Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Định: Nỗ lực đưa khoa học vào đời sống
Nghiên cứu theo nhu cầu thực tế
Cuối tháng 11.2014, người dân ở các xã được xem là “rốn lũ” Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát) chính thức ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa thích ứng úng ngập và nhiễm mặn. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án (DA) “Chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa thích ứng úng ngập và nhiễm mặn cho cộng đồng, nhằm duy trì sản xuất lúa hiệu quả, hạn chế tình trạng hoang hóa đất trồng lúa trong điều kiện nhiễm mặn gia tăng vì nước biển xâm nhập sâu do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở vùng ven đê Đông tỉnh Bình Định”, do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. DA được triển khai đến tháng 3.2017.
Thực hiện DA này, Sở NN-PTNT đã chọn giống lúa ĐV108 đưa vào mô hình, đồng thời phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phục tráng giống lúa này trở thành giống ĐV108 PT siêu nguyên chủng vào cuối năm nay. Ông Nguyễn Thi, nông dân ở xã Phước Hòa, cho biết: “Lâu nay, bà con quen canh tác truyền thống, một sào ruộng sử dụng 10-15kg giống, bón phân thì chờ đến khi lúa lớn một chút. Bây giờ, lượng giống gieo sạ chỉ còn 5kg/sào, phân bón được sử dụng ngay từ đầu để cây lúa cứng cáp, phát triển được trong môi trường bị ngập úng”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh, cho rằng, mục tiêu của DA là thực hiện các mô hình trình diễn kỹ thuật thâm canh lúa thích ứng ngập úng và nhiễm mặn, nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng vùng bị tác động mưa lũ, triều cường, nước biển dâng do BĐKH. Đồng thời, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý của chính quyền, người dân về BĐKH gắn với sản xuất nông nghiệp bền vững.
Đây là DA được LHH chủ trì và làm “cầu nối” để các Hội thành viên triển khai đến người dân trong năm 2014. LHH còn tạo điều kiện đưa về các khoản hỗ trợ cho Hội Làm vườn tỉnh và Hiệp hội Thủy sản thực hiện các DA: “Hỗ trợ thực hiện chính sách phát triển cây sắn bền vững thông qua các mô hình thâm canh sắn dựa vào cộng đồng, trên diện tích đất có nguy cơ thoái hóa, bạc màu do điều kiện canh tác và các tác động BĐKH”, “Quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái vùng biển ven bờ và phát triển sinh kế cho cộng đồng tại xã Nhơn Hải”. Riêng LHH đã tập hợp lực lượng khoa học chủ trì thực hiện DA “Xây dựng mô hình xử lý ô nhiễm bãi rác thải, sinh hoạt xã Nhơn Lộc”.
“Trong nghiên cứu, chúng tôi tập trung trọng tâm là những đề tài gắn liền với nhu cầu thực tiễn của đời sống, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh nỗ lực của LHH, các Hội thành viên theo nhiệm vụ của ngành cũng đã thực hiện nhiều đề tài. Từ đó phát huy tiềm năng “chất xám” của cán bộ khoa học, đồng thời tạo điều kiện để đội ngũ trí thức KHCN đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của tỉnh” - bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch LHH, nhấn mạnh.
Mở rộng phổ biến kiến thức KHCN
Hiện nay, LHH có khoảng 6 vạn hội viên với gần 20 Hội thành viên, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, rất nhiều hội viên của LHH hiện đang là cán bộ làm công tác nghiên cứu tại các sở, ngành. LHH đã xây dựng nhiều hình thức thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHKT đến các hội viên và giúp người dân tìm hiểu thêm về hoạt động khoa học công nghệ trong tỉnh.
Trong năm qua, LHH đã phối hợp với Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tổ chức buổi nói chuyện của Giáo sư Michel Mayor (Đại học Geneva - Thụy Sĩ) về chủ đề “Những thế giới khác trong vũ trụ. Cuộc tìm kiếm những anh em song sinh của trái đất”, thu hút gần 1.000 hội viên và những người yêu thích thiên văn tham dự. LHH còn tham gia các hoạt động phổ biến hoặc tiếp nhận kiến thức KHKT, KHCN thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu chính sách; nghiên cứu, quản lý ngập lụt; sáng kiến minh bạch trong khai thác khoáng sản; BĐKH với đô thị hóa và sinh kế ven biển…
Trong khi đó, kênh tuyên truyền thông qua website www. bidiusta.vn của LHH đi vào hoạt động giúp đa dạng thông tin phổ biến KHCN. Ngoài các thông tin về tin tức, sự kiện… dựa theo đặc thù của hoạt động KHCN trong tỉnh và thế mạnh nghiên cứu của các hội thành viên, trang thông tin này còn có các mục chuyên về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và các nghiên cứu ứng dụng về BĐKH; cập nhật thường xuyên thông tin KHKT trong nước và thế giới phù hợp, có thể ứng dụng tại địa phương. Ngoài ra, website cũng là nơi các hội viên có thể đăng tải thông tin hoạt động của hội mình; chia sẻ, phổ biến các nghiên cứu, thông tin khoa học, các tiến bộ kỹ thuật đến người dân.
Trong năm 2014, LHH đã xuất bản 4 bản tin KHKT, với số lượng 400 bản/số. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết: “Trong năm nay, bản tin sẽ được tăng lên 600 bản/số để mở rộng phát hành đến tất cả 159 xã, phường trong tỉnh, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn các kiến thức KHCN để ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày”.