Lối đề bạt chuộng chức danh là sai lầm
PV: - Thưa giáo sư, với kinh nghiệm giảng dạy hơn 40 năm của mình, để nói một câu về thực trạng đào tạo tiến sĩ hiện nay, giáo sư có thể nói gì?
GS. TS Nguyễn Vượng: - Đào tạo không có chất lượng.
- Nhưng chất lượng như thế nào lại do chính chúng ta đề ra và đánh giá đấy chứ? Vậy tiêu chuẩn lựa chọn của chúng ta đã sai, thưa giáo sư?
- Tôi đã từng chấm hơn 300 luận án tiến sĩ và thấy rằng, chúng ta đang rất máy móc, khuôn mẫu từ cách thực hiện luận án đến cách viết. Một điều tra nho nhỏ cho thấy, trong khoảng 1000 luận án tiến sĩ của ngành y, tất cả đều bắt đầu bằng từ “Nghiên cứu”. Điều này rất vô lý và phản ánh nền giáo dục của chúng ta cực kỳ giáo điều, máy móc khủng khiếp. Thường một luận án bao giờ cũng chia thành các đoạn: mở đầu, tổng quan… và thường là chép lại của nhau. Sự trùng lặp này làm hạn chế tính sáng tạo của chính nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, lối văn phong chính tả là lỗi phổ biến trong các luận án tiến sĩ, kể cả khi đã nộp lưu chiểu. Theo tôi, cần phải thay đổi cách đánh giá thế nào là một luận án tiến sĩ. Một điều mà tôi cũng muốn nhắc đến là chúng ta đang mất phương hướng trong việc đặt chỉ tiêu đào tạo. Chúng ta đã có rất nhiều chương trình, dự án nhưng liệu hiệu quả của nó đến đâu thì chưa ai đánh giá hết được. Người lãnh đạo là người phải dự báo ngành mình cần những gì để từ đó có kế hoạch. Trên tổng thể của từng ngành, Nhà nước sẽ biết phải phát triển bao nhiêu chương trình, dự án là đủ. Tuy nhiên, hiện nay, điều này vẫn chưa được thực hiện một cách khoa học. Chỉ lấy ví dụ trong ngành y, chúng ta vẫn chưa biết cần bao nhiêu bác sĩ, dược sĩ cho sự phát triển đất nước. Tuyển sinh bây giờ làm theo kiểu ăn đong. Điều này rất nguy hiểm. Hiện nay, ngành nào, bộ nào cũng có thể tuyển sinh được.
- Giáo sư có cho rằng, tiến sĩ bây giờ là quá nhiều. Dường như người ta cố đạt được học vị này để làm bàn đạp trên con đường thăng quan tiến chức?
- Điều này thì rõ quá rồi. Nhìn đâu xa, ở các tỉnh, nhất là các tỉnh vùng sâu vùng xa, khó khăn lắm mới đào tạo được một người có bằng đại học chứ chưa nói là tiến sĩ thì sau đó anh ta về lại được cất nhắc làm phó phòng này, trưởng phòng nọ. Như vậy, con đường chuyên môn của anh dù muốn hay không đã vô tình bị bẻ hướng sang đường quan trường.
- Vậy làm thế nào để chọn được đúng người để đào tạo tiến sĩ? Đào tạo được rồi làm thế nào để họ có thể cống hiến chuyên môn cho xã hội?
- Chọn người đúng chỗ. Trước hết, phải chọn người đúng tố chất, nếu không thì không thể làm khoa học được. Phải quan niệm rằng, đào tạo tiến sĩ tức là đào tạo ra người làm khoa học tốt hơn. Nếu anh ta tiếp tục làm khoa học thì tài năng của anh ta phải phát triển hơn, lợi cho đất nước cho dân hơn, và lợi cho giới khoa học. Như vậy mới nên đào tạo tiến sĩ. Theo tôi, cần phải bỏ cách làm như hiện nay là cất nhắc những người đáng lẽ sử dụng cho chuyên ngành sâu lại đi làm quản lý. Làm như vậy là hết sức lãng phí. Lối đề bạt chuộng chức danh là rất sai lầm, kéo theo sự tiêu cực cho ngành giáo dục. Chính nó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người cố lấy tấm bằng là như thế.
- Xin cảm ơn giáo sư!
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 4 (1826), 13 – 1 – 06, tr 5