Lỗi là do thiếu tiêu chí
PV: - Theo điều tra của Cục thống kê, 70% tiến sĩ của ta đi làm quan. Nhiều người cho rằng, đó là do văn hoá. Rõ ràng làm quan dễ hơn là làm khoa học và thu nhập cũng cao hơn. Hoặc cũng có ý kiến cho rằng, chính cơ chế chính sách của chúng ta đang khuyến khích việc bằng mọi giá phải có bằng, có bằng mới làm gì thì làm. Theo GS, quan điểm nào đúng?
GS.TSKH Trần Xuân Hãn:- Sai tất. Nguyên nhân dẫn đến việc lẫn lộn Danh và Thực là do cách dùng người của chúng ta: không phải là nhìn việc chọn người.
- Vậy theo GS phải thay đổi thực trạng này bằng cách nào?
- Cần phải có tiêu chí rõ ràng như: đề tài khoa học được công bố, bằng phát minh sáng chế và hiệu quả ứng dụng đầu tư. Nếu không có ba tiêu chí đó, không được gọi là nhà khoa học. Nhưng nếu chiểu theo tiêu chí này thì chất lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… của chúng ta hiện nay thấp. Trên thế giới, một tiến sĩ mỗi năm phải công bố 2 bài báo khoa học. Với 1,5 vạn tiến sĩ của Việt Nam như hiện nay, ít nhất chúng ta phải có 3 vạn bài công bố trên tạp chí thế giới. Nhưng mình chỉ có 300 bài. Rõ ràng chất lượng của các tiến sĩ không đạt, và họ không xứng đáng được trả lương. Điểm đáng chú ý của ta là tấm bằng được “ăn” cả đời. Ở nước ngoài, có bằng tiến sĩ chỉ là “tấm vé” để anh vào giới khoa học. Còn đánh giá, định lượng công việc của anh thì phải nhìn vào quá trình làm việc hàng năm. Việt phát hiện luận án “xào” cũng khá dễ vì luận án luôn đề tên người hướng dẫn. Nếu phát hiện luận án trùng nhau, dù chỉ 30% ý tưởng thôi, thì phải lôi người hướng dẫn ra kỷ luật. Không ai khác ngoài người hướng dẫn phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về chuyện này. Nếu như có cuộc kiểm tra thì chúng ta sẽ “đuổi” được hàng loạt thầy đã có tội là “hàng giả” cho đất nước.
- GS bình luận gì về tình trạng rất hiếm sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ bị đánh trượt?
- Đó là thực tế đáng báo động. Hiện nay, tình hình đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Người làm luận án cũng không có tiêu chí cụ thể. Tổ chức hội đồng cũng không khoa học. Tiêu chuẩn người tham gia bảo vệ luận án, luận văn cũng không rõ ràng.
- GS có cho rằng với chất lượng GS, TS kém như vậy thì chúng ta nên siết chặt lại quản lý, hạn chế bớt số lượng?
- Hạn chế như thế nào không thể nói ngay được mà phải nhìn vào nhu cầu của đất nước. Nhưng tôi đưa ra con số để so sánh: bình quân thế giới có 1 sinh viên/100 dân, ở Việt Nam là 1,6 sinh viên/100. Nhiều quá.
- Vậy có nên quy trách nhiệm cho giáo viên đã tham gia sản xuất “hàng giả”?
- Theo tôi, phải quy thẳng vào người lãnh đạo, chứ người thầy như chúng tôi làm sao quyết được mọi việc. Ngay tại trường tôi, suốt mấy năm qua, ở trên cứ nhồi nhét, tuyển thêm sinh viên mặc dù chúng tôi kêu không được tuyển nữa. Hoặc như vấn đề tài chính: bắt các khoa cân đối tài chính, lấy thu bù chi. Chúng tôi chỉ làm chuyên môn thôi chứ, giao một việc trái tay cho người là sai.
- Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi thú vị này!
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 3 (1825), 9/1/2006, tr 5