Lò gạch không khói - giải pháp thay thế hiệu quả
Theo đánh giá của ông Lê Xuân Thảo, Trưởng ban Thư ký Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2004, lò gạch liên tục kiểu đứng hiệu suất cao (VSBK) ra đời đã giải quyết được 2 vấn đề cơ bản là hạn chế ô nhiễm môi trường, đạt hiệu suất cao với giá thành thấp.
Xét về khả năng giảm thiểu sự ô nhiễm, lò VSBK có cấu tạo kiểu đứng, với quy trình nung gạch gồm 4 giai đoạn: sấy, gia nhiệt, nung và làm nguội, diễn ra từ trên xuống. Gạch được cấp liên tục vào lò từ phía trên, ngược chiều với dòng khói mang nhiệt đi từ dưới lên để gia nhiệt cho viên gạch. Chính nhờ đặc điểm đó, nhiệt được tận dụng một cách tối đa giữa các giai đoạn. Chẳng hạn, khói thải của giai đoạn nung sẽ là môi chất gia nhiệt cho gạch mộc ở trên đi xuống; không khí lạnh từ dưới lên sẽ được gia nhiệt nhờ nhận nhiệt từ lớp gạch làm nguội sau giai đoạn nung. Bằng cách đó, năng lượng được tái tạo trong viên gạch mà không mất đi đâu cả, lượng khói thải ra hầu như không còn. Quá trình sản xuất liên tục cũng tiết kiệm được nguyên vật liệu như tre, củi, dầu, và đảm bảo các viên gạch ít bị hao vỡ so với lò thủ công gián đoạn.
Theo tính toán cụ thể của nhóm tác giả, lò VSBK giảm 50% tiêu hao nhiên liệu so với lò thủ công, lưu lượng khói thải giảm 11,5 lần, lượng SO2 và CO2 giảm 6 lần, nhiệt độ khói thải thấp (100-150 độ C).
Xét về công suất, kết quả thử nghiệm mô hình lò gạch liên tục kiểu đứng ở xã Xuân Quan, Hưng Yên, đã cho thấy trong khi lò VSBK có thể đạt được công suất 1.943.000 viên gạch một năm, thì lò thủ công chỉ cho ra mỗi năm 1.200.000 viên. Như vậy, công suất chỉ bằng 62% so với lò gạch liên tục kiểu đứng.
Còn xét về chi phí xây dựng, so với lò tuynen hiện đại - được sử dụng ở các cơ sở sản xuất lớn hiện nay - lò VSBK chỉ cần 1/3 vốn đầu tư, mà chất lượng gạch vẫn bảo đảm. Chính vì vậy, ông Thảo đã nhận định: "Lò gạch liên tục kiểu đứng phù hợp hơn cả với những hộ sản xuất vừa và nhỏ, bởi vốn đầu tư ít mà chất lượng gạch thì vẫn tốt". Theo ông Thảo, lò VSBK cần được khuyến khích sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa.
Ông Trương Ngọc Tuấn, tác giả công trình, cho biết hiện lò VSBK đã được ứng dụng ở một số tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương, Đồng Nai, Nam Định, Sơn La, Hà Nam, Hoà Bình. Tiến tới, nhóm sẽ tạo ra những lò gạch tự động hoá trong khâu cho gạch và rút gạch ra khỏi lò. Đồng thời, bên cạnh các loại gạch đặc, 2 lỗ, 4 lỗ, sẽ cung cấp cả những sản phẩm rỗng với chất lượng ngày càng cao.
Theo Người Lao Động ngày 8/4/2005