Luật Trẻ em (sửa đổi) 2015: Cần ưu tiên giai đoạn đầu đời của trẻ
Các ý kiến và tham luận tại hội thảo tập trung đề nghị dự thảo Luật ưu tiên tập trung vào giai đoạn đầu đời của trẻ, để đảm bảo có được lợi ích cao nhất cho bản thân trẻ, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Những kiến nghị trên được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu khoa học của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Naịm, để bổ sung các bằng chứng khoa học cho luận điểm trên, EBHPD và RTCCD đã nghiên cứu xây dựng mô hình phòng khám Cây Thông Xanh và thực hiện dự án chăm sóc toàn diện cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời ở Hà Nam.
BS.TS Trần Tuấn, Giám đốc RTCCD, cho biết: “Não bộ của con người được xây dựng dần theo thời gian, trong đó, giai đoạn bắt đầu từ trong bào thai và hai năm sau khi sinh ra mang ý nghĩa then chốt trong việc quy định tốc độ hình thành, chất lượng phát triển của não bộ và các khả năng con người. Gene và trải nghiệm của trẻ từ chăm sóc gia đình và cộng đồng trong những năm đầu đời tương tác với nhau làm nên kiến trúc não bộ của trẻ và là cơ sở hình thành, phát triển các khả năng sau này”.
Cho rằng dự thảo Luật Trẻ em hiện nay chưa bắt kịp thành tựu khoa học về phát triển trẻ em thế kỷ 21, TS Trần Tuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật giải thích một số thuật ngữ cơ bản về phát triển toàn diện trẻ em, cũng như đưa vào chương về các quyền và bổn phận của trẻ em một nội dung mới là: “Trẻ em được ưu tiên chăm sóc cho sự phát triển toàn diện ngay từ giai đoạn đầu đời”, đồng thời coi đây là quyền cơ bản, điều chỉnh các nội dung có liên quan khác trong toàn bộ dự Luật.
Bên cạnh việc đề nghị bổ sung nội dung quan trọng trên vào dự thảo Luật, các đại biểu cũng thảo luận về hoạt động giám sát thực thi quyền trẻ em. Phân tích các trường hợp điền hình về vi phạm quyền trẻ em, BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc RTCCD, cho rằng quyền trẻ em bị xâm phạm nhưng không rõ trách nhiệm giải quyết, cũng như trách nhiệm giải trình của cơ quan nào. Do đó, RTCCD khuyến nghị có một thiết chế giám sát độc lập việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam và đưa nội dung này vào dự thảo Luật Trẻ em (sửa đổi).