Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/10/2015 21:42 (GMT+7)

LỖI CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO NHÌN TỪ Ý KIẾN PHẢN BIỆN

            Những kiến nghị trên phản ánh các mặt hoạt động của toàn bộ hệ thống giáo dục và đã gửi tới Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tôi chỉ tổng hợp những ý chính trên 3 mặt: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp.

            1. Về thực trạng:

            1.1.Từ khi ra đời nghị quyết TW2 khóa VIII về GD-ĐT đến nay đã 20 năm, GD chẳng những không được cải thiện mà vẫn trong tình trạng khủng hoảng toàn diện[2,3 tr.2], khủng hoảng ở mọi cấp độ[7tr.5]: từ việc xác định mục tiêu, cơ cấu hệ thống, xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên… đến việc tổ chức quá trình giáo dục (GD) và công tác quản lý trên cả 3 phương diện: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Vì thế, có nguy cơ phát sinh ở đây những mầm mống nếu để kéo dài sẽ có thể ảnh hưởng nặng nề đến toàn cục tình hình kinh tế  - xã hội trong những năm tới.

            1.2.Những sai lầm lớn, nổi trội của GD bị phê phán cách đây 15 năm vẫn tồn tạinhư: nạn dạy thêm, học thêm tràn lan (đến nỗi tiểu học cũng học thêm); tổ chức thi cử nặng nề; nội dung và phương pháp giảng dạy lạc hậu, nhồi nhét; chất lượng đào tạo xuống cấp không kiểm soát nổi, những hiện tượng tiêu cực như mua bằng, bán điểm và nguy hiểm hơn bằng thật mà không thật (bằng thật nhưng học giả), chẳng những không khắc phục được bao nhiêu mà lâu ngày đang biến thành những tình thế khó đảo ngược, những căn bệnh thâm căn cố đế khó có phương cách chữa trị. Bên cạnh đó: dân tríthấp, biểu hiện trên lối sống và suy nghĩ, tập quán, tác phong, tư tưởng, ý thức… đạo đức bị xói mòn, thói gian dối thiếu trung thựcđang tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội. Nhân lựckhông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, yếu kiến thức, kém kỹ năng thực hành, ít khả năng xoay sở, thiếu óc tưởng tượngvà sáng tạo, vì thế chất lượng nguồn nhân lực kém khiến năng lực cạnh tranh toàn cầu thấp. Nhân tàituy không đến nỗi quá thiếu nhưng phát hiện và bồi dưỡng kém, thiếu cơ hội và điều kiện phát triển; chất xám bị lãng phí nghiêm trọng. Đương nhiên đây không phải chỉ là vấn đề của GD mà còn là vấn đề của toàn xã hội, nhưng trước hết là trách nhiệm và vai trò của giáo dục rất lớn.

            1.3.Động cơ và mục đích học tập của một bộ phận không nhỏ học sinh (HS), sinh viên (SV) còn nhiều lệch lạc.

            1.3.1. Học sinh phổ thôngcủa ta hiện nay là người bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức (do chế độ thi cử, nạn luyện thi…) không phù hợp với tâm, sinh lý, sức khỏe của HS. Họ không còn thì giờ vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động xã hội. Họ lấy thi cử làm mục tiêu, vào đại học là cái đích phải đạt tới.Khi không vào được đại học, họ trở nên thất vọng chán chường. Nhà trường chưa phát huy được tính tích cực chủ động của HS, chưa chuẩn bị cho HS tinh thần sẵn sàng tham gia vào sản xuất và công tác.

            1.3.2. Không ít SV đại học của ta chưa xác định chính xác mục tiêu học tập.Họ chỉ học sao có mảnh bằng. Họ không quan tâm đến rèn luyện phương pháp học tập, phương pháp tư duy khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học, kỹ năng thực hành yếu, thiếu tinh thần tự giác học tập, thiếu tìm tòi sáng tạo và do vậy thiếu khả năng tự học suốt đời. Phần lớn SV rất lúng túng khi bước vào đời (SV khối kỹ thuật khi vào sản xuất phải đào tạo lại), ít khả năng thích nghi với hoàn cảnh xã hội. Điều đó thể hiện chất lượng đào tạo về chuyên môn và về tư tưởng đạo đức còn thấp.

1.4.Các nhà khoa học lo lắng rằng, đang tiềm ẩn nguy cơ chệch hướng trong GD-ĐT,cụ thể là: nguyên lý giáo dục kỹ thuật tổng hợp, giáo dục lao động và hướng nghiệp bị xem nhẹ; nguyên lý GD học đi đôi với hành, GD kết hợp với lao động sản xuất, GD nhà trường kết hợp với gia đình và xã hội không được quan tâm đúng mức. Việc GD khoa học xã hội và nhân văn chưa được coi trọng cả về nội dung lẫn hình thức và cũng chưa có phương pháp hữu hiệu làm cho HS, SV thích học môn học này. Vì thế nhân cách của một bộ phận không nhỏ HS, SV đang bị suy thoái, không say mê học tập và nghiên cứu khoa học; đấy là chưa kể tệ nạn nghiện ma túy, mại dâm, chơi đề, ăn cắp, ăn trộm và vi phạm pháp luật ngày một nhiều. Tóm lại, tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập vào nhà trường.

1.5. Hệ thống GD-ĐT còn cứng nhắc, khép kín,chưa gắn kết với xã hội bên ngoài, với nền kinh tế thị trường rất sôi động, với các cơ sở sản xuất dịch vụ kinh doanh, với các viện nghiên cứu khoa học - công nghệ, thành thử không tận dụng được cơ sở vật chất của nhau, chất xám của nhau để phục vụ cho GD-ĐT.

Hệ thống GD-ĐT kém linh hoạt, chưa thực sự liên thông dọc - ngang giữa các hệ thống nhỏ.Tất cả HS tốt nghiệp THPT dù giỏi hay kém đều được thi ĐH đã gây nên tình trạng “ùn tắc” “quá tải” như hiện nay. Chính phân luồng HS không tốt dẫn đến mất cân đối trầm trọng trong cơ cấu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực.

1.6. Những năm gần đây, hệ thống GD-ĐT bị mất cân đối về nhiều mặt (12).

            1.6.1. Mất cân đối về cơ cấu phân luồng (PLHS):

            + PLHS sau THCS vào THPT rất cao:Nếu năm 1990 là 40,27% thì năm 2006 là 79,8% (Đức 26%, Thụy Sĩ 30%, Mỹ 76%, Nhật 70%...).

            + Chỉ tiêu PLHS sau THCS và THPT vào Dạy nghề (DN), TCCN rất thấp:

            Tuyển mới vào DN năm 2006 là 9,3% và TCCN là 11,1%.

            + Chỉ tiêu PLHS sau THPT vào CĐ, ĐH rất cao:

            Năm 2006 có 882.443 HS tốt nghiệp THPT và TH bổ túc được tuyển vào CĐ, ĐH là 411.631 HS, tức 46,6%.

            1.6.2. Mất cân đối trong cơ cấu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo, cơ cấu trường trong 20 năm đầu đổi mới.

            - Về cơ cấu tuyển sinh:CĐ, ĐH tăng 11 lần,từ 37.404 SV năm 1986 tăng lên 411.631 SV năm 2006; trong khi đó DN chỉ tăng khoảng 4 lần, từ 53.000 HS năm 1986 lên 228.000 HS năm 2006.

            - Về cơ cấu đào tạo:CĐ, ĐH tăng 10 lần,từ 127.000 SV năm 1986 lên 1.363.167 SV năm 2006; còn DN chỉ tăng gần 3 lần, từ 120.000 lên 342.000 năm 2006.

            - Về cơ cấu trường:CĐ, ĐH tăng 4 lần, từ 93 trường năm 1986 lên 322 trường năm 2006, 347 trường năm 2007, 390 trường năm 2008; còn DN 366 trường năm 1986, giảm còn 129 trường năm 1998, sau tăng 262 trường năm 2006, 283 trường năm 2007, 315 trường năm 2008. Cần lưu ý, năm 2011 chỉ có 423 trường nghề, 269 trường TCCN nhưng lại có 446 trường ĐH, CĐ.Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tháng 11/2004, có 214 trường CĐ, ĐH. Như vậy, trong vòng 7 năm, số trường CĐ, ĐH tăng thêm 232 trường, trung bình 1 năm ra đời 33 trường, 1 tháng gần 3 trường CĐ, ĐH được thành lập.

            1.7. Mất cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực:

            Trong nhiều năm qua, cơ cấu đào tạo rất bất hợp lý, tất yếu dẫn tới cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối nghiêm trọng. Tỷ lệ ĐH/THCN/CNKT là:

            + 1/2,25/7,1% năm 1979 (13)                                    + 1/0,44/0,67% năm 2000 (14)

            + 1/1,68/2,3% năm 1989 (13)                                    + 1/0,54/0,83 năm 2002 (14)

                + 1/0,83/0,6% từ năm 1990-1995 (14)         + 1/1,16/0,92% năm 2004 (14)

            + 1/0,41/0,37 năm 1998 (14)                                + 1/1,17/0,91 năm 2006 (14)

                Ở thời kỳ đầu CNH, đại bộ phận lao động của ta làm việc với quy trình công nghệ nửa cơ giới và cơ giới thì cơ cấu nguồn nhân lực như trên là không thể chấp nhận. Cơ cấu nguồn nhân lực tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cần tuân theo quy luật của tiến bộ KHCN; ở thời điểm đầu CNH quy luật đó được thể hiện là:

            - Khu vực dịch vụ phân theo tỷ lệ: ĐH/TCCN/nhân viên = 1/4/10

            - Khu vực công nghiệp theo tỷ lệ: KS/kỹ thuật viên/CNKT = 1/4/60 CNKT lành nghề, 20 CN bán lành nghề và 15 lao động phổ thông.

            Để minh họa, chúng ta hãy xem tập đoàn Samsung của Hàn Quốc ở Việt Nam hiện nay họ bố trí cơ cấu nhân lực như thế nào? Cứ 100 lao động có 4,5 kỹ sư; 16,4% kỹ thuật viên TC; 65,8% CNKT; 13% lao động phổ thông (nguồn: Tổng cục DN 2006).

            1.8. Quy mô GD mở rộng, nhưng chất lượng GD yếu:

            Quy mô GD tăng mạnh hơn trước nhiều lần, cả về số lượng tuyển lẫn số lượng trường, như: ĐH dân lập, ĐH mở, ĐH tại chức “bung ra” tràn lan khắp nơi, rất tùy tiện; đào tạo cao học, tiến sĩ quá mở rộng, không theo tiêu chuẩn chặt chẽ như trước kia; do vậy chất lượng GD đang bị tầm thường hóa,càng lên cao càng như vậy. Cụ thể:  

            - Vốn kiến thức cơ bản và văn hóa của HS phổ thông rất yếu.

            - Khả năng thực hành sáng tạo và độc lập nghiên cứu của SV rất kém.

            - Năng lực ứng dụng kiến thức đã học của thạc sĩ, tiến sĩ vào thực tiễn càng hạn chế.

            Vì thế trong báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế năm 2005, diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã đánh giá chất lượng GD của 104 nước theo thang điểm 7 thì Việt Nam đạt 2,4 điểm xếp thứ 89/104, trong khi đó Singapore đạt 5,8 điểm xếp thứ 2/104; Thái Lan 3,2 điểm xếp thứ 65/104; Trung Quốc 3,2 điểm xếp thứ 66/104 nước (15)… Cần lưu ý rằng, đánh giá của WEF về năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế có một loạt các chỉ số, trong đó chỉ số về GD đại học Việt Nam xếp thứ 93 là chỉ số thấp nhất trong các chỉ số(báo cáo của TS Lê Đăng Doanh tại hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 12/11/2007). Khi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ, GS. David Dapice cho biết: Tỷ lệ đầu tư cho GD ở Việt Nam cao nhất khu vựcnhưng sinh lợi thấp, hiệu quả chưa cao. Ông dẫn chứng năm 2006: ĐH Seoul có 4560 bài báo đăng trên tạp chí danh tiếng, ĐH Bắc Kinh 2892 bài, ĐH Nus (Singapore) 3684 bài, ĐH Chulalongkon (Thái Lan) 734 bài thì ĐH Quốc gia và ĐHBK Hà Nội chỉ có 68 bài. Unesco công bố giám sát toàn cầu về GD năm 2008: Việt Nam tiếp tục mất điểm về chỉ số GD; tụt 9 bậc trong bảng xếp hạng để đứng vị trí 79/129 quốc gia (báo Lao động 8/11/2008). Hiện nay các trường ĐH Việt Nam kém nhất so với một số nước Đông Nam Á, chưa cần so với Đông Á [8 tr.28].

            1.9. Chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế thấp và giảm dần.

            Lưu ý: Chất lượng GD yếu làm cho chất lượng nguồn nhân lực thấp và giảm dần.WEF đã đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của 59 quốc gia để xếp hạng về lợi thế cạnh tranh bằng cách cho 100 điểm thì chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 32/100và năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế được xếp hạng như sau [15]:

+ Năm 1998 được xếp hạng thứ 39/59 quốc gia; + Năm 1999 được xếp 48/59 quốc gia; + Năm 2000 được xếp 53/59 quốc gia.

            Cũng theo báo cáo của WEF về năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế trong 7 năm tiếp theo thì Việt Nam được xếp thứ: 60/75 quốc gia năm 2001; 65/80 năm 2002; 60/102 năm 2003; 77/104 năm 2004; 81/117 năm 2005; 77/125 năm 2006; 68/131 năm 2007; 87/151 năm 2008. Như vậy, năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam 10 năm qua (1998-2008) (15)thấp, giảm dần do chất lượng nguồn nhân lực chủ yếu. Đánh giá này cũng phù hợp với nhận xét của tổ chức lao động quốc tế (ILO) năm 2010. Theo ILO, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng giảm, nguyên nhân do chất lượng nguồn nhân lực thấp trong khi nền kinh tế và KHKT phát triển theo cấp số nhân. Chất lượng nguồn nhân lực thấp còn do GD-ĐT hiện nay kém nên đã kìm hãm phát triển nguồn nhân lực, kéo theo sự suy giảm năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia; lưu ý rằng sự mất cân đối giữa cung - cầu lao động đang gia tăng:lao động nông thôn bị dồn nén, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chậm, lao động giản đơn rất cao trong khi đó kỹ năng hạn chế, lao động kỹ thuật có tay nghề chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là các ngành điện tử, cơ khí chế tạo và dầu khí (báo Lao động ngày 31/8/2010).

            1.10. Vấn đề đầu tư và công bằng xã hội trong GD-ĐT chưa hợp lý (16):

            Đầu tưcho GD-ĐT còn nhiều bất cập: Theo dự án tính chi phí cho GD Việt Nam của GS.TS Vũ Quang Việt - Chuyên gia cao cấp, Vụ trưởng Cục thống kê Liên hiệp quốc) thì đầu tư cho GD năm 2006 là 8,3% GDP, trong đó Nhà nước 3,45 tỷ USD khoảng 6%; còn dân 1,3 tỷ USD (Mỹ năm 2006 là 7,2% GDP). Ngoài ra còn hàng chục dự án với vốn đầu tư lớn: dạy nghề 121 triệu USD, ĐH 104 triệu USD, phát triển THCS, THPT, v.v… đều có vốn đầu tư tương tự. Như vậy đầu tư cho GD của ta cao hơn hầu hết các nước trong khu vực;nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có một trường PT, DN, TCCN, CĐ, ĐH nào đạt chuẩn như trường của khu vực vì đầu tư dàn trải, manh mún, chất lượng và hiệu quả thấp, tiền bị thất thoát… do chi tiêu kém minh bạch và lãng phí. Với cách quản trị như vậy đổ thêm tiền vào chỉ là giải pháp tình thế mà không thể giải quyết được vấn đề chất lượng [8 tr.27]. Do đó, vấn đề không phải do kinh phí hạn hẹp mà chủ yếu là vấn đề quản trị[6; 8].

            Việc thu học phí theo kiểu bình quân mà không tính đến những đối tượng cụ thể sẽ làm giảm đáng kể số lượng HS, SV nghèo(nhất là ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa) vào học các cấp, đặc biệt là vào học ĐH. Cũng như vậy, việc trợ cấp học bổng cho SV phải tính toán như thế nào để không rơi vào tình trạng: 80% người nghèo chỉ hưởng 1/3 trợ cấp của Nhà nước, còn 20% người giàu lại hưởng 2/3 trợ cấp của Nhà nước (số liệu của Bộ Tài chính).

            2. Những nguyên nhân cơ bản:

            2.1. Trước hết, việc quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô(bao gồm cả việc hoạch định, điều chỉnh chính sách của Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và một số Bộ, Tổng cục có liên quan chứ không chỉ là  Bộ GD-ĐT) còn nhiều hạn chế: thiếu tầm nhìn xa trông rộng, thiếu thực tiễn nên kế hoạch đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo mất cân đối nghiêm trọng; một số chính sách tạo động lực mạnh cho việc dạy và học không được cải tiến, thậm chí hết tác dụng (bỏ thâm niên giáo viên); chế độ tiền lương và chế độ tài chính quá lạc hậu và bất hợp lý kéo dài,… Như vậy, phần lớn những khó khăn yếu kém đó không phải là tất yếu khách quan, không phải do cơ chế thị trường, không phải do đất nước còn nghèomà chính là do ta tự tạo ra, do ta chưa có được cơ chế điều chỉnh thích ứng với những đòi hỏi của GD trong điều kiện mới của cơ chế thị trường.

            2.2.Trong khi cần đánh giá đúng mức các thành tựu to lớn của GD-ĐT trong công cuộc đổi mới thì rất đáng tiếc là dấu ấn của tư duy cũ và cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêuvẫn còn khá rõ nét khi thiết kế, ban hành các quyết định về GD-ĐT và chỉ đạo thực hiện nó. Vì vậy, một loạt chủ trương chính sách đã thể hiện tính không nhất quán,cụ thể là: luôn luôn thay đổi tổ chức, quản lý và cấu trúc của hệ thống giáo dục(năm 1987 nhập Tổng cục DN về Bộ ĐH, 1990 hợp nhất Bộ GD với Bộ ĐH, 1998 tách dạy nghề về Bộ LĐ-TB-XH…). Luôn luôn diễn ra các thử nghiệmtừ GD mầm non, qua GDPT đến GDĐH… Tình trạng đó có nguyên nhân khách quan, nhưng cũng chứa đựng không ít các quyết định mang tính ngẫu hứng, tùy tiện,làm mất đi sự ổn định cần có của một hệ thống GD mang tính xã hội cao mà phải mất đi nhiều năm mới đi vào nề nếp.

            2.3. Từ năm 1986 (bắt đầu đổi mới) đến nay, Trung ương đã có nhiều nghị quyết đúng đắn, nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc.Điều đó cho thấy không phải chỉ do những sai lầm cục bộ về điều hành quản lý (tuy trách nhiệm của bộ máy quản lý không nhỏ) mà chủ yếu sai lầm từ gốc, từ nhận thức, quan niệm đến hành động thực tiễn của các cấp bộ Đảng, chính quyền và các doanh nghiệp nhằm khẳng định vai trò và tầm quan trọng của GD-ĐT trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tóm lại là sai lầm có tính hệ thống và toàn cục, sai lầm thiết kế. Vì vậy phải xây dựng lại từ gốc.

            2.4. Chưa tạo được mục tiêu và động lực đúng đắn cho việc học: Trong nền kinh tế quản lý tập trungtrước đây, thì động lực và mục tiêu của việc học là rõ ràng: học để kiếm một vị trí nghề nghiệp, một chức vị trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Trong nền kinh tế thị trườngthì học để có năng lực xoay sở, mưu sinh trong một môi trường nhiều biến động và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ở nước ta, giai đoạn vừa qua thị trường bước đầu đã hình thành, nhưng còn èo uột, lại đặt dưới sự chỉ đạo quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nên đối với GD-ĐT  động lực học để đáp ứng yêu cầu của thị trường còn yếu ớt và chưa có được môi trường thuận lợi để nảy nở mà cố tìm được vị trí dính đến quyền lực, thì việc thực học xem chừng chẳng phải là con đường tối ưu.

            2.5. Tình trạng lạc hậu trầm trọng trong nội dung và phương pháp dạy và học.

            Trong môi trường đó, ngoài một số trường, lớp dạy sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông; dạy về quản trị kinh doanh, về ngoại ngữ… thì có nhu cầu thực của kinh tế thị trường, còn đa số người học, học là để thi, để lên cấp cao hơn, để có học vị, bằng cấp…và đối với không ít người nếu bằng cách nào đó có được bằng cấp, học vị mà không phải học càng tốt.Vì thế, kẻ thì học nhồi nhét, học thêm, học ngoài đến khốn khổ; người thì lo chạy chọt để kiếm chứng chỉ giả, bằng giả. Rõ ràng, kiến thức đối với người học là vô dụng, còn người dạy cũng chẳng hứng thú gì để trau dồi và cải tiến phương pháp. Vậy làm thế nào để tạo ra những yếu tố tích cực, nhằm vực dậy sự thực họccủa ta sau khi những nhố nhăng của thời “hỗn độn” qua đi [6].

            2.6.Một nguyên nhân khó khắc phục nhất là lực lượng thầy giáo, hiện nay quá thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, cả về chất lượng chuyên môn và lòng yêu nghề.Điều này ai cũng thấy rõ, đã nhiều người nói đến và nói nhiều lần, nhưng giải pháp khắc phục thì vẫn còn mờ mịt. Bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn và nâng cao đời sống vật chất cho thầy giáo là yêu cầu hiển nhiên, nhưng đâu là giải pháp khả thi để thực hiện được những yêu cầu hiển nhiên và đơn giản đó?

            3. Các giải pháp chủ yếu:

            3.1.Mọi thành tựu và yếu kém của GD-ĐT đều liên quan đến thành tích và yếu kém của hệ thống kinh tế và xã hội của nước ta trong giai đoạn vừa qua. Vì thế cần đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải cách hành chínhđể tạo ra môi trường kinh tế xã hội lành mạnh, có nhu cầu thực sự và ngày càng lớn một lực lượng lao động có năng lực, có tri thức là nhân tố cơ bản để khuyến khích việc thực học, thu hẹp dần phần đất của những tiêu cực và tạo lại dần cơ sở cho một nền GD-ĐT lành mạnh.Mặt khác, Nhà nước cần hành động tức thời và quả quyếttrong một số chính sách có liên quan đến GD, khắc phục sự thiếu vắng của những tiếng nói phản biện với tinh thần xây dựng của các nhà khoa học.

            3.2.Để xây dựng lại GD-ĐT từ gốc, trước hết cần thay đổi tư duy GD, xác định lại quan điểm về mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chức năng của nhà trường.Nên rà soát lại để dứt khoát từ bỏ đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt… Thay vào đó là xây dựng mẫu người hiện đại, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, có tư duy độc lập, sáng tạo, thích cái mới, thích dấn thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro thử thách vì nghĩa lớn, nhất là trung thựctrong mọi mặt hoạt động, đồng thời chú ý giáo dục thẩm mỹ cho HS.

            3.3. Xóa bỏ tình trạng dạy thêm học thêm bằng cách đổi mới triệt để chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo ở tất cả các cấp họcsao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, phục vụ sát với yêu cầu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo kịp trình độ tiên tiến thế giới. Trên cơ sở đó, kiên quyết cắt bỏ trong chương trình học tập những kiến thức không cần thiết và kiến thức vượt quá sức lứa tuổi HS,giảm nhẹ nội dung chuyên môn, rèn luyện toàn diện, phát huy tính chủ động sáng tạo trong học tập của HS, tạo điều kiện cho HS học tập thoải mái, tiến tới xóa bỏ tình trạng dạy thêm học thêm.

            3.4.  Đổi mới cơ bản công tác tuyển sinh, gắn công tác này với việc đổi mới chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân (GDQD)cũng như cải cách triệt để các chế độ thi cử, tuyển chọn, tuyển dụng…để khắc phục tình trạng học chỉ để thi, học vì bằng cấp; ở đây phải đổi mới việc tuyển sinh cao học và nghiên cứu sinhtheo hướng phát huy vai trò của các trung tâm ĐH lớn, các nhà khoa học trong việc tuyển lựa và đào tạo nhân tài cho đất nước… Bên cạnh đó cần làm trong sạch xã hội khỏi những tệ nạn của bệnh sính hư danh, chuộng hình thức…

            3.5. Bồi dưỡng nhân tài và xây dựng 2 trường ĐH chất lượng cao:

            Trong khi nâng cao dân trí, mở rộng cửa nhà trường, kể cả ĐH cho đông đảo người dân thì GD không thể coi nhẹ việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tàivì số lượng và chất lượng người tài được đào tạo là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá hiệu quả GD của một quốc gia.Cho nên, người tài phải được nâng niu, nuôi dưỡng từ GDPT, đặc biệt GDĐH phải có biện pháp hữu hiệu để khuyến khích tài năng ngày càng phát triển cao. Một trong những biện pháp đó là đề án xây dựng trường ĐH chất lượng cao do 6 trí thức Việt Kiều soạn thảo [7], đề án đã hoàn thành và gửi tới Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 9 năm 2005; đề án đã đi sâu ở một mức độ nhất định vào chương trình học, vấn đề quản trị ĐH, tuyển sinh và tuyển giảng viên; đề án cũng tính toán chi phí tối thiểu, đạt cơ sở cho tính khả thi và điều kiện kinh tế hiện nay của đất nước [11tr.49-78]. Nhóm tác giả đề nghị, cần thiết lập trong thời gian sớm nhất hai ĐH công lập, chất lượng cao, ở Hà  Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

            3.6.Cần có kế hoạch xây dựng dần, nhưng tích cực việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi khâu trong GD,từ nội dung đến phương pháp và quản lý; phát triển việc nối mạng internetđến các cơ sở GD-ĐT, các trường học… đặc biệt phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục từ xa, giáo dục thường xuyênđể không ngừng mở rộng chúng cả về phạm vi, quy mô, hình thức, đối tượng,đáp ứng một cách tiết kiệm, linh hoạt và hữu hiệu nhu cầu học tập của người lao động và sinh hoạt của đông đảo người dân. Từ đó xây dựng xã hội ta thành một xã hội học tập,trong đó mọi người dân có tinh thần hiếu học mới, lòng ham chuộng trí thức, thói quen tự học, tự hoàn thiện hiểu biết và nhân cách của mình để sống và làm việc tốt hơn.

            3.7.Yếu tố quyết định cần được chăm sóc bồi dưỡng và phát triển ngay là lực lượng thầy giáo.Cần giải quyết tốt đời sống của thầy giáobằng phụ cấp thâm niên, chi trả thỏa đáng giờ dạy, công biên soạn tài liệu, giáo trình, các bài báo cáo khoa học, v.v… để thầy giáo toàn tâm, toàn ý cho việc dạy học và tham gia công tác GD-ĐT. Mặt khác, cần chăm lo xây dựng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thầy giáo.Khẩn trương trẻ hóa đội ngũ thầy giáo ĐH vì có tới 90% đội ngũ giáo sư ĐH hiện tại đã, đang đến tuổi nghỉ hưu.

            3.8. Dân chủ, công bằng xã hội trong GDlà xu hướng của xã hội tiến bộ hiện đại. Trong GD dân chủ, công bằng có nghĩa là bảo đảm cho mọi công dân quyền bình đẳng về cơ hội học tậpcơ hội thành đạt trong học vấn.Chỉ khi nào có dân chủ, công bằng trong GD; chỉ khi nào mọi người, dù giàu nghèo, sang hèn, có cơ hội học tập và thành đạt ngang nhau thì khi đó tiềm năng trí tuệ của xã hội mới được khai thác hết. Hiện nay, ngoài học phí, HS phải đóng nhiều khoản khác nữa thì HS nghèo, HS vùng sâu, vùng xa không chịu đựng được phải bỏ học. Vì vậy càng cần phải thực hiện công bằng trong GD.

            3.9. Cải tổ mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, quản lý, tổ chức GD-ĐTtheo hướng phát huy dân chủ, trí tuệ, tiềm năng của toàn ngành, toàn dân để phát triển GD; đồng thời bảo đảm ổn định lâu dài cơ cấu tổ chức và hệ thống GD.

Bộ GD-ĐTcần kiên quyết loại bỏ các công việc quá cụ thể thuộc phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của địa phương và các trường ĐH để tập trung thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về GD; giúp Chính phủ hoạch định các chính sách, chủ trương về GD. Các trường ĐH, các cơ sở đào tạotrong phạm vi hoạt động của mình cần được phát huy cao quyền chủ động (tự chủ), sáng tạovà tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức và quản lý nhà trường, trong việc thực hiện và tổ chức lại quy trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác. Cần cải tổ Hội đồng GD quốc giathành một Hội đồng thật sự có năng lực tư vấn ở tầm chiến lược.

Cần công khai ngân sách Nhà nước dành cho GD vì sự minh bạch sẽ giúp Chính phủ huy động dễ dàng nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân và doanh nghiệp cho GD; quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nhất vốn đầu tư của Nhà nước và nhân dân cho GD;tăng cường công tác thanh tra GD, kiểm định đánh giá chất lượng GD.

            3.10. Cần cải cách căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống GDQD.

Cải cách toàn diệnhệ thống GDQD được hiểu là việc cải cách được thực hiện trên 5 mặt sau:Cải cách mục tiêu GD, cải cách cơ cấu hệ thống GD, cải cách chương trình và nội dung GD, cải cách phương pháp GD và cải cách công tác quản lý GD. Cải cách đồng bộhệ thống GDQD nghĩa là cả 5 mặt trên phải được tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp học, bậc học (từ GD mầm non, qua GD phổ thông, GD nghề nghiệp đến GDĐH), ở tất cả các trường thuộc các vùng miền khác nhau trong toàn quốc, đương nhiên mức độ ở mỗi nơi là khác nhau. Cải cách căn bảnnghĩa là tìm ra được vấn đề chính yếu nhất, cốt lõi nhất, quan trọng nhấtmà nếu giải quyết nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác của toàn bộ hệ thống GDQD hoặc của từng hệ thống nhỏ trong hệ thống GDQD. Tìm được vấn đề căn bản rồi, phải ưu tiên nó thực hiện cải cách nó đầu tiên. Trong 5 mặt cần cải cách ở trên thì cải cách cơ cấu hệ thống GDQD là căn bản nhất, quan trọng nhấtvì nó xác định các bậc học, cấp học; xác định các loại hình trường từ phổ thông đến đại học. Cho nên cải cách cơ cấu hệ thống GDQD là việc cấp bách nhất, cần làm ngay [10].

Những ý kiến đóng góp trên của các nhà khoa học, các nhà giáo dục trong và ngoài nước là chân thành, tâm huyết. Kính mong các cấp có thẩm quyền trong giáo dục đào tạo xem xét, tham khảo.


(1) Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Tư vấn KHCN.

(2)(3)(4)40 nhà khoa học đầu ngành của Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam, đại diện cho 3 khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật (gồm: GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, GS.VS Nguyễn Văn Đạo, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, GS.Phan Huy Lê, GS. Trần Quốc Vượng, GS.TSKH Hà Học Trạc, GS.TSKH Phan Đình Diệu, GS.TSKH Nguyễn Quang A, GS.TSKH Trần Đình Long, GS.TSKH Đỗ Sanh…) đã đóng góp ý kiến cho Dự thảo nghị quyết TW2 khóa VIII; dự thảo chiến lược GD-ĐT 2001-2010; Dự thảo Luật GD 2005,v.v…

(5)Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2004, 2006): Đổi mới có tính cách mạng nền GD-ĐT của nước nhà.

(6)Hoàng Tụy và 24 GS (2004): Kiến nghị về chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục. Trong 3 tháng 3-4-5 năm 2004 diễn ra liên tục 5 cuộc hội thảo của 24 nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có 6 nhà khoa học Việt kiều đến từ Pháp, Mỹ, Nhật, Ý và Bỉ. Kiến nghị là kết quả tổng hợp qua 5 lần hội thảo, là những lời tâm huyết, xuất phát từ sự suy nghĩ, trăn trở nhiều năm và ý thức trách nhiệm của các nhà khoa học đối với sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà; bản kiến nghị này đã được gửi tới TW Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Bộ GD-ĐT.

(7)Đề án (2005): Sử dụng trí thức Việt Kiều để xây dựng GDĐH chất lượng cao.

     Tham gia đề án: Hồ Tú Bảo - GS tin học, Viện KH và CN tiên tiến Nhật Bản; Trần Nam Bình - GS kinh tế, ĐH New South Wales Australia; Trần Hữu Dũng - GS kinh tế ĐH Wright State DayTon, Ohio Mỹ; Trần Văn Thọ - GS kinh tế ĐH Waseda Tokyo, Nhật Bản; Hà Dương Tường - GS toán ĐH Công nghệ Compiègne Pháp; GS Vũ Quang Việt - Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Cục thống kê Liên Hợp Quốc.

(8) “Lựa chọn thành công” (2007): báo cáo của nhóm GS và chuyên gia ĐH Harvard về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2010-2020 được thực hiện theo yêu cầu của chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và khi hoàn thành đã được trao tận tay Thủ tướng. Nhóm GS và chuyên gia đầy uy tín này gồm: David Dapice, Dwight Perkins, Nguyễn Xuân Thành, Vũ Thành Tự Anh, Huỳnh Thế Du, Jonathan Pincus, Anthony Saich, Benjamin H.Wilkinson… Báo cáo này được tổ chức Liên Hợp Quốc ở Việt Nam tài trợ.

(10)Đặng Danh Ánh (2011): Cải cách cơ cấu hệ thống GDQD, tr.26. Kỷ yếu Hội thảo “Đổi mới căn bản toàn diện nền GDVN”, Viện KHGDVN tháng 11/2011.

(11) Những vấn đề giáo dục hôm nay, quan điểm và giải pháp của nhà xuất bảnTri thức, in năm 2007 của nhiều tác giả trong nước, trí thức Việt kiều, đặc biệt có 2 tác giả là người nước ngoài.

(12)Đặng Danh Ánh (2011): Thực trạng và giải pháp phân luồng và liên thông trong hệ thống GDQD (tr53-63 Kỷ yếu hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện nền GDVN” của Viện KHGDVN tháng 11/2011).

(13)Nguồn: Tổng cục Dạy nghề.

(14)Nguyễn Minh Đường (2008): GD nghề nghiệp Việt Nam trên bước đường phát triển và hội nhập; kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, Hà Nội.

(15)Trong các cuốn The Global Compentiliveness Report từ năm 1998-2008.

(16)Xem chi phí cho GD Việt Nam của Vũ Quang Việt đăng báo Lao động ngày 18/9/2007.

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.