marie về Khoa Học, Pierre Curie thấy ngay ở Marie hình bóng của người vợ lý tưởng. Cho dù bà cũng có cảm tình nhưng vì nhớ đến cha già, đến lời hứa sẽ học thật nhanh để quay về sống bên cha và phục vụ cho Tổ quốc Ba Lan, bà rời Paris . Khi tiễn Marie về nước, Pierre đã nói: " Cô là người có tài. Cô nên trở lại nước Pháp để nghiên cứu khoa học. Cô không có quyền bỏ rơi khoa học".
Bà Marie Curie cùng chồng. |
Thời gian sau, bà đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực vật lý, một lĩnh vực còn ít ai biết tới. Ở lĩnh vực này, bà đã gặt hái được thành công rực rỡ, sự hiểu biết về các định luật phóng xạ do Pierre và Marie Curie phát kiến ra. Công lao của ông bà Curie chính là làm cho giới khoa học biết rằng có rất nhiều chất phóng xạ khác nhau, dù rằng nhiều chất chỉ là biến thể của nhau và có những chất không phóng xạ như chì, vàng… cũng là biến thể của các chất phóng xạ. Y kiến này rất quan trọng vì nhờ đó mà người ta tìm ra được cách phá nhân của nguyên tử và chế tạo ra bom nguyên tử sau này.
Khởi đầu, bà Curie tìm ra hai chất phóng xạ khác nhau, chất đầu tiên vào mùa hè năm 1891 và được bà đặt tên là "Polonium" để tưởng nhớ nước Ba Lan thân yêu của bà, chất thứ hai được gọi bằng tên "Radium", khám phá ra vài tháng sau đó. Nhưng các công trình của ông bà Curie chưa được giới Khoa học chấp nhận ngay. Nhiều kẻ hoài nghi không công nhận có hai chất Polonium và Radium. Họ viện lý rằng mỗi chất đều phải có các lý tính và hóa tính. Vậy thì nguyên tử khối và phân tử khối của Radium là bao nhiêu? Nó màu gì ? Độ chẩy là bao nhiêu? Nhiều câu hỏi đã làm bù đầu hai nhà bác học trẻ tuổi. Muốn trả lời các nhà hóa học đa nghi, Pierre và Marie Curie phải tìm ra Radium nguyên chất. Nguyên liệu có chứa Radium là chất pechblend. Trong 4 năm trời từ 1898 tới 1902, sau khi gạn lọc 8 tấn pechblend, hai nhà bác học đã tìm ra được 1 gam Radium nguyên chất. Năm 1902, kết quả của công trình khám phá ra chất Radium được công bố.
Sau khi chất Radium được khám phá, danh tiếng ông bà Curie đã vượt ra khỏi nước Pháp. Từ năm 1900, các viện đại học, các trung tâm khảo cứu tại các nước Anh, Đức, Đan Mạch, Hoa Kỳ… đều gửi thư đến hỏi ông bà Curie về chất Radium. Các nhà vật lý đua nhau tìm hiểu về tính phóng xạ như Boltzmann, Crookes, Paulsen, Ramsay… họ đã tìm thêm được nhiều chất mới như Mesothorium, Ionium, Protactinium, chì phóng xạ, khí Helium phóng xạ…
Năm 1903, bà Curie được Đại Học Sorbonne trao văn bằng Tiến Sĩ Khoa Học, hạng tối ưu với lời khen ngợi của Hội Đồng Giám Khảo về luận án "Khảo cứu về các chất phóng xạ" và cũng vào năm này, Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh gửi thư mời hai nhà bác học Curie sang diễn thuyết bên nước Anh. Sau đó không lâu, nước Thụy Điển đã biểu quyết chia Giải thưởng Nobel 1903 về Vật lý, một nửa dành cho ông Henri Becquerel, một nửa tặng ông bà Curie vì công trình khám phá ra chất phóng xạ.
Năm 1904, ông Pierre Curie qua đời do một tai nạn giao thông. Bà Marie Curie trở thành Giáo sư thực thụ của Trường Đại học Sorbonne vào năm 1908. Cũng vào năm này, bà cho xuất bản cuốn sách nhan đề là "Các Công Trình của Pierre Curie". Năm 1910, tác phẩm "Khảo cứu về tính phóng xạ" (Traité de Radioactivité) dày 960 trang của bà Marie Curie đã là công trình chứa đựng những kiến thức khoa học mới mẻ nhất của thời kỳ đó về ngành học phóng xạ. Danh tiếng của bà Marie Curie vang lừng. Rất nhiều trường Đại học ở ngoại quốc gửi tặng bà các văn bằng Tiến Sỹ Danh dự. Lại một lần nữa, tháng 12 năm 1911, bà Marie Curie được tặng thêm một giải thưởng Nobel về Hóa học vì công trình tìm ra chất Radium. Bà Curie là người duy nhất đã lãnh hai lần giải Nobel, hơn hẳn các nhà bác học xưa và nay, kể cả nam lẫn nữ.
Tháng 7 năm 1914, Viện Radium Paris được xây dựng xong tại đường Pierre Curie. Đây là "Lâu Đài của Tương Lai", nơi mà trước kia ông Pierre Curie đã hằng mong ước được sống tại đó để nghiên cứu, tìm tòi, và giờ đây bà Marie tiếp tục sở nguyện của chồng.
Ngày 20 tháng 5, Tổng Thống Hoa Kỳ Warren G. Harding đã trân trọng biếu bà Marie Curie một gam chất Radium (Radium vô cùng quý giá). Tại Philadelphia, bà Curie được trao tặng các bằng cấp danh dự, các quà biếu, 50 gam chất Mesothorium và Huy Chương John Scott của Hội Triết học Mỹ. Ngoài ra, bà Curie còn là Tiến sỹ Danh dự của các Trường Đại Học Pittsburg và Columbia.
Do sự phát minh ra cách trị liệu bằng chất phóng xạ, đầu năm 1922, Hàn Lâm Viện Y Học Paris đã bầu bà Curie làm hội viên. Tháng 2 năm đó, bà Curie cũng trở thành nhà nữ bác học đầu tiên của Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp. Danh tiếng bà Marie Curie vang lừng. Bà được hân hoan đón tiếp tại Ý, Hà Lan, Bỉ, Tiệp Khắc… Ngày 15/5/1922, Hội Quốc Liên chỉ định bà Marie Curie làm hội viên của Tổ Chức Giáo Dục Quốc Tế.
Nguyện vọng của bà Marie Curie là được thấy một Viện Radium thành lập tại Varsovie. Dự án xây dựng thành hình vào năm 1925 và bà Curie đã sang Ba Lan để đặt viên đá đầu tiên cho Viện. Khi xây dựng xong, Viện Radium Varsovie lại thiếu Radium để nghiên cứu. Tháng 10 năm 1929, bà Marie Curie lại sang Hoa Kỳ. Tại đây, bà được đón tiếp rất trọng thể chẳng kém gì lần đi trước và nước Hoa Kỳ một lần nữa lại giúp đỡ nhà nữ bác học. Ngày 29/5/1932, Viện Radium Ba Lan được khánh thành đúng theo ý nguyện của nhà nữ bác học lừng danh.
Khi đã ngoài 60 tuổi, bà Marie Curie vẫn còn hăng hái làm việc mỗi ngày 12 giờ. Dưới sự hướng dẫn của bà từ năm 1919 tới năm 1934, 483 tác phẩm khoa học đã được các nhà vật lý và hóa học của Viện Radium phổ biến, và trong số các công trình nghiên cứu khoa học này, riêng bà Curie có 31 tác phẩm. Bà Marie Curie qua đời vào năm 1934 vì bệnh hoại huyết do chính các tia phóng xạ từ chất Radium phát ra.
Bà Marie Curie là nhà nữ bác học lừng danh đầu tiên của thế giới khoa học, người đi tiên phong trong công cuộc khảo cứu chất phóng xạ. Ngoài việc phụng sự Khoa học, bà Marie Curie còn là một nữ công dân có lòng ái quốc.
Nguồn: Thông tin KH&CN Đồng Nai, 01/2006