Lương Văn Can một đời vì giáo dục
Lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Năm Giáp Tuất 1874, ông đỗ cử nhân, được triều đình Huế bỏ làm giáo thụ Phủ Hoài (tức Hoài Đức) nhưng ông từ chối. Sau chính phủ Pháp cử ông vào Hội đồng Thành phố Hà Nội, ông cũng không nhận. Bởi ông thấy lúc bấy giờ “việc nước ngày càng nát, dẫu có ra làm nghị viện cũng chẳng thể bàn được gì ích lợi cho quốc dân, nên xin ở nhà dạy con học” (theo Lương gia tộc phả của Lương Văn Can).
Năm 25 tuổi (1879), ông mở trường dạy học tại nhà riêng của mình, số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Bấy giờ tình hình ở Hà Nội hết sức căng thẳng vì người Pháp lộ rõ ý đồ đánh chiếm Bắc Kỳ. Quả nhiên 3 năm sau (1882), người Pháp công khai gây chiến và đánh chiếm thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu thua trận tuẫn tiết. Việt Nam từ đó thực chất nằm dưới bàn tay cai trị của người Pháp.
Nhà giáo Lương Văn Can muốn làm nhiều điều ích nước lợi dân, nhất là làm cho giới thanh niên thấy được nỗi nhục mất nước mà đứng lên chống lại thực dân Pháp. Thời gian lặng lẽ trôi. Những giờ lên lớp của nhà giáo họ Lương cũng theo thời gian mà chất chứa thêm bao ước vọng. Nhưng phải đến 28 năm sau, ước vọng ấy mới thành hiện thực. Tháng 3 năm 1907, lúc đã ngoài 50 tuổi, ông mới có điều kiện liên kết được với một số chí sĩ cùng chí hướng như Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành… lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục do ông làm hiệu trưởng Trụ sở đặt ngay tại ngôi nhà ông đang ở, số 4 Hàng Đào, sau mở rộng ra nhà số 10 cũng ở phố Hàng Đào. Đại cương lịch sử Việt Nam ghi: Mục đích của nhà trường là nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng; truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ.
Bị đày biệt xứ
Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ là một trường học bình thường mà thực chất lan rộng ra thành một phong trào yêu nước rộng khắp khiến thực dân Pháp rất lo sợ. Đại cương lịch sử Việt Nam viết: Nhà cầm quyền Pháp đã nhận định Đông Kinh Nghĩa Thục là “một cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ”. Vì vậy tháng 12 năm 1907, sau 8 tháng hoạt động, trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị giải tán.
Tuy không còn ngôi trường để truyền bá tư tưởng yêu nước, Lương Văn Can vẫn thường xuyên liên lạc với các nhà yêu nước bàn cách thúc đẩy phong trào chống Pháp; đồng thời viết sách truyền bá những tư tưởng tiến bộ. Bởi vậy ông vẫn là cái gai trong mắt chính quyền Pháp.
Ngày 27 tháng 6 năm 1908 xẩy ra vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, thực dân Pháp bắt Lương Văn Can, nhưng do không có chứng cứ kết tội nên phải thả. Ngày 26 tháng 4 năm 1913, xảy ra vụ đánh bom khách sạn Hà Nội của Việt Nam Quang Phục Hội. Lần này thực dân Pháp đã bắt Lương Văn Can giam ở nhà pha Hoả Lò (Hà Nội), sau kết án biệt xứ, lưu đày sang Nam Vang (Campuchia).
Hơn 8 năm sau, Lương Văn Can được giảm án trở về Hà Nội ngày 25 tháng 11 năm 1921. Về nhà, ông lại tiếp tục mở trường Ôn Như, vừa dạy học vừa soạn sách.
Bán của hồi môn
Bà Lê Thị Lễ, vợ nhà giáo Lương Văn Can, được sử sách ca ngợi là người phụ nữ tài ba, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục của chồng. Sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời, số học viên tăng nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn phát triển thêm 4 phân hiệu mới đủ đáp ứng. Cùng với đó, việc in ấn sách giáo khoa, biên soạn, dịch thuật tân thư và tài liệu tuyên truyền cho giáo viên cũng được đẩy mạnh. Trong tình hình ấy, bà Lễ đã ủng hộ chồng bằng việc bán đi cửa hiệu Quảng Bình An (chuyên bán vải, của hồi môn của bà) ở phố Hàng Ngang để trang trải các khoản chi phỉ (khoảng 7.000 đồng bạc Đông Dương).
Lương Văn Can có 3 con tham gia tích cực phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20: Lương Trúc Đàm (tham gia phong trào Đông Du, người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917), Lương Nghị Khanh (tham gia phong trào Đông Du). Tài liệu viết năm 1914, Lương Ngọc Quyến bị Pháp bắt đưa về Hà Nội xử án. Bà Lễ bị gọi ra toà, trước đông đảo mọi người bà đã nói: “Từ thuở còn trong bào thai, chúng tôi đã dạy con về tình thương yêu nòi giống. Bởi vậy, các con tôi theo đuổi mục đích cứu người là hợp đạo lý gia đình và đạo lý đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn”. Và bà quay sang nói với con: “Mẹ chỉ mong con xứng đáng là con dân nước Việt đến hơi thở cuối cùng”.
Khi Lương Văn Can mãn hạn lưu đày trở về Hà Nội, bà Lễ lại dốc tài sản xây dựng trường học cùng chồng tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Bà qua đời ngày 24 tháng 3 năm 1927. Chưa đầy 3 tháng sau, ngày 13 tháng 6 năm 1927, trong niềm thương nhớ, nhà giáo Lương Văn Can cũng đi theo bà.