Luật Bảo vệ và Phát triển rừng: Cần sửa đổi
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 được Quốc hội Khóa XI thông qua vào ngày 3/12/2004 với 8 chương, 88 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, trong đó có 25 điều đề cập trực tiếp đến các đối tượng là hộ đình và cộng đồng dân cư thôn.
Cộng đồng và hộ gia đình sống ở vùng nông thôn, miền núi là hai trong những đối tượng được hưởng lợi nhưng đồng thời cũng chịu tác động trực tiếp bởi Luật Bảo vệ và Phát triển 2004 và các chính sách liên quan. Do vậy, với mục tiêu là góp phần làm cho người dân miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận công bằng, quản lý sử dụng hiệu quả và hưởng lợi bền vững từ rừng và đất rừng để ổn định phát triển sinh kế kết hợp với quản lý tài nguyên bền vững.
Qua nghiên cứu, Mạng lưới Đất rừng (FORLAND) đã có một số khuyến nghị làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách các cấp có thể tham khảo để điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Luật trong thời gian sắp đến.
Thứ nhất là quy hoạch rừng: Đối với người dân sống gần rừng, đặc biệt là người dân sống ở vùng đệm các vườn quốc gia và KBTTN thì sự tham gia của họ trong vấn đề đồng quản lý rừng, trong quy hoạch và sử dụng rừng là rất quan trọng. Do thiếu sự tham gia của các hộ gia đình và cộng đồng nên việc quy hoạch ba loại rừng hoặc quy hoạch KBTTN theo chủ trương của nhà nước không sát với thực tế cũng như gây khó khăn đến đời sống, sinh kế của người dân. Do vậy, Luật nên quy định thêm quyền được tham gia của người dân cũng như có hướng dẫn người dân tham gia vào những hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng ở vùng đệm các vườn quốc gia và KBTTN.
Thứ hai là giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn: Luật nên điều chỉnh khái niệm “cộng đồng dân cư thôn” thành “cộng đồng dân cư” để mở rộng cách hiểu về cộng đồng và có sự thống nhất chung khi thực hiện những thủ tục giao đất giao rừng cho cộng đồng.
Đối tượng “nhóm họ” trên thực tế đã được giao rừng để quản lý bảo vệ và được đánh giá là rất có hiệu quả. Vì vậy, Luật nên quy định “nhóm họ” cũng là một đối tượng được giao rừng tương tự như hộ gia đình hay cộng đồng dân cư thôn.
Giao rừng không gắn với giao đất cũng như quản lý rừng không gắn với quản lý đất đã tạo ra kết quả là cộng đồng được giao rừng để quản lý bảo vệ, chứ khó có thể cải thiện sinh kế hoặc thêm thu nhập từ các diện tích đất rừng được giao. Nên các quy định về giao đất giao rừng trong Luật cần điều chỉnh cho phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi 2013 nhằm khuyến khích cộng đồng quản lý bảo vệ rừng đồng thời vừa được sử dụng đất rừng một cách bền vững.
Cộng đồng là đối tượng được giao rừng nhưng lại không được Luật quy định là một chủ rừng để có được các quyền, nghĩa vụ thực sự như của cá nhân hay hộ gia đình. Điều này góp phần làm cho việc thực thi các chính sách quản lý bảo vệ rừng có liên quan đến cộng đồng nào kém hiệu quả. Chính vì thế Luật nên công nhận cộng đồng cũng là một chủ rừng nhằm đảm bảo tính pháp lý cho cộng đồng trong quản lý các diện tích rừng đã nhận, giúp cho việc xác định quyền làm chủ, cũng như các quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong vai trò là đối tượng được giao rừng và được hưởng lợi từ các dịch vụ do rừng mang lại.
Thứ ba là sử dụng và phát triển rừng: Luật cần quy định lại các thủ tục, cơ chế, hướng dẫn một cách cụ thể vừa rõ ràng để người dân có thể dễ dàng tiếp cạn và thực hiện được. Cụ thể là việc cộng đồng và hộ gia đình xin tận thu cây gỗ bị gãy đổ do thiên tai hoặc xin khai thác gỗ trong rừng được giao cho mục đích gia dụng không được thực hiện một cách thuận lợi trong thực tế do thủ tục phức tạp hoặc không được hướng dẫn.
Các diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên mà cộng đồng, hộ gia đình đang quản lý bảo vệ phần lớn đều có nhiều trạng thái rừng khác nhau, cũng có nhiều vùng là đất trống hoặc nhiều dây leo bụi rậm xen kẽ khó cải tạo lại thành rừng. Do vậy, khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Luật nên cho phép người dân được thêm quyền chuyển đổi một phần diện tích này sang trồng rừng kinh tế, sản xuất nông lâm kết hợp để giúp họ cải thiện được sinh kế và tăng thêm nguồn thu để đầu tư cho việc tái tạo lại rừng.
Thứ tư là quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cộng đồng: Luật cần có thêm các nội dung quy định về cơ chế hỗ trợ ban đầu, chia sẻ trách nhiệm với hộ gia đình và cộng đồng được giao rừng để họ có thể yên tâm quản lý bảo vệ các khu rừng được giao vì phần lớn diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình, cộng đồng là rừng nghèo hoặc nghèo kiệt phải được chủ rừng đầu tư công sức quản lý bảo vệ và chăm sóc trong một thời gian rất dài mới phục hồi, phát triển. Mặc khác, cộng đồng hoặc hộ gia đình được giao rừng tự nhiên chỉ nhằm mục đích chính là bảo vệ rừng mà hầu như chưa được hưởng lợi gì. Kinh phí của nhà nước hỗ trợ cho hộ gia đình và cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ gần như không có.
Ngoài ra, tùy vào điều kiện của mỗi địa phương mà Luật nên cho phép thể chế hóa các cơ chế hưởng lợi đã thử nghiệm thành công thành chính sách hưởng lợi riêng cho người dân ở từng địa phương khác nhau.
Một trong những nghĩa vụ của cộng đồng dân cư thông được giao rừng là xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trong thực tế, rất nhiều quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với các quy định của luật pháp đã được các cơ quan chức năng xây dựng giúp cộng đồng nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả do thiếu sự tham gia của cộng đồng hoặc không phù hợp với luật tục của cộng đồng đó. Luật tục là một thành phần quan trọng chi phối và gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau để cùng quản lý, bảo vệ rừng. Do vậy, yếu tố luật tục và sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng cần được quy định trong Luật.
Thứ năm là xử lý vi phạm pháp luật trong bảo vệ và phát triển rừng: Luật cần bổ sung thêm những quy định nhằm tăng cường quyền của người dân trong xử lý các trường hợp vi phạm lâm luật đối với rừng được giao, ví dụ như cho phép chủ rừng quyền được lập biên bản và tạm giữ tang vật vi phạm vì người dân không thể bắt hoặc giữ được người vi phạm.
Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể người người dân cách xử lý đối với các trường hợp vi phạm lâm luật. Tiến trình, các bước thực hiện phải được công khai, minh bạch và người dân là chủ rừng phải có quyền được biết kết xử lý trường hợp vi phạm của các cơ quan chức năng trên rừng của mình cũng như được hỗ trợ xứng đáng công sức vận chuyển tang vật từ rừng về giao nộp cho kiểm lâm.