Lương cao chưa phải là tất cả!
Băn khoăn tính khả thi
GS. TSKH Nguyễn Hữu Tăng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nghi ngại tính khả thi của Đề án này “liệu có đủ mạnh”? Ông nói: “Ví dụ lương mỗi người 1000, 1500 USD, nhưng nói chung chung thế thì ai quyết định? Bộ này cản trở Bộ khác thì sao?”. Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm đặt câu hỏi tương tự: “Ai sẽ là người ra quyết định việc hưởng lương cao như vậy? Ngay cả chính sách ưu tiên cho họ thuê và sử dụng hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, nếu không cụ thể, cũng còn lâu mới thực hiện được”.
Một số chính sách ưu đãi khác như cho phép mua nhà, thuê nhà với giá ưu đãi, có thể bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo tổ chức KH&CN cho các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và nhà khoa học nước ngoài…, viết cũng mơ hồ như những nguyện vọng.
GS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Ban Khoa giáo Trung ương thì cho rằng “không phải mang 1000, 2000 USD như các địa phương mang đất đai ra khuyến dụ hiền tài đã là hay. Người tài được đãi ngộ về địa phương, cả năm lãnh đạo tỉnh không gặp trao đổi công việc, có về cũng chỉ để làm tượng”. Theo GS, cái cơ bản của nhiều trí thức chưa phải là tiền và hưởng thụ mà quan trọng với trí thức chân chính, khi họ có ý tưởng, ý tưởng đó được những nhà lãnh đạo tiếp thu và ra quyết định ủng hộ.
Với đề án này, có ý kiến cho rằng “tư duy của Bộ KH&CN hình như vẫn chỉ là chia sao cho hết 2% ngân sách cho các nhà khoa học công nghệ quốc doanh chứ chưa phải quốc gia”, trong khi người tài hiện nay có ở đủ 5 thành phần kinh tế. Ông Phạm Sĩ Liêm thẳng thắn: Một năm thực hiện theo Đề tài tốn hết bao nhiêu, nếu 5000 tỷ thì liệu Nhà nước có chịu được không? Ông Nguyễn Quân ở Ban soạn thảo, ước tinh sẽ chi khoảng 100 tỷ một năm và cho biết “đây là vấn đề Bộ KH&CN có thể chủ động được chứ chưa nhờ tới các Bộ, ngành khác”. Tuy nhiên ở mục 7 Điều 2, Đề án lại quy định hàng năm, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cân đối ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Đề án mới làm thí điểm, vậy nếu áp dụng chính sách sai, (nâng mấy bậc lương) sẽ tạo ra bất công, sửa cách nào?
Tất nhiên tâm lý con người thường thích danh lợi. Nhà nước cần có những biện pháp đãi ngộ khuyến khích các nhà khoa học tài năng và có cống hiến thật sự cho đất nước. Đó là “phần ngọn”. GS. Phan Đình Diệu nói: “Ngẫm lại cả đời làm khoa học, có lúc đắc ý vì làm được những việc mình muốn, có lúc bất lực tự an ủi: thôi thì cả cuộc đời của người khác, mình mài sách toán đọc cho vui… Tôi muốn làm nhiều việc và đã suy nghĩ những việc có thể làm có ích cho đất nước, nhưng quả thực không có môi trường hoặc môi trường chưa tạo cho mình có thể nhìn nhận vấn đề thực sự đến nơi đến chốn. Vấn đề đối xử như thế nào để tạo ra được nhân tài vẫn chưa có chính sách. Tất nhiên, không dạy cho người ta thành nhân tài được, nhưng phải giúp họ bộc lộ tài năng. Cứ xem một số người nào đó là tài, cho họ tiền và giúp họ sống tốt hơn thì đó chỉ là phần sau. Phần trước chưa có”
Có nên thành lập “Trung tâm hỗ trợ tài năng Việt Nam”?
Theo Đề án, sẽ thành lập “Trung tâm hỗ trợ tài năng Việt Nam” trực thuộc Bộ KH&CN, trước mắt đặt trụ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ phát hiện người có tài năng, làm đầu mối vận động tài trợ, thu hút và sử dụng nhân tài trong và ngoài nước, xây dựng tiêu chí về nhân tài v.v.. Ông Lê Quang Nghiệp ở Hội Chăn nuôi Việt Nam lo ngại “đẻ ra” hai Trung tâm ở hai miền như vậy, dễ nảy sinh tiêu cực và luồn lách.
Tâm lý của nhiều người giờ đây rất sợ những chính sách khuyến khích người ta chạy theo hư danh. Thực tế qua những đợt phong chức danh giáo sư, phó giáo sư vừa qua, bao nhiêu người không dạy học bao giờ cũng cố cạy cục có cho được danh vị đó, hoặc bao người thuê viết hộ luận án để có học vị giả. Các nhà khoa học có trình độ cao thực hay giả, liệu họ có mở cuộc chạy đua để được Nhà nước giao nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia, để được áp dụng cơ chế tự chủ đặc biệt về tài chính như ở Đề án này? Ông Phạm Sĩ Liêm đồng tình việc giao cho Trung tâm này xây dựng tiêu chí về nhân tài, “nhưng chả nhẽ năm nào cũng ngồi xây dựng tiêu chí?”. Quan trọng hơn, ai là người đứng ra chọn nhân tài, nhiều nhà khoa học băn khoăn về điều đó.
Vấn đề khó nhất rốt cuộc là tiêu chí chọn người tài, đầu tư nhân lực khoa học thế nào để có hiệu quả cao. Góp cho Đề án, nhiều người đề nghị chọn người tài phải dựa vào uy tín khoa học chứ không thể là quyền lực hành chính của một tổ chức gồm những khoa học làm tăng thêm đầu óc hư danh, với nhiều hệ luỵ tiêu cực mà ai cũng biết, sẽ không giúp ích được bao nhiêu cho việc xây dựng một lực lượng khoa học chất lượng cao, lành mạnh. “Đề án tốt nhưng phải có điều kiện tốt thì mới triển khai được” GS - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng nói.
Nguồn: Đại đoàn kết, số 12 ngày 17/2/2006, tr 7